
Chủ tịch nước đề nghị làm rõ thông tin giảm án phạm nhân Phan Sào Nam
Dân Trí – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/4 đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm tra, báo cáo lại nội dung thông tin báo chí đã nêu về việc giảm án cho phạm nhân Phan Sào Nam.
Chủ tịch nước có ý kiến trước việc báo chí phản ánh thông tin, Phan Sào Nam, người tổ chức, vận hành đường dây cờ bạc liên quan hai tướng công an, đã ra trại vào tháng 2 vừa qua khi được giảm hơn 22 tháng tù, và đặt vấn đề vì sao Viện Kiểm sát kháng nghị hủy Quyết định giảm án cho Phan Sào Nam?
Theo đó, Viện Kiểm sát cho rằng quyết định giảm án không đúng nên đã kháng nghị, đề nghị Tòa án cùng cấp hủy hai quyết định giảm án cho Phan Sào Nam.
Sau khi xem xét nội dung thông tin trên, Chủ tịch nước có ý kiến đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm tra lại nội dung thông tin báo chí đã nêu, báo cáo lại Chủ tịch nước.
Diễn viên đóng vai người mù để ông Võ Hoàng Yên ‘chữa bệnh’ cầu cứu
Tuổi Trẻ – Diễn viên Bùi Công Danh những ngày vừa qua nhận khá nhiều chỉ trích sau khi đoạn clip ghi lại hình ảnh anh bị mù và được ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh lan truyền trên mạng xã hội. Một tài khoản Facebook đã bình luận tố cáo Danh giả mù để ông Võ Hoàng Yên dàn dựng clip chữa bệnh.
Tuy nhiên, thực chất đoạn clip được cắt từ bộ phim ‘Nhân quả cuộc đời 3’ đăng trên YouTube từ tháng 10/2018. Điểm trùng hợp là ông Võ Hoàng Yên cũng tham gia diễn xuất trong bộ phim này với vai diễn là bác sĩ chữa bệnh mù cho nhân vật mà Bùi Công Danh đảm nhận.
Bùi Công Danh lên tiếng: “Tôi là một diễn viên và đó chỉ là một vai diễn trong một bộ phim 3 năm về trước. Những hình ảnh và clip mà mọi người thấy lan truyền bữa giờ là trích từ trong phim Nhân quả cuộc đời 3”.
Dưới phần bình luận, diễn viên Thanh Bình, Hứa Minh Đạt bày tỏ sự thông cảm và động viên nam diễn viên. “Thực sự cái mọi người xem được cắt từ một bộ phim, em nó chỉ là diễn viên và đang hoạt động một cách nghiêm túc. Hiện giờ còn phải lo cho vợ và con nhỏ nữa” – Hứa Minh Đạt nói.
Vụ tàu có 12 thuyền viên dương tính: Long An xin lỗi, Vũng Tàu ‘hỏa tốc’ tiếp nhận
Tuổi Trẻ – tối 28/4, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn hỏa tốc gửi các ngành chức năng, đồng ý tiếp nhận 12 thuyền viên tàu Dai Duong Sea dương tính với COVID-19. Còn tỉnh Long An xin lỗi tàu này và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vì ‘lúng túng’.
Nhà chức trách Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, theo báo cáo của chủ tàu, tinh thần của các thuyền viên tàu Dai Duong Sea rất bất ổn, lo lắng. Do đó, nhanh chóng đưa 12 thuyền viên tàu Dai Duong Sea sẽ đưa về Trung tâm y tế huyện Long Điền để điều trị, 6 thuyền viên còn lại sẽ đưa về cách ly tại Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh này.
Trước đó vài giờ, ông Phạm Tấn Hòa, phó chủ tịch tỉnh Long An, có công văn gửi UB tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị tỉnh này chấp thuận đưa các thuyền viên tàu Dai Duong Sea về điều trị, cách ly. Lý do là khoảng cách từ nơi tàu đang neo đậu về đất liền Long An xa hơn Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tỉnh Long An cũng thừa nhận do lần đầu gặp trường hợp như trên (trường hợp tàu Dai Duong Sea, có 18 thuyền viên nhập cảnh vào cảng Bourbon ở Bến Lức, Long An mà có 12 người dương tính với SARS-CoV-2) nên còn lúng túng trong xử lý. Do đó, UB tỉnh Long An “chân thành xin lỗi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tàu Dai Duong Sea”.
Trước đó, chiều 24/4, tàu Dai Duong Sea (quốc tịch Việt Nam, số IMO: 9579963) có trọng tải gần 4.400 tấn cùng 18 thuyền viên đi từ cảng Sampit (Indonesia) với lịch trình về cảng Bourbon (Long An). Trước khi cập cảng đến, tàu này dừng ở vùng biển phao số 0, Vũng Tàu, để chờ cơ quan chức năng của tỉnh Long An lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đến ngày 26/4, kết quả cho thấy có 12 trong số 18 thuyền viên tàu này dương tính.
Tuy nhiên sau khi có kết quả xét nghiệm, ngành chức năng tỉnh Long An đã nói rằng mình không biết trường hợp này. Trong khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định chính ngành chức năng Long An đã đến Vũng Tàu để lấy mẫu xét nghiệm các thuyền viên, trước khi cho tàu cập cảng tại địa phương mình.
Nha Trang xử phạt nhà hàng bị tố ‘chặt chém’ bán ốc hương giá 1,8 triệu đồng/kg
Tiền Phong – Chiều 28/4, TP. Nha Trang cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Vương, chủ nhà hàng bị du khách tố bán bán ốc hương với giá 1,8 triệu đồng/kg.
Theo đó, ông Vương bị phạt tổng số tiền là 13.250.000 đồng. Trong đó, xử phạt 12,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh dịch vụ ăn uống, mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và xử phạt 750.000 đồng về hành vi vi phạm kinh doanh dịch vụ ăn uống, mà niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Trước đó, vào ngày 23/4, tài khoản Facebook của anh Lê Anh Văn có đăng thông tin về việc đi ăn ở nhà hàng hải sản Tháp Bà 86 bị tính giá ốc hương lên đến 1,8 triệu đồng/kg. Ngày 26/4, đoàn liên ngành TP Nha Trang đã lập đoàn kiểm tra, đồng thời buộc nhà hàng này tạm ngừng hoạt động.
Phó chủ tịch xã ở Thanh Hóa bị bắt quả tang đánh bài ăn tiền
Người lao Động – Cũng trong chiều qua 28/4, lãnh đạo xã Yên Lạc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận ông Lê Văn Phấn, Phó chủ tịch xã Yên Lạc, có hành vi đánh bài ăn tiền.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 15 giờ chiều 26/4, Công an huyện Yên Định đã bắt quả tang một nhóm người đang đánh bạc ăn tiền tại một lán nhà dân trên địa bàn huyện, trong đó có ông Phấn.
Được biết, ông Phấn có tên trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo từ cơ quan công an, Ủy ban bầu cử xã Yên Lạc đã loại ông Phấn ra khỏi danh sách hiệp thương.
Quảng Trị: Hơn nửa triệu con tôm giống chết sạch, trên hồ còn bao nilong chứa thuốc sâu
Tuổi Trẻ – Công an huyện Gio Linh (Quảng Trị) chiều hôm qua 28/4 xác nhận, đang điều tra vụ việc toàn bộ 540.000 con tôm giống trong một hồ tôm trên địa bàn chết trắng sau một đêm nghi bị đầu độc.
Công an cũng đã thu giữ một bao nilong nổi trên mặt hồ chứa thuốc sâu, cũng như lấy mẫu nước hồ đưa đi xét nghiệm.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, anh Tạ Quang Đức, quê xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, là chủ hồ tôm rộng 2.000m2 tại thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh phát hiện toàn bộ tôm giống anh vừa thả trong hồ bỗng nhiên chết và nổi trắng hồ. Trên mặt hồ, anh Đức thấy có một bao nilong chứa một ít thuốc trừ sâu.
Ngay sau đó, anh làm đơn trình báo lên công an huyện Gio Linh. Đơn vị này đã cho cán bộ về kiểm tra hiện trường.
Được biết, hồ tôm của anh Đức vừa thả 540.000 con tôm giống được 7 ngày. Hiện công an huyện Gio Linh đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Cái kết đắng cho các bị cáo vụ án Văn Kính Dương
Liên quan đến vụ án trùm ma túy Văn Kính Dương, trong phần tranh luận chiều 28/4, VKS giữ nguyên quan điểm bác kháng cáo của Văn Kính Dương, Vũ Hoàng Anh Ngọc (tức Ngọc Miu) cùng 7 đồng phạm về các tội Sản xuất, buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn khỏi nơi giam giữ; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan.
Nói lời sau cùng, Văn Kính Dương mong tòa xem xét tội danh cho bị cáo Lê Hương Giang. Ngọc Miu cùng các bị cáo còn lại mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định các bị cáo biết rõ tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người nhưng vì động cơ vụ lợi đã bất chấp phạm tội. Dù các bị cáo đã ăn năn, hối cải nhưng hậu quả hành vi mà Văn Kính Dương và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định bác kháng cáo, y án đối với Văn Kính Dương và đồng phạm.
Theo đó, Văn Kính Dương nhận án tử hình về 5 tội danh, bị tịch thu hơn một tỷ đồng. Ngọc Miu nhận mức án 16 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Các bị cáo Nguyễn Đức Kỳ Nam, Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân nhận án tử hình về tội Sản xuất trái phép chất ma túy. Ngoài ra, Nam bị phạt bổ sung 400 triệu đồng, còn Quân và Mang bị phạt mỗi người 100 triệu đồng.
Lê Hương Giang cũng bị tuyên án tử về tội Mua bán trái phép chất ma túy, phạt 100 triệu đồng. Nguyễn Đắc Huy, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thị Thu Huyền cùng lĩnh án tù chung thân về tội Mua bán trái phép chất ma túy, bị phạt bổ sung 50 triệu đồng. Còn Nguyễn Bá Thành nhận án tù chung thân về tội Sản xuất trái phép chất ma túy, bị phạt 50 triệu đồng.
Năm 2008, Văn Kính Dương bị TAND quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) xử phạt 5 năm tù về tội Cướp giật tài sản. Trong thời gian thi hành án tại trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa), Dương tàng trữ trái phép ma túy nên bị phạt 7 năm tù.
Tháng 6/2010, tại trại giam Thanh Lâm, Dương bị bắt quả tang khi trốn khỏi nơi giam giữ. Khi được chuyển đến cơ quan điều tra để chờ truy tố, xét xử, bị cáo đã cùng một số phạm nhân trốn trại.
Sau đó, Dương làm giả CMND và thuê nhà ở TP.HCM để tổ chức sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy.
Khẩu trang chất đống, hạ giá liên tục nhưng bán không ai mua, vì sao?
Tuổi Trẻ – Dù đang trong mùa dịch nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đang phải kêu cứu. Khẩu trang hạ giá liên tục nhưng bán không ai mua, sản phẩm tồn kho chất đống. Nguyên nhân do khẩu trang kém chất lượng lại được bán tràn lan. Thậm chí khẩu trang Trung Quốc cũng được nhập về số lượng lớn.
Hàng tồn chật kho
Nhiều phương án đưa ra để giải quyết khẩu trang tồn như giảm giá bán xuống chỉ còn 25.000 – 50.000 đồng/hộp, xuất khẩu… Thế nhưng theo ông Trần Văn Long – tổng giám đốc Công ty Cổ phần y tế Ecom med (TP.HCM), đơn vị vẫn chịu thua lỗ trong nhiều tháng qua do lượng khẩu trang tồn hiện lên đến hàng chục triệu chiếc.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty 28 (TP.HCM) cho biết đơn vị đã ngưng sản xuất khẩu trang nhiều tháng qua.
Theo vị đại diện này, dù đã hạ giá bán nhưng trong thời gian dài lượng hàng xuất bán khá khiêm tốn, nên hiện đơn vị tồn khoảng 1,5 – 1,7 triệu cái khẩu trang.
Cũng phải ngưng sản xuất khẩu trang 3 tháng nay do đối tác không lấy hàng và Công ty Quang Thịnh (TP.HCM) đang tính đến việc đóng cửa. Theo ông Tôn Thất Thịnh – giám đốc đơn vị này, hiện công ty tồn khoảng 1,5 triệu cái khẩu trang N95 và khoảng 150.000 – 200.000 cái khẩu trang vải các loại do khách đặt may nhưng không lấy.
“Với giá vốn 4.000 – 5.000 đồng/cái, chỉ riêng lượng khẩu trang N95 tồn đọng hiện trị giá hơn 6,5 tỉ đồng đã khiến đơn vị gặp khó”, ông Thịnh cho hay.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cũng cho biết nếu dịch viêm phổi Vũ Hán không diễn biến phức tạp, hiện lượng khẩu trang được đơn vị dự trữ có thể đủ cung cấp cho thị trường trong khoảng 4-5 tháng tới.
Tương tự, đại diện Vinmart khẳng định do nguồn khẩu trang dự trữ đủ cung cấp đến hết quý 2-2021 nên hiện không mua vào.
Ngăn hàng kém chất lượng
Theo ông Thịnh, thời điểm ổn định, giá bán sỉ khẩu trang y tế khoảng 700.000 đồng/thùng 50 hộp, nhưng đợt dịch cao điểm đầu tiên vào đầu năm 2020, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/thùng, sau đó giảm dần còn 4-6 triệu đợt dịch 2, và 1-3 triệu ở đợt 3.
“Lúc cao điểm, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang dễ dàng lãi hàng chục tỉ đồng mỗi tháng. Nhưng đợt 2, đặc biệt đợt dịch lần 3, khi nguồn cung khẩu trang quá nhiều, giá thành sản xuất tăng cao khiến nhiều đơn vị không bán được, thua lỗ nặng” – ông Thịnh nhận định.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Long, để ổn định thị trường khẩu trang, cơ quan chức năng cần tăng hoạt động thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Bởi hiện nay có rất nhiều loại khẩu trang kém chất lượng trên thị trường.
“Có doanh nghiệp đem sản phẩm tốt đi đăng ký nhưng khi sản xuất lại đưa nguyên liệu kém chất lượng vào. Cần thanh tra đột xuất nhà máy, cắt mẫu kháng khuẩn đang được dùng sản xuất về kiểm tra” – ông Long kiến nghị.
Có ý kiến về vấn đề trên, ông Trần Hữu Linh – tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – cho rằng đơn vị sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra, giám sát mặt hàng này, đặc biệt những địa phương ở biên giới, bởi tình hình dịch vẫn phức tạp.
Còn đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết để khẩu trang sản xuất trong nước đạt chất lượng, cơ quan chức năng cần tăng thanh tra kiểm tra phần gốc – nguồn nguyên vật liệu dùng sản xuất mặt hàng này, đặc biệt nguồn nhập từ Trung Quốc hiện chiếm đa số.
Tổng hợp