Trang chủ Tin tức Tin Thế giới Điểm tin thế giới sáng 26/9: Số người chết do Covid có...

Điểm tin thế giới sáng 26/9: Số người chết do Covid có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu; Vẫn có thể tái nhiễm Covid sau khi khỏi bệnh và cách ly 14 ngày

0
363
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (26/9) gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
                                          Ảnh: Reuters

Số người chết do Covid có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Sáu (25/9) cho biết con số tử vong toàn cầu do Covid-19 có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu người trước khi một loại vắc xin thành công được sử dụng rộng rãi, thậm chí cao hơn nếu không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch, theo Reuters.

“Trừ khi chúng tôi làm tất cả, [2 triệu người chết]… không chỉ là điều có thể lường trước, mà còn rất có thể sẽ xảy ra”, Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của cơ quan Liên Hợp Quốc, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

Số ca tử vong trong khoảng 9 tháng kể từ khi nCoV bùng nổ ở Trung Quốc là gần 1 triệu người.

Một bệnh nhân tại bên ngoài Trung tâm Y tế Maimonides ở New York (Mỹ) khi tình trạng lây lan COVID-19 vẫn tiếp diễn hôm 25/9

Vẫn có thể tái nhiễm Covid sau khi khỏi bệnh và cách ly 14 ngày

Một cậu bé Trung Quốc 12 tuổi đã khỏi Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại 16 ngày sau khi xuất viện và đã vượt qua đợt cách ly kéo dài hai tuần ở Trung Quốc, theo Daily Mail.

Cơ quan y tế nước này cho biết, cậu bé họ Li đã bị cách ly ở Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc hôm thứ Năm sau khi có kết quả dương tính với nCoV.

Thông tin này được đưa ra sau khi một thành phố cảng lớn ở miền đông Trung Quốc đang phải cấp tốc truy vết và cách ly hàng trăm người sau khi hai công nhân làm việc tại một cơ sở nhập khẩu thủy sản xét nghiệm dương tính với Covid-19, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát COVID-19 mới ở đại lục.

Quan chức Mỹ kêu gọi tái phân bổ lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương để đối kháng Trung Quốc

Người đứng đầu Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã kêu gọi tái phân bổ các nguồn lực quân sự của Mỹ ở khu vực tây Thái Bình Dương để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, theo SCMP.

Phát biểu tại hội nghị Thủy quân lục chiến hàng năm trực tuyến hôm thứ Năm (24/9), Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho biết các căn cứ và tài sản quân sự của Mỹ trong khu vực tập trung quá nhiều ở Nhật Bản và đảo Guam, trong bối cảnh cả hai đều nằm trong tầm ngắm của Tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

“Chúng ta phải phân tán ra”, ông nói. “Chúng ta phải giảm thiểu số lượng ở đảo Guam. Chúng ta phải có một cách triển khai lực lượng phân tán và đều ở khu vực Thái Bình Dương cho phép chúng ta làm việc với tất cả các đối tác và đồng minh cũng như ngăn chặn các lực lượng như PLA cố gắng viết lại các chuẩn mực toàn cầu đã được thiết lập trong vòng 70 năm qua. Do đó, thái độ của chúng ta phải thay đổi”.

Việc triển khai lực lương hiện tại – đã được thiết lập kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên kết thúc – là nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nhưng hiện đã trở nên lỗi thời trong thời đại PLA trở nên hiện đại hóa, ông nói.

Trung Quốc xây thêm nhà giam bí mật ở Tân Cương

Mạng lưới các trung tâm giam giữ của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi người thiểu số Hồi giáo bị đàn áp, dường như đang có xu hướng mở rộng. Một lượng lớn các cơ sở tại đây trông giống như nhà tù, Fox News trích nguồn tin từ một tổ chức nghiên cứu của Úc cho hay.

Viện Chính sách Chiến lược Australia đưa ra tuyên bố sau khi xem xét các ảnh chụp vệ tinh và hồ sơ thầu xây dựng chính thức để lập bản đồ hơn 380 cơ sở tình nghi ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc, chỉ cho thấy các trại giam và các công trình khác đã được xây mới hoặc mở rộng kể từ năm 2017.

“Các bằng chứng hiện có cho thấy nhiều người bị giam giữ dù không qua xét xử trong mạng lưới ‘trại cải tạo’ rộng lớn ở Tân Cương hiện đang phải thi hành án chính thức và bị nhốt trong các cơ sở an ninh cấp cao, bao gồm các nhà tù mới xây hoặc mở rộng, hoặc bị đưa đến các khu nhà máy có tường rào bao quanh để cưỡng bức lao động”, nhà nghiên cứu Nathan Ruser viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm.

Một trung tâm kỹ năng nghề ở Tân Cương. Nhiều trại cải tạo cưỡng bức lao động ở Tân khoác vỏ bọc là trung tâm dạy nghề (ảnh: Reuters).

Lãnh đạo EU tại LHQ lên án hồ sơ nhân quyền và hoạt động kinh doanh của Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã công kích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương hôm thứ Sáu, nói thêm rằng EU muốn ​​Bắc Kinh thay đổi cơ cấu kinh tế để trở nên công bằng hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, theo SCMP.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa EU với Mỹ, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các nước phương Tây chọn phe trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi không chia sẻ các giá trị mà hệ thống chính trị và kinh tế ở Trung Quốc dựa vào”, ông Michel nói với hội đồng.

“Chúng tôi có mối quan hệ sâu sắc với Mỹ. Chúng tôi chia sẻ những lý tưởng, giá trị và sự ủng hộ lẫn nhau đã được củng cố qua những thử thách của lịch sử”, ông phát biểu trước đại hội, với chủ đề năm nay vẫn tập trung mạnh vào tình trạng rạn nứt Mỹ-Trung.