Điểm tin kinh tế tuần qua: Nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng ‘thâu tóm’ doanh nghiệp Việt giữa Covid-19

0
386

Những tin kinh tế nổi bật trong nước và quốc tế tuần qua (từ 25/4-1/5).

TP. HCM vắng lặng trong thời gian thực hiện cách ly xã hội phòng Covid-19 (ảnh: Quỳnh Trần/VnExpress).

Điểm tin kinh tế trong nước:

1- Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn: “Nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng ‘thâu tóm’ doanh nghiệp Việt giữa Covid-19”

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến nay lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu đô la.

Tuy nhiên, lo lắng của giới phân tích không chỉ dừng lại các doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm mà nó còn ảnh hưởng đến cả ngành, lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam khi doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm. Bởi lẽ theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng họ sẽ không rót vốn mở rộng đầu tư, sản xuất mà sẽ nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt để xuất khẩu.

                                Ảnh chụp màn hình báo Đất Việt.

 

Bên cạnh đó, giữa thương chiến Mỹ – Trung, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ gặp khó khăn, không loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chọn Việt Nam là nơi trung chuyển để “sơ chế” hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế. Điều này không chỉ đẩy các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đến chỗ khó khăn hay phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt Nam bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,…

Nói tóm lại, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 này, việc các nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua giao dịch góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh không chỉ dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam từng bước bị loại ra khỏi thị trường mà nguy cơ lớn hơn là sẽ có thể ảnh hưởng đến ngành, hàng hóa sản xuất trong nước.

2- Theo báo Vnexpress: “Khoản lỗ chỉ trong quí 1 của Vietnam Airlines đã nhiều hơn lợi nhuận của cả năm 2019” do đại dịch Covid-19

Năm ngoái, Vietnam Airlines lãi khoảng 2.537 tỷ đồng của cả năm 2019, trong đó quý I lãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Bất ngờ là riêng quý I năm nay, hãng hàng không này đã lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính Vietnam Airlines vừa công bố. Doanh nghiệp này cho biết lỗ nặng do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không.

Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỉ đồng của cả năm 2019. Những năm trước, quí 1 luôn là thời điểm hãng hàng không quốc gia lãi lớn do tần suất khai thác chuyến bay tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán và sau Tết nguyên đán.

                                            Ảnh chụp màn hình báo Zing.

Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết trước tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu bình quân của khách nội địa giảm 29%, khách quốc tế giảm 34%, doanh thu thuê chuyến giảm 49%.

3- Theo thời báo kinh tế Sài gòn online: Kỷ lục buồn nhất trong lịch sử 60 năm của ngành Du lịch Việt Nam

 Đúng như dự báo, tháng 4/2020 là tháng “thảm họa” của ngành du lịch với những kết quả không thể tệ hơn. Cả nước chỉ có hơn 26.000 lượt khách quốc tế trong khi chỉ vài tháng trước con số này là hàng triệu, đơn cử như hồi tháng Giêng đã có gần 2 triệu lượt khách đến Việt Nam.

Ngành du lịch Việt Nam đã có 60 năm lịch sử, tính từ ngày 9/7/1960, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam. Trong suốt hành trình đó, chưa khi nào du lịch lại phải đối mặt với tình trạng suy giảm khách sâu rộng như đợt khủng hoảng do Covid-19 đem lại lần này.

Dưới đây là những con số cho thấy mức độ tàn phá của Covid-19 với du lịch. Nhìn những con số này, một doanh nhân lâu năm trong ngành đã nói “chưa có kỷ lục nào buồn đến thế”.

Lượng Du khách từ tất cả các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Úc đều giảm trên 90%. Tháng 1 ghi nhận gần 2 triệu du khách, tháng 2 giảm xuống còn khoảng 1,2 triệu, tháng 3 có hơn 400 ngàn và tháng 4 chỉ còn hơn 26.000 du khách, vậy so với tháng 1 thì mức giảm của tháng 4 lên tới 98%.

                           
                                    Ảnh chụp màn hình báo Dân trí.

 

Doanh thu lữ hành trong 4 tháng đầu năm 2020 của dịch vụ lữ hành từ một số tỉnh, thành phố lớn đã giảm mạnh, Bà Rịa- Vũng tàu giảm 62%, Khánh Hoà giảm 59%, TP. HCM giảm 58%, Hà Nội giảm 51% và Đà Nẵng giảm 41%.

Doanh thu lưu trú, ăn uống cũng giảm mạnh: Khánh Hoà giảm 52%, TP. HCM  giảm 45%, Hà Nội giảm 42%,  Bà Rịa – Vũng tàu giảm 42%, Đà Nẵng gỉam 41%.

4- Theo Zing: FLC báo lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2020 với doanh thu vẫn ghi nhận đà tăng trưởng nhưng lợi nhuận lỗ kỷ lục do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng này ghi nhận 4.768 tỷ đồng doanh thu, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong quí vừa qua của FLC đã tăng hơn gấp đôi lên 6.215 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp báo số âm 1.448 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 84 tỉ đồng).

 Đây là số lỗ quý lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý từ khi niêm yết hồi cuối năm 2011 đến nay. Lần gần nhất FLC thua lỗ cũng đã diễn ra từ quý II/2011, cách đây gần 10 năm.

Theo lãnh đạo tập đoàn, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận chuyển từ lãi sang lỗ kỳ này là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Điều này khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và khiến tập đoàn rơi vào tình trạng kinh doanh không đủ bù giá vốn.

Điểm tin Kinh tế thế giới:

1- Theo báo Thanh niên: “Kinh tế châu Á sắp ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm”

Tờ The Star ngày 16/4 đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á năm nay sẽ lần đầu tiên ngừng tăng trưởng trong vòng 60 năm do đại dịch Covid-19 gây tác động chưa từng có đến lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. Dự báo kinh tế châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng 0% lần đầu tiên trong 60 năm qua, mức dự báo này hơn hẳn so với mức tăng trưởng 4,7% trong khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008, và mức 1,3% trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

2- Theo Thời báo kinh tế Sài gòn: “Covid-19 tàn phá thị trường lao động Mỹ với 10 triệu người mất việc”

Hơn 6,6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần trước, tăng hơn 3.000% kể từ đầu tháng 3 và nâng tổng số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nền kinh tế thế giới lên gần 10 triệu chỉ trong vòng hai tuần qua. Con số choáng váng này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch Covid-19 trên thị trường lao động Mỹ.

Lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ có thể thấp hơn con số thực tế vì nhiều bang không xử lý kịp lượng đơn khổng lồ do thiếu nhân sự, các trang web bị quá tải và đường dây điện thoại bị nghẽn.

                             
                             Ảnh chụp màn hình báo Vietnamplus.

 

Các nhà kinh tế dự báo cơn khủng hoảng dịch Covid có thể khiến 16-20 triệu người Mỹ mất việc, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ mức 3,5% trong tháng 2 lên mức 15,6% trong vòng vài tháng tới, vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong thời kỳ đại suy thoái kinh tế Mỹ 2007-2009.

3. Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn: “Nhu cầu đi lại hàng không mất 2-3 năm để hồi phục

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo lượng hành khách đi lại hàng không trong năm nay sẽ giảm 50% so với năm 2019, đánh dấu sự kết thúc một thập kỷ tăng trưởng nhu cầu đi lại hàng không được thúc đẩy nhờ các hãng máy bay giá rẻ và nhu cầu tăng nhanh ở các thị trường mới nổi. Giám đốc điều hành IATA, Alexandre de Juniac, cho rằng các thị trường hàng không nội địa sẽ được mở cửa trở lại trước tiên một phần là vì các chính sách hàng không trong phạm vi quốc gia có thể được điều phối dễ dàng hơn và hành khách còn ngại đi du lịch nước ngoài. Ông cũng dự báo các tuyến bay quốc tế, thường sử dụng máy bay cỡ lớn, có thể mất vài năm để hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19.

Giám đốc điều hành Boeing, David Calhoun, đồng tình nhận định này khi cho rằng nhu cầu đi lại hàng không sẽ mất 2-3 năm để phục hồi về mức của năm 2019. Ông dự báo các tuyến bay nội địa chặng ngắn có thể phục hồi trước các tuyến bay quốc tế khi các lệnh yêu cầu người dân ở nhà được dỡ bỏ.

Đồng thời vào ngày 29/4, Boeing công bố báo cáo tài chính cho thấy trong quí 1, hãng này lỗ 641 triệu đô la Mỹ và doanh thu giảm còn 16,9 tỷ đô la so với mức 22,9 tỷ đô vào cùng kỳ năm ngoái.