Tin tổng hợp 6/3: Đô thị lớn lên phương án cách ly diện rộng, 5 tỉnh miền Tây công bố hạn mặn khẩn cấp

0
565

Thành phố lớn lên phương án cách ly diện rộng, mua thêm 20 triệu khẩu trang

Theo Dân Trí, ngày 5/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong trường hợp xấu nếu dịch bùng phát trên diện rộng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phải lên kế hoạch cách ly diện rộng.

Đồng thời, cần lập kế hoạch dự phòng, về vị trí, chỗ ở và nguồn cung ứng nhu yếu phẩm nếu phải cách ly trên diện rộng. Các ngành cần lên kế hoạch chi tiết, điều chuyển nhân lực y tế và nguồn lực hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả đến các nơi trong tình huống ổ dịch xảy ra.

Thủ tướng giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu chiếc ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang N95, trang phục chống dịch.

Ông Phúc đồng ý với các kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch như dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng với dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị phương án huy động một số khách sạn, cơ sở lưu trú để tổ chức cách ly (khi đã hết cơ sở cách ly do quân đội bố trí).

Người đàn ông tử vong sau khi trở về từ Hàn Quốc, âm tính với nCoV

Sau khi từ Hàn Quốc về đến Cần Thơ, chiều 4/3, ông L.V.D. (65 tuổi) có biểu hiện choáng, ngất xỉu. Người đàn ông này được đưa từ sân bay đến khu tiếp nhận cách ly của bệnh viện tại Cần Thơ.

Chiều 5/3, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ Cao Minh Chu cho Zing biết, Viện Pasteur TP.HCM thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân 65 tuổi này âm tính với Covid-19.

Các bác sĩ nhận định bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm trùng trên nền đợt cấp của suy thận mãn, đái tháo đường type II, hôn mê do nhiễm ceton máu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế đến 22h00 ngày 5/3, Việt Nam đã xét nghiệm 1.924 ca, trong đó 1.908 trường hợp âm tính với nCoV. Cả nước có 68 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi để không lây nhiễm ra cộng đồng; 14.241 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

5 tỉnh miền Tây công bố hạn mặn khẩn cấp

Theo VnExpress, 5 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp, tập trung ứng phó do hạn mặn vượt mốc lịch sử 2016.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm (59 tuổi) – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, “năm nay mặn gay gắt chưa từng thấy. Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, trong tháng 3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.

Từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trên sông Hàm Luông, nước mặn 4 phần nghìn xâm nhập 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62-65 km tại sông Cái Lớn. Chỉ riêng sông Cái Lớn có mức xâm nhập mặn tương đương với đợt thiên tai năm 2016; các sông còn lại đều cao hơn 3-8 km.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử 4 năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Lên phương án tiếp nhận lao động Trung Quốc trở lại Việt Nam

Bộ LĐTB&XH vừa có báo cáo thống kê số lao động của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy,… đang làm việc tại Việt Nam.

Số liệu gần nhất của các tỉnh, thành cho thấy cả nước hiện có hơn 15.300 lao động Trung Quốc đang làm việc, trong đó 2.600 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, doanh nghiệp, nơi cư trú.

Theo Zing, so với một tuần trước, số lao động Trung Quốc bị cách ly đã giảm khoảng 7.000 người do các trường hợp đã đủ thời hạn cách ly 14 ngày và được các cơ sở y tế kiểm tra theo quy định phòng chống dịch.

Căn cứ vào tình hình dịch COVID-19, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo lên phương án tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc theo hướng chọn lọc, trình tự.

Việc tiếp nhận những người này phải có lộ trình với một số chuyên gia, lao động thuộc những ngành nghề, lĩnh vực nhất định và phải xuất phát từ yêu cầu thực tế của công việc. Tất cả các trường hợp quay lại làm việc vẫn phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về kiểm tra sức khỏe, cách ly.

FIFA và AFC muốn hoãn vòng loại World Cup khu vực châu Á

Trong thông cáo phát đi tối 5/3, trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) thông tin, bước đầu họ muốn đề xuất hoãn đợt trận vòng loại World Cup, chỉ chờ quyết định chính thức.

Thông cáo của AFC có đoạn: “Đối với cả FIFA lẫn AFC, sức khoẻ của từng cá nhân tham gia hoạt động bóng đá vẫn là ưu tiên cao nhất. Do đó, một đề nghị chính thức về việc hoãn các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023 sẽ được gửi đến các thành viên.

FIFA và AFC sẽ thông tin cập nhật về lịch thi đấu mới, trong ít ngày tới, sau cuộc họp với đại diện các liên đoàn thành viên của AFC”.

Theo Dân Trí, với thông báo vừa nêu, khả năng trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, dự kiến diễn ra ở sân Bukit Jalil tại Kuala Lumpur (Malaysia), vào ngày 31/3, bị hoãn là rất cao.

Trước đó, nhiều tờ báo tại châu Á đưa tin đợt trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra vào tháng 3 và tháng 6, có thể được dời đến sau tháng 10.

Tổng Hợp