Trang chủ Tin tức Tin trong nước tối 17/5: 449 ca COVID-19 tiên lượng nặng, 1...

Tin trong nước tối 17/5: 449 ca COVID-19 tiên lượng nặng, 1 ca tiên lượng tử vong; F0 ở Bắc Giang chưa giảm, chỉ là xét nghiệm đang ‘tắc’

0
345
Ảnh minh họa: ghép từ báo Dân Trí.

Thêm 116 bệnh nhân Covid-19

VnExpress – Bộ Y tế chiều 17/5 ghi nhận 117 ca dương tính nCoV, trong đó 116 ca ghi nhận trong nước đều ở khu cách ly và phòng tỏa.

117 ca mới được ghi nhận từ số 4243-4359. Trong đó, 116 ca ghi nhận trong nước gồm tại Bắc Giang 61, Bắc Ninh 38, Đà Nẵng 7, Hà Nội 5, Phú Thọ 2, Hưng Yên 2, Vĩnh Phúc một.

116 ca mắc ghi nhận trong nước: Tại Bắc Ninh: Ca 4243-4249, 4264, 4266-4280, 4282-4287, 4289-4294, 4296-4298, là F1 của ca 3758, 3998, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-17/5 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Tại Đà Nẵng: Ca 4250-4256 là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16/5 bệnh nhân dương tính với nCoV. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.

Tại Phú Thọ: Ca 4257 nam, 21 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, là F1 của ca 3116, đã được cách ly trước đó.

Ca 4259 nam, 5 tuổi, địa chỉ tại thành phố Việt Trì, là F1 của ca 3116, đã được cách ly trước đó.

Kết quả xét nghiệm ngày 17/5 các bệnh nhân dương tính với COVID-19. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ.

Tổng số ca nhiễm trên cả nước từ đầu dịch là 4242, số khỏi 2.668, số người tử vong 37. Số lượng mẫu xét nghiệm từ ngày 29/4 đến nay là 482.900 mẫu.

449 ca COVID-19 tiên lượng nặng, 1 ca tiên lượng tử vong

VnExpress – Trong hơn 1.400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại hơn 60 cơ sở y tế trên cả nước, có 449 ca tiên lượng nặng, 4 ca nặng thở máy không xâm nhập, 32 ca nặng phải thở oxy, 16 ca nguy kịch với 2 ca phải can thiệp ECMO, một ca tiên lượng tử vong ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Sáng 17/5, Tiểu ban Điều trị hội chẩn 4 bệnh nhân nặng, gồm 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, một bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và một bệnh nhân người Hàn Quốc ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

“Bệnh nhân 2983”, nữ, 65 tuổi, sau một tuần điều trị tại bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp, phổi trắng xóa, nguy kịch, tiên lượng tử vong. Hôm 11/5, bệnh nhân này đã được Tiểu ban Điều trị hội chẩn lần một.

Tại cuộc hội chẩn lần hai sáng 17/5, các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân này “rất nặng, không thua kém so với ‘bệnh nhân 91’ – phi công Anh”, trong đợt dịch đầu năm ngoái. Phổi bệnh nhân tổn thương nặng, hình ảnh Xquang phổi trắng xóa cả hai phế trường, bệnh lý nền tiểu đường, tăng huyết áp.

Kết quả chụp CT ngực ghi nhận tràn khí màng phổi phải, nhu mô phổi chỉ còn khả năng hoạt động 10-20%, nhiều kén khí dọa vỡ. Xét nghiệm RT-PCR bệnh nhân còn dương tính kéo dài sau hơn ba tuần mắc COVID-19. Các chuyên gia nhận định tình trạng bệnh nhân nguy kịch, cần tiếp tục được hỗ trợ hồi sức hô hấp tuần hoàn trong thời gian dài.

Bác sĩ Hoàng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, bệnh viện đang điều trị 46 ca bệnh, trong đó một số ca bệnh nặng, 20 ca thở oxy.

“Bệnh nhân 3513”, nam, 58 tuổi, ở xã Mão Điền, Thuận Thành, vào viện trưa 16/5, chưa có bệnh lý đặc biệt. Từ 9/5, ông đau họng, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Ninh (ở huyện Gia Bình), phát hiện mắc Covid-19 hôm 11/5. Ông vào viện sốt cao, khó thở, thở gắng sức, chẩn đoán viêm phổi nặng suy hô hấp trên nền COVID-19, thở oxy, nhanh chóng phải thở máy, ho nhiều, tức ngực.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Hội chẩn đánh giá đây là bệnh nhân nặng, nhiễm trùng do nCoV tấn công không chỉ vào phổi.

“Bệnh nhân 3760” nữ, 67 tuổi, ở xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành. Từ ngày 11-13/5, bà điều trị ở Trung tâm Y tế Thuận Thành, hôm 14/5 chuyển viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh với triệu chứng sốt, ho, diễn biến nặng rất nhanh. Bà bị viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận, thở oxy, mệt nhiều.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng, bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh nền, suy giáp, tiểu đường, quá cân, nguy cơ tim phổi đặc biệt huyết khối tắc mạch rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhận định bệnh nhân có nguy cơ liệt cơ, suy hô hấp cao, cần đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập ngay. Nguy cơ nhiễm trùng và đông máu của nữ bệnh nhân này cao.

Ông Bình cũng đặc biệt lưu ý 20 ca đang thở oxy không thể đánh giá là bệnh nhân nhẹ. Mỗi bệnh nhân đều phải được quan tâm do nguy cơ diễn biến nặng, đặc biệt người lớn tuổi, bệnh lý nền có nhiều nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân).

Trong các bệnh nhân nặng có 3 bác sĩ thuộc các bệnh viện Phổi Trung ương, Trung ương quân đội 108 và Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị 14 bệnh nhân là nhân viên y tế từ các bệnh viện khác, diễn biến bệnh tạm thời ổn định.

Đánh giá của Tiểu ban điều trị trong hội chẩn là các bệnh nhân thở oxy có thời gian chuyển nặng ngắn hơn những đợt dịch trước. Trong đó, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, 37 tuổi và nhiều bệnh nhân khác nằm trong nhóm trẻ tuổi. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ đánh giá, thống kê thêm để có kết luận chính xác hơn.

Ông Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, khuyến cáo Bắc Ninh tập trung điều trị bệnh nhân nặng, trong khi điều kiện y tế chưa làm được ECMO.

“Riêng Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đang điều tri 46 F0 cần ‘nội bất xuất ngoại bất nhập’ tránh tuyệt đối lây nhiễm ra khoa phòng khác, tuyệt đối không được để bệnh viện tỉnh phải đóng cửa”, ông Khuê nói.

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ rà soát nhân lực, máy móc, điều kiện xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để đánh giá khả năng trang bị hệ thống ECMO ở đơn vị này.

Các bệnh viện đầu ngành về Hồi sức tích cực như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM… hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật cao như lọc máu, ECMO để các cơ sở y tế tự thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Như vậy, trong hơn 1.400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại hơn 60 cơ sở y tế trên cả nước, có 449 ca tiên lượng nặng, 4 ca nặng thở máy không xâm nhập, 32 ca nặng phải thở oxy, 16 ca nguy kịch với 2 ca phải can thiệp ECMO, một ca tiên lượng tử vong ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Chủ tịch Bắc Giang: F0 chưa giảm, chỉ là xét nghiệm đang ‘tắc’

Zing – “Thực tế, số lượng F0 ở Bắc Giang chưa giảm. Tốc độ xét nghiệm đang bị “tắc” khi việc lấy mẫu thì nhanh nhưng quá trình chạy máy lại chậm”, Chủ tịch Lê Ánh Dương cho hay.

Với 350 ca bệnh tính đến trưa 17/5, Bắc Giang là địa phương có số người mắc Covid-19 cao nhất cả nước. Cùng lúc phát sinh ổ dịch lớn tại 2 khu công nghiệp, lãnh đạo địa phương nhận định số F0 sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Trao đổi với Zing, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương đang đứng trước những thách thức lớn về năng lực xét nghiệm, điều tra truy vết và tổ chức cách ly khi số F0 là 350 người và F1 lên tới 10.000 người.

Số F0 và F1 còn tăng cao

Thực tế, số lượng F0 ở Bắc Giang chưa giảm. Tốc độ xét nghiệm đang bị “tắc” khi việc lấy mẫu thì nhanh nhưng quá trình chạy máy lại chậm. Do đó, rất nhiều mẫu đã được lấy nhưng chưa thể chạy máy để cho kết quả.

Tỉnh Bắc Giang đã gửi đi nhiều tỉnh, thành phố xung quanh và nhờ quân đội hỗ trợ xét nghiệm, nhưng tốc độ vẫn rất chậm. Do đó, ngành y tế chưa xét nghiệm được hết F0 trong số mẫu đã lấy. Nguy cơ số ca F0 và F1 tăng hơn nữa hoàn toàn có thể xảy ra.

So với ổ dịch ở Hải Dương, ổ dịch tại Công ty Hosiden Việt Nam nguy hiểm hơn nhiều lần. Công ty này có tới 4.000 công nhân và nằm trong chuỗi sản xuất sản phẩm của Samsung nên có quan hệ với nhiều công ty Hàn Quốc trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Ngoài ra, chủng virus lây nhiễm cho các công nhân ở đây có tốc độ lây rất nhanh và người nhiễm virus không hề có triệu chứng.

Tức là, các công nhân khi đến làm việc được kiểm tra thân nhiệt thì không có biểu hiện gì. Họ cũng không sốt, ho, khó thở, không đau mệt. Chỉ đến khi xét nghiệm mới ra được kết quả dương tính với COVID-19.

Do đó, để phân biệt người nào nhiễm, người nào không, ngành y tế chỉ có biện pháp là xét nghiệm. Nếu không xét nghiệm thì không thể phân biệt nổi.

Trước mắt, chúng tôi xác định có 3 nguồn lây nhiễm chính trong công ty này và đó là nguyên nhân khiến số ca bệnh tăng nhanh.

Thứ nhất, công nhân ngồi cạnh nhau trong xưởng làm việc, phòng lạnh và khép kín. Thứ hai, họ ăn chung nhà ăn. Và thứ 3, công nhân có thể lây cho nhau trên xe vận chuyển.

Còn một khả năng nữa chúng tôi cũng tính đến, đó là các công nhân lây nhiễm khi ở trọ cùng nhau. Đây được tính là nguồn lây ngoài cộng đồng.

3 thách thức với Bắc Giang

Hiện, nguy cơ dịch bệnh ở các khu công nghiệp lây lan ra cộng đồng rất cao. Mặc dù, các ca ngoài cộng đồng hiện chỉ lác đác, nhưng nếu không khoanh vùng kịp thời các khu ở, xóm trọ của công nhân thì nguy cơ này rất lớn.

Chính vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã thiết lập vùng cách ly y tế tại những khu vực này. Trong 2 ngày qua, ngành y tế tỉnh tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân và công nhân ở những khu vực tập trung đông nhà trọ, công nhân.

Thách thức lớn nhất với tỉnh là vấn đề năng lực xét nghiệm, điều tra truy vết. Bắc Giang đang phải xét nghiệm nhanh khối lượng mẫu bệnh phẩm rất lớn của 160.000 công nhân và hàng trăm nghìn người dân trong vùng.

Ngoài ra, việc điều tra, truy vết cũng là một khó khăn. Hiện, số F0 do địa phương xét nghiệm là 400 người, F1 sẽ lên đến gần 10.000 người. Lúc này, kể cả việc tổ chức cách ly cũng là vấn đề lớn đối với Bắc Giang do dịch bệnh xảy ra ở những xưởng sản xuất có hàng nghìn công nhân.

Riêng Công ty Hosiden Việt Nam phải cách ly hơn 4.000 công nhân. Đây là số lượng rất lớn.

3 bác sĩ mắc viêm phổi Vũ Hán đều diễn tiến nặng hơn, phải thở oxy

Tuoitre – Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán quốc gia, Việt Nam đang có 45 bệnh nhân có tiến triển nặng lên, trong đó 23 người tiên lượng rất nặng. Trong số 45 người này, có 42 người đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Các bác sĩ cho biết trong nhóm bệnh nhân nặng, 15 người đang phải thở máy, 20 người thở oxy. Riêng 3 bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc chuyển đến đều nằm trong nhóm tiến triển nặng lên và đều phải thở oxy.

Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trong số này ở nhóm trẻ tuổi, có bác sĩ tiến triển nặng mới 37 tuổi. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết sẽ phải đánh giá, thống kê thêm, nhưng các thông số đợt dịch này cho thấy thời gian ủ bệnh và thời gian bệnh có tiến triển nặng đều ngắn hơn so với các đợt dịch trước.

Đình chỉ Phòng khám Hồng Ngọc chưa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19

Kienthuc – Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định đình chỉ Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc Keangnam vì phòng khám này chưa đảm bảo công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm COVID-19 theo chỉ định của Bộ Y tế.

Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định về việc đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2 (Hồng Ngọc Keangnam), trực thuộc Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc tại địa chỉ tầng 10, toà nhà 70 tầng, Keangnam Hanoi Lamdmark Tower, khu E6, Khu đô thị Cầu Giấy, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo Quyết định của Sở Y tế Hà Nội, nguyên nhân đình chỉ vì phòng khám này chưa đảm bảo công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm COVID-19 theo chỉ định của Bộ Y tế.

Phòng khám sẽ không được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày ban hành quyết định (ngày 14/5) và chỉ được tiếp tục hoạt động khi khắc phục được các tồn tại, được Sở Y tế giám sát lại đủ điều kiện, cho phép bằng văn bản.

Trước đó, ngày 13/5, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc, thuộc Công ty cổ phần Y khoa và thẩm mỹ Thu Cúc, do liên quan đến ca bệnh COVID-19.

Chợ cóc hoạt động rầm rộ bất chấp lệnh cấm để phòng chống dịch Covid-19

Danviet – Ngày 11/5, UB TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động các nhà hàng bia hơi, quán bia, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Đây là lần thứ 8 UB TP. Hà Nội có văn bản, công điện, chỉ thị các đơn vị của TP tăng cường biện pháp phòng chống dịch, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và tạm dừng các hoạt động có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Các lực lượng chức năng đã nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến phố, khu vực chợ…

Tuy nhiên, ghi nhận sáng 17/5 tại một số nơi tại Hà Nội cho thấy hoạt động của nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn diễn ra, các hoạt động mua bán của người dân vi phạm quy định về an toàn giao thông, lòng đường, vỉa hè, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Điều tra việc rao bán hàng nghìn ảnh chứng minh thư trên mạng

VnExpress – Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đang điều tra thông tin hàng nghìn ảnh chứng minh thư bị rao bán trên mạng, giá 9.000 USD.

Ngày 17/5, đại diện Cục xác nhận đã giao một tổ công tác xác minh sự việc, đặc biệt là “nguồn từ đâu”, “lộ lọt thế nào”; nếu đủ dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng (Bộ Công an) cho rằng “không loại trừ khả năng các thông tin về chứng minh thư này bị tuồn ra nước ngoài và rao bán trên mạng vì hiện có nhiều dịch vụ yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ cá nhân”.

Ngày 13/5, một thành viên trên diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu của hacker đã đăng tải hàng nghìn chứng minh thư nhân dân cũ và khẳng định đang sở hữu lượng lớn dữ liệu KYC (Know Your Customer) – dữ liệu để xác minh thông tin người dùng.

Tệp dữ liệu thành viên này chia sẻ với 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp chứng minh nhân dân cũ, căn cước công dân cả mặt rước, mặt sau của hàng nghìn người Việt. Các dữ liệu này được rao bán với giá 9.000 USD (207 triệu đồng) và thanh toán bằng tiền mã hóa Bitcoin hoặc Litecoin.

“Nếu kẻ xấu có được những dữ liệu này, chúng có thể sử dụng để đăng ký các tài khoản trực tuyến, tài khoản viễn thông, tài khoản vay vốn ở tổ chức tài chính có quy trình lỏng lẻo, khiến người dùng gặp nhiều rắc rối sau này”, Phạm Tiến Mạnh, chuyên gia bảo mật đang làm việc tại Hà Nội, nhận định.

Nghe theo đường dây đi Hàn Quốc giá 10.000 USD/người, 160 người ‘mắc kẹt’ tại Đà Nẵng

Thanhnien – Sáng 17/5, Q.Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 160 người “mắc kẹt” tại Đà Nẵng và giao Công an Q.Ngũ Hành Sơn điều tra đường dây đưa người đi Hàn Quốc với giá 10.000 USD/người.

Trước đó, tối 16/5, chủ một khách sạn đường Nguyễn Văn Thoại (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn), trình báo cơ quan chức năng quận này về một số dấu hiệu bất thường đối với đoàn khách 160 người lưu trú tại đây từ ngày 11/5.

Theo thông tin đoàn khách cung cấp, những người này thuộc 18 tỉnh thành, được 2 người ngụ TP. Hà Nội đưa vào Đà Nẵng để đi du lịch Hàn Quốc. Nếu đến Hàn Quốc thành công thì trả chi phí 10.000 USD/người.

Tại Hà Nội, mỗi người đã nộp 5 triệu đồng, đến TP. Đà Nẵng, mỗi người nộp thêm 300USD nhưng đến sáng 15/5, hai người dẫn đoàn bất ngờ rời khách sạn, đến nay không quay lại.

Trước mắt, Công an Q.Ngũ Hành Sơn đã yêu cầu những người tham gia đoàn đi Hàn Quốc, tạm trú tại khách sạn để tiếp tục sàng lọc, xác minh thông tin. Trước đó, Công an TP. Đà Nẵng cũng vừa triệt xóa đường dây đưa người nhập cảnh Hàn Quốc vào Việt Nam núp bóng chuyên gia, bắt 3 bị can.

Kiểm lâm Gia Lai mua thiết bị giá quá cao so với thị trường

Ngày 17-5, Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết theo kết luận của cơ quan này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã mời thầu cung cấp trang thiết bị cho dự án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2017 và đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Hệ thống thông tin lâm nghiệp (địa chỉ ở khu đô thị Bắc Linh Đàm, Kim Đạt, Hoàng Mai, Hà Nội), giá trị gói thầu hơn 1,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện nhiều gói trang thiết bị nâng giá lên cao hơn so với thị trường.

Cụ thể: đèn pin đội đầu Trung Quốc có giá trúng thầu là 1,45 triệu đồng một cái nhưng trên thị trường tại thời điểm tháng 6/2017 thì đèn pin cùng loại chỉ có giá là 756.000 đồng một cái. Máy định vị cầm tay Đài Loan 40 cái với giá 15,93 triệu đồng một cái trong khi giá hiện nay có giá trên 8,5 triệu đồng. Tương tự, các thiết bị như loa phóng thanh, ống nhòm… đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận gói thầu này vừa sai quy định về thủ tục, vừa có dấu hiệu nâng giá mua máy móc, thiết bị quá cao so với giá thị trường. Xét thấy vụ việc này có dấu hiệu tội phạm, thanh tra tỉnh đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, xử lý theo quy định.

Tổng hợp