Làm gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

0
593

Hiện, số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhỏ bé. Một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà là thể chế thị trường hoạt động chưa đủ mạnh.

Làm gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Thời gian qua, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã có sự tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, thì doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện đang rất khiêm tốn.

TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần phải có một Nghị quyết của Chính phủ về định hướng và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, coi đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm trước đây toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có hơn 3.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Nhưng riêng năm 2017 đã có thêm gần 2.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2017 được cho là năm đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm, số doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào nông nghiệp tăng lên mạnh mẽ.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là tín hiệu khá tích cực không chỉ với riêng ngành nông nghiệp mà còn là với nền kinh tế-xã hội nói chung.

“Các doanh nghiệp đầu tư vào một trong những lĩnh vực lợi thế của đất nước, chuyển hướng sang sản xuất thay vì đầu tư vào các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… Điều này không chỉ giúp nâng cao nền tảng sản xuất mà còn tạo thêm việc làm, tạo ra giá trị gia tăng mới…”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, hiện số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhỏ bé so với lực lượng doanh nghiệp trên cả nước. Theo TS. Đinh Trọng Thắng, một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà là thể chế thị trường hoạt động chưa đủ mạnh và chưa thông suốt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất như đất đai và lao động ở nông thôn, cũng như nguồn lực thị trường.

Trong đó, có một vấn đề rất lớn cần được giải quyết, đó là quan hệ giữa mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân và mục tiêu đảm bảo diện tích trồng một số loại cây cụ thể; trong đó có cây lúa. Hay nói cách khác, theo TS Đinh Trọng Thắng là cần có một tư duy mới, một cách tiếp cận mới trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, tránh đồng nhất an ninh lương thực với diện tích và sản lượng một số loại cây cụ thể…

Bên cạnh đó, còn nhiều rào cản, khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là những bất cập về vấn đề hạn điền. Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210). Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định còn nhiều bất cập; trong đó tích tụ ruộng đất còn khó khăn.

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, hiện nay 3 cái khó cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đó là khó tập trung đất đai, yếu tố môi trường và giá trị đầu tư vào nông nghiệp rất cao. Một mặt, người dân nhìn chung có tâm lý không muốn cho thuê đất, nếu cho thuê thì cũng trong thời gian ngắn và có thể đòi lại bất cứ lúc nào, trong khi đó, để sinh lời, ít nhất doanh nghiệp phải thuê được trong 10 năm. Điều này cũng dẫn tới doanh nghiệp phải tiếp cận từng hộ nông dân khiến chi phí đội lên rất cao, khiếu kiện rất lớn.

“ Nếu giải quyết được vấn đề có tính quan điểm trên sẽ là tiền đề để đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giảm nhẹ nhiều rào cản về tiếp cận nguồn lực như đất đai, lao động và vốn…”, TS. Đinh Trọng Thắng nhấn mạnh.

Đồng hành để tháo gỡ

Theo các chuyên gia kinh tế, bước đầu, việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã giúp manh nha hình thành nên một số chuỗi sản xuất, một số vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn, thậm chí đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210 với mục tiêu tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định này được ban hành trước khi có các Luật như Luật Đất đai, Đầu tư công, Đầu tư, Xây dựng nên một số quy định còn trùng lặp, vướng mắc khi hướng dẫn thực hiện, làm phát sinh nhiều thủ tục cho doanh nghiệp khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sau những bất cập, Nghị định này đã được sửa đổi bổ sung để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới.

TS. Đinh Trọng Thắng cho rằng, trong khi những chính sách về ưu đãi thuế, phí thực ra rất cần với doanh nghiệp nhưng lại không phải là vấn đề quan trọng nhất, thì còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng lại nằm ngoài tầm xử lý của một Nghị định.

“Do vậy, cần phải có một nghị quyết của Chính phủ về định hướng và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, coi đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới”, TS Thắng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, lao động, thị trường, đất đai… đã có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân và doanh nghiệp.

Theo ông Cường, trong sản xuất nông nghiệp, đất đai là nhân tố quyết định việc thành bại của đầu tư, không có đất thì doanh nghiệp không thể đầu tư được. Vì thế, Nhà nước cần xem xét, rà soát các quy định, từ đó cho phép người dân, doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm cả đất lúa đối với các tỉnh Tây Nguyên và đặc biệt nên xóa bỏ hạn điền.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, để giữ chân doanh nghiệp và tạo dựng lòng tin, trước hết phải tập trung cải cách hành chính. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước phải xác định đồng hành với doanh nghiệp, để khó ở đâu cùng gỡ ở đó, nhất là vấn đề thị trường. Không chỉ riêng Bộ Công Thương mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải cùng doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Chính phủ tháo gỡ thị trường.

Theo TTXVN