Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 26/5: Thủ tướng họp khẩn với Bắc Giang;...

Tin trong nước trưa 26/5: Thủ tướng họp khẩn với Bắc Giang; Bắc Giang test nhanh COVID-19 cộng đồng, nhân viên y tế tới từng nhà

0
371
Ảnh tổng hợp.

Thêm 40 ca COVID-19

Bộ Y tế trưa 26/5 ghi nhận 40 ca dương tính COVID-19 trong nước, bao gồm tại Bắc Giang 27, Bắc Ninh 4, Hà Nội 6, Điện Biên, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều một.

Như vậy trong buổi sáng nay Bộ Y tế công bố thêm tổng cộng 120 ca nhiễm. Số ca nhiễm mới trưa nay đưa tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang 1481, Bắc Ninh 560, địa bàn Hà Nội 335 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Điện Biên 56, Hải Dương 41.

Số ca nhiễm cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.913, ở 30 tỉnh thành. Có 7 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.

Thủ tướng họp khẩn với Bắc Giang về phòng chống COVID-19

Thanhnien – Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp tại 2 tỉnh Bắc Giang, sáng nay, 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận về tình hình, đề xuất các giải pháp mới hiệu quả hơn, với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại hai địa phương này.

Bộ Y tế đã tổ chức tổ công tác đặc biệt cắm chốt địa bàn Bắc Giang, gồm các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ, truy vết, điều trị, điều phối xét nghiệm… và lực lượng lấy mẫu xét nghiệp để trực tiếp hỗ trợ, phối hợp với Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh điều hành, thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp.

Sáng 26/5, có thêm 80 ca mắc Covid-19 trong nước, riêng Bắc Giang có 55 ca, Bắc Ninh 23 ca, Thanh Hóa và Hải Dương mỗi tỉnh có 1 ca. Còn trong ngày 25.5, có 444 ca ghi nhận trong nước, riêng Bắc Giang có 375 ca và Bắc Ninh có 28 ca.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1.454 ca, chủ yếu liên quan đến 3 ổ dịch tại xã Phương Sơn, H.Lục Nam; tại Khu công nghiệp Vân Trung; Khu công nghiệp Quang Châu. Tổng số trường hợp F1 là 13.173, F2 là 61.341. Đến nay, toàn tỉnh đã lấy được 636.764 mẫu (riêng trong ngày 25/5/2021 đã lấy thêm được 35.990 mẫu); đã chạy được 591.604 mẫu, hiện nay, còn 9.032 mẫu gộp (45.160 mẫu đơn) chưa có kết quả.

Nhận định chung, Bộ Y tế đánh giá số lượng trường hợp F0 tại Bắc Giang tăng cao do việc tổng lực tăng tốc xét nghiệm 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy, khu lưu trú của công nhân trên địa bàn H.Việt Yên, các trường hợp F0 đều đang lưu trú tại khu vực cách ly, phong tỏa, nên số ca chủ yếu vẫn tập trung tại H.Việt Yên.
Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca F0 vẫn tăng nhưng không nhiều như ngày hôm nay do các đối tượng nguy cơ cao đã được lấy xét nghiệm và đã có kết quả. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong các khu vực đã giãn cách xã hội.

Bắc Giang bắt đầu test nhanh COVID-19 cộng đồng, nhân viên y tế tới từng nhà

VnExpress – Bắc Giang ngày 26/5 bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính nCoV nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng.

Theo kế hoạch, công tác test kháng nguyên ngày 26/5 diễn ra tại 3 điểm là Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng, huyện Việt Yên – tâm dịch hiện nay. Lãnh đạo huyện Việt Yên cho biết hiện tổng số dân cư tại 3 điểm này là 18.723 người.

Phương án test kháng nguyên nhanh chiều qua được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định sử dụng thay thế phương thức xét nghiệm Realtime RT-PCR, trong bối cảnh số ca nhiễm tại Bắc Giang tăng cao và khoảng 15.000 người đang chờ xét nghiệm. Phương pháp test kháng nguyên nhanh, nhằm sàng lọc những người có nguy cơ cao. Kết quả test có sau 15 phút, độ chính xác 70-75%. Những trường hợp kết quả test dương tính được cách ly riêng ngay và xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.

Đêm 25/5, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng tổ công tác của Bộ phận thường trực Bộ Y tế gồm Phó giáo sư Trần Như Dương và Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai (hai Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã họp tại huyện Việt Yên để bàn phương án triển khai test kháng nguyên.

Giáo sư Mai cho rằng không tập trung mà cần phát trước phiếu điền thông tin cho người dân, sau đó nhân viên y tế tới lấy mẫu tại từng nhà. Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo huyện Việt Yên trong đêm làm xong phiếu thông tin cho người dân, đồng thời từng thôn sắp xếp quy trình phát phiếu, lấy mẫu, test nhanh… cụ thể.

Dự kiến khoảng 400 nhân viên y tế phục vụ công tác lấy mẫu test nhanh người dân. Trong đó, đoàn y tế Quảng Ninh đang chi viện Bắc Giang sẽ lấy test ở địa bàn Trung Đồng, Tam Tầng, đoàn chi viện từ Hải Dương chịu trách nhiệm test ở Núi Hiểu.

Theo phó giáo sư Dương, việc xét nghiệm định kỳ 3 ngày một lần ở những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng… là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng.

“Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch. Cần phong tỏa, đóng băng, khóa chặt, đưa thiết chế cách ly tập trung tại ổ dịch, nhưng phải kiên trì mới làm được”, ông Dương nói.

Còn ông Pích nhấn mạnh “kiểm soát được Việt Yên thì Bắc Giang mới thắng dịch”. Công tác test nhanh tại các địa điểm trên, trước 16h ngày 26/5 phải cơ bản hoàn thành, theo các chuyên gia.

Dập dịch ở Bắc Giang: Phải chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót

Dantri – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, chủng virus  gây đợt dịch này lây lan rất nhanh, rất rộng, không còn giới hạn trong 2m. Đặc biệt bệnh khi khởi phát, phát tán mầm bệnh rất nhanh.

“PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói với tôi, trên phòng thí nghiệm, bình thường nuôi cấy virus  thường 3-4 ngày mới có, nhưng với chủng mới này, nuôi cấy ở ngày thứ 2 đã mọc rất nhiều”, Bộ trưởng Y tế cho biết.

Và trên thực tế, chủng virus gây bệnh đợt dịch lần này rất đặc biệt, lây lan nhanh, phát tán trên diện rộng, khiến gần 3.000 người mắc trong gần 1 tháng.

“Không như các chủng virus trước đó, lây nhiễm theo chuỗi người này tiếp xúc người kia, lần này virus vừa gây lây nhiễm theo chuỗi (F1 tiếp xúc F0), vừa lây theo không khí. Virus phát tán ra môi trường không khí trong không gian hẹp, đó là lý do khiến đại dịch ở khu công nghiệp nặng nề đến vậy. Virus phát tán lây bệnh cho tất cả mọi người trong không gian đó, chứ không chỉ ở trong khoảng cách 2m”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với ổ dịch ở Bắc Giang, Bộ trưởng khẳng định, ưu tiên lớn nhất hiện nay là dập bằng được ổ dịch tại đây.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu thay đổi phương thức xét nghiệm tại đây, với tinh thần Đà Nẵng nhanh 1, Bắc Giang phải nhanh 10 mới chặn được tốc độ lây lan.

Bộ trưởng chỉ đạo PGS.TS Trần Như Dương và PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (hai Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang) cần họp với tỉnh và đưa ra phương án thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bằng test kháng nguyên nhanh, sàng lọc những người có nguy cơ cao. PGS.TS Dương đánh giá hiện Bắc Giang có 50.000 người nguy cơ lây nhiễm rất cao.

“Phải xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 3 ngày/lần, nếu phát hiện dương tính phải đưa đi ngay. Nếu âm tính thì không được coi là an toàn, phải tiếp tục cách ly và làm xét nghiệm 3 ngày/lần, sau 7 ngày thì làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR để đánh giá và điều chỉnh lại. Đặc biệt, với phương thức xét nghiệm này, Bắc Giang không phải lấy mẫu mang về cho CDC tỉnh hay tuyến huyện mà tổ chức các điểm vừa lấy mẫu, làm xét nghiệm và trả kết quả ngay. Khi có kết quả dương tính là đưa bệnh nhân đi cách ly ngay và làm lại xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Tinh thần chung là “làm sạch” công nhân qua nhiều vòng. Không làm sạch, không có cách ly tập trung và làm sạch bằng xét nghiệm thì không thể dừng chuỗi lây nhiễm này được. Do đó, khi phát hiện ra F0, F1 thì phải lập tức có phương án đi đưa ngay để làm sạch môi trường công nhân.

“Chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được. Mỗi ngày phải làm 50.000 mẫu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Riêng với lực lượng xét nghiệm, Bộ trưởng đã yêu cầu các trường Y trên cả nước phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng với hơn 20.000 người. Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ sẽ điều phối, tập huấn cho lực lượng này để chi viện cho Bắc Giang thay thế lực lượng hiện đang chống dịch tại tỉnh đã “bám trụ” từ những ngày đầu cần lùi lại phía sau để tiếp tục có sức khỏe chiến đấu với cuộc chiến còn dài kỳ.

20% bệnh nhân Covid-19 có thể nhanh chóng trở nặng

VnExpress – Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá 80% bệnh nhân đợt dịch này ít triệu chứng, khoảng 20% có thể trở nặng và diễn biến nặng rất nhanh.

Ông Khuê sáng 26/5 cho biết gần 80% bệnh nhân ít triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ như vậy song đã diễn biến nặng lên rất nhanh, gây khó khăn cho điều trị.

“Các chuyên gia vừa hội chẩn một bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu ở mức 99% nhưng nhịp thở tăng lên, tình trạng khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy trợ giúp”, ông Khuê dẫn chứng.

Chỉ số nồng độ oxy trong máu giúp đánh giá mức độ suy hô hấp. Thông thường nồng độ oxy trong máu trên 95%, nếu 90-95% tức là oxy trong máu thấp một phần, thấp hơn nữa thì ở tình trạng suy hô hấp với mức độ tương ứng lượng oxy trong máu.

Cục trưởng Khuê nhấn mạnh, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Tuy vậy, ông Khuê cảnh báo bệnh nhân COVID-19 khỏe mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác vì có thể nhanh chóng chuyển nặng. Khi ấy họ cần được đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát.

Hiện tại, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước ta ít thay đổi so với các đợt dịch trước. Tuy nhiên, do số bệnh nhân đông nên số ca nặng cũng nhiều hơn. Trong đợt dịch này đã ghi nhận 9 ca tử vong, hầu hết đều mắc bệnh nền và cao tuổi như ca 94 tuổi, 81 tuổi. Duy nhất, một trường hợp nữ công nhân trẻ tuổi, là ca 4807, 38 tuổi, không rõ bệnh nền nhưng diễn biến viêm phổi nhanh và tử vong.

TP. Bắc Ninh xếp gạch, bê tông, dàn hàng ô tô chốt cứng mọi ngả đường

Dantri – Để phòng chống dịch COVID-19, Thành phố Bắc Ninh đã lập 84 chốt cứng để hướng các phương tiện đi vào những tuyến đường có các chốt mềm, do lực lượng liên ngành túc trực 24/24h giám sát, quản lý.

Theo đó, thành phố Bắc Ninh thành lập một chốt liên ngành cấp thành phố tại vị trí gần trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh, trên quốc lộ 38 mới đi thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành; thành lập 114 điểm chốt cấp phường, trong đó có 30 chốt mềm, 84 chốt cứng.

Các chốt có nhiệm vụ kiểm tra các hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe khách, taxi, đồng thời không cho các phương tiện này vào thành phố.

Đối với những trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết được ra vào, nhưng phải bảo đảm các điều kiện trong phòng chống dịch bệnh.

Việc lập 84 chốt cứng để hướng các phương tiện đi vào những tuyến đường mà có các chốt mềm do các lực lượng liên ngành túc trực 24/24h giám sát, và quản lý.

Siêu thị 0 đồng’ trong tâm dịch Bắc Giang

Zing – Những ngày qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang hỗ trợ công nhân lao động trên địa bàn trong thời gian bị cách ly, phong tỏa bằng cách tổ chức “siêu thị 0 đồng”.

“Siêu thị” cung cấp miễn phí nhiều nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho công nhân, người lao động. Từ ngày 20/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 10 điểm tổ chức mô hình này. Ngày 25/5, huyện Việt Yên cũng chỉ đạo các xã phát phiếu tiếp nhận lương thực, thức ăn hàng ngày cho các nhà trọ trên địa bàn để tổ chức nấu cơm cho công nhân trong khu trọ.

Theo kế hoạch được tỉnh Bắc Giang ban hành, mỗi công nhân sẽ được hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết với mức quy đổi dự kiến là 75.000 đồng/người/ngày. Công nhân trong khu vực đang bị cách ly, phong tỏa sẽ nhận được lương thực, thực phẩm tươi sống, mỳ ăn liền, dầu ăn, rau củ quả, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh… tương ứng với số tiền trên.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, cho biết địa phương ghi nhận hơn 850 công nhân lao động trong diện F0 và 11.200 F1. F2 là 36.000 người và 83.000 người trong khu vực bị cách ly, phong tỏa. Hơn 196.300 công nhân, người lao động ở Bắc Giang đã phải nghỉ việc do dịch bệnh.

Bên cạnh việc sử dụng kinh phí từ gói hỗ trợ 18 tỷ đồng, tỉnh Bắc Giang cũng tạo điều kiện để tiếp nhận các mặt hàng cứu trợ từ các địa phương, tổ chức, cá nhân khác. Những chuyến xe chở hàng cứu trợ sẽ dừng ở các trung tâm tiếp nhận của huyện, sau đó cán bộ sẽ tập kết hàng hóa và chuyển đến những khu vực đang bị cách ly, phong tỏa cho công nhân.

Ngoài việc tổ chức “siêu thị 0 đồng”, tỉnh Bắc Giang cũng hướng tới việc thiết lập ATM gạo hỗ trợ các công nhân trên địa bàn. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá sự hỗ trợ của công đoàn địa phương giúp công nhân, lao động không bị thiếu đói trong khu vực bị cách ly, phong tỏa, yên tâm phòng chống dịch Covid-19.

Tăng học phí 20-50 triệu đồng/năm, các trường quốc tế ở TP.HCM nói gì?

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, Trường Quốc tế Mỹ (TAS) có mức học phí tăng khoảng 20 triệu đồng/năm cho các cấp học so với năm học 2020 – 2021. Cụ thể, năm học 2021 – 2022, tiền học cho học sinh từ lớp 1 – 3 khoảng 483 triệu đồng/năm, lớp 4 – 5 khoảng 486 – 490 triệu đồng/năm. Với cấp THCS và THPT, học phí trong khoảng 546 – 656 triệu đồng/năm.

Ở Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), học phí cho các lớp 1 – 5 dao động quanh mức 570 triệu đồng/năm. So với năm học 2020 – 2021, mức phí này tăng thêm khoảng 25 triệu đồng. Phụ huynh có hai lựa chọn: thanh toán đủ trước tháng 7-2021 sẽ được giảm 6%, hoặc đóng thành 4 đợt mỗi đợt từ 91 – 213 triệu đồng.

Tại Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn, phụ huynh cần trả 466 – 528 triệu đồng cho một năm học của lớp 1 – 5 khóa 2021 – 2022. Năm học 2020 – 2021, học phí bậc tiểu học rơi vào khoảng 444 – 503 triệu đồng/năm, thấp hơn năm tới khoảng 20 triệu đồng. Mức tăng cũng sẽ tương tự với lớp 7 đến lớp 13, đưa tiền học lên khoảng 591 – 689 triệu đồng/năm.

Tại Trường Quốc tế Úc (AIS), trong năm học sắp tới, học phí nằm trong khoảng 104 – 276 triệu đồng/năm cho các lớp mẫu giáo, 455 – 699 triệu đồng/năm cho học sinh từ lớp 1 – 12. So với năm học 2020 – 2021, mức học phí này tăng khoảng 35 – 53 triệu đồng.

Một số trường tư thục tại TP.HCM cũng đã công bố mức tăng học phí trước năm học mới 2021 – 2022. Trường Quốc tế Á Châu cho biết học phí năm học 2021 – 2022 từ lớp 1 – 5 tăng 15%, lớp 6 – 7 tăng 14%, lớp 8 tăng 13%, lớp 9 tăng 12%, lớp 10 – 12 tăng 11%.

Vì sao tiền học tăng mỗi năm?

Theo Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, các nguồn thu từ học phí, lệ phí cũng như các khoản tiền gia tăng mỗi năm đều được dùng vào tái đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, tăng cường chất lượng lớp học, thực hiện các dự án đổi mới và tuyển dụng thêm đội ngũ giáo viên chất lượng… Nhà trường cho biết đang đi theo hướng phi lợi nhuận, “cổ đông” duy nhất chính là các học sinh. Vì thế, nguồn lợi thu được đều dành cho các em.

Trong khi đó, ThS Cao Quảng Tư – giám đốc tuyển sinh, Trường Quốc tế Á Châu – cho biết hiện nay trường có mức học phí rất thấp nhưng vẫn phải đầu tư rất nhiều hạng mục mỗi năm để duy trì tiêu chuẩn trường quốc tế. Thay vì phải tăng mạnh học phí một lần, trường chọn hướng điều chỉnh qua từng năm để phụ huynh dễ thích ứng.

Ông Tư cho rằng việc tăng học phí luôn đi theo lộ trình từng năm và được công khai. Phần lớn các khoản thu sẽ được dành cho việc phát triển, nâng chất cho trường để đạt kiểm định quốc tế, không thể vì dịch COVID-19 mà trì hoãn hay thay đổi lộ trình này.

“Dù vậy, trường cũng tăng thêm nhiều hình thức hỗ trợ cho phụ huynh, như giảm khi đóng tiền nguyên năm, giảm cho học sinh chuyển cấp, giảm cho những trường hợp có con thứ 2 học ở trường” – ThS Cao Quảng Tư nói.

Việc tăng học phí còn là cách “bảo vệ” một số trường quốc tế trước các tác động ngoại cảnh. Chẳng hạn, ban giám hiệu Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn cho rằng học phí được công bố đầu năm vẫn có thể thay đổi ngay trong năm học. Theo đó, nhà trường có quyền tăng học phí nếu tỉ lệ lạm phát hằng năm vượt quá 12%, hoặc nếu đồng Việt Nam mất giá so với đôla Mỹ hơn 3% kể từ ngày niêm yết gần nhất của biểu phí.

Tổng hợp