Nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp: “Đại dịch giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn các quy luật của cuộc sống!”

0
1506

Dịch viêm phổi Corona bùng phát trên toàn thế giới trong mấy tháng đầu năm 2020 đã tạo ra tiền lệ chưa từng có trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Đây là thời điểm để những chủ doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực ngành nghề cùng chia sẻ quan điểm và tìm giải pháp chung. Bằng góc nhìn riêng, nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp đã nêu ra những kiến giải đặc sắc cho vấn đề này.

* Nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp: Bức chân dung đồng khắc độc đáo tri ân công hiến của HLV Park Hang Seo

Nghệ nhân-Giám đốc Phạm Hoàng Điệp Công ty TNHH Mỹ Thuật Sản xuất TM Sao Mai.

Chủ động thích nghi và không phụ thuộc

Dù có đặc thù kết hợp giữa mỹ thuật và sản xuất, thương hiệu Mỹ thuật Sao Mai không nằm ngoài ảnh hưởng chung của thị trường trong mùa dịch. Tuy nhiên, chủ nhân thương hiệu – Nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp cho biết hoạt động công ty vẫn duy trì đều đặn. Trong bối cảnh thị trường gần như lao dốc những tháng đầu năm, đây là một tín hiệu phấn khởi đối với một doanh nghiệp. “Mình không đặt mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận trong lúc này. Duy trì tinh thần hoạt động cho nhân sự công ty qua mùa dịch quan trọng hơn!” – anh Điệp chia sẻ.

Qua hơn 17 năm phát triển, các sản phẩm tranh đồng khắc mạ vàng của thương hiệu Sao Mai đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ngoài trình độ chuyên môn và tính thẩm mỹ cao, anh Điệp cũng đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và các phương án sản xuất cho doanh nghiệp mình. Sự chuẩn bị này một phần giúp cho Sao Mai ứng phó tốt trong giai đoạn đầu của dịch. Anh Điệp cho biết: “Nhiều doanh nghiệp sụp đổ vì phụ thuộc vào một vài nguồn cung hàng hóa, không xoay sở kịp trước tình huống bất ngờ.”.

Đối với các thương hiệu lâu năm như Sao Mai, lợi thế lớn nhất là tích lũy được nguồn lực và sự am hiểu sâu sắc thị trường. Ngoài việc điều chỉnh hoạt động của công ty, trong thời gian này anh Điệp còn tham gia một số diễn đàn – hội nhóm doanh nhân. Việc gặp gỡ giao lưu, chia sẻ ý kiến mang lại giúp anh và các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều giải pháp mới tốt hơn. Anh nói vui: “Mình có thể nghĩ ra 5 – 10 kịch bản nhưng thị trường có thể diễn biến ra hàng ngàn kịch bản khác nhau. Điều quan trọng nhất là đừng để mình bị động theo kịch bản thị trường”.

mavangsaomai.com

Đón nhận và sẻ chia bằng tâm thế sáng suốt

Chọn lọc”, “Cạnh tranh” và “Đào thải” trong môi trường kinh doanh là 3 mệnh đề được anh Điệp dẫn dắt vào nội dung buổi chia sẻ. Trong giai đoạn môi trường ổn định, rất nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng kinh doanh chỉ là bài toán cạnh tranh và đào thải. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp tiềm lực mạnh biến mất khi mùa dịch mới diễn ra một thời gian ngắn. Điều đó đã chứng minh sức mạnh của quy luật chọn lọc của tự nhiên. Anh Điệp nêu nhận định: “Có thể xem đây là một cuộc khảo nghiệm khả năng sinh tồn của nhiều doanh nghiệp. Chúng ta sẽ phải thay đổi cách hiểu về nhiều thứ.”

Việc lan tỏa thông tin trong mùa dịch có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là thông tin thiếu kiểm chứng. Để ứng phó, chủ doanh nghiệp đòi hỏi phải có một “cái đầu lạnh và trái tim nóng” trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin cho cộng đồng. Nói về vấn đề này, anh Điệp chia sẻ: “Những nội dung câu view không cân nhắc hậu quả sẽ rất có hại cho tâm lý mọi người trong thời điểm này. Mình thường khuyên anh em, bạn bè cần tỉnh táo, sáng suốt hơn trong việc tiếp thu thông tin!”.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, mỗi ngành nghề, mỗi quốc gia đều là một mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển chung của thế giới. Thương hiệu mỹ thuật Sao Mai của nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp một mặt tìm cách thích nghi với tình hình thị trường, đồng thời tìm định hướng phát triển cho giai đoạn kế tiếp. “Dịch bệnh có thể lấy đi doanh thu lợi nhuận, thậm chí có thể gây phá sản. Chúng ta thụ động đón nhận hay sẵn sàng thay đổi, tự nâng cấp để trở nên mạnh mẽ hơn?” – anh đặt vấn đề.

Lạc quan hướng về tương lai

Từ nghệ nhân lành nghề phát triển lên doanh nghiệp, anh Phạm Hoàng Điệp đúc kết thành những quan điểm rất thực tế về vai trò của người làm kinh doanh. Trong đó, phẩm chất “bất biến” và khả năng “thích nghi, linh hoạt” là hai yếu tố đòi hỏi những người chủ doanh nghiệp phải vận dụng một cách phù hợp và chính xác. “Trước làm hàng cao cấp, nay thị trường khó khăn thì làm hàng bình thường nhưng chất lượng vẫn tương xứng với phân khúc giá. Đó là mình vừa linh hoạt thích nghi, vừa giữ vững giá trị của mình!” – anh phân tích.

Nhìn vào diễn biến thị trường gần đây, những ngành nghề hoàn toàn thuần dịch vụ như ăn uống, giải trí,… chịu nhiều tổn thất nhất. Thương hiệu Sao Mai do đặc thù chuyên về sản xuất, ít trọng tâm về dịch vụ nên có những lợi thế nhất định. Khách hàng không cần đến tận nơi vẫn có thể đặt hàng. Về vấn đề này, anh Điệp lập luận: “Khách hàng không đến không đồng nghĩa là khách hàng từ bỏ dịch vụ của bạn. Hãy thử tìm cách mang dịch vụ đến tận nhà khách hàng và bạn sẽ được đánh giá cao vì điều đó!”.

Qua trận đại dịch lần này, dư chấn tác động lên những người làm kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, anh Điệp cho rằng cần phải nhìn nhận khía cạnh tích cực đằng sau sự kiện này. Dịch bệnh trong mức độ nào đó đã kéo giảm sự mất cân bằng của việc phân bố nguồn lực giữa các ngành nghề. “Trận dịch đã hạ nhiệt nhiều mô hình tăng trưởng nóng. Sau thời kỳ này, cấu trúc kinh tế ở Việt Nam sẽ có sự thay đổi và chuyển hóa sâu sắc. Chúng ta sẽ đón nhận nhiều điều tốt đẹp hơn!” – anh Điệp tổng kết lại.

Bên cạnh các phương án quản trị – định hướng kinh doanh thời khủng hoảng, tinh thần lạc quan, hiểu rõ các quy luật vận động của cuộc sống rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Những chia sẻ của nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp tuy chưa đi sâu vào chuyên môn nhưng cũng đủ là cảm hứng và gợi ý cần thiết giúp các doanh nhân khác tìm được hướng đi cho mình trong “Tâm bão” mùa dịch hiện nay.

Trung Lân