
Vụ khách tố thức ăn có dòi: Dừng việc tự ý nấu thức ăn cho khách cách ly
Thanh Niên – Dù có lệnh không tụ tập đông người nhưng biển Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) vẫn đông nghịt người trong ngày nghỉ lễ thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Trong chiều 1/5, tại các bãi biển Bãi Cháy và Hòn Gai vẫn rất đông du khách đổ về giải nhiệt.
Đáng chú ý, các dịch vụ trên bờ vẫn đông nghịt người. Tuy tập trung đông nhưng phần lớn mọi người đã có ý thức hơn những ngày qua khi đeo khẩu trang.
Nhưng đến khi xuống nước, do đặc thù tắm biển nên du khách không thể lúc nào cũng đeo khẩu trang trên mặt.
Để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán, trong chiều 1/5, lực lượng chức năng của TP. Hạ Long đã có mặt tại các bãi tắm, dùng loa tuyên truyền yêu cầu người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách.
Cùng với đó, Ban quản lý các bãi tắm đã chăng dây dọc bờ biển để kiểm soát lượng người ra vào. Tuy vậy, lượng khách quá đông nên lực lượng chức năng cũng không thể huy động đủ người kiểm soát được.
Trước đó vào chiều 1/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra chỉ đạo khẩn, yêu cầu từ 15 giờ cùng ngày, người dân không tập trung đông người tại các bãi tắm trên địa bàn để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có bãi tắm thực hiện nghiêm chỉ đạo để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, địa phương này đón khoảng 8 vạn du khách, trong đó đã có 2 vạn du khách tham quan vịnh Hạ Long.
Đá bóng ở sân trường, nam học sinh lớp 7 bị sét đánh tử vong
Lao Động – Tối 1/5, lãnh đạo xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) xác nhận, em H.V.T. (13 tuổi, học lớp 7 Trường bán trú Đắkrông) bị sét đánh tử vong.
Trước đó, vào 15h cùng ngày, T. cùng 5 bạn đá bóng ở sân trường. Trời không mưa nhưng thỉnh thoảng có giông sét. Sau một tiếng sét lớn, cả 6 học sinh ngã xuống sân trường. Em T. và một học sinh khác bị sét đánh bị thương.
T. không qua khỏi dù được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế cơ sở 2 xã Tà Rụt.
Vụ khách tố thức ăn có dòi: Dừng việc tự ý nấu thức ăn cho khách cách ly
Người lao Động – Tối ngày 1/5, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có báo cáo xác minh vụ khách sạn Ventana ở đường Nguyễn Thiện Thuật (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bị tố thức ăn phục vụ du khách cách ly về từ Nhật Bản có dòi.
Theo đó, tại thời điểm thẩm định để cấp giấy phép làm cơ sở lưu trú cách ly cho khách sạn này, khách sạn ký hợp đồng với công ty Công ty 86 Nha Trang – đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn Vệ sinh thực phẩm cung cấp cho người cách ly.
Tuy nhiên, đến ngày 14/4, khách sạn đã chấm dứt và thanh lý hợp đồng với Công ty 86 Nha Trang, cơ sở tự nấu và tự phục vụ cho khách lưu trú cách ly tại khách sạn nhưng không báo cáo với cơ quan ra quyết định cấp giấy phép làm cơ sở lưu trú cách ly.
Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, qua kiểm tra khu vực bếp ăn của khách sạn có khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm bảo đảm sạch, cách biệt với nguồn ô nhiễm.
Khách sạn có trang thiết bị, dụng cụ, tủ lưu mẫu; có thực hiện lưu mẫu thức ăn, tuy nhiên thực hiện sổ lưu mẫu thức ăn không đúng quy định, cập nhật lưu mẫu không đầy đủ (chỉ lưu thực đơn ngày 29 và 30/4 cùng mẫu đồ ăn chiều 30-4).
Bên cạnh đó, khách sạn này chưa xuất trình các hồ sơ, hợp đồng về nguồn cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước dùng trong chế biến tại cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện nguyên liệu, phụ gia thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng.
Mặt khác khách sạn này chưa xuất trình giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chưa xuất trình giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm/danh sách người trực tiếp chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận.
Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm yêu cầu cơ sở tạm ngưng hoạt động chế biến thức ăn tại khách sạn phục vụ cho người cách ly; tiến hành ký hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đoàn kiểm tra đề nghị cơ sở khắc phục ngay một số nội dung sau: Phải có giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, danh sách người trực tiếp chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận.
Khách sạn phải thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có các hồ sơ, hợp đồng về nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm an toàn. Phụ gia thực phẩm dùng trong chế biến thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế; thực phẩm sử dụng để chế biến phải rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đúng quy định.
Trước đó, khách sạn Ventana đón 173 người cách ly từ Nhật Bản trở về từ ngày 22/4. Các bữa ăn phục vụ cho đoàn khách cách ly do khách sạn tự nấu. Ngày 26/4, nhóm khách phản ánh khách sạn phục vụ đồ ăn có giòi.
Một số người cũng phản ánh họ không ăn được thức ăn do khách sạn nấu nên nhờ mua hoặc đặt hàng từ dịch vụ mang thức ăn đến nhưng bị nhân viên lấy 50.000-100.000 tiền công. Được biết, mỗi khách được cung cấp suất ăn 200.000 đồng/ngày, còn phí ở là 1,1 triệu đồng/người/ngày.
Vì sao công an không còng tay nghi phạm bắn chết 2 người ở Nghệ An?
Chiều 1/5, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An lý giải việc không còng tay Cao Trọng Phú, nghi phạm bắn chết 2 người vào sáng ngày 30/4, mặc dù trước đó một lực lượng lớn đã được huy động để vây bắt đối tượng.
Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc không còng tay nghi phạm lúc ra xe có mấy vấn đề then chốt.
Thứ nhất là góc độ nhân văn. Đối tượng Phú gây án và manh động cố thủ, sau đó được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương động viên và gia đình người thân vận động, làm tư tưởng, đưa ra những chính sách khoan hồng, nhân đạo, giúp đối tượng bình tĩnh trở lại; tự ý thức được, chấp hành việc vận động đó.
Thứ hai, trong lúc đối tượng Phú đang hoảng loạn có thể có những hoang mang lo sợ; nhưng khi Phú đã bình tĩnh lại và nhận thấy cái sai, nhận thức được những lời vận động đúng đắn của lực lượng chức năng, thì cần giữ cho Phú tâm lý bình tĩnh đó.
Thứ ba, xung quanh còn có gia đình, làng xóm, con cháu, người thân của Phú nên lực lượng chức năng muốn giữ tâm thế cho Phú.
Thứ tư, nghi phạm Phú đi giữa rất nhiều lực lượng công an, được bảo vệ vòng trong vòng ngoài, lực lượng này luôn đảm bảo chắc chắn không để có biến cố xảy ra.
Cũng theo vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, trong vụ việc nói trên, người chỉ huy sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế để quyết định sử dụng hoặc không sử dụng còng số 8 và các công cụ khác khi vây bắt, dẫn giải nghi phạm.
“Sau khi được công an kêu gọi, giải thích, đặc biệt là sự động viên của gia đình, nghi phạm Cao Trọng Phú hoàn toàn hợp tác, phục tùng mệnh lệnh của công an một cách tuyệt đối. Chính vì vậy, việc không còng tay nghi phạm không hề sai với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc không còng tay nghi phạm giúp sau này đối tượng hợp tác hơn, thành khẩn hơn, tự tin hơn trong việc lấy lời khai. Ai cũng là con người cả, người ta bảo đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, phía sau một hành vi phạm tội còn ẩn chứa rất nhiều vấn đề cần phải điều tra, làm rõ. Vì thế, việc còng tay nghi phạm hay không còn là một biện pháp nghiệp vụ nhằm phục vụ công tác điều tra sau này.
Về nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng đau lòng nói trên, vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cho biết bước đầu xác định do liên quan đến vấn đề mua đất đai, làm ăn.
“Trước đây, một trong những nạn nhân bị bắn chết có làm ăn với nghi phạm Phú, nhờ mua đất tại Vinh. Sau đó, người này từng đến nhà Phú nhiều lần để đòi bìa đất, Phú hứa nhưng chưa trả. Lần này người này đưa thêm người đến để “thị uy” đòi Phú trả bìa đất và xảy ra sự việc đau lòng nói trên”, vị lãnh đạo cho biết.
Trước đó, vào sáng ngày 30/4, một nhóm người đi ô tô đến nhà Cao Trọng Phú (59 tuổi, ở xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).
Sau khi đôi bên lời qua tiếng lại thì tiếng súng vang lên, ngay sau đó người dân phát hiện có 2 người đàn ông nằm gục trên vũng máu trước cửa nhà Phú.
Nạn nhân được xác định là ông Đặng Ngọc Anh (66 tuổi, quê TP Vinh, hiện trú tại phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), ông Ngô Quang Hưng (43 tuổi, trú phường Vinh Tân, TP Vinh). Đến hơn 14h chiều ngày 30/4, được công an thuyết phục, Phú đã ra đầu thú.
Cơ quan điều tra cho biết thêm, trước đó, Phú có thời gian dài làm ăn ở Campuchia nên đã mua một khẩu súng ở bên đó rồi cất giấu nhằm phòng thân. Khi trở về Việt Nam, Phú đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam và mới trở về quê xây nhà.
Tổng hợp