Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 4/6: Thêm 80 ca COVID-19, tổng người mắc...

Tin trong nước trưa 4/6: Thêm 80 ca COVID-19, tổng người mắc trong đợt dịch vượt 5.000

0
359
Ảnh tổng hợp.

Thêm 80 ca COVID-19, tổng người mắc trong đợt dịch vượt 5.000

VnExpress – Bộ Y tế trưa 4/6 ghi nhận 80 ca dương tính tại Bắc Giang 44, Bắc Ninh 23, TP.HCM 11, Hà Nội 2.

Như vậy từ sáng đến trưa nay, thêm 132 ca nhiễm được Bộ Y tế công bố. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 5.088, ghi nhận ở 37 tỉnh thành.

80 ca mới được ghi nhận từ số 8116-8195, nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 2.757, Bắc Ninh 988, Hà Nội 432 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 93 ca, 50 ca ở Bệnh viện K), TP HCM 299.

Bắc Giang; Ca 8116, 8128-8131, 8133, 8140, 8145, 8151, 8153-8163, 8165, 8167, 8172, 8175-8195 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

TP.HCM; Ca 8117-8127 gồm 9 ca liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, 2 ca đang điều tra dịch tễ.

Bắc Ninh; Ca 8132, 8134-8139, 8141-8144, 8146-8150, 8152, 8164, 8166, 8168-8169, 8171, 8173 gồm 3 ca là F1, 8 ca liên quan ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 6 ca liên quan ổ dịch Thuận Thành, 3 ca liên quan Khu công nghiệp Quang Châu, 3 ca liên quan Khu công nghiệp Vân Trung; đã cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 3/6 dương tính với COVID-19.

Hà Nội; Ca 8170, 8174 là các F1, liên quan ổ dịch Công ty T&T, đã cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 4/6 dương tính với nCoV.

Lãnh 30 tháng tù vì đấm cán bộ tại chốt kiểm soát COVID-19

VnExpress – Ngày 3/6, Tòa án huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Lương Văn Tiến (sinh năm 1984, ở thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) 30 tháng tù vì hành vi chống người thi hành công vụ tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng.

Theo cáo trạng, trưa 21/5, Tiến mời một số bạn bè đến nhà uống rượu. Đến 13h, cả nhóm rủ nhau đến nhà một người bạn ở thôn Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng chơi.

Đến chốt kiểm dịch COVID-19 thuộc địa phận khu Bờ Mới, thôn Nội, xã Nội Hoàng, Tiến đi qua rào chắn bảo vệ vì khu vực đang cách ly. Ngay sau đó, lực lượng chức năng chặn lại, yêu cầu rời đi nhưng Tiến cùng nhóm bạn vẫn cố tình vượt qua.

Bị nhắc nhở, Tiến có hành vi lăng mạ lực lượng chức năng. Không những thế, Tiến còn túm cổ áo và đấm vào đầu anh Dương Văn Đức (sinh năm 1992, cán bộ tổ công tác) rồi tiếp tục đi qua chốt. Ngay sau đó, công an đã có mặt và khống chế nhóm này.

Sau vụ việc, Công an huyện Yên Dũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lương Văn Tiến về hành vi chống người thi hành công vụ.

Tại phiên xét xử, Tiến nhiều lần khẳng định hành vi vi phạm của bản thân là do bộc phát. Trước đó, Tiến uống rượu nên không kiểm soát được hành vi của mình.

Phê duyệt vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc

Thanh Niên – Theo Quyết định số 2763/QĐ-BYT, vắc xin Covid-19 này có tên gọi Covid-19 Vaccine Vero Cell, Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine Inactivated), sử dụng cho phòng chống dịch cấp bách tại Việt Nam.

Về thành phần hoạt chất, liều lượng vắc xin Vero Cell: mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5 ml.

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (thuộc Bộ Y tế) là đơn vị đề nghị phê duyệt vắc xin này.

Theo Bộ Y tế, việc phê duyệt vắc xin phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có kèm theo 9 điều kiện. Trong đó, vắc xin Covid-19 Vaccine Vero Cell, Inactivated được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp cho Bộ Y tế, tính đến ngày 29/5.

Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vắc xin bảo đảm các điều kiện sản xuất Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated nhập khẩu vào Việt Nam và bảo đảm an toàn, hiệu quả, chất lượng của vắc xin này.

Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Cục Khoa học công nghệ – Đào tạo (Bộ Y tế) và đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn và hiệu quả của Covid-19 Vaccine Vero Cell, Inactivated trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế về xây dựng kế hoạch kiểm định; cung cấp mẫu thử, nguyên vật liệu, hóa chất thử nghiệm và các vấn đề liên quan khác cho việc kiểm định các lô Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated trước khi đưa vào sử dụng.

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin Vero Cell, Inactivated cho các cơ sơ tiêm chủng, đồng thời triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vắc xin tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế lưu ý việc sử dụng vắc xin phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ.

Bộ quần áo chống dịch COVID-19 và câu hỏi cho hơn 24.000 tiến sĩ ở Việt Nam

Laodong – Giải pháp tối ưu nào để xử lý tình trạng các y, bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc trong bộ quần áo chống dịch kín mít, gần như “bọc trong nylon” khi thời tiết mùa hè đang nắng nóng cao độ? Nhiệt độ bên ngoài thường xuyên trên 40 độ C?
Đây là câu hỏi cho giới nghiên cứu khoa học Việt Nam.

Báo chí cũng đã “cận cảnh” đôi bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì ngâm mồ hôi của một nữ sinh viên Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang và mỗi ngày “trở về phòng, quần áo trên người nữ sinh viên cũng ướt sũng, hai mắt cay xè, mặt hằn vết khẩu trang”.

Mạng xã hội cũng chia sẻ những vết áp xe nang lông rỉ máu của bác sỹ tuyến đầu ngày qua ngày phải bọc kín trong bộ PPE – thứ ám ảnh nhưng không thể từ bỏ để giúp họ có thể tránh được nguy cơ trở trở thành F0 bất cứ lúc nào. Bởi theo khái niệm phân loại, các y bác sỹ có thể nói là những người tiếp xúc nhiều nhất, thường xuyên nhất, phức tạp nhất với các nguồn bệnh.

Cho đến lúc này, chưa thể bỏ được bộ quần áo nào bởi chưa có phương án thay thế. Nói như Thứ trưởng Bộ Y tế: “Trong tình hình hiện giờ, nếu bỏ bộ trang phục bảo hộ sẽ làm mất vũ khí bảo vệ cho nhân viên y tế khi tham gia lấy mẫu”.

Và để giảm nhiệt cho các nhân viên y tế vẫn chỉ là bố trí thời gian lấy mẫu từ sáng sớm cho đến 9 giờ, và buổi tối. Đồng thời tăng cường uống nước và… quạt mát. Đều là giải pháp tạm thời, rất thủ công, và cũng rất khó khả thi, bởi mỗi lần uống nước, nhân viên y tế phải cởi khẩu trang. Quy trình cởi bỏ khẩu trang đúng là phải cởi bỏ găng tay, quần áo bảo hộ, kính và cuối cùng mới đến khẩu trang. Đi vệ sinh cũng phải làm quy trình tương tự.
Sau đó, lại phải tiến hành thay mới hoàn toàn đồ bảo hộ để tiếp tục làm việc.

Có thể thay thế chất liệu thoáng khí hơn những vẫn đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế?

Có thể chế tạo ra những “buồng làm mát” khi lấy mẫu xét nghiệm?

Phải có những nghiên cứu sâu, có tính thực tiễn, áp dụng ngay để giảm áp lực cho những nhân viên y tế. Cụ thể trong trường hợp này là giải pháp khoa học cho bộ quần áo chống dịch COVID-19. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng các nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ kín mít với chất liệu PPE có thể dễ dẫn đến sốc nhiệt. “Do cơ thể mất hoàn toàn các cơ chế thải nhiệt chính như bức xạ, đối lưu hay bay hơi”, bác sĩ Quân giải thích.

Theo báo Lao Động, Việt Nam có tới trên 24.000 tiến sĩ, cũng có có tới trên 73.000 cán bộ làm nghiên cứu khoa học. Và mỗi năm Việt Nam đã phải bỏ ra khoảng 2% chi ngân sách, tương đương với trên 30.000 tỉ đồng cho các đề tài, nghiên cứu khoa học.

Đây là lúc khoa học và các công trình nghiên cứu lên tiếng. Hãy bớt những nghiên cứu vô bổ, bớt những công trình khoa học chỉ để trong tủ trưng bày.

Lúc này cần giới khoa học nhanh chóng đưa ra giải pháp thay chống nóng cho những y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.

Đừng để họ phải chờ đợi trong những bộ đồ ngột ngạt và cơ thể như ngâm trong mồ hôi suốt cả ngày.

Toa tàu SE8 bốc cháy khi chạy qua Đà Nẵng

Zing – Rạng sáng 4/5, tàu hỏa mang số hiệu SE8 chạy tuyến TP.HCM – Hà Nội, khi đến địa phận quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) thì bất ngờ bốc cháy ở một toa tàu.

Ngay lập tức, công nhân cung đường Trường Chinh ra tín hiệu yêu cầu lái tàu dừng lại để dập lửa. Người điều khiển đã kéo phanh dừng khẩn cấp tàu và gọi điện báo Trung tâm 114.

Lúc này, ngọn lửa bùng phát mạnh, trong toa tàu có nhiều vật liệu dễ cháy khiến công tác cứu hỏa gặp khó khăn.

Các chiến sĩ chia nhiều hướng phun nước để ngăn cháy lan ra các toa hành khách khác. Hơn 2 giờ sau, lực lượng chức năng mới khống chế được vụ hỏa hoạn.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhiều hàng hóa, đồ điện tử và thiết bị trong toa tàu.

Quản lý thị trường kiểm tra kit test nhanh COVID-19 bán trên mạng

Zing – Tổng cục quản lý thị trường đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra tình trạng kit test nhanh Covid-19 rao bán trên mạng xã hội, và các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường cho biết, mặt hàng kit test nhanh Covid-19 thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế, nên được Cục quan tâm và yêu cầu tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Đại diện Tổng cục quản lý thị trường cho rằng, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Ông Lê nói: “Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trôi nổi trên mạng”.

Hiện nay, trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bộ kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử, với giá dao động 250.000-500.000 đồng/ bộ, tuỳ xuất xứ.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay không có quy định cấm người dân mua, sử dụng kit test nhanh Covid-19.

Ông nói: “Tuy nhiên, các kit test nhanh Covid-19 bán trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng. Do đó, người dân không nên tự ý mua kit xét nghiệm được rao bán trên mạng xã hội về sử dụng. Đặc biệt, nếu dùng sai cách dẫn tới nhận định sai, sinh ra tâm lý lo lắng hoặc chủ quan không đúng với hiện trạng sức khoẻ, sẽ rất nguy hiểm”.

Giá thép tăng phi mã, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói gì?

Vtc – Chỉ từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước đã tăng 40 – 50% khiến nhiều người xây nhà gặp khó, nhà thầu rơi vào cảnh đang có lời hóa ra lỗ, doanh nghiệp bất động sản thì đau đầu tính tăng giá nhà.

Trước diễn biến này, không ít ý kiến, trong đó có cả Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam, nêu nghi vấn liệu “có sự bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao?

Trả lời phóng viên VTC News, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA)  cho rằng không có sự thao túng.

Ông Đa nói: “Tôi cho rằng, không có hiện tượng đầu cơ, thao túng. Thị trường thép là thị trường rất cạnh tranh, có đến mấy chục nhà sản xuất chứ không phải 2- 3 ông làm mà bắt tay nhau được.”

Ông Đa nói thêm: “Vấn đề là thị trường không khan hiếm các loại thép thành phẩm, cũng không phải găm hàng, cung cầu thị trường, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. Doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận, họ luôn hành động theo tín hiệu của thị trường.”

Về câu hỏi Bộ Xây dựng vừa qua cho rằng, giá thép tăng đột biến, không đúng quy luật thị trường.?. Ông Đa nói: “Quan điểm của tôi là giá thép đang vận hành đúng theo quy luật thị trường.”

Ông nói thêm: “Chúng ta bất ngờ về sự tăng mạnh, tăng nhanh của nhiều hàng hóa, kim loại cơ bản chứ không chỉ là thép, nhưng không phải là sự bất thường, tăng có nguyên nhân xuất phát từ cung cầu thị trường. Thị trường thép toàn cầu đều chứng kiến đợt tăng giá mạnh này.”

Tổng hợp