Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 1/6: Thêm 50 ca COVID-19; Việt Nam muốn...

Tin trong nước trưa 1/6: Thêm 50 ca COVID-19; Việt Nam muốn xây dựng nhà máy vắc-xin COVID-19

0
586
Ảnh tổng hợp.

Thêm 50 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế trưa 1/6 ghi nhận 50 ca dương tính trong nước, gồm tại Bắc Giang 32, Bắc Ninh 9, Lạng Sơn 8, Long An một.

50 ca mới được ghi nhận từ số 7433-7482.

Lạng Sơn; Ca 7434-7441 gồm 4 ca F1, 3 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, một ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Vân Trung, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 31/5 dương tính với nCoV.

Long An; Ca 7445 nam, 22 tuổi, địa chỉ tại huyện Cần Đước, đang được điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 31/5 dương tính với nCoV. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh.

Bắc Giang; Ca 7433, 7442-7444, 7446-7458, 7466-7474, 7477-7482 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Bắc Ninh; Ca 7459-7465, 7475-7476 gồm 2 ca F1, 2 ca sàng lọc ho sốt, 3 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành, 2 liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm.

Bỏ trốn khỏi khu cách ly, một người bị phạt 7.500.000 đồng

Thanhnien – Ngày 31/5, Công an TP. Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết vừa lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông H.V.H. (50 tuổi, ngụ P.An Thới, TP.Phú Quốc) về hành vi trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế.

Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 8.5, Đồn biên phòng Gành Dầu phát hiện tàu của ông H. đánh bắt hải sản từ vùng biển Campuchia trở về khu vực Vũng Bầu, xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc nên đã đưa ông H. đi cách ly tại xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc.

Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, ông H. bỏ trốn khỏi khu cách ly. Đến khoảng 22 giờ ngày 22.5, khi ông H. chạy tàu về khu vực cảng An Thới thì bị phát hiện và bắt giữ. Lực lựợng chức năng đã đưa ông H. quay lại khu cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc.

Đến hết thời gian cách ly, Công an TP. Phú Quốc đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với ông H. về hành vi trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Việt Nam muốn xây dựng nhà máy vắc-xin COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế kiến nghị với Covax được tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất và cung ứng vaccine Covid-19, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Kiến nghị được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tối 31/5 trong cuộc họp trực tuyến với đại diện của sáng kiến Covax Facility về tình hình cung ứng vaccine Covid-19.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để chủ động nguồn vaccine cho người dân. Ông cam kết với đại diện Covax, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

“Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy, mong muốn được nhượng quyền sản xuất nhằm cung ứng vaccine cho Covax, cho các nước cũng như Việt Nam”, ông Long nói.

Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và tiêm chủng (GAVI) và WHO trong việc thành lập cơ chế Covax Facility với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều trong năm 2021, đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19 cho tất cả các quốc gia.

“Đây là cơ hội cho tất cả quốc gia thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với vaccine”, Bộ trưởng Long nói.

Việt Nam hiện đã nhận được gần 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 từ Covax Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều cơ chế này thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

“Việt Nam mong muốn Covax Facility đẩy nhanh tiến độ cung ứng và bổ sung số lượng các loại vaccine; các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và cung ứng”, ông Long nói.

Việt Nam sẽ đóng góp 500.000 USD cho chương trình Covax Facility. Khoản đóng góp này thể hiện sự đánh giá cao hiệu quả ứng phó với đại dịch Covid-19 của sáng kiến toàn cầu và khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam tiếp tục tham gia mạnh mẽ trong chương trình.

Gần 200.000 người TP.HCM liên quan ổ dịch hội truyền giáo

VnExpress – HCDC đến ngày 1/6 đã lấy mẫu 199.238 người, trong đó có 3.028 F1, 196.210 các diện tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, liên quan các ca Covid-19 cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), kết quả xét nghiệm số mẫu trên ghi nhận 200 trường hợp dương tính đã được Bộ Y tế công bố, 11 trường hợp nghi nhiễm. 69.976 trường hợp âm tính, 129.062 trường hợp đang chờ kết quả.

Thành phố tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các ca nghi nhiễm mới, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các khu vực liên quan ca nhiễm để đánh giá nguy cơ. Hầu hết, các quận, huyện TP.HCM đã ghi nhận ca bệnh, liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.

Ngành y tế đang chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm đợt 3. Hiện, thành phố đã nhận 70.000 liều vaccice phòng chống Covid-19 từ chương trình tiêm chủng mở rộng.

4.977 người đang cách ly tập trung, 7.554 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Thành phố ghi nhận hai cụm dịch xuất hiện trong 6 ngày qua. Trong đó, cụm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay với 202 ca nhiễm và nghi nhiễm, tính đến sáng nay. Cụm lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng ở quận Tân Phú đến nay ghi nhận 9 ca. Theo đánh giá ban đầu, hai cụm này có thể liên quan nhau thông qua “bệnh nhân 6907” làm việc tại tòa nhà quận 1.

Kết quả giải trình tự gene virus của các bệnh nhân thuộc hai chuỗi đều nhiễm biến chủng Ấn Độ. HCDC đánh giá cụm dịch liên quan hội truyền giáo lây lan nhanh do nhiều người sinh hoạt trong phòng nhỏ khoảng 50 m2, không đeo khẩu trang, môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.

TP.HCM: Rau củ tại chợ tăng giá ngày đầu giãn cách

VnExpress – Sau khi TP.HCM có lệnh giãn cách, sáng nay người dân đổ xô đi mua hàng tại chợ truyền thống và các khu chợ tạm. Tuy nhiên, nhiều sạp, cửa hàng đã đóng vì lo sợ dịch bệnh, nên giá cả ở các quầy khác tăng lên.

Khảo sát tại các chợ Xóm Mới, Thạch Đà, Gò Vấp, giá cà rốt, khoai tây tăng thêm 10.000 đồng một kg. Rau cải ngọt, xà lách, mồng tơi cũng tăng mức tương tự lên từ 35 – 50.000 đồng một kg. Dưa leo thay vì 25.000 đồng tăng vọt lên 50.000 đồng mỗi kg. Thịt heo, cá, tôm cũng đắt hơn 15 – 20.000 đồng mỗi kg.

Chị Loan, một người dân ở quận Gò Vấp sáng nay ra chợ cho biết, do nhiều quầy đóng cửa nên giá thực phẩm tăng mạnh. Chị Loan nói: “Hàng ngày tôi mua 45.000 đồng một kg xà lách thì nay tới 60.000 đồng, các loại củ cũng tăng thêm 10.000 đồng một kg. Đắt nhưng cũng phải mua, vì mua chậm sẽ không còn hàng”.

Chị Hoa, bán rau tại chợ Thạch Đà sáng nay không thể đi ra ngoài mua hàng về bán, nên chỉ lấy ở một vài mối giao hàng. Tuy nhiên, các đầu mối đều tăng giá thêm 5.000-10.000 đồng mỗi kg. Chị Hoa chia sẻ: “Rau củ đều tăng giá nhưng lượng hàng không đủ bán cho khách. Nhiều khách ra hỏi thì tôi đã bán hết từ 8h30 sáng”.

Không chỉ giá rau củ tại các chợ lẻ ở Gò Vấp tăng giá mạnh, mà tại nhiều chợ ở quận 1, 6 và 8, giá cả cũng tăng lên sau lệnh giãn cách.

Lãnh đạo các chợ đầu mối đều cho biết, lượng hàng về có giảm nhưng không quá nhiều, nên giá một số mặt hàng tăng từ 1.000 – 9.000 đồng mỗi kg. Lãnh đạo các chợ cũng cho rằng, tại các chợ lẻ và khu chợ tăng là tình trạng cục bộ, do họ tranh thủ khi lượng cung ít mà nhu cầu cao.

Mỗi lần “được” kêu gọi giải cứu, nông sản đều bị ép giá

Vneconomy – Tỉnh Bắc Giang vừa đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông không dùng từ “giải cứu”, khi đưa tin về nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng…

Trong văn bản gửi Cục Báo chí, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bắc Giang đang thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, thu hoạch nông sản. Trong đó, áp lực tiêu thụ vải thiều chính vụ tới đây là rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19, thiếu nhân công, thiếu xe container vận chuyển.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ “giải cứu” khi viết bài về tiêu thụ nông sản nói chung, quả vải thiều nói riêng, bởi sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng này.

Văn bản của tỉnh Bắc Giang viết: “Vì trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự… có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân”.

Hiện, tỉnh Bắc Giang vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, trước mắt việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc vẫn thuận lợi. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều qua các sàn thương mại điện tử. Theo thống kê nhanh, từ ngày 28 – 30/5, đã có 400 đơn hàng đặt mua vải thiều Bắc Giang qua sàn Vỏ Sò, với tổng sản lượng hơn 2 tấn. Đến ngày 30/5, Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 16.500 tấn vải, giá bán thấp nhất là 16.000 đồng/kg, cao nhất là 55.000 đồng/kg. Trong đó, 5.000 tấn vải đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai.

Ngoài vải thiều, Bắc Giang còn có nhiều loại nông sản tiềm năng được thị trường trong và ngoài nước biết đến như dưa hấu, cam, bưởi, chè, nhãn…

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi làm việc chiều 31/5, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị với các cơ quan truyền thông không dùng từ “giải cứu nông sản” nữa.

Bởi thứ nhất, ngay sau khi kêu gọi “giải cứu”, người nông dân ngay lập tức đã bị ép giá khiến việc tiêu thụ rất khó khăn. Thứ hai, nông sản giảm giá, mất đi giá trị, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý số đông nông dân, gây chán nản, bỏ luôn ruộng đồng, không chăm sóc khiến nông sản không đạt chất lượng…

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ “Chúng ta đồng cảm với khó khăn của người nông dân nhưng cần có giải pháp để nâng niu giá trị nông sản, bởi vì đó là công sức của bà con”.

Nơi ở bị phong tỏa, nữ công nhân ở Bắc Giang sinh con ngay tại nhà trọ

Dantri – Mới đây, cộng đồng mạng đã chia sẻ nội dung và hình ảnh một nữ công nhân được chủ nhà trọ ở thôn My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) đỡ đẻ. Được biết, khu trọ nơi nữ công nhân ở đang bị phong tỏa vì dịch bệnh.

Chủ nhân bài viết chia sẻ: “Chị Hà Thị Nhớ là công nhân đã sinh con ngay tại xóm trọ My Điền 2 được chủ nhà trọ đỡ đẻ. Hiện cháu bé được 8 ngày tuổi. Mong cho con một đời an nhiên, khỏe mạnh”.

Được biết, nữ công nhân vừa sinh con trong khu vực cách ly tại xóm trọ là chị Hà Thị Nhớ (sinh năm 1990, ở Lào Cai). Hiện nay chị Nhớ đang làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ở Việt Yên (Bắc Giang). Cả hai vợ chồng chị đều đã làm việc tại Bắc Giang hơn một năm nay.

Chị Nhớ đã hạ sinh thành công bé trai nặng 3,2kg. Hiện tại sức khỏe của cháu bé ổn định, bé ăn, ngủ ngoan và không quấy khóc.

Cả hai vợ chồng chị Nhớ đều phải nghỉ làm vì dịch bệnh. Những ngày này, vợ chồng chị cũng được chủ nhà tạo điều kiện hỗ trợ hết sức và còn giúp đỡ anh chị bữa ăn hàng ngày để hai vợ chồng yên tâm chăm sóc con nhỏ trong thời gian khó khăn này.

Giá gas tăng trở lại, thêm 14.000 đồng mỗi bình 12kg

Tuoitre – Chiều 31/5, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết giá gas bán lẻ trong nước đã quay đầu tăng giá sau 2 tháng giảm mạnh, với mức tăng là 14.000 đồng/bình 12kg, áp dụng từ ngày 1-6.

Cụ thể, đại diện Công ty Saigon Petro cho biết từ ngày 1-6, giá bán lẻ gas của công ty sẽ tăng tương đương 14.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 375.000 đồng bình 12kg.

Tương tự, Công ty LPG Việt Nam cho biết từ ngày 1-6, giá bán PetroVietnam Gas cũng tăng 14.000 đồng/ bình 12kg và hơn 52.500 đồng/bình 45kg so với tháng 5.

Đại diện chi hội gas miền Nam cho biết, nguyên nhân là do giá gas thế giới giao theo hợp đồng trong tháng 6 năm nay vừa công bố ở mức bình quân khoảng 530 USD/tấn, tăng khoảng 42 USD/tấn so với tháng trước.

Trước đó, giá bán lẻ gas trong nước đã có hai lần giảm mạnh, với mức giảm gần 40.000 đồng đối với loại bình 12kg.

Đại diện một chuỗi bán lẻ gas cho biết giá gas tăng lúc này khiến các cửa hàng bán lẻ gas bán hàng rất khó. Người này cho biết: “Muốn giữ được khách, cửa hàng phải tăng giá trị quà tặng nếu không khách sẽ tìm điểm bán khác có giá rẻ hơn. Tình hình tiêu thụ gas thời gian gần đây giảm rõ rệt khi hàng quán thu hẹp quy mô. Còn đối với khách hàng là hộ gia đình nếu ở trong khu vực bị phong tỏa cửa hàng cũng không giao được, nên sản lượng cũng giảm theo. Bởi lẽ, dù là hàng thiết yếu nhưng bình gas cần có nhân viên lắp đặt tận bếp nên không đưa vào bên trong khu vực cách ly được”.

Đại dịch COVID-19: ám ảnh mưu sinh và hành trình “di cư ngược”

Phunuonline – Đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát ở TP.HCM, thông tin TP sẽ thực hiện giãn cách xã hội, đối với một số người hời hợt thì cảm thấy bình thường nhưng với nhiều người và đặc biệt là người nghèo, tầng lớp thấp, buôn bán vỉa hè, bán hàng rong thì đây đúng là cơn ác mộng thực sự.

Đằng sau mỗi người buôn bán vỉa hè, mặt phố nghèo khổ lam lũ này là cả một gia đình, một xã hội thu nhỏ bao gồm con cái, bố mẹ già đang ốm yếu, bệnh tật…rất cần đến họ.

Lệnh giãn cách xã hội ban ra, nhiều người nghèo mưu sinh bằng gánh hàng rong, xấp vé số, ve chai thì đang ngơ ngác buồn bã bởi mất đi việc mưu sinh, với số tiền ít ỏi, không có tích lũy họ sẽ sống thế nào đây khi toàn thành phố sẽ án binh bất động cả chục ngày?

Nhiều lao động tự do đang chật vật bám trụ, xoay xở công việc ở thời điểm khó khăn. Cuộc sống ở thành thị trở nên bế tắc, họ bắt đầu hành trình “di cư ngược”…

@Mất việc, chuyển sang bán vé số dạo gắng gượng mưu sinh

Khoảng một tháng nay, xóm vé số quanh chợ An Đông (Q.5, TPHCM ) có thêm nhiều thành viên mới. Người bán tăng, nhưng lượng mua giảm mạnh. Nhiều người đang gắng gượng, chờ hết dịch. Nếu đợt dịch này kéo dài, sức mua ì ạch, nhiều đại lý vé số sẽ không trụ nổi. Họ buộc phải giảm mức hỗ trợ (ngoài hoa hồng) đối với người bán.

Ông Hà Nguyên (46 tuổi, quê ở tỉnh Bình Thuận) cho biết, ông bị mù bẩm sinh, có tay nghề làm tẩm quất tám năm. Công việc này cho ông mức thu nhập trên sáu triệu đồng mỗi tháng. Do dịch COVID-19, lượng khách giảm 80%. Nhiều thời điểm, dịch vụ mát-xa tẩm quất phải dừng hoạt động nên ông bị thất nghiệp.

– “Tôi chuyển qua bán vé số từ cuối tháng 2/2021. Lúc mới vào nghề, mỗi ngày bán được 150-200 tờ. Mấy ngày qua, dịch bùng phát, có ngày tôi chỉ bán được 50 tờ. Bán vé số chỉ là công việc tạm thời, tôi cầu mong hết dịch để đi làm nghề cũ trở lại”, ông Nguyên chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Lệ (quê ở tỉnh Phú Yên, tạm trú Q.6, TPHCM ) cho biết, người bán vé số đa phần có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật… Do ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua giảm mạnh, có thời điểm người bán giảm 50% thu nhập. Tuy nhiên, do đã gắn bó với nghề này lâu năm nên người bán vẫn gắng gượng, bám trụ ở TPHCM mưu sinh.

“Tôi đã gắn bó với nghề vé số nhiều năm, giờ chuyển nghề cũng không biết làm gì, về quê càng khó. Tụi tôi chuẩn bị tâm lý rồi, nếu vé số dừng phát hành như năm ngoái sẽ ra ngoài kiếm việc. Những ngày này, người bán vé số chúng tôi đùm bọc nhau mà sống, mong cho dịch sớm qua để bán bình thường trở lại”, chị Lệ nói.

Theo Hội Người mù TPHCM , hiện nay, đơn vị có khoảng 1.500 hội viên. Các hội viên khiếm thị đa số hành nghề mát-xa, bán vé số. Do tình hình dịch, đa số hội viên bị giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống. Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã quan tâm, có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống hội viên cũng còn nhiều khó khăn.

@Những cuộc “di cư ngược”

Rời quê, đến thành thị tìm sinh kế những năm gần đây đã trở thành một làn sóng. Khi xảy ra đại dịch COVID-19, thành thị không còn là nơi dễ mưu sinh. Mưu sinh ở thành thị đã và đang trở nên chật vật hơn. Trong bối cảnh này, nhiều người đã chọn cách rời thành thị, trở lại quê nhà, như một hành trình “di cư ngược”.

Những ngày qua, hẻm hủ tiếu 666 đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, vắng vẻ khác thường. Cách đây hơn 30 năm, nhiều người dân Quảng Ngãi đã rời quê đến con hẻm này tá túc, đóng xe hủ tíu gõ để mưu sinh. Lâu dần, nhiều người làm nghề bán hủ tiếu đã đến thuê nhà ở khu vực này nên nhiều người gọi đây là hẻm hủ tíu. Ông Tạ Văn Ngọt (52 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, từ trưa 24/5, ông và nhiều “đồng nghiệp” đã dọn đồ đạc về quê. Từ 0 giờ ngày 22/5, tại TPHCM , hàng quán lề đường chỉ bán mang đi, không phục vụ khách tại chỗ. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch, việc buôn bán ở các quán ăn lề đường đã trở nên rất khó khăn, thu nhập giảm đi rất nhiều.

Ông Ngọt cho biết: “Nếu chỉ bán cho người mua mang đi thì thu nhập không đủ để vợ chồng tôi trang trải hằng tháng ở TPHCM . Chi phí sinh hoạt ở quê cũng nhẹ hơn thành phố rất nhiều. Hơn nữa, nơi tôi sinh sống cũng chưa có ca bệnh hay F1 nào nên tôi quyết định về quê. Khi về đến nhà, tôi khai báo y tế rõ ràng để không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Khi nào dịch bệnh lắng xuống, tôi sẽ vào buôn bán trở lại”.

Theo thống kê của UBND xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, toàn địa phương có khoảng 46% dân số rời quê mưu sinh. Con số này tương đương với khoảng gần 7.500 người. Người dân ở Phổ Cường đa số mưu sinh bằng nghề hủ tiếu ở các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TPHCM . Công việc này cho thu nhập ổn định, nhiều người nhờ vào công việc này đã về quê xây được nhà, đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Dịch bùng phát, việc mưu sinh trở nên khó khăn nên nhiều người đã chọn bỏ phố về quê tránh dịch. Trong đợt nghỉ lễ 30/4, nhiều người làm nghề bán hủ tíu ở Đà Nẵng về quê nghỉ lễ. Sau đó, dịch xảy ra ở Đà Nẵng, những người này phải ở lại quê tới nay. Còn người bán hủ tíu ở TPHCM , từ sau ngày 22/5, nhiều người đã về quê vì buôn bán khó khăn. Trước đó, không ít người vì ảnh hưởng dịch nên đã về quê kiếm nghề khác.

Ông Trần Xét (ở xã Phổ Cường) cho biết, ông có hơn 20 năm bươn chải với nghề hủ tíu ở các tỉnh, thành phía Nam. Năm 2020, dịch bùng phát, ông quyết định về quê sinh sống. Nhưng, để kiếm công việc ở quê không dễ. Ông Trần Xét bộc bạch: “Tôi đã lớn tuổi, làm công việc nặng nhọc như phụ hồ thì không nổi nữa. Về quê mưu sinh cũng là bài toán khó khăn chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ”.

Ông Bùi Văn Chuyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phổ Cường cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân ở Phổ Cường không thể làm ăn ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, phần lớn người dân cũng chỉ ở quê tạm thời, chờ qua dịch, họ sẽ tiếp tục vào các thành phố lớn mưu sinh. Ông Chuyên nói thêm: “Người dân xa quê mưu sinh bằng nghề hủ tíu đã nhiều năm, có tích lũy, cuộc sống lâu nay đã ổn định. Về quê không có thu nhập, nhưng mức sống không cao như ở thành phố. Họ có thể sử dụng số tiền tích lũy để chi tiêu, chờ qua dịch. Chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để người dân trở lại làm ăn như trước kia”.

Tổng hợp