Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 2/6: Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên TP.HCM tử...

Tin trong nước trưa 2/6: Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên TP.HCM tử vong; Cụ bà 80 tuổi trốn khỏi bệnh viện dã chiến

0
392
Ảnh tổng hợp.

Thêm 50 ca COVID-19

Bộ Y tế trưa 2/6 ghi nhận 50 ca dương tính, gồm 48 ca ghi nhận trong nước và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

50 ca mới được ghi nhận từ số 7626-7675, trong đó tại Bắc Giang 35, Bắc Ninh 12, Đà Nẵng một ca, nâng tổng số ca Bắc Giang lên 2459, Bắc Ninh 891, Đà Nẵng 158.

Như vậy từ sáng đến trưa, Bộ Y tế công bố 101 ca nhiễm. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 4.597, ghi nhận ở 37 tỉnh thành.

Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên TP.HCM tử vong

VnExpress – “Bệnh nhân 5463”, 37 tuổi, con gái bà chủ quán ăn O Thanh ở quận 3, tử vong trưa 2/6 do suy thận mạn giai đoạn cuối, viêm phổi Covid-19.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh nhân cơ địa tăng huyết áp, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, đã lọc màng bụng 6 năm nay. Bệnh nhân bị viêm phổi Covid-19 nặng, diễn tiến hô hấp ngày xấu, sốc nhiễm trùng kém đáp ứng vận mạch liều cao.

“Chẩn đoán nguyên nhân bệnh nhân tử vong là Covid-19 nặng trên cơ địa tăng huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối”, bác sĩ Châu cho biết.

Như vậy đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong tại TP.HCM.

Sau khi mẹ là bà chủ quán bán bánh canh O Thanh phát hiện mắc Covid-19 ngày 20/5, người con gái này là F1, cách ly tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương do điều trị suy thận mạn, kết quả xét nghiệm âm tính nCoV lần một ngày 20/5. Ngày 24/5, bệnh nhân sốt, được lấy mẫu xét nghiệm lần hai, kết quả dương tính, chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM điều trị.

Chuỗi lây nhiễm tại quán O Thanh đến nay ghi nhận 5 bệnh nhân, gồm người mẹ và hai con sống chung nhà (“bệnh nhân 4780”, 4781, 4782, ghi nhận ngày 20/5), hai F1 sống riêng chỉ tới thăm là cháu ngoại (“bệnh nhân 5329”, phát hiện ngày 24/5) và con gái (“bệnh nhân 5463”, ngày 25/5).

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM giải trình tự gene nCov, ghi nhận “bệnh nhân 4780” và một trong hai người con, nhiễm biến chủng Anh B.1.1.7.

TP.HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay. 7 ngày qua, thành phố ghi nhận hai cụm dịch với 219 ca, gồm cụm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng cùng cụm liên quan hai vợ chồng ở quận Tân Phú. Hai cụm này đến nay đã được xác định là liên quan nhau qua “bệnh nhân 6907” làm việc tại tòa nhà quận 1, và cùng biến chủng Ấn Độ.

Bắc Ninh chạm ngưỡng 1.000 ca dương tính COVID-19

Dân Trí – Đến 6h ngày 2/6, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 934 ca dương tính với COVID-19 tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Huyện Thuận Thành ghi nhận số ca dương tính nhiều nhất với 550 ca.

Trong vòng 24h, tính đến 6h ngày 2/6, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 61 ca lây mới. Toàn tỉnh đã rà soát được hơn 49 nghìn trường hợp F1, F2, thực hiện cách ly y tế cho hơn 40 nghìn trường hợp; lấy tổng số hơn 527 nghìn mẫu xét nghiệm COVID-19.

Hiện có 732 bệnh nhân F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 22 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Có 247 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính; 151 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Tỉnh Bắc Ninh đã lấy 607 nghìn mẫu xét nghiệm (trong đó 559 nghìn mẫu có kết quả, 8 nghìn mẫu đang chờ kết quả); đang thực hiện cách ly hơn 39 nghìn trường hợp. Tại các Khu, Cụm công nghiệp đã ghi nhận 219 ca mắc tại 55 doanh nghiệp.

Cụ bà 80 tuổi trốn khỏi bệnh viện dã chiến

VnExpress – Cụ bà 80 tuổi và người đàn ông 32 tuổi đã bỏ trốn khi đang cách ly, theo dõi Covid-19 tại bệnh viện dã chiến tỉnh.

Theo Sở Y tế Trà Vinh, cụ bà ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long có triệu chứng cảm sốt nên đến bệnh viện đa khoa tỉnh khám, sáng 1/6. Qua khai báo y tế, ngày 26/5, bà đi thăm con tại vùng dịch quận Gò Vấp, TP.HCM. Vì vậy, bà được được chuyển đến bệnh viện dã chiến tỉnh tại huyện Châu Thành để cách ly, xét nghiệm.

Còn người đàn ông làm tại công trường tại TP Trà Vinh, từng đến công ty xây dựng tại quận Gò Vấp. Sáng 1/6, người ngày bị cảm nên đến bệnh viện tỉnh khám, sau đó được đưa vào cách ly, theo dõi tại bệnh viện dã chiến chung với cụ bà.

Tuy nhiên, trưa cùng ngày, cả hai bỏ trốn. Cụ bà quay về nhà, còn người đàn ông đến nơi trọ ở TP. Trà Vinh. Tối cùng ngày, cả hai bị đưa trở lại bệnh viện. Bước đầu, hai người này cho biết cảm thấy hốt hoảng khi được đưa đến bệnh viện dã chiến nên đã bỏ trốn.

Một thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện cả hai được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và tiếp tục theo dõi. Ban chỉ đạo đã yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, không để tình trạng tương tự xảy ra.

Hỏa tốc mở cửa nhập cảnh, nối lại chuyến bay quốc tế sau một ngày tạm dừng

Cục Hàng không có văn bản hỏa tốc cho phép các chuyến bay quốc tế chở người vào Việt Nam, nhập cảnh qua cửa khẩu Nội Bài – Hà Nội và Tân Sơn Nhất – TP.HCM.

Dân Trí – Văn bản hỏa tốc do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường vừa ký và phát đi sáng nay (2/6).

Đáng nói, việc mở cửa nhập cảnh với các chuyến bay quốc tế chở khách đến được thực hiện chỉ sau một ngày cơ quan này tạm dừng.

Theo đó, Cục Hàng không thông báo tới các hãng hàng không, các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam về việc tiếp tục thực hiện chuyến bay chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua hai cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn nhất – TPHCM và Nội Bài – Hà Nội.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, hoạt động nhập cảnh được triển khai trở lại nhằm theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống dịch Covid-19.

“Cục Hàng không Việt Nam thông báo tiếp tục thực hiện các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Quy trình xem xét, quyết định cấp phép bay được thực hiện như trước đây” – văn bản của Cục Hàng không nêu rõ.

Khẩn cấp tạm ngưng giao dịch trực tiếp tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương

Người lao Động – Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 2/6, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương có công văn hỏa tốc về việc thực hiện thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến và bưu chính công ích trong giai đoạn phòng, chống dịch​.

Theo đó, các sở, ban, ngành tạm ngưng giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) trực tiếp tại tầng 1, Trung tâm Hành chính công tỉnh, chuyển sang thực hiện tiếp nhận TTHC trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích (thực hiện trả 100% hồ sơ giải quyết TTHC qua bưu chính công ích) kể từ ngày 2/6 đến khi có thông báo mới.

Đối với những hồ sơ thủ tục hành chính mang tính cấp bách, thủ trưởng các sở, ngành có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo phòng, chống dịch. Đồng thời, thông báo công khai số điện thoại của bộ phận một cửa và công chức, viên chức được phân công hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho người dân, tổ chức.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 (BN7305, BN7306, BN7309), là 3 mẹ con trong gia đình tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An. Đây là F1 của hai ca bệnh tại TP.HCM (BN7067 và BN7068) liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Nhằm phòng, chống dịch, tỉnh Bình Dương cũng đã tiến hành phong tỏa nhiều khu vực tại TP. Thuận An, TP. Dĩ An và TP. Thủ Dầu Một do có liên quan đến các ca mắc Covid-19 nói trên.

Bắt giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề huyện Đức Trọng – Lâm Đồng

Người lao Động – Ngày 2/6, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Đức Trọng, để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo thông tin ban đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Trọng xác định thông qua liên kết đào tạo với Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng (liên kết với TP HCM), ông Nguyễn Thanh Quang đã chỉ đạo nhân viên lập và ký toàn bộ hồ sơ quyết toán khống nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách cấp cho Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng.

Tổng số tiền đã được quyết toán khống hơn 280 triệu đồng. Số tiền này ông Quang tự ý bỏ ngoài sổ sách kế toán đơn vị và sử dụng chi vào các hoạt động của trung tâm.

Ngoài ra, quá trình điều tra mở rộng, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Trọng còn xác định trong năm 2018-2019, ông Quang còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Đức Trọng, tự quyết định để ngoài sổ sách kế toán của đơn vị đối với nguồn thu được trích lại từ hoạt động khám sức khỏe cho các học viên thi Giấy phép lái xe A1, tổng số tiền hơn 80 triệu đồng.

Công an huyện Đức Trọng đã tiến hành khám xét nơi làm việc, chỗ ở của ông Nguyễn Thanh Quang, thu giữ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án để phục vụ công tác điều tra.

Nhiệt độ lên tới 40 độ C, tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục

Vneconomy – Hiện nay, các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang trong giai đoạn thời tiết rất khắc nghiệt, khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C, và đợt nắng nóng còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, các khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất của các vùng trên phổ biến từ 37- 40 độ C, có nơi trên 40 độ C như: Phù Yên (Sơn La), Láng (Hà Nội), Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Đô Lương (Nghệ An)…

Thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng đã làm tiêu thụ điện tăng rất mạnh. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, phụ tải điện toàn quốc ngày 31/5/2021 đã ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay, với công suất đỉnh là gần 41.500 megawatt, và sản lượng điện là hơn 850 triệu kilo What. Ở khu vực miền Bắc và TP. Hà Nội, mức độ tiêu thụ điện ngày 31/5/2021 cũng ghi nhận những con số cao kỷ lục.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện cục bộ, do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày, ngay cả ban đêm cũng rất oi bức; một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải ở một số thời điểm.

Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc rời Đá Ba Đầu nhưng tiếp tục hiện diện tại quần đảo Trường Sa

Dskbd – Thông tin từ Đại Sự Ký Biển Đông cho biết, sau khi Philippines và Việt Nam lên tiếng phản đối, hơn 200 tàu của Trung Quốc neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu đã rời đi tuy nhiên các tàu này không trở về Trung Quốc mà tiếp tục di chuyển đến các khu vực khác tại quần đảo Trường Sa.

Phân tích của Simularity từ ảnh vệ tinh của Cơ quan Hàng không, vũ trụ Châu Âu cho thấy, số lượng tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu đã giảm từ 200 tàu trong tháng 3/2021 xuống chỉ còn vài tàu trong tháng 4 và tháng 5/2021, thậm chí có những thời điểm không có tàu nào tại đá Ba Đầu. Các tàu này có lẽ đã di chuyển tới khu vực đá Tư Nghĩa trong tháng 4/2021 (cũng thuộc cụm Sinh Tồn, cách đá Ba Đầu khoảng hơn 6 hải lý) và đá Gaven vào tháng 5/2021 (thuộc cụm Nam Yết, cách đá Ba Đầu khoảng 25 hải lý). Đây là các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng năm 1988 và đã cải tạo thành các đảo nhân tạo.

Tại khu vực đá Tư Nghĩa, ngày 4/3 có 26 tàu neo đậu đến 28/4 đã có 158 tàu và sau đó không phát hiện tàu nào neo đậu gần đá Tư Nghĩa tại thời điểm ngày 13/5. Trong khi đó tại đá Gaven, thời điểm 4/3/2021 ghi nhận có 54 tàu, đến ngày 28/4 số tàu đã tăng lên 87 và đến 18/5 đã lên tới 234 tàu. Ngoài ra, tại khu vực Thị Tứ, ảnh vệ tinh cũng cho thấy có từ 5 đến 20 tàu Trung Quốc hiện diện từ tháng 3/2021 đến nay.

Tổng hợp