Vừa qua, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với Lãnh đạo Sở ngành thành phố với chủ đề: “Cơ hội và thách thức với người Việt Nam ở nước ngoài khi về khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là hoạt động thường niên từ nhiều năm qua của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tọa đàm giữa các kiều bào trẻ với Lãnh đạo sở ngành được diễn ra nhằm giải đáp những thắc mắc về thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội cho người Việt Nam ở nước ngoài khởi nghiệp trên địa bàn thành phố…
Tại hội nghị ông Phùng Công Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài (NVNONN) đánh giá cao những đóng góp của bà con Việt kiều, thời gian gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại TP đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, môi trường và các điều kiện khởi nghiệp, gồm hệ thống khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm…giúp đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp, trong đó chú trọng các chính sách tài chính là yêu cầu bức thiết nhất, giúp cộng đồng khởi nghiệp vươn lên nhanh chóng. “Thực tế hiện nay hoạt động khởi nghiệp cần nhiều sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề về kiến thức, kinh nghiệm và lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM.”- Chủ nhiệm UBVNVNONNTP nhấn mạnh.
Ông Phùng Công Dũng phát biểu tại hội nghị.
Trong thời gian làn sóng khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam. Theo Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển của cộng đồng đổi mới sáng tạo khi thành phố có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ, 24 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 12 không gian khởi nghiệp… và hơn 760 starup hình thành. Hiện nay, các starups vẫn tập trung vào lĩnh vực ICT, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, … và hầu hết mới thành lập trên dưới 1 năm, đang trong giai đoạn đánh giá thị trường, số mở rộng kinh doanh còn hạn chế. Vốn khởi nghiệp cho starup dưới 1 tỷ đồng chiếm gần 60%, cho thấy, vốn khởi nghiệp rất thấp, gần 50% starup chưa được tài trợ, 31% đang tìm nhà đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoành Năm – Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ ngoại giao Nguyên đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết: “Đây là dịp để Sở ngành thành phố cung cấp thông tin, chủ trương liên quan về khởi nghiệp để doanh nghiệp kiều bào tìm hiểu thêm về chủ trương, chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào, đặc biệt là doanh nghiệp kiều bào trẻ khởi nghiệp cùng gặp gỡ, giao lưu và có những đóng góp với Sở ngành thành phố”.
Trong vòng 2 năm nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Tổng cộng, thành phố chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ không chỉ về vấn đề tài chính, vấn đề về kiến thức, kinh nghiệm và lực lượng trí thức ở nước ngoài chính là một trong những nguồn lực quan trọng để xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Vẫn còn những khó khăn cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang hằng ngày, hàng giờ phải đối mặt. Đó là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Giải pháp đặt ra chính là cơ chế phối hợp với doanh nhanh, nhà quản lý và lực lượng chuyên môn.
Gần 40 năm trở về và đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Phú, kiều bào Pháp chia sẻ: Đối với Kiều bào Tp. HCM nói riêng , Kiều bào tại Việt Nam nói chung cần nhất là cầu nối, mà cầu nối quan trọng nhất là thông tin báo chí, nhất là những tờ báo viết về những đường lối, chính sách của nhà nước dành cho các kiều bào, các bài viết về doanh nhân, doanh nghiệp rất là quan trọng trong tình hình hiện nay.
Ông Trần Ngọc Phú – kiều bào Pháp.
Thẳng thắn chia sẻ tại Tọa đàm, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp là kiều bào cho biết họ gặp khá nhiều khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể là việc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa theo kịp sự chuyển biến quá nhanh của cộng đồng khởi nghiệp. Môi trường, điều kiện cho khởi nghiệp gồm hệ thống khung pháp lý, chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm… còn nhiều vướng mắc. Qua đó, các kiều bào trẻ cũng mong muốn Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cho khởi nghiệp, trong đó chú trọng chính sách tài chính là yêu cầu bức thiết giúp cộng đồng khởi nghiệp vươn lên phát triển.
Một doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm mới tại hội nghị để tìm đối tác, nhà đầu tư là Việt kiều.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là điểm đến khởi nghiệp của nhiều kiều bào trẻ. Theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố đón hơn 30.000 kiều bào trẻ về thăm quê hương và tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam.
Ông Đinh Hoàng Minh Trị – giám đốc công ty dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu 3T Mart cho biết: “Hiện nay, các chính sách đầu tư của nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các kiều bào trở về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố luôn rộng mở cánh cửa để hợp tác, liên kết với các doanh nhân là kiều bào. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn được kết hợp với các kiều bào, vừa cùng nhau phát triển kinh doanh vừa góp phần tạo ra cơm no áo ấm cho người dân. Tôi hy vọng các chính sách hiện nay của nhà nước ta sẽ được duy trì và ngày cải thiện theo hướng tích cực để bà con kiều bào “mặn mà” hơn với việc trở về quê hương khởi nghiệp. Tôi cũng mong rằng, trong tương lai, các kiều bào trẻ sẽ nghiêm túc định hướng việc về quê hương khởi nghiệp, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh”.
Ông Đinh Hoàng Minh Trị – giám đốc công ty dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu 3T Mart.
Trước đó, vào tháng 3/2018, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp – Bộ ngoại giao tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chương trình Tọa đàm: “Giao lưu giữa kiều bào trẻ lập nghiệp tại Việt Nam và thanh niên trong nước” với sự tham gia của 25 gương mặt kiều bào trẻ đến từ các nước và hơn 40 thanh niên đang làm việc, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau buổi tọa đàm này, thành phố đã hình thành nên mạng lưới liên kết các thành viên trong nước và nước ngoài, hướng đến kết nối và thúc đẩy các hoạt động của kiều bào trẻ về quê hương lập nghiệp.
Yến Nguyễn