Trang chủ Chưa được phân loại Tin trong nước trưa 9/6: Việt Nam sắp chạm mốc 10.000 ca...

Tin trong nước trưa 9/6: Việt Nam sắp chạm mốc 10.000 ca bệnh; Internet đi quốc tế của Việt Nam chập chờn

0
479
Ảnh minh họa.

Việt Nam sắp chạm ‘kịch bản’ 10.000 ca bệnh.

Thanhnien – Tính đến 18 giờ ngày 8/6, Việt Nam đã vượt mốc 9.000 ca bệnh (trong đó 7.573 ca ghi nhận trong nước và 1.585 ca nhập cảnh), sắp sửa chạm kịch bản 10.000 ca bệnh mà Bộ Y tế xây dựng, chuẩn bị tới kịch bản cao hơn – 30.000 ca.

Trong tình hình này, tuy những nền tảng chống dịch về “phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly, điều trị hiệu quả” chưa thay đổi về bản chất, nhưng đã có điều chỉnh đáng kể ở nhiều thành tố. Đặc biệt, ở thời điểm này, song song với “phòng thủ”, Việt Nam chuyển sang hướng chủ động chống dịch bằng mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 với chiến lược vắc xin.

Có thể nói, hầu hết các nền tảng cơ bản của chiến lược chống dịch kiểu Việt Nam hình thành trong giai đoạn từ tháng 1 – 4/2020, tức là kết thúc đợt dịch thứ nhất. Đó là “phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, điều trị”. Giai đoạn này cũng là giai đoạn Việt Nam “thử” nhiều cấp độ chống dịch khác nhau, trong đó đỉnh điểm là “cách ly toàn xã hội” trên phạm vi toàn quốc từ 1.4.2020, thực hiện trong vòng 15 ngày (tại thời điểm Việt Nam mới có tổng cộng 204 ca bệnh, chưa có ca tử vong). Hiện nay nhìn lại, biện pháp đó có vẻ hơi “cực đoan”, nhưng cũng là một phép thử để có kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo.

Đợt dịch thứ 4 này đánh dấu nhiều thay đổi đáng kể nhất trong biện pháp chống dịch ở Việt Nam, thiên về chủ động với việc dồn sức cho mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 bằng mua vắc xin; song song với phòng ngự, dập dịch.

Tại đợt dịch này, Việt Nam khoanh vùng nhỏ hơn (ở quy mô 1 ngõ phố, 1 tầng chung cư, thay vì cả tòa nhà), linh hoạt hơn (không ra quyết định cách ly 14 hay 21 ngày, mà ra quyết định cách ly, phong tỏa “cho đến khi có yêu cầu mới” – tức là bất cứ khi nào các nhà chuyên môn cảm thấy đủ an toàn); giãn cách xã hội cũng ở quy mô nhỏ hơn (cấp độ từng thôn, từng xã, rồi mới đến huyện…, thậm chí Hà Nội còn có sáng kiến cách ly 3 vòng – lõi trong cùng là cách ly theo Chỉ thị 16, lớp giữa là Chỉ thị 15 và lớp ngoài là Chỉ thị 19).

Bản thân các địa phương cũng cho các quy định riêng về giãn cách, đóng cửa một số hàng hóa dịch vụ không thiết yếu (như Hà Nội đang áp dụng các biện pháp không tương đồng với chỉ thị nào của Thủ tướng, có phần ở giữa Chỉ thị 19 và Chỉ thị 15).

Ở giai đoạn này, chiến lược cách ly của Việt Nam có thay đổi đáng kể nhất, sau khi phát hiện ra các lỗ hổng trong cách ly. Do đó, thời gian cách ly tập trung đã được tăng lên 21 ngày thay vì 14 ngày, sau đó phải giám sát tại nhà thêm 7 ngày. Số lần lấy mẫu khi cách ly tập trung cũng đã tăng lên: 3, thậm chí 6 lần (như Hà Nội). Việt Nam cũng đang tính tới cách ly F1 tại nhà, trên cơ sở phân loại nguy cơ, bởi sự quá tải của các khu cách ly tập trung đang khiến ý nghĩa của việc cách ly bị đảo lộn (nguy cơ F1 thành F0 tại khu cách ly tăng lên quá cao).

Ngay từ đầu dịch, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc có vắc xin sớm (bằng cả tìm mua, nghiên cứu sản xuất trong nước) cùng với chống dịch, chỉ có mỗi thời điểm có các ưu tiên khác nhau, và với việc xác lập ưu tiên vắc xin, hy vọng giai đoạn cầm cự sẽ không kéo quá dài, làm kiệt sức các lực lượng y tế.

Internet đi quốc tế của Việt Nam chập chờn

Ictnews – Hiện nhiều người dùng Internet tại Việt Nam gặp phải tình trạng chập chờn, khó sử dụng các dịch vụ quốc tế như tải nội dung, hình ảnh trên mạng xã hội Facebook, gửi gmail chậm hay xem YouTube bị giật, lag…

Giải đáp nguyên nhân, trao đổi với báo chí, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết 2 trong 5 tuyến tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đang bị gián đoạn dịch vụ.

Đơn vị quản lý cho biết đã phát hiện sự sụt giảm điện áp trên nhánh S1H của tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1) vào sáng ngày 26/5.

Đánh giá ban đầu cho thấy đã xảy ra lỗi gây đứt một phần sợi quang trên phân đoạn S1H.1 của tuyến cáp, nhưng các ISP tại Việt Nam hiện tại vẫn chưa nhận được kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển AAE-1.

Ngoài ra, tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway- APG cũng đang bảo dưỡng từ 24h ngày 5/6 và dự kiến hoàn thành vào 22h ngày 10/6.

TP.HCM lập 2 trung tâm cách ly tập trung

Tuoitre – Ngày 8/6, TP.HCM có quyết định thành lập trung tâm cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 tại Trường Quân sự Quân khu 7, ký túc xá Trường đại học Sư phạm TP.HCM và tại các khách sạn có thu phí.

Theo đó, trung tâm cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 Trường Quân sự Quân khu 7 đặt tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 và trung tâm cách ly ký túc xá Trường đại học Sư phạm TP.HCM đặt tại phường 5, quận 11.

Các trung tâm này có chức năng tiếp nhận, khám, sàng lọc, theo dõi, tư vấn những người được cách ly tập trung theo quy định. Sở Y tế có trách nhiệm xem xét, phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của các trung tâm theo quy định.

Bên cạnh đó, TP cũng có quyết định thành lập khu cách ly y tế tập trung tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả trực thuộc UBND quận, huyện và TP Thủ Đức. Khu cách ly y tế tập trung tại các khách sạn gồm Happy Life (phường Bình Thuận, quận 7); Golden View, TTC Deluxe Airport (quận Tân Bình).

Các khu cách ly y tế này chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.

TP.HCM: Phạt nặng 1 phòng khám nam khoa, tước chứng chỉ hành nghề nhiều bác sĩ

Nld – Phòng Khám chuyên khoa Nam học TP.HCM (thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nam học TP.HCM-VN; phường 12, quận 5), vừa bị Thanh tra Sở Y tế TP xử phạt hơn 150 triệu đồng vì nhiều sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Công ty này đã không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.

Các nhân viên y tế ở đây không đeo biển tên, cơ sở không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.

Với những sai phạm trên, Thanh tra Sở y tế TP đã quyết định xử phạt Công ty Nam học TP.HCM-VN với số tiền 152.700.000 đồng. Thanh tra Sở Y tế còn tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng đối với Phòng khám chuyên khoa Phục hồi Chức năng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 26-5 đối với Phòng khám chuyên khoa Ngoại niệu và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của ông Nguyễn Phúc Tùng – người chịu trách nhiệm chuyên môn của Phòng khám chuyên khoa Ngoại niệu trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày 26-5.

Song song với việc xử phạt Công ty Nam học TP.HCM-VN, Thanh tra Sở Y tế TP cũng xử phạt, và tước giấy phép hành nghề của 4 cá nhân đang làm việc đây vì có những sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn toàn thành phố Hà Tĩnh

Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có công văn hỏa tốc về việc khẩn trương xét nghiệm COVID-19, trên địa bàn toàn thành phố Hà Tĩnh.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp, chỉ đạo thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tất cả các hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Mỗi hộ gia đình lấy mẫu xét nghiệm 1 người có tiền sử tiếp xúc nhiều hơn các thành viên khác trong gia đình. Dự kiến có 125 điểm lấy mẫu xét nghiệm, mỗi điểm có 3 – 4 cán bộ y tế.

Sở Y tế đề nghị UBND Thành phố yêu cầu các xã, phường phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương bố trí địa điểm lấy mẫu theo từng Tổ dân phố, khu dân cư; bảo đảm các điều kiện lấy mẫu; sắp xếp thời gian cho từng Tổ liên gia để đảm bảo giãn cách khi lấy mẫu; cử cán bộ địa phương phối hợp với trung tâm y tế, phòng y tế để hướng dẫn địa điểm lấy mẫu, dẫn đường cho nhân viên y tế đến địa điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối phối hợp với Trung tâm y tế thành phố để điều phối cán bộ y tế của các đơn vị trong ngành thực hiện việc lấy mẫu tại các địa điểm quy định.

TP.HCM: Phong tỏa 5 công ty, 7 hộ dân tại khu cư xá Bình Thới

Sáng 9/6, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 11 cho biết, lực lượng chức năng và nhân viên y tế đang thực hiện phong tỏa một địa điểm trên đường số 4, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, do liên quan đến ca nhiễm COVID-19. Khu vực trên gồm 7 hộ dân và 5 công ty.

“Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng y tế quận đã xuống làm công tác khoanh vùng, điều tra dịch tễ. Ca nhiễm nói trên là nhân viên một công ty tại đây, nhưng sinh sống trên địa bàn quận khác”, đại diện Trung tâm Y tế quận 11 cho hay.

Hiện tại, người dân được yêu cầu không ra vào khu vực được phong tỏa. Lực lượng y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan và áp dụng cách ly tập trung với một số trường hợp tiếp xúc gần F1.

Sáng 9/6, TP.HCM không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có 461 bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng được công bố.

Toàn thành phố đang có hơn 300 địa điểm được phong tỏa, rải rác tại các quận, huyện do liên quan ca mắc, nghi mắc COVID-19.

Thành phố đang cách ly tập trung 9.713 người, 17.630 trường hợp khác được yêu cầu cách ly tại nhà.

Úc,Thuỵ Sĩ, và Pháp xem xét khả năng cung ứng và nghiên cứu thêm vắc-xin cho Việt Nam

Vietnamnet – Úc đang xem xét khả năng cung ứng thêm vắc-xin cho Việt Nam, Thuỵ Sĩ cũng cam kết đẩy nhanh đưa 5 triệu liều Moderna về TP.HCM, trong khi Pháp cho biết sẽ nghiên cứu thúc đẩy việc trao đổi, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có buổi làm việc riêng với Đại sứ các nước Úc, Thụy Sĩ, Pháp tại Việt Nam, liên quan vấn đề hợp tác phòng chống dịch, đặc biệt là tạo điều kiện giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vắc-xin phòng Covid-19.

Đại sứ Úc, bà Mobyn Mudie cho biết, Chính phủ nước này đã dành 130 triệu đô la Úc thông qua cơ chế COVAX.

Riêng với Việt Nam, tổng giá trị hỗ trợ chương trình vắc xin là 40 triệu đô la Úc trong 3 năm, để mua vắc xin phòng Covid 19; triển khai tiêm chủng và tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật thông qua đối tác UNICEF.

Hiện Chính phủ Úc đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ để cung cấp thêm vắc-xin cho Việt Nam. “Úc đang sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. Chúng tôi hy vọng sau nửa năm nữa có thể cung ứng vắc-xin trực tiếp cho Việt Nam”, bà Mobyn Mudie nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Việt Nam mong muốn mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Bởi vậy, Bộ Y tế đề xuất khoản viện trợ 13,5 triệu trong số 40 triệu đô la Úc nói trên để dành mua vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em.

Ông Nguyễn Thanh Long mong muốn 2 công ty dược DKSH và Zuellig Pharma đẩy nhanh cung ứng vắc xin cho Việt Nam. Zuellig Pharma là đơn vị được Moderna ủy quyền đưa 5 triệu liều vắc xin về Việt Nam. TP.HCM đã trao đổi với Bộ Y tế sẽ mua cả 5 triệu liều này.

“Chúng tôi mong vắc xin của Moderna thông qua Zuellig Pharma sẽ sớm về tới TP.HCM, thành phố đông dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đại sứ Siebber nhấn mạnh, công ty Zullig Pharma và DKSH sẽ làm việc tiếp với Bộ Y tế, để tìm cách đưa vắc xin Moderna về Việt Nam nhanh nhất.

Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho hay, hiện Sanofi và một số công ty dược khác của Pháp đang nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin Covid-19 giai đoạn 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn Pháp hợp tác trao đổi, chuyển giao công nghệ để giúp Việt Nam trong phát triển, sản xuất vắc-xin.

Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định, các đề nghị của Việt Nam đang được phía Pháp nghiên cứu. Ông cũng đề xuất nhập khẩu vắc xin Johnson&Johnson và triển khai tiêm vắc-xin này cho cộng đồng người Pháp tại Việt Nam, ưu tiên trước hết cho nhóm đối tượng trên 55 tuổi.

Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ thấp nhất trong cảnh báo đi lại Covid-19 của Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nới lỏng cảnh báo đi lại với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp nhất.

Bảng đánh giá mới về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào ngày 7/6 đã xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ từ Cấp độ 1 (thấp nhất) đến Cấp độ 4 (cao nhất). Ngoài ra, CDC cũng có một cấp độ đặc biệt dành cho các khu vực chưa xác định được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đối với cả 4 Cấp độ, CDC đều khuyến cáo tiêm chủng đầy đủ trước khi đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. CDC khuyến cáo không đến các khu vực thuộc Cấp độ 4, hạn chế đến các khu vực thuộc Cấp độ 3 và 2 nếu không cần thiết.

Theo bảng đánh giá mới, 61 nước đã được rút khỏi Cấp độ 4. Ngoài ra, 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được hạ xuống Cấp độ 2 hoặc Cấp độ 1.

Việt Nam được xếp vào nhóm Cấp độ 1, nhóm có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất, cùng với Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Australia, Lào, New Zealand…

Cửa hàng điện thoại tại TP.HCM giảm 50% doanh thu

Cafef – Nhiều cửa hàng điện thoại tại TP.HCM phải đóng cửa, hoặc hạn chế khách ra vào nhằm bảo đảm yêu cầu phòng dịch Covid. Điều này dẫn đến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Các cửa hàng cho ICTnews cho hay, họ bị giảm doanh thu từ 30-50%.

Từ sau lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại, hệ thống Mai Nguyễn đồng thời phải ngừng kinh doanh 4 cửa hàng bên trong những khu vực này. Còn lại 3 cửa hàng bên ngoài, nhưng khách lưa thưa. Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên chia sẻ: “Tình trạng khá bết bát. Khách giảm hẳn nhu cầu nên doanh thu ảnh hưởng hơn 50%”.

Chuỗi CellphoneS cho biết, ở những khu vực bị phong toả, các cửa hàng đóng hoàn toàn. Ở những nơi khác, cửa hàng phải giới hạn số lượng khách từ 5 – 10 người. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS nói: “Việc bán và giao hàng online trong thời điểm này cũng không hiệu quả, số đơn không được nhiều, một phần do khách có tâm lý thận trọng, tạm thời chưa mua sắm nếu chưa thật cần thiết”. Chuỗi này ghi nhận mức giảm doanh thu khoảng một nửa so với trước.

Một số chuỗi quy mô vừa ở TP.HCM như 24H Store, Minh Tuấn Mobile cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Hệ thống 24H Store phải đóng một cửa hàng ở Gò Vấp, đồng thời tự đóng tạm thời 3 cửa hàng khác ở các quận vì khách thưa thớt. Ông Huỳnh Phú Hải, chủ chuỗi 24H Store cho hay: “Nếu dịch bệnh kéo dài ở mức này, tình hình có thể tệ hơn”.

Ở một số chuỗi lớn hơn, như Thế Giới Di Động, đã phải đóng cửa phòng dịch ở những tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, trước khi TP.HCM giãn cách. Chuỗi có tổng cộng hơn 600 cửa hàng trên toàn quốc bị ảnh hưởng, trong đó riêng TP.HCM có gần 280 cửa hàng.

Khách sạn, resort ở miền Trung sẽ được giảm hơn 350 tỷ đồng tiền điện

Dulich – Ngày 8/6, Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, đơn vị này sẽ giảm khoảng 352 tỷ đồng tiền điện đợt 3 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, dự kiến sẽ hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho hơn 3.400 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên.

Trong đó có 3.200 khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, được giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất, với tổng số tiền 333 tỷ đồng.

Tổng công ty Điện lực miền Trung dự kiến giảm 100% tiền điện đối với khách hàng là các cơ sở cách ly, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân COVID-19. Giảm 20% tiền điện với khách hàng là các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19 với hơn 250 khách hàng và tổng số tiền 19 tỷ đồng.

Thời gian hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là 7 tháng, kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm nay.

Tổng hợp