Có nhiều lý do để khiến con người chưa đạt tới ngưỡng cửa thành công nhưng đây là điểm chung mà hầu hết những người thất bại thường hay mắc phải. Bạn đoán xem đó là gì?
Đừng cúi đầu xưng thần với cuộc sống tầm thường
Có ai đó từng nói, xã hội của chúng ta chia làm hai kiểu người: Một là những người dễ cúi đầu trước vận mệnh, còn lại là những người tự tạo nên vận mệnh của chính mình.
Bàn về điều này, nhà thơ hiện đại nổi tiếng Trung Quốc Triệu Gia Âm từng đặt đặt ra câu hỏi:
“Cúi đầu xưng thần với cuộc sống tầm thường hay người chọn anh dũng chiến đấu?”.
Kỳ thực, dù là người chấp nhận xuôi theo cuộc sống hay là người can đảm viết nên cuộc đời mình, ai ai cũng từng trải qua những phút yếu lòng, ai ai cũng từng nhiều lần rơi lệ trước những phũ phàng từ dòng đời.
Nhưng điểm khác nhau nằm ở chỗ, người chấp nhận cúi đầu sẽ mãi mãi tự nhấn chìm mình trong nước mắt, còn người cương quyết đấu tranh lại dùng nước mắt để tưới lên đóa hoa vận mệnh do chính tay mình vun trồng.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những người không dễ dàng buông xuôi trước số phận, và vị trí dành cho họ chính là chiếc ghế của thành công.
Câu nói ấy hoàn toàn chính xác với trường hợp của Stephen Hawking – người được mệnh danh là nhà thiên văn vĩ đại nhất mọi thời đại.
Từ năm 21 tuổi, chàng sinh viên Đại học Oxford ấy đã có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ALS – chứng bệnh quái ác làm hủy hoại tủy sống và phần não có chức năng điều khiển hoạt động cơ bắp.
Vì chưa thể tìm ra cách chữa trị, các bác sĩ đã chẩn đoán Hawking thậm chí không thể sống quá 2 năm rưỡi.
Nhưng bằng tất cả nỗ lực của mình, Stephen Hawking không chỉ vượt qua “lời nguyền” từ bệnh tật mà còn trở thành người giúp nhân loại giải đáp những câu hỏi ngàn đời: “Chúng ta từ đâu tới?”; “Thế giới bắt đầu ra sao?”; “Vũ trụ hình thành như thế nào?”…
Ngay cả khi còn da bọc xương vì bệnh teo cơ, toàn thân tê liệt, bị gắn chặt vào chiếc xe lăn, cổ ngoẹo về một phía và chỉ cử động được hai ngón tay của bàn tay trái, Stephen Hawking vẫn chưa bao giờ đầu hàng số phận, càng chưa bao giờ oán trách vận mệnh của mình.
Sau khi những công trình lỗi lạc của ông được công bố rộng rãi, Hawking bắt đầu có những cuộc diễn thuyết tại nhiều nước trên thế giới. Có lần, trong buổi tọa đàm, một nữ phóng viên đã đưa ra câu hỏi dành cho ông:
“Thưa ngài Hawking, bệnh tật đã khiến ngài vĩnh viễn chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Chẳng lẽ ngài chưa từng oán trách vận mệnh của mình?”
Câu hỏi vừa đường đột, vừa gai góc này đã khiến cả hội trường khi ấy lặng ngắt như tờ. Chỉ riêng Hawking vẫn mỉm cười điềm tĩnh, dùng những ngón tay đã bị teo cơ gõ bàn phím một cách từ tốn, sau đó trả lời bằng chất giọng Luân Đôn chuẩn mực:
“Chỉ cần tay của tôi còn có thể hoạt động, não của tôi còn khả năng suy nghĩ, tôi có lý tưởng để theo đuổi cả đời, bên cạnh tôi có người tôi yêu và bằng hữu, thì khi ấy, trong lòng tôi vẫn tràn ngập sự biết ơn đối với cuộc đời này…”
Câu trả lời ấy đã làm cả hội trường chấn động. Ngay lập tức, tiếng vỗ tay vang lên như sấm, mọi người đều dồn về phía sân khấu để tỏ lòng kính trọng với nhà khoa học phi phàm này.
Ngưng oán trách vận mệnh mới có thể thành công!
Cha ông ta vẫn thường quan niệm: Ở đời chỉ cần “có chí thì nên”, “có công mài sắt có ngày nên kim”.
Ngày nay, có không ít người đều tìm cách khởi nghiệp với mong ước gây dựng nên sự nghiệp của riêng mình, nhưng số người thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn nhóm bỏ dở giữa chừng lại ở mức hằng hà sa số.
Kỳ thực, những người thành công đều đã phải trả qua bao đắng cay, khổ cực mà người khác thậm chí không tài nào hình dung nổi. Điều đáng quý nằm ở chỗ, vào thời điểm khó khăn ấy, họ đã không lựa chọn đầu hàng số phận.
Chính sự lạc quan, tích cực, nỗ lực không ngừng tiến về phía trước cùng với khả năng bình tĩnh ứng phó với nghịch cảnh đã biến những người có xuất thân bình thường trở thành tầng lớp tinh anh trong xã hội.
Như vậy, một người có tinh thần chiến đấu sẽ đương đầu với cuộc sống này ra sao?
Một người muốn làm chủ vận mệnh của mình, nhất định phải tôi luyện đủ ba đức tính: Dũng khí khiêu chiến với cuộc đời, nghị lực kiên trì giao tranh với khó khăn và chí khí vươn tới đỉnh cao thành công.
Dù là sự phát triển của cá nhân hay quá trình đi lên của xã hội, gặp khó khăn, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Muốn đạt được thành tựu, chỉ có chí khí thôi chưa đủ, mà còn cần sự sáng tạo không ngừng nghỉ và thái độ không tự mãn trước thành công.
Hãy nhớ rằng, nếu bản thân đã lựa chọn cúi đầu trước vận mệnh, chớ nên trách cuộc đời bất công mà hãy trách mình không có dũng khí làm chủ cuộc đời.
Đừng chùn bước trước bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi tất cả những khó khăn, gian khổ bạn trải qua sẽ trở thành phù sa nuôi dưỡng đóa hoa thành công của bạn.