23 quy tắc “bất thành văn” ở nơi làm việc: Làm người tốt chưa chắc đã có lợi, những điều sếp nói luôn SÂU XA hơn bạn nghĩ

0
244

Nghe những quy tắc này rất phũ phàng, thậm chí đậm tính “drama” nhưng hiện thực chính là như vậy.

23 quy tắc

Có một sự thật khá khắc nghiệt là nơi làm việc cũng như một xã hội thu nhỏ. Ở đó, tồn tại rất nhiều kiểu người. Ở đó, các đồng nghiệp sớm chiều kề vai chiến đấu cùng bạn là đồng đội và cũng là đối thủ cạnh tranh. Ở đó, mọi thứ đều cuối cùng đều xoay quanh vấn đề lợi ích.

Tóm lại, tuy môi trường mỗi chỗ một khác nhưng đến cuối cùng, hầu hết nơi làm việc nào cũng sở hữu một bộ quy tắc “bất thành văn” hay còn gọi là “luật ngầm” mà nhiều người thường vô tình bỏ qua, để rồi phải chịu khá nhiều thiệt thòi. Những quy tắc này phần lớn nghe đều rất “đời”, rất phũ phàng, thậm chí nghiêm trọng nhưng độ chính xác của nó cũng là không thể phủ nhận được.

1. Lý tưởng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn lý tưởng là lợi ích.

Ở nơi làm việc, hầu hết mọi người đều có lý tưởng của riêng mình, đây cũng là mục tiêu quan trọng để mọi người phấn đấu. Nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm hiện thực hóa lý tưởng của mình, bạn sẽ thất bại thảm hại bởi nơi làm việc về bản chất vẫn là nơi trao đổi lợi ích, sếp dựa vào bạn để kiếm tiền còn bạn dùng sức lao động để đổi lấy tiền.

Chỉ coi trọng lý tưởng mà bỏ qua tầm quan trọng của lợi ích, đây là lý do vì sao nhiều người bị đả kích nghiêm trọng sau khi đi làm.

2. Bề ngoài thì chính trực, nội tâm thì toan tính, đây là bản chất của nơi làm việc.

Không ai ủng hộ thói đạo đức giả, nhưng điều này không cản trở sự tồn tại của tật xấu này. Có đôi khi, chúng ta buộc phải mang cho mình những tấm mặt nạ để che giấu nội tâm thật sự, tránh những sóng gió không cần thiết. Thay vì để bị hạ gục bởi những kẻ đạo đức giả ở nơi làm việc, một số người chọn trở thành một “kẻ” như vậy trước.

3. Công việc sẽ không làm hại bạn, nhưng con người thì có thể.

Ở nơi làm việc, chúng ta đều gặp phải những sự cố bất ngờ. Chẳng hạn như cuộc cạnh tranh thăng chức đang đến hồi căng thẳng thì bạn lại phải đi công tác đột xuất, hay như một dự án/ một báo cáo đang rất thuận lợi bất ngờ xuất hiện lỗi sai.

Lý do đằng sau có rất nhiều kiểu nhưng không thể loại trừ trường hợp chúng xuất phát từ con người. Cần phải nhớ rằng ở nơi làm việc, bản thân công việc là vật chết, chúng không thể hại bạn nhưng con người thì có thể.

4. Học cách để lộ khuyết điểm khi cần thiết.

Bạn thử suy nghĩ thật kỹ xem, những người thành công tại nơi làm việc có điểm chung gì? Đó chính là thoạt nhìn trông họ chẳng có gì là xuất sắc, thậm chí khuyết điểm đầy mình, như thể bạn có thể vượt qua họ bất cứ lúc nào. Nhưng một khi bắt tay vào việc, họ lại tay chân kín bưng, khiến người ta không thể bắt thóp được.

Sinh tồn ở nơi làm việc không phụ thuộc vào việc bạn có thể làm tốt như thế nào, mà là bạn có thể tồn tại được bao lâu. Vì vậy, làm người cần để lộ khuyết điểm để đối phương không phòng bị nhưng làm việc cần cẩn thận, để tránh rắc rối vạ lây.

5. Đối xử chân thành với mọi người, nhưng chân thành phải có giới hạn và tiêu chuẩn.

Người thật thà luôn chịu thiệt thòi ở nơi làm việc, muốn đối xử chân thành với mọi người cũng phải có những tiêu chuẩn riêng, thậm chí là mục đích riêng. Nếu không đến cuối cùng, bạn không chỉ là người chịu thiệt nhất mà còn dễ mang tiếng xấu nhất.

6. Sếp càng khen ngợi bạn thì bạn càng nhận được ít lợi ích hơn.

Những lời khích lệ từ sếp có tác dụng nâng cao sự tự tin của bạn, nhưng nếu nó chỉ là những lời khích lệ suông mà không có hành động nào kèm theo thì nên xem xét lại. Nhiều vị sếp không ngần ngại khen ngợi nhân viên nhưng lại giấu nhẹm những món lợi thực tế trong túi của họ. Thậm chí, càng được khen nhiều, cơ hội thăng quan tiến chức của bạn càng ít. Vì vậy, đừng để bị lừa bởi những lời khích lệ ngoài miệng này.

7. Có giá phải trả khi đắc tội người khác

Điều cấm kỵ lớn ở nơi làm việc là bị cảm xúc nhất thời chi phối và vô tình làm mất lòng mọi người. Những “cao thủ” tại nơi làm việc phải luyện được tính cách im lặng, sâu không thấy đáy.

Ở nơi làm việc, đắc tội người khác sẽ phải trả giá. Bạn nghĩ rằng mình không cần phải sợ ai và có thể làm mất lòng họ một cách tùy tiện nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ chút nào. Bởi nơi làm việc là nơi trao đổi quyền lợi. Dù là đồng nghiệp hay là sếp, họ cũng không phải họ hàng người thân của bạn, họ không có lý do gì để nhẫn nhịn bạn cả.

8. Phân biệt sếp tốt và sếp xấu để biết đường cư xử.

Kỹ năng sinh tồn tại nơi làm việc là thiên biến vạn hóa và không thể nắm bắt hay thay đổi trong một sớm một chiều được. Nếu cứ là một người tốt, bạn có thể trở thành cái gai trong mắt một vị sếp tồi. Trong khi nếu sống gian trá, bạn mãi mãi sẽ không có được sự tin tưởng và trọng dụng của một vị sếp tốt .

Có thể phân biệt được đâu là sếp tốt và sếp xấu, hiểu được nhu cầu của sếp, có năng lực làm tướng dưới quyền sếp tốt, và “nịnh thần” dưới quyền sếp tồi, đây là cảnh giới cao nhất tại nơi làm việc.

9. Người khác đối với bạn càng tệ thì bạn càng phải tốt.

Trong nhiều trường hợp, bạn phải học được cách nhẫn nhịn. Trong quá trình nhẫn nhịn này, bạn cũng cần hoàn thiện chính mình, đợi đến khi bản thân đủ mạnh mẽ để không cần sợ ai.

10. Kế hoạch phải dài hạn, tiền bạc phải kịp thời.

Có những người có tầm nhìn quá thiển cận trong khi một số khác lại nhìn quá xa. Nơi làm việc đòi hỏi nghệ thuật về khả năng thích ứng và bạn không thể áp các quan điểm sống của bạn vào đó được.

Hãy nhớ rằng, cuộc sống là của bạn và bạn có thể lên kế hoạch dài hạn một chút. Trong khi đó, tiền là của người khác nên cần ngắn hạn và kịp thời. Chỉ khi bạn nắm được nó trong tay, nó mới có thể trở thành của bạn.

11. Làm việc chăm chỉ thôi là chưa đủ.

Sai lầm cơ bản mà mọi người dễ mắc phải nhất ở nơi làm việc là nghĩ rằng mình phải vùi đầu vào làm việc hết công sức. Chăm chỉ là không sai nhưng thay vì làm cật lực mà không có hiệu quả, bạn cần vừa làm vừa thay đổi suy nghĩ, vừa tận dụng các mối quan hệ cũng như các khả năng khác của mình. Có như vậy hiệu quả công việc mới tăng cao và cả bạn lẫn công ty đều đạt được lợi ích.

12. Những gì sếp nói với bạn luôn có lợi cho anh ta.

Một số người coi lời nói của sếp như lời nói của đấng tối cao mà quên mất rằng với tư cách một ông chủ, sếp có những lợi ích nghề nghiệp của riêng mình. Vì vậy, những gì sếp nói, tất nhiên là từ quan điểm của mình để bảo vệ lợi ích của mình.

Lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động đôi khi là đối lập nhau. Càng chăm chăm nghe theo lời sếp, bạn càng mất nhiều hơn. Đương nhiên, ở đây không có nghĩa là không nghe theo lời sếp mà là bạn cần có suy nghĩ độc lập, biết câu nào là có lợi cho mình và câu nào không.

13. Ở trong một môi trường phức tạp không phải lỗi của bạn nhưng than trời kể khổ, đổ lỗi cho người khác sẽ là lỗi của bạn.

Những người thất bại thường tìm lý do để biện hộ cho bản thân, bao gồm 3 bước chính: trách trời, trách người và trách mình. Sau khi chuyển giao hết trách nhiệm cho người khác, những người này tiếp tục thất bại một cách đường hoàng.

Nhưng việc trách trời trách người liệu có làm bạn hết thất bại không? Đương nhiên là không rồi, ngược lại, hành động này còn khiến bạn ngày càng chìm sâu trong nỗi thất vọng. Nhận trách nhiệm về mình, tìm tòi và tổng kết, rút kinh nghiệm, đây mới là lối thoát cho bạn.

14. Không có người tốt ở nơi làm việc mà không có lý do.

Sự tàn nhẫn của nơi làm việc là bản thân chúng ta không phải là người tốt, và cũng không dám tin rằng có người tốt ở nơi làm việc mà không có lý do. Bởi vì mọi người đều đi làm vì lợi ích, và mọi thứ cũng xoay quanh lợi ích.

Nghe thì hơi tiêu cực nhưng đây là thực tế, trên trời này không có bữa ăn nào là miễn phí, không có miếng bánh ngon nào từ trên trời rơi xuống. Cẩn trọng vẫn hơn.

15. Càng chất phác càng thăng tiến chậm.

“Nhân vật phản diện” điển hình tại nơi làm việc thường là những kẻ chuyên nịnh hót, hai mặt, giúp sếp làm nhiều việc riêng hơn là việc chính thức. Vì vậy, sự tồn tại của họ trong mắt sếp trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta đều phản cảm với loạt hành vi này nhưng không thể phủ nhận, những việc họ làm đều mang lại lợi ích trực tiếp cho họ, giúp họ tiếp cận với các cơ hội phát triển phong phú hơn.

16. Gặp lúc thuận lợi thì phải chừa cho mình một con đường, nhưng trong nghịch cảnh thì phải xông pha.

Một số người thường dũng cảm một cách ngốc nghếch, cái gì cũng dám làm, ai cũng dám cãi nhưng đến thời khắc quan trọng lại trở nên nhút nhát, chẳng dám làm gì. Những người như vậy thường không đạt được nhiều thành tựu đáng nể.

Trong khi đó, những người biết ẩn nhẫn tại nơi làm việc thường nói năng thận trọng, biết để sẵn một lối thoát cho bản thân vào những thời điểm thuận lợi. Tới khi nguy cấp, họ sẵn sàng xông pha mà không sợ hãi điều gì. Mặc dù đây chỉ là sự khác biệt về thứ tự của sự dũng cảm nhưng rõ ràng, nó mang đến những kết quả rất khác nhau.

17. Sếp sẽ không thích ứng với bạn, chỉ có bạn mới phải thích ứng với sếp.

Những người thất bại thường thích trốn tránh trách nhiệm. Họ quy kết thất bại của mình là do môi trường, do sếp, do đồng nghiệp và cảm thấy cả thế giới đều không hợp với mình. Tuy nhiên, ở nơi làm việc, quyền lực của bạn càng lớn càng chứng minh sức nặng của bạn. Người không có quyền lực trong tay chỉ như cá trong đại dương, rõ ràng chỉ có cá thích nghi với môi trường đại dương chứ chẳng đại dương nào phải thay đổi để thích nghi với ca.

Nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải thích nghi với ông chủ của bạn. Bạn muốn làm trái ư? Hãy chứng minh năng lực và vượt qua vị trí của sếp.

18. Bạn thích ai không quan trọng, quan trọng ai là người có ích cho bạn.

Có một sự thật là những người bạn thích thường ở level ngang bạn, thậm chí bình thường và ít dám nghĩ hơn bạn. Còn người bạn không ưa, thậm chí đối nghịch lại thường trên bạn một bậc.

Tâm lý thích và ghét này có hữu ích cho sự nghiệp của bạn không? Không hề. Nơi làm việc không phải là nơi bạn có thể lựa chọn thứ mình yêu thích, vì đây là nơi trả tiền mua thời gian làm việc của bạn. Trong khoảng thời gian này, bạn không còn là chính bạn của vốn có, bạn không nên có bất kì sở thích ưu ái riêng biệt nào, bạn chỉ nên đứng trên góc độ công việc và quyền lợi để phân tích điều gì là nên làm và điều gì không nên làm, chứ không phải là điều gì thích làm và điều gì không thích làm hay người nào bạn thích làm cùng và người nào bạn không thích làm cùng.

19. Những gì sếp nói cho bạn không nhất thiết phải cho bạn, còn những gì sếp muốn cho bạn thì không nói cũng sẽ cho bạn.

Lời nói miệng của sếp không phải lúc nào cũng đáng tin. Theo thời gian, bạn sẽ nhận ra những gì sếp hứa hẹn sẽ cho bạn thì chưa chắc sẽ thực sự cho bạn. Bởi vì với nhiều vị sếp sếp, “đã nói” tương đương với “đã hoàn thành”.

20. Lợi ích của công ty không đại diện cho lợi ích của bạn.

Lợi ích của công ty thực chất là lợi ích riêng của ông chủ. Là một nhân viên nhỏ, bạn nên có lợi ích nghề nghiệp của riêng mình, và hai sở thích này thường đối lập nhau.

Ví dụ, vì lợi ích của công ty, sếp có thể yêu cầu bạn tăng ca miễn phí cả đêm. Nhưng đối với bạn, rõ ràng điều này đã xâm phạm đến lợi ích nghề nghiệp của bạn. Với sếp, lợi ích là kiếm được nhiều tiền hơn và trả ít tiền đi, còn lợi ích của bạn là bất luận sếp kiếm được nhiều hay không, chỉ cần bạn nhận được nhiều tiền hơn là được.

Nhìn chung, coi quyền lợi của sếp như quyền lợi của mình là hiểu lầm đáng lo ngại nhất ở nơi làm việc.

21. Những lý tưởng của sếp có thể không bao giờ liên quan đến bạn, vì vậy bạn phải có kế hoạch của riêng mình

Sếp thường kiểm soát cấp dưới theo cách ràng buộc lý tưởng, biến lý tưởng cá nhân thành lý tưởng tập thể, và để mọi cá nhân phấn đấu vì cùng một mục tiêu. Nhưng mục tiêu chung thực sự phải là mọi người cùng chia sẻ lợi ích chung, chứ nếu đến cuối cùng, người duy nhất hưởng lợi là sếp, người duy nhất được thăng chức cũng là sếp, thì với tư cách một nhân viên quèn, bạn có cần bán mạng vì điều đó không?

Cho dù lý tưởng của sếp có phải là lý tưởng của bạn hay không, bạn cũng phải suy nghĩ độc lập trên quan điểm của mình.

22. Ở nơi làm việc, không ai hoàn toàn dựa vào bản lĩnh thực sự để kiếm ăn.

Mỗi cá nhân ở nơi làm việc đều phức tạp, và có những thuộc tính khác nhau. Có người lý lịch vững vàng, có người thích xu nịnh, có người lợi dụng ngoại hình, có người biết bảo vệ lợi ích của cấp trên. Bạn thấy những người thành công đó đang làm tốt mọi việc, nhưng thực tế, có thể những gì bạn thấy chỉ là một màn kịch. Ở sau lưng, mỗi người đều có khả năng làm những trò lố nhỏ và chính những thứ bạn không nhìn thấy ấy mới là vũ khí thần kỳ giúp họ giành chiến thắng.

Đừng để bị lừa bởi những thứ bề ngoài ấy. Bản lĩnh là điều cần có nhưng chưa đủ nếu bạn muốn thành công lớn ở nơi làm việc.

23. Không có nơi làm việc không hợp, chỉ có tâm lý không hợp.

Những người nghĩ rằng một nơi làm việc không hợp với mình đều kẻ thua cuộc. Còn những người thành công sẽ luôn cảm thấy mọi thứ đều hợp lý.

Cùng một nơi làm việc nhưng sao lại có khác biệt như thế? Trên thực tế, mọi thứ đều xuất phát từ vấn đề tâm lý. Những người thua cuộc không thể thích nghi với nơi làm việc, vì vậy họ đẩy trách nhiệm cho các yếu tố khách quan. Những người chiến thắng thì không vậy, họ nắm bắt mọi cơ hội và làm việc chăm chỉ để thích nghi với các môi trường khác nhau, giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn.

Muốn thành công ở nơi làm việc, chỉ dựa vào năng lực là chưa đủ mà còn phải dựa vào độ mạnh mẽ của trí lực. Nếu không có tư duy thay đổi thế giới, từ đó thay đổi thái độ sống thì bạn chỉ có thể sống mãi trong thế giới của bản thân. Những người như thế có thể là nghệ sĩ hoặc tác giả xuất sắc nhưng sẽ không thể thành công ở chốn công sở được.