Trang chủ Tin tức Tin trong nước sáng 5/5: Giảm độc quyền của ngành điện; Bộ...

Tin trong nước sáng 5/5: Giảm độc quyền của ngành điện; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn thăm Việt Nam

0
354
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (ảnh: AFP/Tuổi Trẻ).

Hải Dương nâng cảnh báo dịch Covid-19 lên tình trạng khẩn cấp

Zing – Liên quan đến dịch bệnh, ngày 4/5, nhà chức trách Hải Dương ra chỉ thị yêu cầu nâng mức độ cảnh báo, đặt toàn tỉnh ở tình trạng khẩn cấp với nguy cơ dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, tỉnh này yêu cầu hạn chế các sự kiện tập trung đông người. Tạm dừng việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, giao lưu văn hóa, thi đấu thể thao, hoạt động tôn giáo. Ngoài ra tiếp tục dừng hoạt động đối với các quán bar, karaoke, quán game, rạp chiếu phim, cơ sở massage…

Các lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm tình hình dịch trên địa bàn, nếu lơ là chủ quan sẽ bị xử lý.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương, trong đợt dịch vừa qua, tỉnh này có tổng cộng 726 bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi và ra viện.

Đến 17h ngày 4/5, tỉnh này có 174 trường hợp F1 đang cách ly. Cùng ngày, tỉnh này ghi nhận 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở huyện Tứ Kỳ và TP. Hải Dương.

Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động rạp chiếu phim, tiệm massage, spa

Zing – Chiều 4/5, tại phiên làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán , Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ra quyết định tạm dừng một loạt các hoạt động kinh doanh, thương mại có nguy cơ lây nhiễm.

Theo ông Dũng, Hà Nội đã cho dừng nhiều hoạt động kinh doanh không thiết yếu, song trước việc chủ quan, lơ là của bộ phận người dân và kiến nghị của các đại biểu trong cuộc họp, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện thêm các biện pháp mạnh hơn.

Cụ thể, từ 0h ngày 5/5, thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động tất các rạp, trung tâm chiếu phim, cơ sở massage, spa, phòng tập gym và các sân vận động. Thành phố tiếp tục yêu cầu dừng các sự kiện có tập trung đông người không cần thiết.

Từ 29/4 đến sáng 4/5, Hà Nội ghi nhận 5 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán gồm 3 người ở huyện Đông Anh, liên quan ổ dịch tại Hà Nam đã được Bộ Y tế công bố, một trường hợp ngồi cùng chuyến bay với ca mắc viêm phổi Vũ Hán người Trung Quốc và chuyên gia Ấn Độ, tại Times City.

Giảm độc quyền của ngành điện

Thanh Niên – Việc cho doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được coi là khởi đầu cho thị trường mua bán điện bình đẳng, giảm cơ chế độc quyền chỉ có một đơn vị cung cấp…

Doanh nghiệp sẽ mua điện với giá tốt hơn

Theo thông tin trên Nikkei Asia Review ngày 3/5, tập đoàn điện tử khổng lồ đến từ Hàn Quốc là Samsung đang muốn “đàm phán” với Việt Nam để tham gia dự án thí điểm năng lượng tái tạo. Cụ thể, Samsung đang đối mặt với áp lực bớt phụ thuộc vào than đá. Tập đoàn này đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thí điểm cơ chế mua/bán điện trực tiếp, mà không phải mua qua EVN.

Tuần trước, yêu cầu này được nhắc lại trong buổi làm việc với Bộ Công thương nhằm nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính hết năm 2020, theo Nikkei Asia Review, có 25 DN Việt nằm trong danh sách các nhà cung ứng lớn của Samsung Electronics, mặc dù hầu hết là các công ty nước ngoài.

Thực tế, Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA). Theo đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn. DN mua bán điện sẽ thực hiện qua thị trường giao điện ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công thương; DN không chỉ được hưởng giá điện cố định do hai bên thỏa thuận trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng mà còn tránh được những rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai, chẳng hạn khi giá điện bán lẻ tăng.

Đặc biệt, để tham gia vào dự án thí điểm này (giai đoạn 2021 – 2023), theo Cục Điều tiết, khách hàng phải có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo, 3 năm đầu phải mua với tỷ lệ sản lượng điện từ 80% trở lên. Với đơn vị phát điện, dự án điện mặt trời, điện gió này phải có trong quy hoạch, công suất trên 30 MW…

Trao đổi với Thanh Niên, bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, một trong những DN ngành may mặc xuất khẩu lớn tại miền Trung cho rằng, không chỉ đối với ngành điện tử, tiền điện chiếm phần không nhỏ cho rổ chi phí của DN ngành may mặc. Miền Trung và miền Nam hiện có lợi thế phát triển mạnh năng lượng mặt trời. Nếu DN sản xuất có mức tiêu thụ năng lượng lớn, được tham gia ký kết trực tiếp với các dự án sản xuất điện mặt trời trong khu vực là điều “quá tuyệt vời”. Tình trạng hiện nay là nhiều dự án điện mặt trời đang thừa công suất, không bán cho EVN được vì quá tải đường truyền, trong khi đó, điện sản xuất trong giờ cao điểm mua từ ngành điện với cấp điện áp trên 22 kV vào giờ cao điểm cũng trên 3.000 đồng/kWh. Giả sử có hợp đồng mua bán theo thỏa thuận giữa nhà sản xuất điện với DN, không qua trung gian EVN, chắc chắn có giá tốt hơn.

Khởi đầu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bình đẳng

Chuyên gia năng lượng độc lập – TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng VN) đánh giá nếu đề xuất của Samsung được thông qua, đây sẽ là tiền đề để Việt Nam triển khai mô hình mua/bán điện trực tiếp. Ngay trong giai đoạn bán buôn đã cho phép truyền tải trực tiếp từ chỗ sản xuất, xây dựng đường dây đến tận nơi tiêu thụ, không cần bán qua bên trung gian là EVN như hiện nay.

Theo ông Lâm, mô hình mua/bán điện trực tiếp, không qua EVN có rất nhiều mặt lợi: Đơn vị sản xuất điện yên tâm vì chủ động cơ cấu được sản lượng dựa vào đo đếm nhu cầu và thương lượng với khách hàng, có bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, không bị động dựa vào khả năng truyền tải của EVN mà phải giảm hoặc thậm chí phải ngưng sản xuất như tình trạng đã xảy ra trong thời gian qua. Về phía khách hàng, họ được quyền lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, lựa chọn nơi cung cấp điện gần nhà máy để giảm chi phí truyền tải và được chủ động thương lượng giá. Đó là chưa kể việc bỏ qua khâu trung gian là EVN, giảm phí, giảm nhân lực, đối với một số hợp đồng mà nơi cung ứng điện gần nơi tiêu thụ, không mất quá nhiều công truyền tải, giá điện có thể giảm tương đối hoặc khả năng lời của nhà sản xuất tăng cao.

Hải Phòng vào cuộc xử lý thông tin liên quan đến BN số 2986 người Ấn Độ

Thanhphohaiphong – Theo báo cáo từ Sở Y tế Hải Phòng, các trường hợp liên quan đến BN số 2986 người Ấn Độ trên địa bàn thành phố đều có kết quả âm tính với virus Vũ Hán lần 1.

Sở Y tế Hải Phòng cho biết BN số 2986 người Ấn Độ, hiện đang cư trú tại thành phố Hà Nội, trước đó, bệnh nhân từ Ấn Độ, quá cảnh tại Dubai, nhập cảnh vào sân bay Quốc tế Nội Bài trên chuyến bay EK0394 ngày 17/4/2021, được cách ly tập trung tại khách sạn Cảnh Hưng, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng. Được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, lần 1 ngày 19/4/2021, lần 2 ngày 30/4/2021, kết quả đều âm tính (kết quả xét nghiệm do Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng làm).

Ngày 1/5/2021, bệnh nhân hết cách ly, Công ty thuê xe riêng chở về Hà Nội ở tại nơi Công ty đăng ký cho chuyên gia và gia đình lưu trú sau khi hết hạn cách ly tập trung cùng vợ và 2 con, tự khai chưa đi đâu xa.

Ngày 3/5/2021, theo yêu cầu của Công ty, bệnh nhân tự đến Bệnh viện Vinmec Hà Nội làm xét nghiệm dịch vụ, cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến cách ly điều trị tại Cơ sở 2 Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Mẫu bệnh phẩm được Bệnh viện Vinmec chuyển đến CDC Hà Nội để tiếp tục xét nghiệm; kết quả dương tính lúc 5h ngày 4/5/2021.

Vợ và con bệnh nhân hiện đang ở tại địa chỉ trên, sức khỏe bình thường. CDC Hà Nội đã điều tra và lấy mẫu. Đến sáng 4/5, theo báo cáo của CDC Hà Nội, kết quả điều tra truy vết, xác định 6 F1 đều âm tính, gồm: vợ, 2 con và 3 người ở cùng tòa nhà quốc tịch Ấn Độ. Hiện vợ và 2 con bệnh nhân tạm thời cách ly tại nhà do con nhỏ 1 tuổi và 3 tuổi, 3 người còn lại sẽ chuyển cách ly tập trung.

Lực lượng chức năng Hà Nội đã lấy mẫu 41 người liên quan ở cùng tầng với bệnh nhân, hiện chưa có kết quả. Tạm thời phong tỏa tòa nhà bệnh nhân đã lưu trú gồm 34 tầng với khoảng 1.500 cư dân.

Về trường hợp người lái xe đưa bệnh nhân về Hà Nội có địa chỉ tại thôn 5, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên Hải Phòng, hiện đang được cách ly, xét nghiệm tại Hải Phòng. Vào 9h00 ngày 4/5 đã có kết quả âm tính.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ CDC Hà Nội, Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các hoạt động, kết quả ban đầu đến 17h00 ngày 04/5/2021, đã điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm 141 người, gồm những người liên quan đến khách sạn Cảnh Hưng trong thời gian chuyên gia cách ly tại đây:

Nhân viên khách sạn, nhân viên y tế và công an phục vụ tại khách sạn: 45 người. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm, kết quả: 37 mẫu âm tính, 8 mẫu chờ kết quả.

Chuyên gia hiện đang cách ly tại khách sạn: 71 người. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm, kết quả: 69 mẫu âm tính, 2 mẫu chờ kết quả.

Chuyên gia hoàn thành cách ly và rời khách sạn trong thời gian từ 17/4 đến 1/5 hiện đang ở Hải Phòng: 34 người. Đã lấy mẫu làm xét nghiệm, kết quả 34 mẫu chờ. Thông báo cho y tế Quảng Ninh 1 chuyên gia đang lưu trú tại Uông Bí (đã lấy mẫu, đang chờ kết quả).

Số tiếp xúc gần với BN tại Hải Phòng (F1): 01 người (lái xe đưa bệnh nhân từ khách sạn về Hà Nội), hiện đang được cách ly tập trung tại Cơ sở 2, BVHN Việt Tiệp, kết quả xét nghiệm ngày 4/5: Âm tính.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trong và ngoài khách sạn Cảnh Hưng; đồng thời rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình thực hiện cách ly các chuyên gia nhập cảnh tại khách sạn.

Trong thời gian tới, các quận, huyện tiếp tục quản lý cách ly tại nhà/nơi cư trú, các chuyên gia hoàn thành cách ly tại khách sạn Cảnh Hưng từ ngày 17/4 đến 1/5 đang lưu trú tại địa phương.

Căn cứ kết quả xét nghiệm, Sở Y tế sẽ tiếp tục báo cáo thành phố để chỉ đạo các hoạt động đáp ứng, xử lý dịch tùy theo tình hình thực tế. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình cách ly tại tất cả các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, bắt đầu từ 00 giờ ngày 4/5/2021: Tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính) do thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận (+) với SASR-Co-V2, làm lây lan dịch. Thực hiện chờ cho tới khi có Thông báo mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19.

Việt Nam hỗ trợ Lào 500.000 USD và vật tư y tế để chống dịch

Báo chí trong nước cho biết, sáng ngày 4 tháng Năm, Việt Nam đã gửi tặng Lào 500.000 USD và tổ chức chuyến bay chuyên chở khẩn cấp số vật tư, thiết bị y tế gồm 2 triệu khẩu trang y tế, 200 máy thở và 10.000 kg hóa chất khử khuẩn Chloramine B để giúp Lào ứng phó với dịch Covid-19.

Trên chuyến bay đặc biệt từ Hà Nội còn có 35 chuyên gia y tế sang giúp Lào phòng chống dịch, thiết lập hệ thống xét nghiệm nhanh và lập bệnh viện dã chiến.

Theo dữ liệu của Worldometer, tính đến sáng  ngày 5 tháng 5, Lào đã ghi nhận 1.026 ca nhiễm,trong đó 60 trường hợp đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn thăm Việt Nam

Tuổi Trẻ – Theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc hôm 30 tháng Tư đã dự lễ nhậm chức của Đô đốc John Aquilino ở Honolulu, Hawaii – Tư lệnh Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Dịp này, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley.

Bộ trưởng Austin nói với Đại sứ Hà Kim Ngọc rằng ông mong muốn thăm Việt Nam trong thời gian tới.

Trong cuộc trao đổi, hai bên nhận thấy sau 25 năm bình thường hóa, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng, an ninh, đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Phía Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, coi khu vực Ấn độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Austin dự kiến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á – Đối thoại Shangri-La – tổ chức từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 tại Singapore.

Lộ diện “bà trùm” tổ chức cho 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cư trú ở Vĩnh Phúc

Dân Việt – Liên quan đến vụ hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tối 4/5, cơ quan công an đã bắt giữ Nguyễn Thị Hồng Hạnh (36 tuổi, trú phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Hạnh được xác định là người tổ chức cho 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó đến cư trú bất hợp pháp trên địa bàn TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến sáng 4/5, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận thêm 6 ca mắc viêm phổi Vũ Hán trong cộng đồng, đều có liên quan đến quán bar Sunny , nơi chuyên gia Trung Quốc nhiễm bệnh đã lui tới. Bộ Y tế đánh giá F0 người Trung Quốc và F0 của Việt Nam , có quan hệ giao lưu đi lại phức tạp, nên tỉnh VP cần tiếp tục truy vết.

Việt Nam vượt Trung Quốc về xuất khẩu hàng nội thất sang Mỹ

Ngày 3/5, Trang Furniture Today, chuyên đưa tin về ngành nội thất cho biết, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng nội thất lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo khảo sát của hãng tin này, trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019. Trong cùng năm, Trung Quốc đã xuất khẩu 7,33 tỷ USD sang Mỹ, giảm 25% so năm trước.

Furniture Today nhận định đây là một bước chuyển mình lớn nhất trong lịch sử gần đây về nhập khẩu của Hoa Kỳ do 3 diễn biến nổi bật.

Thứ nhất, bắt đầu từ năm 2004 chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế cao tới 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất. Năm 2018 Hoa Kỳ áp thuế khởi đầu với mức10% khiến doanh nghiệp ngành nội thất rút ra khỏi Trung Quốc, khiến hàng xuất khẩu của nước láng giềng của Việt Nam bắt đầu giảm bớt 1% trong năm đó. Xu hướng này càng rõ nét khi sang năm 2019 các lô hàng của Trung Quốc giảm 28% trong khi lô hàng từ Việt Nam đã tăng 35%.

Các nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng mức thuế áp lên hàng từ Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các nước khác như Mexico, Malaysia, và Việt Nam có thể cạnh tranh. Đối với Việt Nam đồ nội thất gỗ là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong ngành.

Tổng hợp