Chuỗi ngày nhiều thương đau của các ‘Goá phụ Rào Trăng 3’ và những vòng tay thiện nguyện ấm áp

0
2407

Những ngày qua, bà con các tỉnh miền Trung đang oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Cuộc sống bình yên ngày nào bỗng chốc bị đảo lộn, nhiều gia đình lâm vào cảnh chia ly, tang tóc. 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trên đường đi cứu hộ tại thuỷ điện Rào Trăng 3 xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

* Nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp: Vinh dự gặp gỡ, đón nhận quà tri ân từ Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội

* VFC kịp thời hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung

Họ là những tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo chính quyền, các sĩ quan, chiến sĩ và nhà báo. Giờ đây, cảnh nhà vắng bóng người cha, người chồng, người con hiếu thảo bao trùm không khí gia đình các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khiến ai cũng xót xa, nặng lòng.

Nỗi đau khôn nguôi của những ‘Góa phụ Rào Trăng 3’

Gặp chị Trương Thị Mỹ Ny (37 tuổi, quê Quảng Bình), vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Bình – Nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) hy sinh khi đi cứu hộ ở Tiểu khu 67, đôi mắt chị vẫn vô hồn như thể chưa tin vào sự thật mất mát đau thương kia.

Chị Trương Thị Mỹ Ny (Mặc áo đen – 37 tuổi, quê Quảng Bình), vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Bình – Nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chị kể, những ngày Huế chìm trong bão lũ cũng là những ngày anh Bình liên tục phải túc trực ở cơ quan. Cùng lúc này, mẹ chồng chị lâm bệnh phải nằm viện, chị vừa quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái vừa chạy vạy chăm mẹ già đau ốm.

Tối ngày 12/10, chị và anh Bình vẫn trò chuyện với nhau qua điện thoại, anh cũng thông báo với chị về việc đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3. Vợ chồng chị cất đi những lo lắng để động viên nhau vượt qua khó khăn, anh đi rồi sẽ về với mẹ con chị. Nào ngờ, đến sáng 13/10, chị liên tục gọi điện cho anh thì không thấy anh bắt máy, dự cảm có điều không lành, chị đành gọi đến cơ quan nơi anh công tác để hỏi thăm tình hình nhận tin dữ: Anh Bình cùng 12 cán bộ, chiến sỹ đi cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích, cả đoàn không ai may mắn trở về.

Năm 2004, Chị Ny và liệt sỹ Bình kết hôn, sau một năm, anh chị hạnh phúc chào đón bé trai đầu lòng, tiếp đó 3 năm nữa, bé gái thứ 2 chào đời. Cả gia đình 4 người với tiếng cười đầm ấm mỗi bữa cơm chiều, biết bao ước mơ, nguyện ước còn đang dang dở, nay phải làm thế nào để vẹn tròn được đây?. Cũng theo chị Ny, mẹ chồng chị nằm viện suốt từ lúc anh đi công tác trong đợt bão lũ, đến khi gần liệm thì mới thông báo. Sức khỏe không tốt, nghe tin. Sau khi sự việc xảy ra, mẹ vợ ra ở với 3 con chị Ny. Khi được hỏi về cuộc sống sau này, chị Ny lặng im, ánh mắt vô hồn bỗng xa xăm hơn. Bản thân chị cũng chẳng biết mai này 3 mẹ con sẽ xoay sở ra sao, cuộc sống vắng bóng người chồng hiền lành, người cha mẫu mực sẽ còn nhiều khó khăn, một mình chị liệu có đảm đương được hay không? Thế nhưng, sau tất cả, chị Ny vẫn phải vững vàng để giúp cả gia đình nguôi ngoai nỗi đau này, mạnh mẽ hơn từng ngày để chăm sóc mẹ già đau bệnh, nuôi các con khôn lớn để anh Bình nơi xa xôi được an yên.

Cũng là một “Góa phụ Rào Trăng 3”, chị Ngô Thị Thanh Nhàn (32 tuổi; giáo viên cấp 3, giảng dạy môn Toán) – vợ liệt sỹ Đại úy Trương Anh Quốc, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần nén nỗi đau, chu toàn tang lễ cho chồng, vững lòng hơn nữa để nuôi nấng chăm sóc 2 đứa trẻ thơ dại.

Chị Ngô Thị Thanh Nhàn (32 tuổi; giáo viên cấp 3, giảng dạy môn Toán) – vợ liệt sỹ Đại úy Trương Anh Quốc, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo chị Nhàn, những ngày Huế bị lũ lụt, anh Quốc phải trực ở cơ quan 100% thời gian, vợ chồng anh chị đành phải tranh thủ thời gian để gọi điện hỏi thăm tình hình, dặn dò, động viên nhau. Trưa 12/10, anh Quốc gọi điện cho chị Nhàn thông báo về việc đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, thế nhưng, đến tối cùng ngày, chị Nhàn đã không có cách nào để liên lạc được với chồng. “Gọi điện mãi mà chẳng thấy anh bắt máy, tôi lo lắng nhưng vẫn tự trấn an do thời tiết nên điện thoại không có sóng hoặc có thể máy anh hết pin. Sáng ngày 13/10, cả gia đình nháo nhào gọi điện cho anh nhưng vẫn không được, lên mạng thì đọc được mấy mẫu tin về Đoàn công tác khiến lòng tôi như lửa đốt, chỉ biết ngồi ở nhà đợi tin anh và cầu nguyện phép màu”, chị Nhàn kể. Thế rồi phép màu ấy nào có xảy đến, anh Quốc cùng đồng đội đã ra đi mãi mãi trong đợt làm nhiệm vụ ấy.

Ngày 18/10 vừa qua, thi thể anh Quốc được đưa về nhà, người thân, bà con hàng xóm không ai có thể kìm lòng được trước sự mất mát của gia đình. Mọi người cùng chung tay giúp đỡ chị Nhàn, lo liệu tang lễ chu toàn cho anh, động viên chị Nhàn mạnh mẽ, vững vàng sau biến cố lớn của gia đình. “Anh là trụ cột của gia đình, anh mất đi rồi, 3 mẹ con cũng chưa biết phải làm thế nào trong những ngày tháng tiếp theo. Người thân, bà con, đồng nghiệp ai cũng động viên tôi phải mạnh mẽ, tôi gật gù thế thôi chứ nào biết làm gì hơn “.

Những ngày thi thể anh Quốc được đưa về nhà, 2 đứa con của chị còn quá nhỏ và non nớt để thấu cảm được nỗi đau. Cô con gái lớn nhìn thấy ba nằm trong quan tài, đến bên và vô tư hỏi: “Sao ba không sống lại với con, ba sống lại chơi với con đi”. Khoảnh khắc ấy, lòng người mẹ trẻ như chết lặng, chẳng ai trong tang lễ ấy cầm lòng được trước câu hỏi ngô nghê của cô bé 4 tuổi. Những ngày sau tang lễ, ngày nào cô bé 4 tuổi ấy cũng thắp nhang lên bàn thờ cho ba, trong vô thức lại nói với mẹ “Ba từ nay không chở con đi học nữa rồi này mẹ” khiến tim chị thắt lại đau đớn. “Bé cũng nhận thức được ba mất rồi, ba từ nay sẽ không xuất hiện nữa nhưng bé chưa hiểu hết “mất” là gì cả? Bé còn quá nhỏ và vô tư để hiểu được”, chị Nhàn nghẹn ngào.

Được biết, chị Nhàn và liệt sỹ Quốc kết hôn với nhau tính đến nay đã được 6 năm, “trái ngọt” của cuộc hôn nhân ấy là 2 cô con gái xinh xắn như thiên thần. Bé lớn năm nay 4 tuổi, bé út được 1,5 tuổi, hằng ngày, 2 anh chị thay phiên nhau đưa đón con gái lớn đi học rồi anh đến cơ quan, chị tới trường dạy học. Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng chị chuyển về sinh sống tại nhà ngoại để tiện cho công việc của anh chị.

Thời gian qua, 2 vợ chồng chị cũng tích cóp, vay mượn thêm họ hàng, bạn bè để xây dựng căn nhà mơ ước của gia đình nhỏ. Căn nhà mới được động thổ xây dựng chưa được 3 tháng. Các hạng mục cơ bản của công trình vẫn còn chưa hoàn thiện do tình hình mưa bão kéo dài. Cát, đá, gạch còn đang ngổn ngang. Giờ đây, anh ra đi, mọi thứ đành gác lại; Cuộc sống êm đềm, đẹp đẽ ngày nào nay vắng bóng anh, để lại người vợ trẻ cùng 2 con nhỏ không biết phải xoay sở thế nào những ngày tháng tiếp theo.

Chị Hoàng Thị Hạnh phúc (Sinh năm 1982)vợ Trung tá Trần Minh Hải – Phó Tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế  2 vợ chồng anh chị có 2 bé trai (bé đang học lớp 7 và bé đang học lớp 3).

Bố mẹ và vợ của liệt sỹ Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc: Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gia đình anh Phạm Văn Hướng – Trưởng Phòng Thông tin – Tuyên truyền, Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế.

Ấm áp tình người trong cơn hoạn nạn

Thấu hiểu những mất mát to lớn của gia đình 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong lần đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, ngày 26/10 vừa qua, Công ty TNHH Sao Mai, Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty TNHH Thế giới khởi nghiệp (Ấn phẩm Thế Giới Khởi Nghiệp), 2 Chị Trần Thị Xuân Mai và Phạm Phương Lan (Những người bạn Thiện nguyện TP. HCM) đã kết hợp cùng đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt và gửi tặng những phần quà ý nghĩa đến tận tay thân nhân gia đình của 5 liệt sỹ cư trú và làm việc tại tỉnh Thừa thiên huế.

Bức chân dung đồng mạ vàng Thiếu tướng Nguyễn Văn Man – Phó Tư lệnh Quân khu 4

Đại diện Công ty TNHH Mỹ thuật Sao Mai – Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam – Công ty Thế Giới Khởi Nghiệp (Ấn phẩm Thế Giới Khởi Nghiệp) và 2 chị Trần Thị Xuân Mai – Phạm Phương Lan đã có buổi gặp gỡ với Lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế, trò chuyện và trao tặng những phần quà ý nghĩa nhờ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thay mặt đoàn chuyển đến gia đình các liệt sỹ còn lại đã hy sinh.

Ông Phạm Hoàng Điệp – Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Sao Mai trao tặng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế bức tranh mạ vàng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và trang nghiêm. Đồng thời, gửi tặng 13 bức tranh mạ vàng vẽ chân dung 13 liệt sỹ hy sinh đến các gia đình.

Bức tranh đồng mạ vàng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những bức chân dung này do chính nghệ nhân Phạm Hoàng Điệp cùng các cộng sự thực hiện. Dự án này là tâm huyết của không chỉ nghệ nhân Điệp còn của cả ekip thực hiện. Không những mang giá trị vật chất còn là giá trị tinh thần hết sức nhân văn và ý nghĩa. Bức tranh được chạm khắc tinh xảo bằng mũi khoan kim cương máy cầm tay, sau đó mạ vàng 24k, thực hiện trên chất liệu đồng, và khắc sau khi lên một lớp sơn trên bề mặt đồng. Tổng thể tác phẩm thể hiện được nét đẹp mỹ thuật, thần thái, độ bền của chất liệu và tính chuẩn xác của ứng dụng công nghệ cao.

Song song đó, ông Lê Thành Nhân – Giám đốc Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng đã gửi lời chia sẻ động viên. “Tôi rất xúc động khi đây là nơi 13 cán bộ, chiến sỹ trên đường đi làm nhiệm vụ cứu nạn công nhân gặp sự cố sạt lở tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 12/10 vừa qua, các anh đã hy sinh anh dũng khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích. Thay mặt Công ty Khử trùng Việt Nam gửi gấm phần quà nhỏ trao tặng các gia đình liệt sỹ”.

Trung tá Lê Văn Lĩnh – Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế

Xúc động trước tình cảm, tấm lòng của đoàn không ngại đường xa xa xôi thay mặt  Bộ chỉ huy –  Trung tá Lê Văn Lĩnh – Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất. Trong hoàn cảnh này, những món quà đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực đối với gia đình các liệt sỹ, mong rằng, những đóng góp này sẽ phần nào động viên gia đình các liệt sỹ nguôi ngoai nỗi đau mất mát, đồng thời, lan tỏa đến các cá nhân, mạnh thường quân sẽ cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ gia đình các nạn nhân, giúp họ ổn định cuộc sống trở lại trong thời gian sớm nhất. Cũng theo Trung tá Lê Văn Lĩnh, sau khi nhận thông tin 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, đơn vị đã khẩn trương triển khai nhiều công việc quan trọng. Trong đó, đơn vị đã tham mưu, tổ chức trang nghiêm lễ tang cho 13 liệt sỹ theo nghi thức Quân đội, nghi thức cấp cao.

Đơn vị đã đưa các liệt sỹ về với gia đình, tổ chức tang lễ và đưa hài cốt liệt sỹ về nơi an nghỉ cuối cùng đảm bảo theo nguyện vọng của gia đình. Tiếp theo, lực lượng vũ trang đã kết nối với các cơ quan ban ngành đoàn thể, tuyên truyền về những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, mong muốn thế hệ trẻ sẽ noi gương, biến những hy sinh đó thành những hành động cụ thể, phấn đấu học tập, xây dựng đất nước.

Về phía gia đình các liệt sỹ, đơn vị đã liên hệ, giới thiệu, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ để thăm hỏi, động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình 13 liệt sỹ. “Lực lượng vũ trang trong thời gian tới sẽ bằng nhiều cách, nắm rõ tình hình của các gia đình nạn nhân, gấp rút giải quyết công ăn việc làm cho vợ của các liệt sỹ; đồng thời đưa ra phương án tốt nhất giúp đỡ cho các cháu là con của các liệt sỹ, hỗ trợ các cháu trong học tập, phát triển tương lai. Bộ chỉ huy giống như bên nội của các cháu, sẽ thường xuyên hỏi thăm, động viên, giúp đỡ các cháu để các liệt sỹ đã hy sinh được nguôi ngoai”, Trung tá Lê Văn Lĩnh khẳng định.

Nguyễn Yến