Trang chủ Tin tức Tin Thế giới Điểm tin thế giới 21/3: Thủ tướng Pakistan dương tính Covid sau...

Điểm tin thế giới 21/3: Thủ tướng Pakistan dương tính Covid sau khi tiêm vắc xin Trung Quốc

0
481
Mục Điểm tin thế giới , Chủ nhật (21/3), xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Thủ tướng Pakistan Imran Khan (ảnh: Từ video của United Nations)

Thủ tướng Pakistan dương tính Covid sau tiêm vắc xin. Ông Imran Khan đã bị nhiễm virus Vũ Hán chỉ 2 ngày sau khi tiêm vắc xin của hãng Sinopharm, Trung Quốc. Người phát ngôn của Thủ tướng Khan, ông Shahbaz Gill, thông tin rằng thủ tướng Pakistan bị ho và sốt nhẹ. Các trợ lý của ông Khan lưu ý rằng có thể lãnh đạo của họ đã bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán trước khi tiêm vắc xin Covid hôm 18/3. Ông Gill cho biết, Thủ tướng Khan lo lắng rằng sự việc của ông có thể khiến người dân e sợ việc tiêm vắc xin. Hiện tại chính phủ Pakistan chỉ triển khai duy nhất loại vắc xin Covid của Sinopharm cho người dân [AFP].

Mỹ-Trung tranh cãi về phân biệt chủng tộc. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Linda Thomas, một người da đen, đã đụng độ với quan chức Trung Quốc vào thứ Sáu (19/3) khi bà mô tả trải nghiệm của bản thân với nạn phân biệt chủng tộc. Bà nói rằng những gì xảy ra với bà là một thách thức nhưng đối với hàng triệu người ở các quốc gia như Trung Quốc và Myanmar, điều đó thật nguy hiểm. Bà Thomas đề cập tới hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc và người Rohingya ở Myanmar. Phản ứng lại, phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Dai Bing, nói rằng Mỹ không có quyền “cưỡi ngựa cao và nói với các quốc gia khác phải làm gì” về nhân quyền [Reuters].

Đài Loan phản đối LHQ. Quốc đảo đã đệ đơn phản đối một báo cáo hạnh phúc toàn cầu gần đây của Liên Hợp Quốc (LHQ) vì liệt kê đất nước họ là một phần của Trung Quốc. Văn phòng đại diện của Đài Loan tại New York cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng họ đã phát động một cuộc biểu tình yêu cầu tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn của Đài Loan. Họ nhấn mạnh “Đài Loan là một quốc gia”, và nói rằng việc LHQ liệt kê Đài Loan là một tỉnh nằm dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc là “sai lầm, không thể chấp nhận được và là sự coi thường trắng trợn nền dân chủ nổi bật của [một] đất nước” [Taiwan News].

Cảnh sát Đức mạnh tay với người biểu tình. Cảnh sát đã triển khai vòi rồng và bình xịt hơi cay để giải tán khoảng 20.000 người biểu tình chống lại việc đóng cửa và các quy tắc hà khắc khác dùng cho phòng chống dịch Covid của chính phủ. Đức đã bước sang tháng phong tỏa thứ tư và các nỗ lực tiêm chủng cho người dân đang bị tụt hậu so với Anh và Mỹ. Nhiều người dân ngày càng tỏ ra chán nản vì chính phủ thiếu một con đường rõ ràng để đưa cuộc sống của họ trở lại bình thường. Tính tới sáng 21/3 (giờ Việt Nam), Đức là ổ dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.658.851 người nhiễm Covid và 75.196 người tử vong. Sau 24h, Đức có thêm 13.665 người nhiễm mới virus Vũ Hán và 123 ca tử vong [Reuters].

Thái Lan bác thông tin hỗ trợ quân đội Myanmar. Hãng tin Reuters ngày 20/3 dẫn nguồn tin cho biết, quân đội Thái Lan đã cung cấp 700 bao gạo cho các đơn vị quân đội Myanmar ở biên giới phía Đông Myanmar. Tuy nhiên, quân đội Thái Lan phủ nhận thông tin này và cho biết bất kỳ thực phẩm nào được chuyển qua biên giới Thái-Miến là hoạt động thương mại bình thường. Reuters cho hay họ đã liên hệ chính phủ Thái Lan để yêu cầu bình luận về thông tin này nhưng chưa nhận được phản hồi [Reuters].

Bà Pelosi tin ông Biden kiểm soát được biên giới. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 19/3 bày tỏ sự tin tưởng vào cách xử lý của Tổng thống Biden đối với làn sóng người di cư đang dâng cao ở biên giới phía Nam, nói rằng việc này nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền mới. Nữ chủ tịch Hạ viện ở tuổi 81 cho biết chính quyền Biden đang tiếp cận những người di cư, đặc biệt là trẻ vị thành niên không có người đi kèm, theo cách “nhân đạo” hơn so với chính quyền TT Trump, và quá trình chuyển đổi sẽ mất một thời gian [Fox News].

Trung Quốc đưa khu trục hạm lớn áp sát biển Nhật. Vào ngày 19/3, 3 tàu hải quân Trung Quốc bao gồm một khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớn đã được phát hiện ở eo biển Tsushima, phía bắc đảo chính Kyushu của Nhật. Bộ tham mưu Nhật cho biết khu trục hạm này thuộc lớp Renhai và là một trong số các khu trục hải quân lớn nhất của Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản xác nhận con tàu này đến khu vực. Diễn biến nói trên diễn ra sau khi Nhật – Mỹ bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh gây tranh cãi của Trung Quốc trong một cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước vào ngày 16/3 tại Tokyo [Kyodo News].

Thêm ca tử vong sau tiêm vắc xin AstraZeneca. Đan Mạch hôm 20/3 cho biết đã ghi nhận 1 người thiệt mạng và 1 người khác bị bệnh nặng do đông máu và xuất huyết não sau khi tiêm vắc xin ngừa virus cúm Vũ Hán của hãng dược phẩm AstraZeneca. Cả hai người này đều là nhân viên y tế tại thủ đô Copenhagen. Họ phát bệnh sau khi tiêm vắc xin hãng AstraZeneca được chưa đầy 14 ngày. Đan Mạch đã tạm ngừng sử dụng vắc xin ngừa virus cúm Vũ Hán của hãng AstraZeneca từ hôm 11/3 [Reuters].

LHQ rút hết nhân viên quốc tế khỏi Triều Tiên. Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết hiện cơ quan này không còn nhân viên quốc tế nào ở Triều Tiên, và các nhân viên của họ đang thực hiện công việc liên quan tới Bắc Hàn từ xa. Mặc dù tuyên bố không có ca nhiễm virus cúm Vũ Hán, Triều Tiên vẫn cho đóng cửa biên giới để phòng dịch. Đầu tuần này, 2 nhân viên quốc tế LHQ cuối cùng đã rời Bình Nhưỡng. Họ đều làm việc cho Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc [Associated Press].

Tổng hợp