Trang chủ Khởi nghiệp 8 quy tắc bất thành văn quyết định sự thành công trong...

8 quy tắc bất thành văn quyết định sự thành công trong giao tiếp

0
772
Vào mùa đông, những con nhím cần dựa vào nhau để cùng sưởi ấm. Nhưng bởi nhím có gai, khi ở quá gần nhau chúng dễ bị gai nhọn của đối phương đâm vào, nhưng khi ở quá xa nhau chúng lại bị lạnh cóng. Vì vậy, khoảng cách tinh tế giữa những con nhím là vừa có thể sưởi ấm lẫn nhau mà lại vừa tránh gây hại đến nhau…
giao tiếp hiệu quả
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Con người cũng vậy, biết giữ khoảng cách trong giao tiếp sẽ giúp bạn xây dựng được những mối quan hệ lành mạnh, được người khác yêu mến và tăng thêm giá trị cho bản thân.

Đừng quấy rầy người khác khi bạn đang khó chịu

Cuộc sống này vốn nhiều màu sắc, có gam màu tươi vui và cũng có những mảng màu u tối.

Khi đang trong cảm giác chán chường, người ta thường sẽ mong nhận được sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên sau cùng bạn sẽ nhận ra, không ai có thể mãi mãi đồng hành cùng bạn, có những nỗi buồn, có những sự thất vọng bạn sẽ phải chịu đựng một mình, và đó là cái giá cho sự trưởng thành.

Như một câu nói của tổng thống Franklin D Roosevelt: “Mặt biển êm ả không thể tạo ra những thủy thủ lành nghề” (Smooth sea never made a skilled sailor). Những biến động và thách thức sẽ cho bạn kinh nghiệm và sự trưởng thành. Tự mình chịu đựng qua những thời khắc gian khó, có thể ngay sau đó, những ‘ngày xuân’ liền tới trước cửa.

Lắng nghe nhiều hơn, khuyến khích người khác nói về bản thân

Lắng nghe không phải là một kỹ năng đơn giản bởi hầu hết mọi người đều thích nói những chuyện về bản thân mình. Bạn có thể rèn cho mình kỹ năng này bằng cách nhớ một số điểm như sau:

  • Đừng vội ngắt lời người khác để biểu đạt ý kiến của mình.
  • Không nên nghịch điện thoại hoặc vừa làm việc khác vừa nói chuyện.
  • Không nên phán xét những điều họ nói dù bạn không đồng ý hoặc hài lòng. Hãy để họ trình bày hết quan điểm của mình.
  • Không nên suy nghĩ xem tiếp theo mình sẽ nói gì. Vì nếu như vậy thì bạn sẽ không tập trung vào những gì người kia đang nói.

Học cách lắng nghe sẽ giúp bạn thấu hiểu người khác, bao dung hơn và tâm thái mở rộng hơn trước những quan điểm, tính cách, góc nhìn cuộc sống khác nhau.

Biết tôn trọng người khác mới có được sự tôn trọng

Trong cuộc sống, món quà quý giá nhất không phải hoa hay những món đồ xa xỉ mà chính là sự thấu hiểu và trân trọng.

Mạnh Tử từng nói “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi”. (Ý nói tôn trọng người khác, sẽ luôn nhận lại được sự tôn trọng). Mỗi người đều có lòng tự tôn của riêng mình, điều này không phụ thuộc vào việc họ giàu hay nghèo, có danh vọng hay chỉ là thường dân.

Khi ở điểm thấp, đừng đánh giá thấp bản thân, khi ở nơi cao, chớ nên coi thường người khác. Cuộc đời lúc chìm lúc nổi, không ai biết ngày mai sẽ ra sao. Vậy nên chớ cười người để sau này mình không bị người khác cười nhạo.

Giữ lời hứa

Nếu bạn đã hứa thì cần giữ lời, nếu không hãy từ chối ngay từ đầu. Bởi nếu liên tục “hứa mà không làm” người khác sẽ nhìn nhận bạn là người không biết giữ chữ tín, không đáng tin. Ngay cả khi vì cả nể, vì thể diện cũng không tùy tiện hứa hoặc đồng ý với người khác rồi không làm.

Sự thành tín là nền tảng của giao tiếp giữa các cá nhân, cũng là nền tảng của đạo đức. Xây dựng lòng tin thì rất khó nhưng chỉ cần một vài lần thất tín có thể hủy hoại tất cả công sức trước đó.

Học cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực

Người ta luôn muốn đi “như ý” nhưng cuộc sống lại tràn ngập sự bất ngờ và những khúc rẽ. Như một câu nói: Đời người 8, 9 phần là không như ý.

Khi nản lòng bạn có thể tìm bạn bè hoặc ai đó để chia sẻ những bất hạnh mình gặp phải. Thỉnh thoảng làm như vậy cũng sẽ khiến tâm trạng tốt hơn. Tuy nhiên bạn biết đấy, “đời người có tới 8, 9 phần là không như ý”, vậy có dốc hết bầu tâm sự cũng không phàn nàn được hết những gì mình không vừa lòng.

Hơn nữa nếu bạn than vãn nhiều quá người khác cũng sẽ không muốn nghe. Họ cũng có rắc rối của mình, và phải nghe thêm rắc rối của bạn. Rắc rối chồng thêm rắc rối. Họ không phải “thùng rác” để luôn lắng nghe những điều khó chịu của bạn.

Cuộc đời chỉ có kết quả, không có “nếu như”

Đừng nói “Nếu như tôi là họ, tôi sẽ không làm như vậy”.

Bởi vì mỗi người đều là khác nhau. Cái gọi là bình đẳng tuyệt đối là không tồn tại. Mỗi người đến từ những gia đình khác nhau, môi trường sống khác nhau, những chuyện gặp phải trong đời khác nhau, công tác khác nhau, quan niệm sống khác nhau nên khi hành xử sẽ mang theo những đặc điểm của bản thân.

Đừng vội phán xét người khác, đừng áp đặt tư tưởng của mình lên người khác bởi vì khi bạn gặp hoàn cảnh tương tự, bạn không chắc có thể làm tốt như họ.

Giữ khoảng cách

Người xưa nói “Thân nhau lắm cắn nhau đau”. Quá gần gũi, quá thoải mái, mỗi người lẽ tự nhiên sẽ dần đánh mất sự tôn trọng dành cho đối phương. Khi ấy cũng khó mà nhìn ra phẩm hạnh, sự nỗ lực của nhau.

Giữa bạn bè với nhau, gần gũi quá thì nói năng không chú ý, tiền bạc không có phép tắc, hành động không được tôn trọng, thời gian lâu dần thì đường ai nấy đi.

Giữa vợ chồng với nhau, gần gũi quá thì thiếu sự tôn trọng, hành động tùy tiện, lâu ngày dẫn tới mâu thuẫn hoặc nảy sinh ý muốn kiểm soát đối phương.

Đối với người thân, bao bọc quá sẽ tạo nên sự phụ thuộc, làm cho chính bản thân mệt mỏi. Khi không thể giải quyết được vấn đề của người thân, bạn sẽ hứng chịu cơn phẫn nộ từ phía họ.

Trong tâm mỗi người đều có một góc riêng không muốn người khác đặt chân tới, vậy nên tôn trọng họ chính là tôn trọng tình thân của mình.

Không đánh giá người qua miệng của người khác

Bạn vĩnh viễn không biết rằng bản thân mình ở trong miệng người khác có bao nhiêu “phiên bản”, cũng sẽ không biết người khác vì bảo hộ chính mình mà đã từng nói những lời gì về bạn, càng không cách nào ngăn cản được những lời đàm tiếu ấy.

Bởi vậy đừng “nghe qua người này người kia” rồi hình thành những quan niệm và đánh giá người khác. Bạn biết câu: “Tam sao thất bản” chứ? Những gì bạn nghe thấy có thể đã cách quá xa “bản gốc”.

Ngọc Mai/Aboluowang/ Ảnh minh họa: Pexels