
Cụ ông 79 tuổi ở Đồng Nai bức xúc vì vụ kiện đã kéo dài 20 năm
Truyền thông Việt Nam hôm 9/9 loan tải hình ảnh, cụ ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) phải quỳ gối “đội đơn” trước tòa Đồng Nai, để mong tòa giải quyết dứt điểm vụ kiện đã kéo dài tới 20 năm của gia đình cụ, với Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai.
Vụ kiện được báo chí quốc nội cho biết, năm 1992, cụ ông Trần Hữu Sỹ ký hợp đồng với Trung tâm Du lịch, thuộc Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai) để thuê hồ vườn ươm 27 hecta với thời hạn 20 năm để thả cá, với giá 5 triệu đồng/năm.
Giai đoạn từ năm 1995-1997, ông Sỹ đầu tư xây dựng, ngăn bờ đập, nạo vét, cải tạo lòng hồ,… thả 3 triệu con cá giống, thuê người trông nom, nuôi cá.
Nhưng vào tháng 6/2000, Lâm trường Mã Đà lại đơn phương chấm dứt hợp đồng và cho Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ Công an TP.HCM thuê với giá 75 triệu đồng/năm. Cho rằng, hành vi của lâm trường là sai luật, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình nên ông Trần Hữu Sỹ đã khởi kiện ra tòa.
Từ năm 2000 đến năm 2010, trải qua 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, dù thắng kiện, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp không được đảm bảo, ông Trần Hữu Sỹ làm đơn gửi lên cơ quan tố tụng Trung ương.
Tháng 12/2010, tòa Tối cao quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử vụ kiện lại từ đầu.
Sau gần 9 năm, vào tháng 5/2019, tòa huyện Vĩnh Cửu mới mở lại phiên tòa sơ thẩm, nhưng tới 5 tháng sau (ngày 3/10/2019), tòa mới tuyên Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai phải hoàn trả cho ông Sỹ hơn 1 tỷ 231 triệu đồng, không có tiền lãi, không có tiền mua cá giống.
Ông Sỹ đã nộp đơn chống án. Tòa Đồng Nai đã mở phiên toà phúc thẩm lần 2 vào 8 giờ sáng hôm 8/9/2020. Thế nhưng, đến 9h45 vẫn chưa thấy Hội đồng xét xử làm việc. Thư ký phiên tòa thông báo “hoãn”.
Ông Sỹ phải làm đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, thì được giải thích là “kiểm sát viên đang mắc ngồi hội đồng xét xử khác, cho nên chờ hội đồng đó xong thì phiên này sẽ diễn ra”.
Đến 10h30, phiên tòa được mở lại. Quá bức xúc, tại phòng xử án, lão nông Trần Hữu Sỹ quỳ gối “đội đơn” mong toà sớm xét xử, kết thúc vụ việc đã kéo dài 20 năm. Nhưng tòa vẫn hoãn với lý do: “Đại diện bị đơn bị rối loạn tiêu hoá”.
Ông Sỹ nói với báo chí: “Mong các quan tòa hãy đặt vào vị trí của tôi. Một phần ba đời người theo kiện, gia đình tôi đã quá mệt mỏi và kiệt quệ về kinh tế vì vụ kiện 20 năm qua. Không biết vợ chồng tôi còn sống để tìm thấy công lý hay không”.
Giá thuốc chênh lệch gần 82 tỷ đồng do vi phạm, cơ quan bảo hiểm từ chối thanh toán
Dân Việt dẫn kết luận của Thanh tra TP.HCM nêu rõ, ngày 13/9/2019, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra về cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma.
Năm 2013 và quý 1 năm 2014, UBND TP.HCM không tổ chức đấu thầu để mua thuốc, chỉ đạo các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng, mua sắm trực tiếp, áp đơn giá trúng thầu của bệnh viện Chợ Rẫy năm trước…, là vi phạm quy định.
“Việc chỉ đạo mua thuốc theo phương thức mua sắm trực tiếp và áp giá trúng thầu bệnh viện Chợ Rẫy dẫn đến đơn giá thuốc đã mua cao hơn giá thuốc các địa phương lân cận tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định.
Số tiền chênh lệch giá thuốc đã bị cơ quan Bảo hiểm xã hội từ chối thanh toán gần 82 tỷ đồng. Tại thời điểm thanh tra, đã xử lý được hơn 31 tỷ đồng, số tiền hơn 50 tỷ đồng còn lại đang chờ xử lý” – văn bản của Thanh tra TP.HCM trích dẫn.
Điều tra vụ 2 người rơi từ chung cư cao tầng ở Hà Nội
Trả lời Zing sáng 10/9, một lãnh đạo UBND phường Ngọc Khánh cho biết cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân 2 người tử vong trước sảnh chung cư ở số 29 Liễu Giai (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội).
Nạn nhân nữ được xác định là N.H.A. (24 tuổi, ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội), nam là N.H. (24 tuổi, ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Bước đầu, công an xác định họ tử vong do rơi xuống từ trên cao. Một lãnh đạo UBND phường Ngọc Khánh cho biết trước khi tự tử, nạn nhân có giấy viết nguyện vọng để lại. Công an đã liên lạc được với người nhà của nạn nhân theo số điện thoại để lại trên giấy.
Đà Nẵng cho tắm biển, mở cửa hàng ăn uống
VnExpress đưa tin, sau 13 ngày không phát hiện ca lây nhiễm nCoV trong cộng đồng, Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng cách ly xã hội, cho người dân tắm biển, mở cửa hàng ăn uống.
Chiều 10/9, Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh xác nhận và cho biết, từ 0h ngày 11/9, thành phố chuyển từ trạng thái “có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” sang “có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp”. Người dân vẫn được đề nghị hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; tiếp tục đi chợ theo tần suất ba ngày một lần.
Thành phố tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trên phương tiện công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu một mét khi tiếp xúc.
Người dân không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, ăn uống tập thể tại đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan…
Chính quyền Đà Nẵng cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống được hoạt động trở lại nhưng phải có cam kết và thực hiện phòng, chống dịch theo quy định.
Thành phố không cấm tắm biển như trong lần nới lỏng giãn cách 6 ngày trước. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, các điểm vui chơi, giải trí có thưởng, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng; phòng tập gym, yoga, bida, bơi lội, võ thuật… tiếp tục dừng hoạt động.
Đà Nẵng dự kiến cho các trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên bắt đầu đi học lại từ ngày 14/9. Các nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học và cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, cơ sở dạy thêm, học thêm… được đi học lại từ ngày 21/9.
Riêng với các trường cao đẳng, đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thành phố để lãnh đạo các trường quyết định ngày đi học lại của sinh viên, học viên trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản, nhưng thời điểm học tập trung phải sau 14/9.
Tổng hợp