Kiến tạo không gian xanh trong nhà – Hành trình từ ‘Không tưởng’ đến ‘Có thể’ của nhà nghiên cứu trẻ

0
787

Từ đứa trẻ 6 tuổi cho đến người lớn dù không biết nhiều kiến thức vẫn có thể trồng cây chỉ với một nút nhấn. Giải pháp công nghệ mới của nhà nghiên cứu trẻ Phạm Anh Tuấn không chỉ tạo ra một cuộc “Cách mạng xanh” cho không gian sống còn hiện thực hóa ước mơ trồng cây của nhiều người.

“Ứng dụng xanh” độc đáo kết hợp từ 5 lĩnh vực khác nhau

Toàn bộ công trình nghiên cứu được hun đúc lại trong T-farm – một cỗ máy công nghệ phục vụ cho việc trồng cây trong nhà. Dựa trên cơ sở dữ liệu nghiên cứu & tổng hợp công phu, T-farm mô phỏng chính xác điều kiện sinh trưởng của từng loại thực vật tương ứng với không gian nội thất. Từ đó, chúng ta có thể trồng cây hoặc hoa bên trong nhà bằng công nghệ, với quy trình đơn giản & dễ dàng hơn rất nhiều so với cách trồng truyền thống.

Công nghệ mới này quy tụ ứng dụng từ 4 lĩnh vực: Đó là Cơ khí – Chế tạo máy; Nông nghiệp; Sinh học; Phần cứng – Vi mạch điện tử & Lập trình server thuộc lĩnh vực tin học. Toàn bộ công trình đều tự chủ hoàn toàn từ khâu sản xuất đến lắp ráp. Cả những chi tiết nhỏ như con chíp, vi mạch điện tử, bóng đèn led,… đều tự nghiên cứu sản xuất nhằm hướng đến chất lượng tốt nhất cho tổng thể công nghệ này. Và nó cũng đại diện cho tinh thần anh Phạm Anh Tuấn nêu lên “Công nghệ xanh phải đến từ những giá trị bền vững”.

Các lĩnh vực hoàn toàn khác biệt này đúc kết vào trong T-farm là thành quả khó tin sau 3 năm tìm hiểu & theo đuổi về công nghệ giả lập khí hậu – thổ nhưỡng của nhà nghiên cứu trẻ này. Ít ai nghĩ rằng, xuất phát điểm ban đầu của công trình cũng từ một mục đích “điên rồ” không kém đó là đem bằng được khí hậu cao nguyên Đà Lạt về vùng đô thị TP.HCM để giúp người dùng trồng được những cây hoặc hoa trái mùa. Công nghệ T-farm tổng hợp nhiều dữ liệu chuyên sâu, được phân tích & xử lý căn cứ theo điều kiện của không gian nội thất rồi sau cùng kích hoạt vận hành các chức năng phù hợp với loại thực vật tương ứng. Để dùng công nghệ trên, người dùng chọn loại cây hoặc hoa mình thích trên apps điện thoại. Sau khi xác nhận máy sẽ truy xuất các dữ liệu từ server (về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng,… phù hợp) để cỗ máy tự động vận hành trồng đúng loại cây đó.

Điểm độc đáo của công trình T-farm đó là tính linh hoạt trong khả năng chọn lọc – phân loại cây trồng hoặc hoa phù hợp với từng vùng miền & từng thời điểm khác nhau trong năm. Với tính năng này, không cần ra ngoài người sống ở Hà Nội có thể trồng hoa đào để thưởng Tết trong nhà hoặc người TP.HCM có thể trồng hoa mai. Thậm chí có thể hỗ trợ trồng lệch vùng miền một số loại cây mọc quanh năm theo sở thích của gia chủ. Không dừng lại mục tiêu đem khí hậu hay không gian nơi khác về, T-farm được kỳ vọng mang đến nhiều giá trị thiết thực hơn cho đời sống con người khi ứng dụng  nhiều không gian đô thị khác nhau. Đó là chức năng lọc không khí, tạo mùi thơm tự nhiên & nguồn oxi tươi mát, thích hợp với không gian thư giãn, nghỉ dưỡng hay chăm sóc – bảo vệ sức khỏe như các spa, bệnh viện, trung tâm thương mại,… Ngay cả ở các trường học, ứng dụng này còn giúp các em học sinh có thể tìm hiểu kiến thức, hiểu biết về các loại cây hoa vùng đất khác.

“Startup khó đủ đường – Quan trọng là mình đã dám đi tiếp!”

Tay ngang bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp kết hợp công nghệ, nhà nghiên cứu trẻ này đối diện với vô số khó khăn. Từ vấn đề nhân sự, rồi về vốn & tài chính,… gần như mọi vấn đề của một startup. Càng đi sâu nghiên cứu dự án mới càng nhận thấy thêm sự thiếu hụt về công nghệ ở Việt Nam. Vào giai đoạn đầu, khó khăn chồng khó khăn thường là lý do quật ngã mọi dự án. “Lợi thế duy nhất đó là mình được đào tạo bài bản về tư duy lập trình nên không bị theo lối mòn khi phát triển dự án.” – Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Nếu hạ tầng cơ bản của startup chông chênh việc quản trị, triển khai vận hành dự án đó đi đúng lộ trình & tiến độ cũng không kém phần gian nan. 5 lĩnh vực lớn đều có đặc thù riêng mỗi ngày làm sao để đưa cả 5 vào “guồng” chạy song song thuộc về nghệ thuật tổ chức & quản lý công việc. Đó là chưa kể đến người phụ trách chính  mỗi bộ phận lại có vài ba tầm nhìn, định hướng riêng nên việc kết hợp lại rồi loại bỏ, chỉ chọn lọc ý tưởng phù hợp như là thử thách cực hạn. Nhìn lại giai đoạn này, Phạm Anh Tuấn đúc kết “Chấp nhận đốt tiền & trả giá!”.

Khi dự án vào vận hành anh đối diện với những hạng mục nghiên cứu bỏ dở, chệch mục tiêu & thay nhân sự liên tục do không còn cùng quan điểm. Nghiên cứu nông nghiệp kết hợp đa lĩnh vực như một bài toán vô số nghiệm bởi ý tưởng nào cũng phải thử, có ý tưởng tốn kém công sức làm ra nhưng không dùng được, có ý tưởng phải kết hợp với nhau,… Giống như việc nghiên cứu riêng rẽ nhiệt độ với độ ẩm thì dễ nhưng kết hợp lại tìm quy luật biến thiên của nó tổng hợp thành dữ liệu điều kiện phù hợp với đặc tính cây trồng thì lại khó vô cùng.

Thậm chí, đến khi sản phẩm ra đời hoàn chỉnh rồi lại lo đến khâu tìm kiếm khách hàng & thị trường tiêu thụ. Khi mang ra giới thiệu một sản phẩm còn lạ lẫm trên thị trường, khách hàng quan tâm đến tính năng nhưng phần đông là từ góc độ cảm tính. Có thể họ không muốn biết quá nhiều chi tiết hay thông số của máy nhưng sẽ đòi hỏi rất nhiều ở màu sắc của máy thế này, hình dạng của máy phải thế kia,… “Tròn hay vuông dù sao cũng là hình dạng. Cốt lõi vẫn là ở công nghệ của mình phải ngày càng tốt hơn!” – nhà nghiên cứu chia sẻ.

Việc hoàn thiện phát triển sản phẩm gần như không có một giới hạn điểm dừng nào. Khi chưa có gì người ta lại ước mơ một ít không gian xanh. Còn khi đã có thể đưa hoa cỏ, cây xanh vào nhà rồi thì phát sinh vô số nhu cầu khác về côn trùng, một số loại cây có khả năng gây dị ứng người đề kháng kém, hay vấn đề thải khí CO2 về đêm,… Đó là những đòi hỏi thực tế làm động lực cho T-Farm cải tiến không ngừng. “Như bạn thấy! Bất kỳ công nghệ nào cũng đều có những hạn chế nhất định & việc của chúng tôi làm làm sao cho nó trở thành con số thấp nhất!”

Nguồn cảm hứng cho các dự án dài hạn trong tương lai

Giá trị của một ứng dụng công nghệ không nằm ở những diễn giải vĩ mô, có khi đơn thuần là giúp con người bớt đi một rắc rối hay một gánh nặng không cần thiết. Thực tế ngày nay nhiều người rất muốn trồng cây nhưng lại không biết cách & cũng không có thời gian để trồng. Đối với Phạm Anh Tuấn, giá trị anh tâm đắc nhất từ công trình nghiên cứu của mình đó chính là giúp càng nhiều người tiếp cận với việc trồng cây một cách dễ dàng & hiệu quả hơn. Từ đó, nuôi dưỡng tình yêu tích cực đối với thiên nhiên & cây cỏ.

Từ cuộc sống bên ngoài đến thế giới quan bên trong, nếu không nhìn nhận bằng thái độ tích cực rất khó có động lực theo đuổi các công trình lớn có ý nghĩa. Chia sẻ về ý nghĩa dự án của mình, Phạm Anh Tuấn không diễn giải bằng những thuật ngữ hay con số định lượng phức tạp. Nhà nghiên cứu trẻ bày tỏ quan điểm của mình bằng tấm lòng biết ơn về những gì mình đang thừa hưởng “May mắn vì Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về thực vật, môi trường khí hậu đa dạng, không cần đi xa & chi phí nghiên cứu dự án cực kỳ thấp”.

Trải nghiệm từ startup công nghệ mới này cũng mang đến cho nhà nghiên cứu một tư duy & tâm thái hoàn toàn khác, đó là cởi mở, cầu thị hơn. Từ cuộc đời hai nhà khoa học nổi tiếng Thomas Edison cùng Nikola Tesla, anh bộc lộ quan điểm độc đáo về sự lựa chọn tầm nhìn ngắn hạn & dài hạn. Rất nhiều startup đổ vỡ một cách đáng tiếc vì không xác định & cân bằng được mục tiêu giữa hai tầm nhìn nói trên. “Tôi theo đuổi tầm nhìn ngắn hạn vì nó tạo nguồn sống duy trì dự án & đội nhóm. Nhưng tầm nhìn dài hạn mới là thứ tạo ra giá trị cho hàng chục, hàng trăm năm sau cho thế hệ con cháu chúng tôi!” – anh khẳng định.

Năm 2018, Phạm Anh Tuấn đoạt giải thưởng Lexus design awards toàn cầu. Với chủ đề “CO” đầy ẩn dụ từ ban tổ, anh chọn cho mình từ khóa Connecting & Coworking (Kết nối & Đồng đội) khẳng định mạnh mẽ thông điệp cũng như toàn bộ ý nghĩa dự án mình theo đuổi. Thành tựu quốc tế này là nền tảng giúp nhà nghiên cứu trẻ tự tin con đường mình đi chính xác & là bước đệm để tiến xa hơn ở Việt Nam. Đó cũng là nguồn cảm hứng & tinh thần chủ đạo dẫn dắt T-Farm đạt được những thành tựu bước đầu đầy khích lệ hiện nay.

Hơn cả một ứng dụng công nghệ tạo nên tiện nghi sống, T-Farm còn mang đến giá trị cảm xúc & tinh thần, tạo nên một cuộc cách mạng lớn về “Sống xanh – Sống khỏe” cho con người Việt Nam. Hoàn toàn có nhiều lý do để tin rằng thành công của nhà nghiên cứu trẻ Phạm Anh Tuấn không dừng lại ở đây và tiếp tục tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Diệu Phước