Trang chủ Khởi nghiệp Gương khởi nghiệp Chuyện đời người phụ nữ từ một bà nội trợ tận tụy...

Chuyện đời người phụ nữ từ một bà nội trợ tận tụy ở Oxford trở thành nhà lãnh đạo nền dân chủ Myanmar

0
702
Bà Aung San Suu Kyi, một người phụ nữ luôn coi trọng những giá trị truyền thống, đã từ một bà nội trợ tận tụy ở Oxford trở thành nhà lãnh đạo nền dân chủ Myanmar, với không ít những hy sinh trong đời sống cá nhân.
Ảnh chụp màn hình: thestandnews.
Là con gái của người anh hùng giải phóng dân tộc Myanmar, tướng Aung San (bị ám sát khi bà mới 2 tuổi), Suu lớn lên với sự day dứt về nguyện vọng còn chưa trọn vẹn của cha bà. Năm 1964, người mẹ là nhân viên ngoại giao đã đưa bà tới học chính trị, triết học và kinh tế học ở Oxford, nơi người bảo trợ cho bà, Lord Gore-Booth, đã giới thiệu bà với ông Michael Aris.Ông Michael Aris, đã trúng tình yêu sét đánh với bà Aung San Suu Kyi ngay từ lần đầu gặp gỡ. Ông đã cầu hôn bà, nhưng khi nhận lời cầu hôn, bà ra một điều kiện: Nếu tổ quốc cần, bà sẽ quay về, và Michael đồng ý ngay lập tức.

16 năm sau đó, bà Suu Kyi đã dẹp bỏ cá tính mạnh mẽ của mình để trở thành người vợ tận tụy của Michael và mẹ của hai đứa con, Alexander và Kim. Một tay bà chăm lo cho gia đình và nuôi dạy con cái chỉn chu, gọn gàng.

Bất chấp phong trào nữ quyền đang lên như diều tại phương Tây thời bấy giờ, và bất chấp sức ép từ bạn bè nữ giới, bà vẫn khăng khăng phải là thẳng từng chiếc tất cho chồng và không để ông động tay vào việc nhà.

Cho đến một buổi tối năm 1988, bà và Michael đang ngồi đọc sách ở Oxford, thì họ bị cắt ngang bởi một cuộc điện thoại báo tin mẹ của Suu bị đột quỵ. Bà ngay lập tức bay về Rangoon, nghĩ sẽ chỉ ở thăm nhà vài tuần, nhưng hoá ra lại là vĩnh viễn…

Chào đón bà ở quê hương là một thành phố hỗn loạn. Quân đội đụng độ với người biểu tình, chủ yếu là các sinh viên. Khi bà tới bệnh viện Rangoon chăm sóc mẹ, bà thấy nằm la liệt trong đó là các sinh viên bị thương và đang hấp hối.

Tin tức về việc con gái của Aung San vĩ đại về nước đã lại làm dấy lên rất nhiều hy vọng cho những người dân Myanmar khốn khổ. Một đoàn các học giả tới gặp Suu yêu cầu bà đứng đầu phong trào dân chủ. Bà đã cân nhắc và nhận lời, nghĩ rằng sau cuộc bầu cử, bà sẽ lại tự do để trở về Oxford.

Thế nhưng mọi chuyện đã không như dự định, uy tín của Aung San Suu Kyi ngày càng tăng, quân đội bắt đầu gây khó dễ cho bà, bắt giữ và tra tấn nhiều thành viên của phong trào dân chủ do bà đứng đầu. Năm 1989, bà bị quản thúc tại gia ở Myanmar.

Ở Anh, Michael chỉ có thể theo dõi tình hình ở Myanmar đầy lo lắng. Ông sợ rằng vợ mình sẽ lại bị ám sát, như cha vợ. Tất cả những gì ông có thể làm là nỗ lực để vợ được an toàn.

Ông lao vào một chiến dịch biến Suu thành một biểu tượng quốc tế mà chính quyền quân sự Myanmar không dám làm hại. Nhưng ông cũng phải rất thận trọng vì chính quyền quân sự đã tuyên truyền về bà Suu như một kẻ phản bội khi kết hôn với một người nước ngoài.

Trong 5 năm tiếp theo, khi các con trai bà dần trưởng thành ở Anh, Suu vẫn bị quản thúc tại gia. Bà học ngồi thiền, nghiên cứu Phật giáo và những bài viết của Mandela và Gandhi. Michael chỉ được thăm bà 2 lần trong cả thời gian đó. Tuy nhiên, sự cầm tù với bà Suu rất đặc biệt: bất cứ lúc nào bà muốn, bà cũng có thể yêu cầu được chở ra sân bay và quay về Anh với gia đình, chính quyền quân sự cũng chỉ muốn có thế.

Nhưng bà đã không làm như thế. Là một sử gia, Michael hiểu quyết định của vợ, ông thậm chí còn gây áp lực cho các chính trị gia để hỗ trợ bà, ông hiểu là vợ mình đang làm nên lịch sử. Ông lưu giữ cuốn sách mà bà đang đọc khi nhận cuộc gọi từ Myanmar. Ông trang trí tường nhà với những giải thưởng mà bà nhận được, bao gồm Nobel hòa bình 1991. Và trên đầu giường của ông là một bức hình khổng lồ của vợ mình.

Rồi năm 1995, Michael nhận được một cuộc điện thoại không ngờ từ Suu. Bà gọi cho ông từ đại sứ quán Anh. Bà đã lại được tự do! Michael và các con trai được cấp thị thực và bay sang Myanmar.

Phóng viên Fergal Keane, đã gặp bà Suu vài lần, nói bà là người có trái tim bằng thép. Câu hỏi đầu tiên nhiều phụ nữ hỏi trong câu chuyện về Suu là làm sao bà có thể bỏ các con mình lại. Kim, con trai của bà chỉ nói đơn giản rằng : “Mẹ tôi làm những gì bà ấy phải làm”.

Nhưng chuyến thăm năm 1995 đó cũng là lần cuối Michael và Suu được nhìn thấy nhau. 3 năm sau, ông biết mình bị ung thư giai đoạn cuối. Ông gọi cho bà Suu để báo tin dữ và ngay lập tức xin thị thực sang Myanmar để gặp vợ lần cuối. Nhưng đơn của ông bị từ chối. Ông đã 30 lần nộp đơn xin thị thực nữa, khi sức khỏe cứ yếu dần.

Cuối cùng, một quan chức của chính quyền quân sự tới gặp Suu, nói rằng bà có thể nhìn chồng lần cuối, nhưng bà sẽ phải quay về Oxford.

Đó là một lựa chọn khắc nghiệt: bỏ lại 10 năm tranh đấu và một đất nước thống khổ, hay trở về với gia đình. Rời Myanmar, bà sẽ không bao giờ được trở lại nữa. Mỗi lần bà nói chuyện với Michael từ đại sứ quán Anh, ông lại nói bà nhất định không được bỏ cuộc.

Khi Suu nhận ra sẽ không bao giờ được gặp Michael nữa, bà đã mặc bộ quần áo mà ông thích nhất, cài một hoa hồng lên tóc, và tới đại sứ quán Anh, nơi bà ghi lại một đoạn phim nói lời vĩnh biệt. Đoạn phim đó đã được bí mật đưa ra khỏi Myanmar, tới Anh chỉ 2 ngày trước khi Michael qua đời.

Tưởng như những hy sinh của gia đình Aris sẽ trở nên vô ích, nhưng cuối cùng cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên cũng đã được diễn ra trong hoà bình tại Myanmar. 22 năm lưu đày của bà Suu đã được đền đáp. Còn Michael, giờ đây ông đã có thể ngậm cười nơi chín suối.

Ấn phẩm Thế Giới Khởi Nghiệp – tập 9

Trần Phong