Trang chủ Khởi nghiệp ‘Định luật 3 phút’ giúp hoàn thiện bản thân, được người yêu...

‘Định luật 3 phút’ giúp hoàn thiện bản thân, được người yêu mến

0
341
Ảnh: Freepik.
Thời gian là liều thuốc chữa lành cho hết thảy.

Lời nói, việc làm và đối xử với mọi người đều cần có thời gian để “lên men”.

“Định luật 3 phút”, mỗi một việc đều là sự tu hành, giúp chúng ta đón chào một bản thân tốt hơn.

1. Cân nhắc lời nói 3 phút trước khi nói

Người xưa có câu: “Nước sâu thì chảy chậm, người sang thì nói chậm”.  Lời đã nói ra giống như bát nước đổ đi, căn bản không thể lấy lại được.

Nói chuyện là một nghệ thuật, một câu nói có thể khiến người khác mỉm cười, và cũng một câu nói cũng có thể khiến người ta giận dữ.

Có người dễ dàng thốt ra những lời thiếu suy nghĩ. Dù không có ác ý nhưng cũng dễ làm tổn thương người khác và gây tai họa cho chính mình.

Dòng họ Vương ở Lang Gia là một trong những gia tộc hiển hách nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong gia tộc có lưu truyền 6 chữ gia huấn là: “Nói phải chậm, tâm phải thiện”.

Vương Cát, thủy tổ của dòng họ Vương, nhờ tuân thủ 3 chữ đầu tiên, mới có thể thuận lợi vượt qua tất cả các loại hiểm họa nơi chốn quan trường hiểm ác. Từ một chức quan nhỏ mà được thăng chức trở thành một trọng thần của triều đình.

Trước khi nói, nhất định cần sàng lọc trong đầu một lượt. Hãy suy nghĩ cho thật kỹ càng, một khi lời đã nói ra sẽ mang đến hậu quả thế nào cho bản thân và những người khác. Lời nhất định phải nói thì nên nói như thế nào, cũng cần chú ý đến phương pháp: Nếu có thể nói ít, thì đừng bao giờ nói nhiều; nếu có thể nói chậm, thì đừng bao giờ nói nhanh; nếu có thể nói nhẹ nhàng, thì đừng bao giờ nói cứng rắn.

Quản được cái miệng của mình, bạn đã là người nắm được phần thắng.

2. Những lúc tức giận, hãy trầm tĩnh trong 3 phút

Trong cuộc sống, không thể tránh khỏi những việc không vừa ý, vậy nên ta cần học cách kiểm soát cảm xúc, đừng để cơn tức giận bùng lên. Khi con người tức giận, hành sự rất dễ trở nên manh động. Khi đó những lời nói, những hành động chỉ có thể làm tổn thương người khác và tổn hại chính mình.

Trước khi Vương Dương Minh bình định cuộc nổi loạn của Ninh Vương, rất nhiều lão tướng không phục ông. Họ thường bao vây bên ngoài doanh trại, chửi rủa sinh sự với ông, Vương Dương Minh ngồi yên trong lều, không chút động tâm.

Ông nói: “Tức giận vốn là một phần của cảm xúc, trong tâm người ta làm sao không có nó được đây? Nhưng nếu không kiềm chế được tức giận, thì hành động sẽ vượt quá giới hạn”.

Cách tốt nhất để kiểm soát cơn giận là thả lỏng. Thay vì nóng vội và phải hối tiếc sau đó, thì hãy lại trầm tĩnh trong 3 phút, sau khi cảm xúc dịu đi rồi mới đưa ra quyết định.

Trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày, hãy cố gắng rèn luyện bản thân và học cách kiềm chế cảm xúc của mình. Sau một thời gian dài, sẽ không nhìn vấn đề đến mức quá khích nữa.

Học cách xử lý và đối mặt với sự việc một cách điềm tĩnh, chúng ta sẽ nhận ra rằng, những điều bản thân nghĩ không thông trước đây, căn bản chẳng đáng để bạn phải tức giận.

3. Giải quyết sự việc thì hãy hoàn tất trước 3 phút

Trong “Lễ Ký” có câu: “Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế”, tạm hiểu là: Phàm là việc gì mà có dự tính trước thì sẽ thành, không có dự tính trước thì sẽ hỏng. Làm bất kỳ việc gì cũng nhất định phải có tính toán trước. Việc được chuẩn bị tốt từ trước thì sẽ thành công, không chuẩn bị trước thì dễ thất bại. Một khi hình thành thói quen chậm trễ, cuối cùng người chịu thiệt thòi lại là bản thân mình.

Khi Trương Lương còn ở Hạ Phi, ông gặp một ông lão có lời nói cốt cách không tầm thường. Ông lão bảo Trương Lương rằng: “Sáng sớm 5 ngày sau, hãy đến gặp ta trên cầu”. Trương Lương vội đồng ý và năm ngày sau đến nơi hẹn đúng hạn. Nhưng ông không ngờ rằng ông lão đến sớm hơn và đã đợi từ lâu.

Ông lão nhìn thấy Trương Lương, quở trách rằng: “Đã hẹn với người lớn, sao còn dám đến muộn? Sáng sớm 5 ngày sau nhớ đến gặp ta sớm!”. Nói xong, ông lão bỏ đi mà không ngoảnh đầu nhìn lại.

Lại qua 5 ngày nữa, Trương Lương vừa nghe tiếng gà gáy đã vội vàng đến chỗ hẹn. Lần này, thấy Trương Lương đến sớm như vậy, ông lão gật đầu ra vẻ vừa ý. Ông lão lấy ra một cuốn sách đưa cho Trương Lương,  chính là cuốn “Thái Công binh pháp” nổi tiếng. Trương Lương đã nghiên cứu kỹ cuốn sách này và cuối cùng đã thành tựu được một phen sự nghiệp, lưu danh thiên cổ.

Với mọi việc, phàm là hoàn tất trước 3 phút, chính là một sự tôn trọng người khác. Để lại ấn tượng tốt cho người khác, và để người khác thấy được sự chân thành của bạn. Người như vậy dù đi đến đâu cũng đều sẽ được chào đón. Phàm là việc gì đều làm xong trước 3 phút, đó cũng là một loại trách nhiệm đối với bản thân. Dành ra thời gian hoà hoãn cho bản thân sẽ không khiến mình luống cuống chân tay, quên trước quên sau. Dù gặp phải bất kỳ tình huống bất ngờ nào, cũng đều có thể bình tĩnh giải quyết.

4. Đối xử với người khác, dành ra 3 phút để tự xét mình

Lão Tử nói: “Đại Đạo chi hành, bất trách ư nhân”, tạm hiểu là: Thực hành đại Đạo thì không đổ lỗi cho người. Tính cách của con người có một nhược điểm thường hướng hai mắt nhìn ra bên ngoài, luôn nhìn chằm chằm vào chỗ sai của người khác, nhưng lại không chịu nhìn vào bản thân.

Trong “Thế thuyết tân ngữ” có câu chuyện rằng, Chu Xứ khi còn trẻ tướng rất hống hách ngang ngược, nhưng cậu lại tự phô trương mình là một người hiệp nghĩa, lập chí phải diệt trừ “ba tai ương xấu ác” cho dân làng. Dân làng kể với ông rằng, hai cái ác đầu tiên là hổ dữ trên núi và giao long dưới biển. Chu Xứ liền lên núi đánh chết con hổ, xuống biển diệt trừ giao long. Hai con ác thú đã bị Chu Xứ giết chết, nhưng cậu cũng lịm đi vì kiệt sức.

Dân làng 3 ngày không thấy Chu Xứ trở về, tưởng rằng Chu Xứ đã chết, liền vui sướng hò reo mở tiệc ăn mừng. Chu Xứ nghe đến đây mới biết mình là cái ác thứ ba. Kể từ đó, cậu đã ăn năn sửa sai, bỏ ác hướng thiện, cuối cùng trở thành danh tướng một thời.

Khi đối xử với mọi người, hãy dùng một con mắt để nhìn thế giới, một con mắt để lại xét lại bản thân mình. Chỉ trích người khác sẽ chỉ khiến bản thân càng thêm thấp kém. Thay vì dùng thời gian để oán trách người khác, chi bằng hãy cố gắng hết sức để thay đổi bản thân mình.

Mạnh Tử nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, nghĩa là: Hành động mà chẳng đạt, đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình. Đúng vậy, khi gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm nguyên nhân ở bản thân, không đùn đẩy, không trốn tránh, mỗi một lần thất bại đều là cơ hội để trưởng thành.