Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 10/5: Kỷ lục 155 ca COVID-19 trong 24...

Tin trong nước trưa 10/5: Kỷ lục 155 ca COVID-19 trong 24 giờ; Thêm hàng chục tỉnh, thành cho học sinh dừng đến trường

0
321
Ảnh minh họa

Kỷ lục 155 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ

VnExpress – Bộ Y tế sáng 10/5 ghi nhận 80 ca dương tính COVID-19, trong đó 78 ca ghi nhận trong nước, hai ca nhập cảnh được cách ly ngay.

80 ca mới được ghi nhận từ số 3333-3412, trong đó 78 ca ghi nhận trong nước gồm tại Bắc Ninh 27, Vĩnh Phúc 19, Đà Nẵng 13, Hà Nội 9, Bắc Giang 5, Hòa Bình 2, Đăk Lăk, Điện Biên và Lạng Sơn mỗi nơi một ca.

Như vậy 24 giờ qua ghi nhận 155 ca nhiễm cộng đồng, cao nhất kể từ khởi đầu dịch vào năm 2020 đến nay tính theo 24 giờ.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 411, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Cụ thể, Hà Nội 120 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 67 ca, 12 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 85, Đà Nẵng 48, Vĩnh Phúc 52, Bắc Giang 35, Hà Nam 16, Hưng Yên 13, Thái Bình 6, Hải Dương 4, Lạng Sơn 4, Hòa Bình 4, Quảng Nam 3, Huế 3, Nam Định 2, Đăk Lăk 2, Điện Biên 2, TP HCM, Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Trị mỗi nơi một ca.

COVID-19 lan nhanh, nhiều nơi thành điểm nóng

Thanh Niên – COVID-19 lây nhiễm cộng đồng đang lan rộng trên phạm vi 26 tỉnh, thành, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện, diễn biến rất phức tạp với số ca bệnh tăng lên từng ngày.

Tại Hà Nội, BV K và BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 vẫn xuất hiện thêm BN. Ngày 9.5, Hà Nội ghi nhận thêm 11 BN COVID-19 mới, chủ yếu liên quan đến ổ dịch BV K, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 và ổ dịch H.Thường Tín. Đáng chú ý, trong số này có 4 học sinh ở H.Gia Lâm, lây từ bạn học ở ổ dịch Mão Điền, H.Thuận Thành (Bắc Ninh). Cả 4 BN đều trú tại xã Kim Sơn, H.Gia Lâm, đều 18 tuổi và cùng học lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc, xã Hòa Mãn, H.Thuận Thành.

Vĩnh Phúc: Chiều 9/5, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 33 ca mắc COVID-19. Ngoài ra, có 38 ca nghi ngờ dương tính. Vĩnh Phúc đang quyết tâm “bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn” bằng cách mở rộng diện xét nghiệm, coi F1 như F0 và coi F2 như F1. Lãnh đạo tỉnh này cho rằng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, dù đáng lo là các ca F0 trong cộng đồng có thể chưa được phát hiện.

Bắc Ninh: Từ 14 giờ ngày 9.5, tỉnh Bắc Ninh đã cách ly y tế toàn bộ H.Thuận Thành, với 17 xã, 1 thị trấn, 108 thôn/khu dân cư, 46.733 hộ, 181.976 nhân khẩu. Thời gian phong tỏa sẽ tùy theo diễn biến dịch bệnh. Bốn chốt kiểm soát 24/7 đã được lập để đảm bảo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn/khu phố với thôn/khu phố…

Tất cả các hoạt động công cộng, vui chơi, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu tại huyện này đều bị tạm dừng; vận chuyển hành khách công cộng từ Thuận Thành ra ngoài cũng phải dừng, trừ trường hợp đặc biệt…

TP. Đà Nẵng: Hôm qua 9/5, ngày đầu tiên người dân TP. Đà Nẵng trở lại nếp sinh hoạt đi chợ bằng thẻ với tần suất 3 ngày/lần. Đây là lần thứ hai người dân áp dụng thẻ đi chợ để phòng chống COVID-19, sau lần áp dụng từ đợt dịch vào cuối tháng 7/2020.

Hôm qua, TP.Đà Nẵng cũng mở cửa lại chợ Đống Đa sau khi toàn bộ tiểu thương âm tính với COVID-19 (đóng cửa từ ngày 7.5 do có BN COVID-19 đi chợ). Các phường Thanh Bình, Thuận Phước, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu) tăng cường lực lượng tại một số vị trí giáp ranh với chợ. Những tuyến đường này có nhiều nhà dân, tiểu thương kinh doanh tự phát sát chợ, không đảm bảo các quy định chống dịch (như giãn cách, đeo khẩu trang) nên UBND Q.Hải Châu đã phân công các lực lượng chấn chỉnh.

TP.HCM là địa bàn rộng lớn, dân số đông, mức độ giao thương, đi lại cao nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 được đánh giá hiện hữu ở khắp mọi nơi.

BV được xem là “thành trì cuối” nhưng là nơi có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan cao nhất do người có bệnh đến khám chữa bệnh như vừa xảy ra ở một số BV tại Hà Nội. Trước mối lo này, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19; yêu cầu các BV phân luồng, sàng lọc BN kỹ, xét nghiệm COVID-19 nhân viên y tế định kỳ; xét nghiệm cho người bệnh ở các khoa có nguy cơ cao như cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm…

Sở Y tế đặc biệt lưu ý hạn chế nhân viên y tế khai báo thay người bệnh; cần có các quy định để hạn chế thấp nhất trường hợp người bệnh có nguy cơ nhưng khai báo y tế không trung thực; bắt buộc phải thực hiện khâu “check-in” để xác nhận người bệnh đã vào BV, phải trang bị máy quét để thực hiện khâu này.

Thêm hàng chục tỉnh, thành cho học sinh tạm dừng đến trường

Người lao Động – Tính đến sáng 10/5, đã có thêm nhiều địa phương thông báo cho học sinh tiếp tục dừng đến trường, điều chỉnh lịch học hoặc kết thúc năm học sớm.

Tối qua (9/5), Chủ tịch tỉnh Lào Cai đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các trường Mầm non, Tiểu học đã hoàn thành chương trình nghỉ học từ ngày 10/5/2021 đến khi có thông báo mới. Các khối 6, 7, 8 (cấp Trung học cơ sở), khối 10, 11 (cấp Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên) tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến từ ngày 11/5/2021 đến khi hoàn thành chương theo quy định.

Ngày 9/5, Sở GD-ĐT Cần Thơ thông báo cho toàn bộ học sinh dừng đến trường từ ngày 10/5, chuyển sang học trực tuyến.

Tỉnh Lâm Đồng cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 9/5 đến khi có thông báo mới.

Quảng Trị  yêu cầu việc cho học sinh tạm dừng đến trường phải thực hiện chậm nhất ngày 12/5 (trừ học sinh lớp 12 THPT và học viên lớp 12 hệ GDTX).

Riêng với những đơn vị, trường học chưa hoàn thành việc kiểm tra cuối kì 2 thì tiếp tục tổ chức kiểm tra cho đến hết ngày 11/5.  Nam Định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ hè từ ngày 10/5 để phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, các tỉnh như Ninh Bình; Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hải Dương, Điện Biên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng đã cho học sinh tiếp tục dừng đến trường đến khi có thông báo mới.

Nhiều người ‘kêu đắt’ vì khách sạn thu phí cách ly 1,7 triệu đồng/ngày

Dân Việt – Ngày 9/5, nhiều người lưu trú tại khu cách ly khách sạn Top Hotel Hữu Nghị, 188 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phản ánh về việc khách sạn có phí cách ly quá cao.

Anh Nguyễn Văn D., một người trong nhóm lao động từ Nhật Bản trở về cho biết, có khoảng hơn 100 lao động về Việt Nam từ ngày 24/4, theo quy định đã hết thời hạn cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế tăng thời gian cách ly thêm 7 ngày, nâng tổng số ngày cách ly đối với người từ Nhật Bản trở về là 21 ngày. Như vậy, những người đang cách ly tại đây sẽ phải ở lại thêm 7 ngày, nhiều người phải bỏ thêm khoản tiền triệu do chi phí cách ly quá đắt.

Cụ thể, phía khách sạn thu từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/người/ngày cách ly. Số tiền này bao gồm tiền ăn 3 bữa, nước uống, điện nước… và tiền chi phí cho các cơ quan chức năng. Theo phản ánh của một số người, giá thuê phòng trong điều kiện dịch COVID-19 như vậy là không hợp lý, ngoài ra một số dịch vụ của khách sạn chưa tương xứng và chưa được đảm bảo như cam kết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, trước đó, người cách ly đã thỏa thuận với khách sạn về mức giá 1,2 đến 1,7 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên khi thời gian cách ly được nâng lên 21 ngày thì nhiều người không đủ kinh phí nên khiếu nại với khách sạn.

Ông Tuấn thông tin, Cuối cùng sau khi họp bàn, khách sạn thống nhất cho người cách ly thuê với mức giá 900 nghìn đồng/người/ngày cho 7 ngày còn lại. Đây là mức giá rẻ nhất đối với khách sạn cho cách ly tại Hà Nội.

Theo khảo sát, tại Hà Nội có khoảng 18 khách sạn được Thành phố chấp thuận làm cơ sở cách ly tiếp nhận người nhập cảnh cách ly y tế tự nguyện.

Hà Nội phong tỏa gần 6.000 dân, nơi 4 học sinh mắc COVID-19

Zing – Chiều 9/5, lực lượng chức năng huyện Gia Lâm, Hà Nội đã thiết lập các chốt, tổ chức phong tỏa 4 thôn có 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới được công bố trên địa bàn.

Theo đó, 8 chốt kiểm soát tại các thôn Linh Quy Bắc, Linh Quy Đông, Ngổ Ba và Cây Đề, cùng ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, được thiết lập. Theo thông tin từ UB xã Kim Sơn, khoảng gần 6.000 người thuộc 4 thôn trên bị tạm thời phong tỏa.

Bước đầu, chính quyền sở tại đã rà soát được 28 F1, và phun khử khuẩn 11 hộ gia đình có tiếp xúc gần với 4 ca bệnh.

Sáng cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội công bố 4 trường hợp mắc SARS-CoV-2 mới trên địa bàn xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Các bệnh nhân đều là học sinh lớp 12A1, THPT Kinh Bắc (xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh). Trước đó, lớp học này có 2 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 thuộc Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Binh, là ổ dịch liên quan xã Mão Điền.

Cựu giám đốc SCB Nguyễn Kiệm bị tố làm giả hồ sơ cho vay để nhận 8 tỷ đồng

Người lao Động – Chiều tối 9/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết đã có công văn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu của Bộ Công an về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của bà P.H.T- nguyên Giám đốc SCB NK.

Đồng thời, SCB đã chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để làm sáng tỏ, và ra quyết định sa thải bà P.H.T do có hành vi cố tình lập hồ sơ giả, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn cho vay.

Theo nội dung đơn tố cáo, Công ty CP Đầu tư N&T có đại diện theo pháp luật là ông N.N.N đến SCB NK để vay vốn đầu tư dự án, khoản vay 630 tỉ đồng và làm việc với bà P.H.T – Giám đốc SCB NK.

Giữa bà P.H.T và ông N.N.N đã có mối quan hệ quen biết trước đó.

Đến ngày 24/3/2021, do quá lâu không thấy được cấp tín dụng và nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, Công ty CP Đầu tư N&T đã gửi Đơn tố cáo bà P.H.T làm văn bản giả mạo lừa dối cho vay để nhận tiền, gây thiệt hại cho công ty với số tiền gần 8 tỉ đồng.

Nhận được đơn tố cáo của công ty này, SCB kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, giấy tờ mà bà P.H.T thực hiện và giao cho Công ty CP Đầu tư N&T, và nhận thấy các hành vi của bà P.H.T có dấu hiệu vi phạm luật hình sự; phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vingroup dừng sản xuất tivi, điện thoại thông minh Vsmart

Ngày 9/5, Tập đoàn Vingroup công bố công ty con VinSmart sẽ dừng nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về thông tin giải trí cho ôtô VinFast.

Ngoài ra, VinSmart cũng nghiên cứu và sản xuất các linh kiện điện tử, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và bảo đảm nguồn cung cho VinFast. Bên cạnh đó, công ty này cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mảng nghiên cứu về thành phố thông minh, nhà thông minh và các thiết bị liên mạng Internet.

Các nhà máy của VinSmart sẽ tiếp tục sản xuất các loại điện thoại và tivi hiện có cho đến hết vòng đời của sản phẩm để cung cấp cho thị trường. VinSmart cũng cam kết giữ nguyên chế độ bảo hành, sửa chữa, chăm sóc như đã cam kết cho khách hàng.

Dự án ì ạch, người dân quá ngán ngẩm

SGGP – Khu dân cư (KDC) 13A, một trong các phân khu đô thị thuộc Khu Nam TP.HCM, có mặt tiền giáp với đường Nguyễn Văn Linh (thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) và một phần đất thuộc địa bàn phường 7 (quận 8). Khu chức năng này được quy hoạch để đầu tư phát triển nhà ở.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của báo Sài Gòn giải phóng hàng chục năm qua, dự án khai triển ì ạch, khiến cuộc sống của cư dân lâm vào ngõ cụt “3 không”: không đường, không điện, không nước và hàng loạt mối hiểm nguy khác đang rình rập. Người dân đã gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra TP.HCM và các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông B.T.N. mua đất ở KDC 13A, đã trả tiền cho chủ đầu tư, ngán ngẩm vì hạ tầng chưa hoàn thiện.

Ông nói: “Theo thỏa thuận trong hợp đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm làm hạ tầng kỹ thuật như điện trung thế, đường, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước… Tuy nhiên, từ khi nhận nền đất vào năm 2012 đến nay, cơ sở hạ tầng tại khu vực này vẫn chưa được hoàn thiện.”

Một người khác nói: ““Chúng tôi xây dựng nhà và dọn về ở từ năm 2006, đến nay đã 15 năm mà chẳng khác nào ở một vùng xa xôi hẻo lánh giữa một đô thị phồn hoa”.

Theo luật sư Đào Xuân Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM), những sai phạm của chủ đầu tư dự án KDC 13A tạo tiền lệ xấu trong quản lý đầu tư xây dựng dự án.

Luật sư Sơn nói: “Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng, chính quyền quận, huyện phải có các chế tài mạnh mẽ, quyết liệt với chủ đầu tư, bằng cách xử phạt, bắt khắc phục những vi phạm, không cấp phép cho dự án mới khi chưa hoàn thành các hạng mục của dự án cũ.”

Ông nói thêm: “Ngoài ra, cũng cần xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để vụ việc sai phạm kéo dài quá lâu mà không xử lý dứt điểm”.

Tổng hợp