Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 29/5: Việt Nam xuất hiện biến chủng COVID-19...

Tin trong nước trưa 29/5: Việt Nam xuất hiện biến chủng COVID-19 lai hoàn toàn mới có tốc độ lây nhanh trong không khí

0
460
Ảnh tổng hợp.

Thêm 56 ca COVID-19

Bộ Y tế trưa 29/5 ghi nhận 56 ca dương tính COVID-19, trong đó 49 ca ghi nhận trong nước và 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

56 ca mắc mới được ghi nhận từ số 6658-6713, trong đó 49 ca trong nước tại Bắc Giang 46, Tây Ninh, Điện Biên và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều một.

Việt Nam xuất hiện biến chủng COVID-19 lai hoàn toàn mới

VnExpress – Một biến chủng virus mới, lai giữa biến chủng Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây nhanh, phát tán mạnh trong không khí, đang được ghi nhận ở Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19, sáng 29/5.

Ông Long cho biết hiện nay giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa hai biến chủng trên. Trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh.

“Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới”, ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Long, đặc điểm của đợt dịch lần này là lây nhanh, virus phát tán rộng và mạnh trong không khí. Mức độ đào thải mầm bệnh cũng rất nhanh.

Khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và môi trường ngoài, nồng độ virus trong dịch hầu họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh trong môi trường không khí. Do đó, số ca mắc đợt này tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.

Như tại công ty Hosiden Bắc Giang, môi trường không khí hạn hẹp, thông khí kém, đông người, có tới gần 1.000 người nhiễm trong số 4.800 công nhân. Đây là ví dụ điển hình của lây lan nhanh. Vòng lây nhiễm của chủng virus này chỉ 1-2 ngày, tức là sau từng ấy ngày đã có một tầng F nữa nhiễm bệnh. Số ca nhiễm có thể lây theo cấp số nhân.

“Đây là một trong những lý do dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó kiểm soát dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn).

TP.HCM lập ‘danh sách đỏ’ người phải cách ly tập trung

VnExpress – Khuya 28/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) thông báo thay đổi mức độ giám sát y tế, từ cách ly tại nhà thành cách ly tập trung, với hai địa điểm. Đó là tầng 6 tòa nhà Concentrix, Công viên phần mềm Quang Trung ở quận 12 và nhà thờ của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp.

Thời gian cách ly tập trung là 21 ngày, theo dõi tại nhà thêm 7 ngày. Tổng số lần lấy mẫu xét nghiệm nCoV ít nhất là 5.

Bên cạnh đó, HCDC thêm 5 địa điểm liên quan Covid-19 vào danh sách phải cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm, gồm:

– Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, quận Phú Nhuận, từ 9h-11h ngày 27/5.

– Hẻm 80 Lưu Chí Hiếu, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.

– 23C Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú.

– Lô B, Chung cư Sen Xanh (Lotus Garden) số 36 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quậnTân Phú.

– Điểm bầu cử trường đại học Công nghệ thông tin, quận Tân Phú, từ 17h-17h30 ngày 23/5.

Tây Ninh tạm đóng cửa Núi Bà Đen, phong tỏa nhiều nơi vì ca COVID-19

Tuoitre – 1 Bệnh nhân dương tính với COVID-19 cùng chồng và con về Tây Ninh, sau đó đi bầu cử, tham quan núi Bà Đen và ăn uống nhiều nơi trước khi trở về TP.HCM.

Liên quan trường hợp ca dương tính với COVID-19 lui tới nhiều nơi tại Tây Ninh, đêm 28-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh tổ chức họp đột xuất, triển khai công tác khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 22-5 đến 25-5, nữ bệnh nhân, 27 tuổi cùng chồng và con về Tây Ninh, ngụ tại nhà ở ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành.

Chị có đi bầu cử tại điểm bầu cử số 598 (tại Trường mẫu giáo Long Thành Nam); tham quan Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen và ăn uống ở nhiều nơi.

Sau khi trở về TP.HCM, ngày 27-5, D. được xét nghiệm sàng lọc, có kết quả dương tính. Đến ngày 28-5, bệnh nhân được xét nghiệm khẳng định dương tính.

Qua sàng lọc, xét nghiệm xác định con của D. cũng cho kết quả dương tính.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch thị xã Hoà Thành đã tiến hành truy vết, khoanh vùng, bước đầu xác định 11 trường hợp F1 và đã cho cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.

Đối với điểm bầu cử số 598, có 21 thành viên trong tổ bầu cử được cho cách ly theo quy định và truy xuất khung giờ đối với các cử tri đến bầu cử trùng với F0.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, yêu cầu tỉnh chuyển từ trạng thái phòng dịch sang chống dịch ở mức độ cao nhất.

Rời khu cách ly tập trung, 23 người không về nhà cách ly mà đi… ăn nhậu

Nld – Tối 28/5, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị đang tiến hành xác minh rõ sự việc và tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này xử lý vụ việc 23 người không thực hiện đúng quy định về phòng dịch Covid-19.

Trước đó, vào ngày 27-5, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị (đóng tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trao giấy xác nhận hoàn thành cách ly tập trung cho các trường hợp cách ly phòng dịch Covid-19 tại đây.

Quá trình trao giấy chứng nhận, các y bác sĩ đã hướng dẫn, yêu cầu các trường hợp trên tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày. Tuy nhiên, khi rời bệnh viện có 23 trường hợp không về nhà, mà đến khu phố An Hòa 2 (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) để ăn nhậu.

Nắm được sự việc, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu nhân viên ở quán nhậu có tiếp xúc với đoàn người trên tự cách ly tại nhà; đồng thời tiến hành phun hóa chất khử trùng tại quán.

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, 23 trường hợp không chấp hành quy định về phòng chống dịch Covid-19 phần lớn ngụ tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Các trường hợp này là F1 của ca bệnh Covid-19 số 3211 nên đưa đi cách ly tập trung.

Hà Nội gỡ lệnh phong tỏa tòa Park 11 – Times City

Dân Trí – Ngày 29/5, trên kết quả xét nghiệm gần 4.000 hộ dân thuộc Khu đô thị Times City, UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã ban hành quyết định gỡ phong tỏa tòa nhà Park 11 – Park Hill.

Trước đó, căn cứ kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 do Bộ Y tế công bố với BN5242, BN5243 (có địa chỉ tại căn P1509 tòa Park 11) và đề xuất của chính quyền sở tại, UBND quận Hoàng Mai đồng ý gỡ lệnh phong tỏa đối với tòa chung cư Park 11.

Thay vào đó, cơ quan y tế sẽ thiết lập vùng cách ly y tế tại địa chỉ tầng 15, tòa Park 11 kể từ ngày 23/5 đến hết ngày 6/6 (14 ngày).

Đà Nẵng tái lập 12 chốt chặn “gác” dịch nơi cửa ngõ

Dân Trí – Ngày 28/5, 12 chốt ở 12 khu vực cửa ngõ ra vào Đà Nẵng được thiết lập. Các chốt kiểm soát gồm: đường Tạ Quang Bửu, đường Hoàng Văn Thái (gần bãi rác Khánh Sơn, thuộc quận Liên Chiểu); đường Nguyễn Tất Thành nối dài (đường dẫn hầm Hải Vân), QL 14B (bên cạnh Trạm CSGT Hòa Nhơn), QL1A (gần trạm CSGT Hòa Phước), QL 14B (gần quán Dê 89), đường 14G (chân Núi Thần Tài), Tỉnh lộ 605 (thuộc huyện Hòa Vang); dự án Cocobay (đường Trường Sa), điểm cuối đường Trần Đại Nghĩa (thuộc quận Ngũ Hành Sơn); bến xe Trung tâm thành phố (quận Cẩm Lệ); ga đường sắt Đà Nẵng (quận Thanh Khê).

“Các tỉnh khác đã thực hiện việc kiểm soát người ra vào rất chặt chẽ từ đầu đợt bùng phát dịch. Bởi vậy, tôi thấy Đà Nẵng tái lập các chốt kiểm soát là rất cần thiết, nhất là khi tình hình dịch bệnh ở thành phố đã được kiểm soát. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả”, người dân cho hay.

Người Việt uống bia nhiều hơn dù thu nhập giảm trong đại dịch

Gov – Mặc dù thu nhập bị giảm đi vì đại dịch, nhưng một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Việt Nam vẫn tiêu thụ nhiều bia hơn so với trước đây.

Theo kết của của cuộc khảo sát về mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố, mức thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2020 vào khoảng 4,2 triệu đồng (182 USD), giảm khoảng 2% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ bia, rượu bình quân đầu người năm ngoái là 1,3 lít/tháng so với mức 0,9 lít/tháng vào năm 2018. Mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người lại tăng từ 1,8 kg/tháng trong năm 2010 lên 2,3 kg/tháng vào năm ngoái.  Trứng cũng có mức tiêu thụ tăng lên trong đại dịch vì đây được xem là loại thực phẩm ưa chuộng của người Việt Nam

Riêng mức tiêu thụ gạo lại giảm xuống, bình quân 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng vào năm 2020.

Khảo sát của Cục Thống kê cũng cho biết năm 2020 là năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID -19, và điều này thể hiện trong mức chi tiêu tăng chậm hơn so với thời kỳ trước. Theo đó, các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng/người/tháng, chênh lệch 1,6 lần.

Tổng hợp