Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 24/5: Bệnh nhân COVID-19 thứ 43 tử vong;...

Tin trong nước trưa 24/5: Bệnh nhân COVID-19 thứ 43 tử vong; Công chức dương tính COVID-19, toàn bộ Tổng cục Thuế không rời cơ quan

0
632
Ảnh tổng hợp.

Thêm 33 ca COVID-19, chủ yếu ở Bắc Giang

Bộ Y tế trưa 24/5 ghi nhận 33 ca dương tính COVID-19 trong nước, gồm tại Bắc Giang 28, Hải Dương 4 và Đà Nẵng một.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 2.254 ghi nhận ở 30 tỉnh thành. Có 6 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. 33 ca mới trưa nay được ghi nhận từ số 5276-5308.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 43 tử vong

VnExpress – Bộ Y tế sáng 24/5 thông báo “bệnh nhân 3015” tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm COVID-19 trên bệnh nhân xơ gan cổ trướng.

Theo Tiểu ban điều trị, bệnh nhân này là nam, 50 tuổi, có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều năm. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao, rét run, da mắt vàng, bụng chướng, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấy máu dương tính với vi khuẩn O. Anthropi, đa kháng kháng sinh, được điều trị theo kháng sinh đồ 5 ngày song không bớt.

Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 25/4 với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết/xơ gan cổ trướng.

Ngày 5/5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ngày 21/5, bệnh nhân được hội đồng chuyên môn quốc gia hội chẩn kết luận: Tình trạng nguy kịch, nhiều bệnh nền nặng, tiên lượng tử vong cao.

Bệnh nhân tử vong đêm 23/5. Chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, xuất huyết tiêu hóa/nhiễm nCoV trên bệnh nhân xơ gan cổ trướng. Đây là ca COVID-19 tử vong thứ 43 kể từ đầu dịch đến nay, ca tử vong thứ 8 trong đợt dịch này.

Có công chức dương tính COVID-19, toàn bộ Tổng cục Thuế không rời cơ quan

Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động có mặt tại trụ sở Tổng cục Thuế trong ngày 24/5 tạm thời ở lại cơ quan để triển khai công tác phòng chống dịch sau khi có công chức là ca dương tính COVID-19.

Ngày 24/5, Tổng cục Thuế đã thông tin về trường hợp dương tính COVID-19, là công chức của Văn phòng Tổng cục Thuế.

Cụ thể, đó là trường hợp anh N.Đ.D. (32 tuổi, địa chỉ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Anh D. có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân số 5242 tại Công ty SUNLED và quán Net+ Café.

Từ ngày 10 đến ngày 22-5, nhân viên D. có làm việc ở Tổng cục Thuế tại địa chỉ 123 Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tổng cục Thuế đã chủ động liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của CDC Hà Nội và các cơ quan y tế.

Trường hợp dương tính COVID-19 của anh N.Đ.D. là liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hà Nội: Phong tỏa hai tòa nhà liên quan 4 ca nghi COVID-19 ở Times City

VnExpress – Chính quyền dựng rào chắn, phun khử khuẩn tòa nhà công ty T&T ở số 2 Phạm Sư Mạnh và tòa H2 khu đô thị Việt Hưng để truy vết.

Đây là hai toà nhà liên quan  đến một gia đình có 4 người dương tính với nCoV, trú tại tòa Park 11, khu đô thị Times City.

Tối 23/5, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho hay, tại toà nhà Công ty T&T, chính quyền xác định 76 trường hợp liên quan. Trong đó, nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm 7 người có mặt tại tòa nhà, chuyển 69 trường hợp lên CDC điều tra tại các quận huyện.

Người mẹ làm việc tại Công ty T&T, số 2A Phạm Sư Mạnh. Bố làm quản lý công ty tư nhân về thiết bị máy tính, điện tử, địa chỉ 96 lô D6, khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai). Hai Vợ chồng này được CDC Hà Nội xét nghiệm dương tính ngày 23/5.

Con trai lớn 11 tuổi của họ được Bệnh viện Vinmec xét nghiệm dương tính COVID-19 ngày 22/5. Con trai thứ hai, 8 tuổi, sống cùng ông bà ngoại ở khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, được CDC Hà Nội xét nghiệm dương tính ngày 23/5.

Trong ngày 23/5, chính quyền quận Long Biên cũng quyết định phong tỏa tòa nhà H2, khu đô thị Việt Hưng.

Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên cho hay, đơn vị đã phun khử khuẩn và truy vết, bước đầu xác định có 6 trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi mắc.

Hiện, khu đô thị Times City đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính với COVID-19 ở hai tòa nhà Park 9 và Park 11.

Tính đến tối 23/5, Hà Nội ghi nhận 108 ca lây nhiễm cộng đồng. Trên địa bàn thành phố hiện có ít nhất 48 điểm bị phong toả do liên quan các ca bệnh.

Hà Nội: Phong tỏa 4 tòa nhà ở khu đô thị Golmark City

VnExpress – 4 tòa nhà với tổng số 1.909 hộ và 5.752 cư dân ở khu đô thị Goldmark City bị cách ly tạm thời vì một ca nghi nhiễm nCoV từng tham gia hỗ trợ tổ bầu cử ở đây.

Sáng 24/5, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm thông tin, ca nghi nhiễm là phụ nữ, 43 tuổi, chi hội trưởng phụ nữ khu dân cư, tham gia hỗ trợ tổ bầu cử TDP 20 tòa R3, khu đô thị Goldmark City từ 6h30 đến 9h30 sáng 23/5.

“Chị này không phải là thành viên tổ bầu cử và chỉ tham gia hỗ trợ phân luồng ở vòng ngoài”, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm nói và cho hay chính quyền đã truy vết, lấy mẫu xét nghiệm 30 F1 và 178 người liên quan.

Đại diện quận Bắc Từ Liêm cũng cho hay trước mắt chính quyền “phong tỏa mềm” 4 tòa nhà ở Goldmark City, tạm thời đóng toàn bộ các cửa ra vào (4 cửa ôtô, 4 cửa ra vào xe máy, 6 hầm đường bộ).

Lực lượng chức năng dựng 2 nhà bạt trực chỉ huy, phân luồng giao thông kiểm soát người ra vào; nhân viên y tế phun khử khuẩn sân chung cư R4A, tầng 23, các tầng chung cư liên quan F1.

Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm, ca nghi nhiễm Covid nêu trên là F1, làm cùng công ty với “bệnh nhân 5243”. Ngày 20/5, chị nói chuyện với “bệnh nhân 5243” trong vòng một phút (có đeo khẩu trang và ở cách 2 m).

Từ 20 đến 22/5, chị từng chợ Đồng Xa ở đường Trần Vỹ, quận Cầu Giấy (chiều 21/5); đi viếng đám ma tại nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 đường Trần Vỹ (ngày 22/5)

Ngày 23/5, khoảng từ 6h30 đến 9h30, chị tham gia phân luồng, hỗ trợ tổ bầu cử tại điểm bầu cử TDP 20 tòa R3 Goldmark City.

Sáng 24/5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin mẫu xét nghiệm của chị dương tính với nCoV. Tuy nhiên, trường hợp này chưa được Bộ Y tế công bố nên coi là ca nghi nhiễm.

Khu đô thị Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, rộng 12 ha, gồm 9 tòa nhà chung cư 40 tầng với gần 5.000 căn hộ.

Tính đến sáng 24/5, Hà Nội ghi nhận 110 ca lây nhiễm cộng đồng. Hiện toàn thành phố có ít nhất 48 điểm phong tỏa, cách ly.

COVID-19 ở Đà Nẵng, Điện Biên là chủng Anh và Ấn Độ

VnExpress – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus 36 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng và Điện Biên, phát hiện nhiễm biến chủng Anh B.1.1.7 và B.1.617.2 Ấn Độ.

Bộ Y tế sáng 24/5 công bố trong số 32 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân ở Đà Nẵng được giải trình tự gene lần này, có 30 mẫu nhiễm chủng Anh B.1.1.7 và 2 mẫu nhiễm chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.

4 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân ở Điện Biên đều thuộc chủng B.1.617.2. Ngoài ra, một mẫu bệnh phẩm ở Hải Phòng thuộc biến chủng Anh B.1.1.7.

Các kết quả giải trình tự gene virus trước đó cho thấy nCoV hoành hành Bắc Ninh, Bắc Giang là biến chủng Ấn Độ, ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam cũng phát hiện biến chủng Ấn Độ và Anh.

Bộ Y tế đánh giá diễn biến Covid-19 đang hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Đặc biệt, xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.

TPHCM: Hai chuỗi lây nhiễm COVID-19 đều có khả năng lây lan rất nhanh

Dantri – Sáng 24/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, trong các ngày từ 18 đến 20/5 trên địa bàn thành phố ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cả 2 biến chủng đều có khả năng lây lan nhanh.

Chuỗi lây nhiễm thứ nhất tại một công ty ở quận 3, với hai bệnh nhân ngụ tại thành phố Thủ Đức (BN4514) và đồng nghiệp của anh này ngụ tại quận 7 (BN4583). Kết quả giải mã bộ gen của virus cho thấy 2 bệnh nhân có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).

Chuỗi lây nhiễm thứ 2 tại một quán ăn ở quận 3, là mẹ con người bán quán ăn gồm các bệnh nhân: BN4780; BN4781; BN4782. Kết quả giải mã bộ gen virus trên BN4780 cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh). Đây là lần đầu tiên thành phố ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh.

Bệnh viện K chính thức gỡ bỏ phong tỏa cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp

VTV – Dự kiến sáng thứ Ba, ngày 25/5, cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ chính thức tiếp nhận khám và điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện K cơ sở 9A – 9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ gỡ bỏ phong tỏa vào ngày thứ Hai 24/5 và đón tiếp người bệnh khám chữa bệnh từ thứ Ba ngày 25/5 sau khi hoàn tất công tác phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ bệnh viện.

Người bệnh và người dân có nhu cầu khám, điều trị tại Bệnh viện K trong thời gian tới có thể đến cơ sở 1: số 9A – 9B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc cơ sở 2: thôn Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

Người bệnh cần khai báo y tế trước tại nhà và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K cũng như hướng dẫn của cán bộ y tế trước khi tới khám, điều trị.

Trước đó, sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 tại cơ sở Tân Triều vào ngày 7/5, Bệnh viện K đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất. Giám đốc Bệnh viện đã có quyết định phong tỏa Bệnh viện K ở cả 3 cơ sở từ 5h30 ngày 7/5, không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị trừ trường hợp cấp cứu.

Bệnh viện đã thần tốc truy vết, khoanh vùng và trong thời gian sớm nhất lấy tất cả mẫu xét nghiệm những người cách ly tại bệnh viện để sàng lọc ngay.

Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết: Bệnh viện đã xét nghiệm hơn 10.000 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, Gen expert cho tất cả cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà bếp, nhân viên bảo vệ đang cách ly tại 3 cơ sở của bệnh viện (mỗi người được xét nghiệm ít nhất 3 lần) trong 17 ngày qua; những trường hợp F1 đang được cách ly riêng, những đối tượng nguy cơ cao được xét nghiệm liên tục lần 5, lần 6.

Tất cả cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên vệ sinh, nhân viên bảo vệ, tất cả người đang cách ly tại cơ sở Phan Chu Trinh, cơ sở Tam Hiệp của bệnh viện đến nay đều có kết quả âm tính khi xét nghiệm ít nhất 3 lần.

Những ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 tại bệnh viện đều được ghi nhận ở cơ sở Tân Triều, các cơ sở cách ly ở bên ngoài bệnh viện và đã được cách ly trước đó, do vậy không có khả năng lây lan ra cộng đồng; lây chéo trong bệnh viện hay các cơ sở khác.

Chủ đầu tư khu đất ‘vàng’ muốn nộp 2.713 tỷ đồng cho TP.HCM

VnExpress – Không liên quan đến sai phạm của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo TP.HCM, nhưng Công ty Mê Linh – chủ đầu tư tại khu đất 6.000 m2, quận 1 vẫn đề xuất nộp 2.713 tỷ đồng.

Nguyện vọng này vừa được Công ty Cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh (Công ty Mê Linh, 98,53% vốn nước ngoài) gửi đến Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong, TAND Cấp cao và các cơ quan Trung ương. Số tiền doanh nghiệp muốn nộp là thiệt hại của Nhà nước, do ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây ra trong việc chuyển nhượng sai quy định khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Đại diện Công ty Mê Linh cho biết, đơn vị đã được các cơ quan tố tụng xác định là “bên thứ ba ngay tình” (không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản là không có căn cứ pháp luật), không liên quan đến hành vi sai phạm của các bị cáo. Bởi cơ quan tố tụng xác định, thời điểm các bị cáo hoàn thành tội phạm là tháng 10/2016 trở về trước, khi Sabeco (Bộ Công thương) thoái toàn bộ 26% cổ phần khỏi Công ty cổ phần Sabeco Pearl. Nhưng đến tháng 4/2017, Công ty Mê Linh mới mua lại cổ phần của Sabeco Pearl sau hai lần chuyển nhượng và thực sự trở thành cổ đông.

Ông Thái Bảo Anh, Tổng Giám đốc Công ty Mê Linh, nêu trong đơn: “Vì thế trong mọi trường hợp, sồ tiền này không được hiểu là tiền khắc phục hậu quả cho hành vi phạm tội, mà phải xác định rõ đây là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước để bổ sung chức năng cho dự án”.

Người Bình Dương giàu nhất cả nước, vượt Hà Nội, TP.HCM

Dantri – Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin về khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Theo đó, thu nhập bình quân một người, một tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng là 4,2 triệu đồng, tương đương 50,4 triệu đồng/năm (2.200 USD).

Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước tăng bình quân 8,1%. Thu nhập của một người ở khu vực thành thị đạt 5,5 triệu đồng/tháng, gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,4 triệu đồng).

20% nhóm hộ giàu nhất có thu nhập đạt 9,1 triệu đồng/tháng, gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng/tháng

Hiện vùng Đông Nam Bộ có thu nhập đầu người bình quân cao nhất cả nước với 6 triệu đồng/người/tháng, gấp 2,2 lần vùng trung du và miền núi phía Bắc – nơi có thu nhập bình quân thấp nhất cả nước (hơn 2,7 triệu đồng/tháng).

Về thu nhập đầu người bình quân theo tháng của năm 2020, hiện người dân tỉnh Bình Dương có thu nhập cao nhất với 7 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP.HCM chỉ lần lượt đạt 5,9 triệu đồng/người và 6,5 triệu đồng/người.

Đứng cuối bảng thu nhập bình quân thấp nhất cả nước là người dân ba tỉnh Điện Biên với 1,7 triệu đồng/người/tháng, Lai Châu với 1,9 triệu đồng/người/tháng, và Sơn La với 1,74 triệu đồng/người/tháng.

Tổng hợp