
Hơn 36,3 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu
Theo số liệu thống kê của Worldometer, tính tới sáng ngày 8/10 (giờ Việt Nam), thế giới có 36.346.207 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 1.059.184 người chết và 27.371.231 người đã bình phục.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm (7.767.332, nhiễm mới: 39.702) và tử vong (216.596, tăng: 744) vì viêm phổi Vũ Hán cao nhất thế giới, xếp kế là Ấn Độ (nhiễm: 6.832.988, tử vong: 105.554) và Brazil (nhiễm: 5.000.694, tử vong: 148.228).
Dịch cũng đang diễn biến xấu ở châu Âu khi nhiều nước từng là điểm nóng của Covid như Ý, Pháp, Anh tiếp tục có số người nhiễm nCoV và thiệt mạng vì loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc tăng cao. Các quốc gia này đang áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan của loại virus chết người.
Theo The Guardian, Ý (333.940 người nhiễm, 3.678 nhiễm mới và 36.061 người chết) đã yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid đối với khách du lịch từ bốn quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, đồng thời bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Pháp (nhiễm: 653.509, nhiễm mới 18.746, tử vong: 32.445) ghi nhận số ca mắc Covid nhập viện với mức cao nhất trong ba tháng và số ca nhiễm mới cao kỷ lục.
Thủ đô Brussels của Bỉ đã ra lệnh đóng cửa các quán cà phê và quán bar để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán.
SCMP đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới đang chờ Bắc Kinh chấp thuận việc tiếp nhận đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc phát sinh dịch viêm phổi Vũ Hán. Dịch Covid đã bùng phát gần một năm nhưng chính quyền Trung Quốc cho thấy họ vẫn chưa muốn thực hiện việc điều tra nguồn gốc phát sinh của loại virus chết người trong khi có nhiều báo cáo cho biết đây là loại virus nhân tạo do quân đội Trung Quốc sản xuất.
Ông Trump tán dương loại thuốc trị Covid ông dùng
Trong một tin nhắn video hôm thứ Tư (7/10), Tổng thống Trump nói rằng dược phẩm của công ty Regeneron là chìa khóa để hồi phục sau khi ông bị nhiễm virus Vũ Hán. Ông Trump cho biết ông đã gợi ý để được điều trị bằng một loại cocktail thử nghiệm từ công ty dược phẩm này, vốn hiếm khi được sử dụng bên ngoài các thử nghiệm lâm sàng, theo The Guardian.
“Tôi cảm thấy tuyệt vời. Tôi cảm thấy hoàn hảo”, Tổng thống Trump nói trong video. “Tôi nghĩ đây là một phước lành từ Chúa, tôi đã có được nó. Đây là một đặc ân được ngụy trang. Tôi đã có được nó, tôi đã nghe nói về loại thuốc này, tôi nói để tôi uống thử xem, đó là gợi ý của tôi”.
Ông Trump hứa sẽ cung cấp miễn phí loại thuốc này cho người dân Mỹ. Ông coi đó là một loại thuốc “chữa bệnh”, trong khi chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh nhân Covid-19.
USCC: Luật pháp Mỹ có khe hở để Bắc Kinh lợi dụng
Một cơ quan của Quốc hội Mỹ cảnh báo hôm thứ Tư (7/10) rằng luật pháp nước này chưa được trang bị tốt để ngăn chặn dòng chuyển giao công nghệ do nhà nước Trung Quốc bảo trợ, vốn giúp cải thiện khả năng quân sự của Bắc Kinh trước tổn thất của các doanh nghiệp và tổ chức học thuật Mỹ, theo SCMP.
“Luật pháp Hoa Kỳ cho phép chuyển giao hợp pháp kiến thức [khoa học và kỹ thuật] được phán đoán dựa trên những giả định rằng nó có khả năng lỗi thời, nhưng vẫn chưa xem xét sự tham gia ngày càng chặt chẽ của cả giới học thuật Mỹ và Trung Quốc trong các nghiên cứu nhạy cảm”, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC ) cho biết trong một báo cáo.
“Bởi vì Bắc Kinh đã ban hành chiến lược ‘hợp nhất quân sự – dân sự’ và ra lệnh những người có chuyên môn về [khoa học và công nghệ] phải phục vụ cho sự nghiệp phục hưng đất nước, các tổ chức trực thuộc nhà nước có thể tiếp thu và tận dụng kiến thức chuyên môn này để nâng cao khả năng quân sự của Trung Quốc và hơn nữa là vì lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”, theo báo cáo.
Đài Loan có gần 3000 lượt đánh chặn máy bay Trung Quốc
Taiwan News dẫn thông tin từ CNA cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát, hôm thứ Tư (7/10), nói với Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng thuộc quốc hội rằng quân đội Đài Loan đã điều động máy bay tổng cộng 2.972 lượt để theo dõi hoặc đánh chặn máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận quốc đảo này trong năm nay, ước tính chi phí cho hoạt động này lên tới 25,5 tỷ Đài tệ (850 triệu USD).
Máy bay Trung Quốc không chỉ đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ) mà đôi lúc còn vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan (ranh giới ngầm định giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan). Theo trang web của Bộ Quốc phòng (MND), máy bay quân sự Trung Quốc đã thực hiện 12 vụ xâm nhập không phận Đài Loan trong khoảng thời gian từ ngày 16/9 đến ngày 6/10.
Theo báo cáo hoạt động của MND được trình lên cơ quan lập pháp, quân đội Đài Loan trong năm nay đã điều động máy bay tổng cộng 4.132 lần cho các mục đích khác nhau, bao gồm các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát chung; nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; các cuộc tập trận và bảo vệ nghề cá chung thường xuyên.
Ông Nghiêm cho biết thêm, quân đội Trung Quốc đã cho máy bay của họ xâm phạm ADIZ của Đài Loan 217 lần trong năm nay.
Cố vấn Nhà Trắng nói về biện pháp trừng phạt Triều Tiên
Cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết các biện pháp trừng phạt đối với nhà nước Triều Tiên là một công cụ mạnh mẽ nhưng có thể mất nhiều thời gian để nhìn thấy hiệu quả dự định, theo Yonhap.
“Đã có những biện pháp trừng phạt rất cứng rắn đối với Triều Tiên”, ông nói trong một cuộc hội thảo do Trường Luật William S. Boyd tại Đại học Nevada, Las Vegas tổ chức và được phát trực tuyến. “Họ có một công cụ phục hồi nếu họ sẵn sàng giết người của mình. Nếu họ có đủ tiền và nguồn lực” để chống lại các lệnh trừng phạt.
Ông O’Brien đưa ra phát biểu này trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc. Trong khi đó, Bắc Hàn đang gặp khó khăn đối với các lệnh trừng phạt quốc tế, những vấn đề nội tại của chế độ cầm quyền và thiên tai liên tiếp thời gian qua.
Tổng hợp