Trang chủ Tin tức Tin Thế giới Điểm tin thế giới 28/3: Thêm hơn 100 người biểu tình Myanmar...

Điểm tin thế giới 28/3: Thêm hơn 100 người biểu tình Myanmar thiệt mạng

0
455
Mục Điểm tin thế giới, Chủ nhật (28/3), gửi tới quý độc giả những tin sau:
Hình minh họa biểu tình Myanmar chụp từ video của The Straits Times.
 

Myanmar: Thêm hơn 100 người biểu tình bị giết. Lực lượng an ninh Myanmar hôm 27/3 đã giết chết ít nhất 114 người, trong đó có cả trẻ em, đưa số dân thường thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên hơn 400 người. Cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra đúng vào ngày quân đội Myanmar duyệt binh để kỷ niệm ngày thành lập và tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự, tuyên bố rằng quân đội sẽ bảo vệ dân và hứa tổ chức bầu cử dân chủ. Phái đoàn EU tại Myanmar trong một tuyên bố cho biết.”Ngày kỷ niệm lần thứ 76 của lực lượng vũ trang Myanmar sẽ được khắc ghi là một ngày của khủng bố và ô nhục” [Reuters].

Chống dịch, Philippines phong tỏa 24 triệu dân. Hôm 27/3, Phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines cho biết chính phủ sẽ áp lệnh phong tỏa Vùng Manila và 4 tỉnh lân cận từ ngày 29/3 đến ngày 4/4 để chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát. Người dân được yêu cầu làm việc tại nhà, các phương tiện vận tải công cộng phải ngừng hoạt động. Tụ tập đông người cũng bị cấm, lệnh giới nghiêm áp dụng từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Thông báo phong tỏa đưa ra sau khi Philippine có thêm 9.595 ca nhiễm virus Vũ Hán, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới vượt 9.000. Philippines hiện có 712.000 ca nhiễm, trong đó hơn 13.000 người đã chết [Aljazeera].

Thủ tướng Canada chỉ trích Bắc Kinh. Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 27/3 cho biết các lệnh trừng phạt của chính quyền Trung Quốc đối với hai quan chức Mỹ và một nhà lập pháp Canada là không thể chấp nhận được, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền. Đầu tuần này, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada đã trừng phạt 4 quan chức và một thực thể Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Bắc Kinh sau đó đáp trả bằng lệnh trừng phạt các quan chức và thực thể phương Tây, bao gồm Mỹ và Canada [Reuters].

Tàu mắc kẹt ở kênh Suez gây ra thiệt hại lớn. Nhà chức trách Ai Cập đang nỗ lực giải thoát con tàu dài 400 mét, nặng 200.000 tấn đang nằm chắn ngang kênh đào quan trọng. Một nghiên cứu từ công ty dịch vụ tài chính Allianz của Đức công bố hôm 26/3 cho biết việc kênh đào Suez, giúp lưu thông khoảng 13% thương mại toàn cầu, đang bị tắc có thể gây tổn thất từ ​​6 đến 10 tỷ đô la Mỹ. Một số tàu hiện đã chuyển hướng đi vòng quanh châu Phi đến châu Âu. Các chuyên gia thương mại và chuỗi cung ứng lo ngại sự tắc nghẽn có thể tạo ra sự tăng vọt về giá dầu và các hàng hóa khác như cà phê và hàng điện tử, tiêu dùng [Allianz].

Chính quyền Biden ‘thanh lọc’ Bộ An ninh Nội địa. Bộ trưởng An ninh Nội địa của chính quyền Biden, ông Alejandro Mayorkas, đã sa thải gần như tất cả các thành viên của Hội đồng Cố vấn An ninh Nội địa. Fox News nhận định đây dấu hiệu mới nhất cho thấy cơ quan này có ý định đi ngược các hoạt động của chính quyền Trump. Ông Mayorkas, trong một lá thư gửi hôm 26/3 được hãng tin Politico tiếp cận, nói với hội đồng rằng ông đang chấm dứt nhiệm kỳ của 32 thành viên hiện tại, và dự định “tái thiết” hội đồng khi một “mô hình mới” đã được phát triển [Foxnews].

Lính Venezuela giết dân thường. Những người Venezuela chạy sang Colombia cho biết điều này. Dòng người Venezuela tị nạn, ước tính khoảng 4.000 người, bắt đầu chạy trốn bạo lực vào Chủ nhật (28/3) sau khi quân đội Venezuela tiến hành một cuộc tấn công chống lại các nhóm vũ trang mà chính quyền Maduro cho là bất hợp pháp ở La Victoria, một thị trấn của Venezuela. “Họ đột kích vào nhà của chúng tôi và lấy đi mọi thứ của chúng tôi”, anh Jose Castillo, người chạy đến Colombia cùng vợ đang mang thai và con gái 12 tuổi, nói [Reuters].

Người Anh có thể bị phong tỏa 10 năm. Đây là nhận định của Cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Vương quốc Anh Jonathan Sumption hôm 26/3, trong khi bình luận về biện pháp phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán của chính phủ. “Thật không thực tế về mặt chính trị khi mong đợi Chính phủ [đưa xã hội] quay lại [trạng thái bình thường] ngay bây giờ”, ông Sumption nói, đề cập đến lợi thế mà các chính trị gia đạt được khi áp đặt các biện pháp cách ly bắt buộc trên toàn thế giới. Ông cũng liên hệ tình huống hiện tại với những hạn chế lâu dài trong khẩu phần lương thực mà người Anh phải chịu trong 9 năm sau Thế chiến thứ hai [The BL].

Nhật cũng sẽ cấp hộ chiếu vaccine. Nhật Bản sẽ cấp giấy chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số cho những công dân đã được tiêm chủng vaccine ngừa viêm phổi Vũ Hán, gia nhập nhóm bao gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác đã chấp nhận hộ chiếu vaccine nhằm mục đích mở cửa du lịch nước ngoài. “Hộ chiếu vaccine” có thể được quản lý trên ứng dụng di động và sẽ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cho phép người sở hữu xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng Covi khi lên máy bay hoặc nhận phòng khách sạn [Nikkei].

Người Mỹ biểu tình chống kỳ thị người gốc Á. Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại quận Queens của New York vào thứ Bảy (27/3) để yêu cầu chấm dứt bạo lực đối với người gốc Á. Cuộc biểu tình diễn ra sau vụ xả súng hàng loạt gây chết người tại các spa do người châu Á làm chủ ở Atlanta, bang Georgia, ít ngày trước. Các nhà hoạt động đã tổ chức các cuộc biểu tình tương tự ở khoảng 60 thành phố của Hoa Kỳ bao gồm các khu vực đô thị ở Georgia, San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland. Nhiều người Mỹ kỳ thị người gốc Á, đặc biệt là người Trung Quốc, vì cho rằng họ mang virus Vũ Hán tới Hoa Kỳ [AFP].

Tổng hợp