Ông Dương Văn Minh lão nông Miền Tây: 40 năm gắn bó với rừng tràm

0
1323

Đến vùng đất kênh Sáu Thước thuộc địa bàn xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang ai ai cũng biết rất rõ lão nông Dương Văn Minh, một người gắn bó gần trọn cả cuộc đời trên mãnh đất bạt ngàn tràm.

Đối với ông cây tràm không chỉ là nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình bấy lâu nay mà còn là một cái duyên bén rễ không thể nào bỏ được.

Ông Dương Văn Minh (áo sọc) chụp ảnh với tác giả trong rừng tràm.

Ông Dương Văn Minh khi về vùng đất kênh Sáu Thước sống, lập nghiệp và có gia đình ở cái tuổi đôi mươi trẻ trung nay người thanh niên ấy đã trở thành già, thế nhưng đối với ông Dương Văn Minh (5 Minh), cây tràm, rừng tràm như vẫn mãi là người bạn đời, nguồn thu nhập chính mà cả đời ông luôn gắn bó, chung thủy sắc son. Có thời điểm giá tràm rớt giá thê thảm, cả vùng ai cũng phá rừng tràm để chuyển sang trồng lúa và các loại cây khác. Riêng lão nông này vẫn cố giữ diện tích cây tràm vốn cố và tiếp tục phát triển thêm rừng tràm của gia đình mình. Thế mới thấy ông có duyên phận dường nào với rừng tràm gần 300 công, là một hộ có diện tích rừng tràm lớn nhất nhì trong vùng.

Nói về chuyện khai khẩn, trồng rừng tràm ở đây, Ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng tâm sự  :“Trước đây là vùng đất hoang tôi về đây khai khẩn cũng ba mươi mấy năm rồi, dù tràm có giá hay không mình cũng đeo theo mà làm, bây giờ cây tràm làm cừ có sụt bán củi cũng phải làm nữa”.

Từ một người khai khẩn vùng đất này với diện tích ban đầu khoảng 150 công, nay nhờ chí thú làm ăn, cần cù lao động và tiết kiệm trong chi tiêu, hiện gia đình ông 5 Minh đã sở hữu diện tích tràm lên gần 300 công. Với diện tích này mỗi năm sau khi trừ chi phí ông còn thu nhập trên 1 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu nhập từ nghề gác kèo ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy cuộc sống nhàn hạ, giản dị, có của ăn của để nhưng ông 5 Minh luôn là người biết chia sẽ niềm vui, kinh nghiệm làm ăn với những người xung quanh, truyền đạt lửa yêu rừng cho các con.

Ông Dương Văn Minh với tổ ong gác kèo trong rừng tràm. của mình, cho nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Dương Văn Minh từ một lão nông gác kèo có tiếng nay ông còn chia sẽ, hướng dẫn nhiều hộ cùng gác kèo để có nguồn thu nhập ổn định trong rừng tràm, tránh tình trạng đốt rừng, đốt ong như trước đây. Đối với thế hệ các con của ông, từ nhỏ đến lớn ai cũng đều yêu nghề này và tiếp tục gìn giữ phát triển rừng tràm ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ông Dương Văn Minh.

Cho biết về những thăng trằm của nghề trồng tràm và giữ rừng, ông Dương Văn Minh, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc tâm sự:“Trước đây tràm có giá, bốn năm sau tràm tuột giá và bây giờ lên lại thì bây giờ mình cũng đeo tràm đeo, không trồng cây gì khác hết vì mình yêu tràm, đã gắn bó với nó ba mươi mấy năm rồi, cỡ nèo cũng đeo vì trước đây mình đã cực khổ nên đeo hoài tới”.

Để giữ và phát triển được rừng tràm thì ông 5 Minh cũng có nhiều dự định và kế hoạch cho kinh tế gia đình. Ngoài việc gác kèo ong lấy mật thiên nhiên, khai thác cừ tràm hàng năm và tận dụng mặt nước nuôi cá đồng theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài” để giữ rừng. Nếu được Nhà nước đầu tư lộ nông thôn về vùng đất Sáu Thước này, ông 5 Minh sẽ còn thực hiện mô hình du lịch sinh thái nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của rừng tràm nơi đây.

 

Tổ ong mật trong rừng tràm của ông Dương Văn Minh.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng giúp người trồng rừng phát triển trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng cho biết:“Đối với những hộ có diện tích rừng tràm lớn và có nhu cầu quy hoạch giữ vững diện tích tràm phát triển lâu dài, hiện nay có chủ trương cho vay vốn theo quyết định 75 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ sản xuất trên đất rừng tràm. Nếu như hộ có nhu cầu vay thì ở đây các cấp chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ về điều kiện để cho họ vay vốn giữ vững và phát triển diện tích đất tràm và rừng tràm vì đây là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước”.

 “Không trồng cây gì khác hết vì mình yêu cây tràm, đã gắn bó với nó ba mươi mấy năm rồi, dù giá tràm như thế nào tôi cũng đeo và đeo hoài tới”. Câu nói này cho thấy ông 5 Minh yêu rừng tràm đến dường nào và ông là một trong những lão nông có duyên với rừng.

Ông Dương Văn Minh (áo sọc) vệ sinh rác trong rừng tràm.

Tin rằng trong cuộc sống này, không chỉ có ông 5 Minh ở huyện Giồng Riềng mà còn có nhiều người yêu rừng như thế, có như vậy diện tích tràm nói riêng, diện tích cây rừng nói chung ở Kiên Giang sẽ được giữ gìn và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng và môi trường khí hậu đang biến đổi phức tạp hiện nay./.

Trung Hậu