Học người Nhật cách “thông gió” để đối phó với Covid-19

0
486

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản mới đây đã đưa ra văn bản hướng dẫn mang tên “Các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm mới từ coronavirus”, trong đó chứa các khuyến cáo về các trường hợp có nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo dịch bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Đó là “không gian kín với khả năng thông gió kém”, “nơi nhiều người đông đúc” và “những cuộc trò chuyện khoảng cách gần”.

Các cách thông gió để phòng tránh lây nhiễm virus corona

Cơ quan này cũng khuyến khích người dân thông gió nơi ở, như “trong môi trường có cửa sổ, hãy mở các cửa sổ này theo hai hướng cùng một lúc, nếu có thể, để thực hiện việc thông gió”. Tuy nhiên, chưa có các thông tin cụ thể hơn về mức độ thông gió bao nhiêu là đủ và nên làm như thế nào cho phù hợp. Bởi tùy môi trường cụ thể, các tình huống phát sinh sẽ đòi hỏi những biện pháp thông gió khác nhau.

Để giải đáp vấn đề này, Viện Kiến trúc Nhật Bản và Hiệp hội kỹ sư điều hòa không khí đã đứng ra chia sẻ cách mọi người nên thực hiện việc “thông gió” như sau.

1. Tốc độ thông gió là 2 lần/giờ

Tốc độ thông gió là 2 lần/giờ

Khái niệm này thường bị hiểu nhầm là “mở cửa sổ hai lần một giờ”. Nhưng không đúng. Tốc độ thông gió là một chỉ số cho thấy tốc độ trao đổi không khí, tính bằng số lần mà cả thể tích không khí bên trong được thay thế mỗi giờ. Nó được xác định bởi kích thước của cửa vào và cửa ra khi không khí được trao đổi, cũng như kích thước của chính căn phòng.

Khi số lần thông gió tăng lên, không khí cũ trong nhà có thể được pha loãng với không khí mới bên ngoài và dần dần được thay thế nhanh hơn.

2. Thông gió tự nhiên và thông gió cơ học

Thông gió có thể được chia thành “thông gió tự nhiên” trong đó các cửa sổ được mở và “thông gió cơ học” tức là sử dụng quạt. Trong các tòa nhà và phương tiện giao thông như xe hơi có cửa sổ, cách hiệu quả nhất là để mở cửa sổ một cách chủ động để lấy không khí bên ngoài vào. Ô tô cũng nên đặt chế độ lấy không khí bên ngoài thay vì “chế độ lưu thông không khí bên trong”. Tuy nhiên, trên xe hơi, điều quan trọng là phải kiểm tra xem các cổng nạp và xả không bị chặn.

3. Thông gió trong phòng không có cửa sổ

Thông gió trong phòng không có cửa sổ

Trong các tòa nhà hay văn phòng, thiết bị điều hòa không khí thường được sử dụng để cung cấp không khí. Tuy nhiên, muốn thông gió, cần duy trì luồng không khí mới từ bên ngoài vào, dù chúng sẽ làm giảm hiệu quả làm mát hoặc sưởi ấm của điều hòa. Lúc này, có thể cần tới sự trợ giúp của các thiết bị thông gió cơ học.

Máy điều hòa không khí trong gia đình thông thường chỉ giúp lưu thông không khí chứ không hỗ trợ việc thông gió. Người dùng nên vận hành hệ thống thông gió trong các phòng chỉ có điều hòa.

4. Máy lọc không khí

Các loại máy lọc không khí nói chung gần như không có hiệu quả rõ rệt trong việc thông gió, bởi lượng không khí đi qua máy nhỏ hơn nhiều so với thể tích không khí cần lưu thông để đảm bảo tốc độ thông gió. Do hiệu suất và phạm vi ảnh hưởng kém của máy lọc không khí, người dùng nên sử dụng việc thông gió phổ thông như mở cửa sổ và dùng quạt, thay vì chỉ dựa vào máy lọc không khí.

Theo Trí Thức Trẻ