Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: ‘Làm bằng sự thành tâm sẽ nhận được thành quả’

0
3697

Không chỉ là nhà giáo, họa sĩ, diễn viên, diễn giả, doanh nhân và nhà thiết kế thương hiệu áo dài đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế từ 1989 đến nay. Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng dù trong vai trò nào, anh đều làm “tròn vẹn” để lại dấu ấn sâu sắc khó quên trong công việc đảm nhận.

Năm 2017 – NTK Sĩ Hoàng được mời tham gia Ngày “Văn hóa Việt Nam – Seoul – Hàn Quốc”.

Với Sĩ Hoàng một bên là sự bay bổng, khả năng tư duy đa chiều của người sáng tạo; một bên là sự nghiêm túc, khả năng liên kết tốt của một nhà sư phạm; cộng với sự tỉnh táo vốn có của một doanh nhân là ba lĩnh vực được NTK Sĩ Hoàng vận dụng, gắn kết đến sự thành đạt và trên tất cả mọi điều được làm từ sự thành tâm đều mang lại những thành quả xứng đáng.

Gặp gỡ NTK Sĩ Hoàng trong một không gian đầy tính nghệ thuật tại Viện Trang Phục Việt, số 29/9 DEF Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, mang đến một cuộc trò chuyện thú vị, những nhìn nhận sâu sắc về nghề nghiệp và cuộc sống sau chặng đường 30 năm tạo dựng và phát huy thành tựu trong lĩnh vực giảng dạy mỹ thuật, hoạt động thời trang, cố vấn và tham dự các sự kiện văn hóa các Lễ hội Áo Dài tại Tp.HCM, Lễ hội Áo Dài Festival Huế và ngoại giao văn hóa gần 20 quốc gia trên thế giới, là nhà sáng lập Bảo tàng Áo Dài đầu tiên trong cả nước.

Mặc dù rất bận rộn công việc nhưng NTK Sĩ Hoàng vẫn dành thời gian trò chuyện đầy thú vị với Thế giới Khởi nghiệp.

Được biết NTK Sĩ Hoàng khởi nghiệp với vai trò chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và là giảng viên các trường Đại học khác,… Ngoài ra anh đảm nhận khá nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa anh đến với những công việc?.

NTK Sĩ Hoàng: Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ cho theo học lớp năng khiếu hội họa, đến năm 16 tuổi đảm nhận dạy lớp xóa mù chữ cho địa phương như có một sự cảm mến với nghề nhà giáo. Đến khi tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật, đã quyết định nộp đơn trở thành giảng viên mỹ thuật Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM với mong muốn đi dạy, nhưng vẫn có thể tiếp tục sáng tạo trên con đường nghệ thuật.

Từ những tác phẩm tranh khắc đồ họa, Sĩ Hoàng cảm nhận sao không thử vẽ những bức tranh trên áo dài để mỹ thuật có thể đi sâu rộng hơn vào trong đời sống. Với triết lý tạo mẫu đưa hội họa vào trang phục truyền thống, ngọn nguồn sự sáng tạo chính là những chất liệu từ cuộc sống đời thường, tìm kiếm các ý tưởng từ kho tàng văn hóa dân tộc và từ thiên nhiên bình dị. Song song với việc đi dạy, tôi bắt tay vào công việc thiết kế áo dài, lập doanh nhiệp, mở cửa hàng kinh doanh. Sau đó thiết kế thêm đồng phục cơ quan, thiết kế phục trang sân khấu, bén duyên với nghề diễn viên với vốn sống và nền tảng vững chắc được đào tạo từ nghề nghiệp mình chọn.

Từ nhỏ anh mê vẽ và lớn lên vẫn làm những công việc liên quan đến vẽ. Vậy, làm thế nào để anh có thể giữ lửa đam mê?.

NTK Sĩ Hoàng: May mắn được bố mẹ tạo điều kiện ngay từ lúc còn nhỏ. Lúc 5, 6 tuổi đã hay thích vẽ trên những bức tường, bức vách, đồ dùng trong nhà đều có hình vẽ khắp nơi không bị la mắng. Vào các kỳ nghỉ hè, được tham gia các lớp học vẽ, bố mẹ luôn khuyến khích tôi phát huy sự sáng tạo bằng việc vẽ những tấm thiệp để tặng người thân, bạn bè vào những dịp lễ, tết. Thời sinh viên kiếm được tiền ăn học từ việc vẽ thiệp, vẽ minh họa cho trang thơ văn của báo Tuổi trẻ, báo Phụ Nữ và vẽ bìa sách truyện. Tất cả những điều đó làm cho Sĩ Hoàng được sống với cái nghề đã chọn, khi nhìn lại những gì đã làm chợt nhận ra rằng, không chỉ đơn thuần là cái đẹp, còn truyền tải những thông điệp đến với người xem. Nhận ra được sức mạnh công việc sẽ trở thành nghiệp rồi, nghĩa là nó vận vào bản thân như một sứ mệnh và buộc ta phải gửi gắm những thông điệp, những giá trị vào trong đời sống. Khi xem nghề là nghiệp ta sẽ kiên trì đeo đuổi suốt đời. Tôi hay ví von cái nghề nghiệp mình làm giống như một người mẹ nuôi con, không chỉ duy trì bằng sự tận tâm, trách nhiệm, không chỉ bằng sự yêu thích hay được nuôi bằng niềm đam mê, mà là sự cam kết cho dù lúc khó khăn hay thuận lợi, dẫu thất bại vẫn đứng lên và đi tiếp.

Anh có nghĩ việc giáo dục từ sớm đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của một đứa trẻ?.

NTK Sĩ Hoàng: Người xưa đã dạy “Con trong dạ mạ đi tu”, một đứa bé từ trong bụng mẹ đã bắt đầu được thai giáo rồi, và trong 6 năm đầu đời sinh ra là thời gian vàng cho một đứa trẻ được nhập các “dữ liệu” tốt và nền tảng về giáo dục và kỹ năng sống. Con trai tôi năm nay 10 tuổi, nhưng cháu đi học hoàn toàn không bị bắt ép phải học tốt tất cả các môn, những môn nào cháu thích nhất tôi sẽ đầu tư và theo dõi cháu phát triển tư duy và thể chất trong những giai đoạn khác nhau. Ví dụ từ 1 đến 5 tuổi cháu thích vẽ và tốt nghiệp mẫu giáo với hơn 3000 bức tranh, nhưng bây giờ thì cháu lại thích những môn vận động về cơ thể. Khi nghe cháu nói con thích làm cầu thủ tôi đăng ký cho cháu học lớp cầu thủ nhí. Như vậy, để định hướng đúng nghề nghiệp phải quan tâm sự phát tiển của trẻ từ nhỏ và phải bắt đầu từ gia đình, sau đó rộng hơn là nhà trường và xã hội.

Người trẻ ngày nay dường như rất dễ chán nản với công việc và thiếu định hướng trong cuộc sống. Anh nghĩ sao về điều này?.

NTK Sĩ Hoàng: Người trẻ than vãn vì thường bị chọn sai nghề. Một hiện trạng ở Việt Nam bấy lâu nay là việc các gia đình chờ con mình học hết lớp 12 rồi mới ngồi lại định hướng cho các cháu, thậm chí chọn ngành nghề học theo ý thích của cha mẹ, chọn theo trào lưu…. Rõ ràng việc định hướng nghề theo sở thích không căn cứ vào sở trường chính là lý do khiến cho các bạn trẻ dễ bị chán nản.

Năm 2016 – NTK Sĩ Hoàng vai Ông Mười làm vườn – Kịch “Nửa đời Hương phấn”.

Là người làm việc trong ngành sư phạm, Sĩ Hoàng có định hướng hay lời khuyên nào cho giới trẻ hiện nay?.

NTK Sĩ Hoàng: Sĩ Hoàng không tham vọng sẽ ảnh hưởng hay định hướng đến ai. Hãy tạo dựng cho mình một nhân hiệu, một hình mẫu tốt nhất có thể trong khi được đào tạo ngành học và làm nghề. Bản thân hãy như bông hoa thơm hay đẹp thì tự khắc sẽ có người ngắm, thậm chí cho dù là hoa mắc cỡ, hoa mười giờ, hoa hồng hay hoa lan… nếu như có người thích bông hoa đó thì sẽ nâng niu, còn nếu mình chỉ là loài cỏ dại thì tự bị đào thải hay sớm muộn bị nhổ bỏ.

Năm 2018 – NTK Sĩ Hoàng vai Nguyễn Hiền trong vở Kịch “Yêu là thoát tội”.

Quay lại với sự nghiệp của anh, không chỉ thành công trong lĩnh vực thiết kế, Sĩ Hoàng còn gây ấn tượng rất lớn với khán giả khi làm diễn viên trên sân khấu. Điều gì đã khiến anh hóa thân thành công như vậy?.

NTK Sĩ Hoàng: Khi làm diễn viên trên sân khấu, lúc đó không phải là nhận vai mà  “sống cùng nhân vật”. Từ cái ánh mắt, cái nhếch mép… đều phải toát ra một cách tự nhiên, chân thực khiến khán giả phải nghĩ rằng “À, đó là nhân vật chứ không phải là Sĩ Hoàng nữa”. Vì vậy phải tìm hiểu, nghiên cứu, xâm nhập vào đời sống nhân vật để hiểu rõ về hình tượng mình đảm nhận.

Năm 2016 – NTK Sĩ Hoàng vai Nghè Ất – Kịch “Mình có quen nhau không”.

Như vai diễn nhân vật giang hồ mặt thẹo đi đòi nợ mướn, Sĩ Hoàng phải đổi cách ăn mặc đến tướng đi tướng đứng, lối ăn nói bỗ bã, tiếp cận vào các địa điểm khu vực nhạy cảm để hiểu rõ về cảm xúc, đời sống nhân vật. Hay với hình tượng thái giám, tìm trên Google search và đọc nhiều bài viết về cuộc đời và những câu chuyện của họ để ngấm hiểu. Với Sĩ Hoàng mọi việc khi nhận làm, đều là sự cẩn trọng trách nhiệm chứ không là sự thể nghiệm.

Năm 2014 – NTK Sĩ Hoàng Vai Hai Thẹo trong Kịch “Lạc giữa phố người”.

Chính sự nghiêm túc học hỏi cùng sự hướng dẫn tận tình của thầy cô là đạo diễn diễn viên trong lúc tập kịch, tôi được vinh dự đạt huy chương bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Chỉ khi làm bất cứ điều gì bằng sự thành tâm sẽ nhận lại được thành quả, ngược lại nếu dùng sự toan tính sẽ chỉ nhận lại hậu quả.

Mặc dù anh đạt những thành công lớn trong sự nghiệp nhưng dường nhưng anh vẫn luôn miệt mài sáng tạo?.

NTK Sĩ Hoàng: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình thành công chỉ là làm sao cho tốt nhất có thể. Vì khi nghĩ mình đã thành công rồi, sẽ dừng lại hưởng thụ thay vì vẫn hứng khởi  làm việc 16 tiếng mỗi ngày. Thành công giống như là dấu chấm cho sự kết thúc. Còn với Sĩ Hoàng chỉ muốn là dấu gạch ngang, dấu phẩy để luôn luôn sáng tạo, luôn đặt mình ở vạch xuất phát.

Năm 2016 – NTK Sĩ Hoàng tham gia vai họa sĩ Film “Lối nào cho yêu thương”.

Anh cùng lúc đảm nhận rất nhiều vai trò trong nhiều lĩnh vực, vậy điều gì khiến anh luôn luôn duy trì được nguồn cảm hứng sáng tạo của mình?.

NTK Sĩ Hoàng: Đó là việc luôn luôn phủ định cái vừa khẳng định. Nó giống như việc mình cùng lúc vác quá nhiều thứ lên vai sẽ không đủ sức vác nữa. Bộ não chúng ta cũng như ổ cứng, nếu chứa dữ liệu quá nhiều nó sẽ không chạy được, cho nên tôi vừa làm việc gì xong sẽ quên luôn, hay nhập được dữ liệu rồi thì cancel và delete. Lúc bấy giờ nó mới còn chỗ trống để nạp dữ liệu mới và sáng tạo những điều mới mẻ. Cũng là yếu tố rất quan trọng thêm cho bộ não vận hành, là cần có một đời sống lành mạnh về thể chất để giữ được sức khỏe tốt và sức bền bỉ cho nghề nghiệp.

Năm 2007: Chương trình Duyên dáng Việt Nam – Singapore.

Xin cảm anh đã dành thời gian trò chuyện cùng Thế giới Khởi nghiệp và chia sẻ những góc nhìn vô cùng thú vị về công việc và cuộc sống. Chúc anh nhiều sức khoẻ và luôn duy trì được nguồn cảm hứng sáng tạo trong công việc!.

Tú Phan