Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 6/6: Thêm 102 ca COVID-19; Ngành y tế...

Tin trong nước trưa 6/6: Thêm 102 ca COVID-19; Ngành y tế Bình Dương ra thông báo khẩn

0
424
Ảnh tổng hợp.

Thêm 102 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế trưa 6/6 ghi nhận 102 ca dương tính, gồm tại Bắc Giang 69, Bắc Ninh 14, TP HCM 10, Hà Tĩnh 5, Hà Nội và Bình Dương đều 2.

102 ca mới được ghi nhận từ số 8581-8682, trong đó 100 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Như vậy từ sáng đến trưa nay thêm 141 ca Covid-19 trong nước được Bộ Y tế công bố. Số ca nhiễm trưa nay đưa tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang 3.058, Bắc Ninh 1075, Hà Nội 436 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 94 ca, 51 ca ở Bệnh viện K), TP HCM 365, Bình Dương 7.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 5.562, ghi nhận ở 39 tỉnh thành. 15 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Ngành y tế Bình Dương ra thông báo khẩn

Ngành y tế Bình Dương đề nghị những ai đến các địa điểm trong khoảng thời gian sau đây cần đến ngay cơ sở y tế xã, phường, thị trấn khai báo y tế để được hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

1. Quán cà phê Yes (số 2 Truông Tre, TP. Dĩ An) từ 17h ngày 30/5.

2. Cơm niêu Hoàng Vân (phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An) từ 12h ngày 31/5.

3. Nhà xe Thành Công (7A/12 Khu phố Bình Đức, phường Bình Hòa, TP. Thuận An, gần cầu Ông Bố) từ 15h30 ngày 1/6.

4. Tiệm cắt tóc (đường Nguyễn An Ninh, TP. Dĩ An, trước quán có xe cà phê) từ 17h ngày 1/6.

5. Quán sinh tố (đường Trần Quốc Toản, TP. Dĩ An, gần bún mắm Cô 5) từ 21h30 ngày 1/6.

6. Lotte Bình Dương từ ngày 30/5.

7. Tiệm photo Lâm Hồ Hải (292 Nguyễn An Ninh, TP. Dĩ An) từ 14h30 ngày 1/6.

8. Tiệm NET GAMING (phường Đông Hòa, TP. Dĩ An) từ 21h ngày 29/5.

Bắc Giang thông tin về tin đồn công nhân tử vong sau tiêm vắc-xin COVID-19

Thanh niên 28 tuổi tiêm vắc-xin COVID-19 được hai ngày, đột nhiên đau đầu, cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, sau đó tử vong, Bộ Y tế khẳng định không liên quan đến vắc-xin COVID-19.

TTXVN dẫn thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, tối ngày 4/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân Q.V.Đ. (SN 1993, quê tỉnh Điện Biên; hiện cư trú tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Bệnh nhân làm việc tại công ty Luxshare, được tiêm phòng vắc-xin phòng COVID-19 từ ngày 2/6, sau tiêm sức khỏe ổn định.

Trước đó, theo thông tin gia đình cho biết, bệnh nhân đang ngồi nói chuyện thì bị đau đầu. Bệnh nhân Q.V.Đ. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím, đầu chi lạnh, niêm mạc hồng nhạt, đồng tử hai bên giãn 4 mm, không có phản xạ ánh sáng. Tim nhịp chậm, mờ, tần số 50 lần/phút. Huyết áp 180/90 mmHg, phổi thông khí giảm hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán lúc vào viện là hôn mê, theo dõi xuất huyết não.

Bệnh nhân được tiến hành đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tới 21 giờ 10 phút, bệnh nhân hôn mê sâu, tiến hành sốc điện 2 lần xuất hiện nhịp tim trở lại; 30 phút sau bệnh nhân được chụp CTscan sọ não, kết quả cho thấy có hình ảnh xuất huyết não kích thước lớn bán cầu đại não phải, chảy máu khoang dưới nhện vùng thái dương và tiểu não 2 bên, phù não lan tỏa.

Tới 10 giờ ngày 5/6, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, không có phản xạ ánh sáng.

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Lò Văn Pọm, bí thư Đảng ủy xã Noong Luống cho biết, sau khi người nhà bệnh nhân đã xin ra viện và đưa về nhà thì anh Đ. đã qua đời, được chính quyền địa phương và gia đình tổ chức mai táng. Nam công nhân này có vợ là đối tượng F1 đang cách ly tập trung.

Không chịu ở yên tại nhà, nam thanh niên bị khống chế đi cách ly tập trung

Dantri – Chiều tối 5/6, lãnh đạo phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết lực lượng chức năng vừa khống chế L.V.S. (SN 1983, ngụ khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đưa vào cách ly tập trung.

Trước đó, ngày 1/6, L.V.S. từ TP.HCM về Bạc Liêu và buộc cách ly y tế tại nhà 14 ngày để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, S. lại không chấp hành quy định, thường xuyên đi ra ngoài uống rượu, còn rủ bạn bè tới nhà nhậu.

Chính quyền địa phương buộc S. ký cam kết không tái phạm nhưng S. vẫn không chấp hành. Chiều 4/6, lực lượng chức năng đã cưỡng chế đưa S. vào khu cách ly tập trung.

Một lãnh đạo phường Nhà Mát cho biết do S. uống rượu, đi lại lung tung ở địa phương nên việc đưa vào cách ly tập trung cũng là đảm bảo an toàn cho việc phòng, chống dịch.

Bắc Giang lên phương án đưa người lao động về địa phương cách ly

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Cơi – giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Bắc Giang – khẳng định: “Tỉnh Bắc Giang đang trao đổi với các tỉnh bạn đưa ra giải pháp tốt nhất để công nhân lao động trở về địa phương, nơi thường trú để tiếp tục theo dõi, cách ly”.

Ông Cơi cho hay: “Khi dịch xảy ra thì Bắc Giang “giữ chân” người lao động để hạn chế lây lan dịch bệnh ra toàn quốc. Bây giờ, mật độ công nhân lao động tại các nhà trọ trong khu vực cách ly xã hội, khu vực giãn cách mà chủ yếu là huyện Việt Yên rất đậm đặc, số lượng khoảng vài chục nghìn người dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo”.

Tổ công tác liên ngành của tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với chính quyền các huyện rà soát từng khu vực cách ly để nắm bắt từng nhà trọ có bao nhiêu công nhân, làm ở doanh nghiệp nào, quê quán ở đâu, có nguyện vọng cá nhân ra sao.

Sau đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp lại và báo cáo lãnh đạo Bắc Giang để trao đổi với các tỉnh, thành phố khác thống nhất phương án bàn giao công nhân đủ điều kiện ra khỏi khu vực cách ly, trở về nơi thường trú để tiếp tục theo dõi, cách ly.

Ông Cơi lưu ý, công nhân phải đáp ứng điều kiện xét nghiệm âm tính tối thiểu 3 lần theo quy định. Một số nơi đang có dịch như Hà Nội, Bắc Ninh hay các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh dù gần, có nhiều người lao động cũng không thể đưa công nhân trở về. Trong khi những công nhân ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Bình đáp ứng đủ điều kiện cách ly an toàn có thể trở về địa phương.

Người lao động có nguyện vọng trở về địa phương chuẩn bị sẵn các giấy tờ như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, kết quả xét nghiệm COVID-19, giấy chứng nhận đã hoàn thành thời gian cách ly (nếu có)… để phục vụ kiểm tra, đối chiếu.

Anh Nguyễn Văn Chí, chủ tịch công đoàn Công ty Crystal Martin (Khu công nghiệp Quang Châu), cho biết qua nắm bắt tình hình, rất nhiều công nhân ngoại tỉnh mong muốn trở về nhà để hồi sức sau thời gian cách ly trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

“Mong muốn của người lao động là các chính sách trợ cấp khi quay về quê. Công ty cũng cần giúp đỡ người lao động trong giai đoạn này như xe đưa đón người lao động về quê và điều quan trọng là phải tuyên truyền các địa phương khi tiếp nhận người lao động từ vùng dịch về phải có các chính sách hỗ trợ khi cách ly tại nhà”, anh Chí chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Nam Hải – công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên – bộc bạch: “Quê mình ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Mấy tháng vừa rồi không về nhà nên rất nhớ con. Mình mong công ty hoặc Nhà nước chi trả chi phí cách ly. Khi nào công ty sản xuất trở lại thì mình sẵn sàng quay lại làm việc”.

Nữ sinh 14 tuổi ‘mất tích’ bí ẩn nhiều ngày liền

Trao đổi với báo Dantri chiều tối ngày 5/6, anh Lê Văn Huân (trú tại xóm Trung Hồng, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, sau nhiều ngày tìm kiếm, gia đình vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về con gái. Hiện gia đình đã trình báo công an, đồng thời đăng các thông tin về cháu lên mạng xã hội, mong tìm được con gái mình.

Anh Huân cho biết, vào khoảng 15h chiều ngày 31/5, con gái anh là cháu Lê Khánh Vân (SN 2007, học sinh lớp 8) mặc áo khoác chống nắng rồi đi bộ ra khỏi nhà. Mãi không thấy Vân về mọi người mới tá hỏa đi tìm, nhưng chưa có bất kỳ tung tích gì của con gái.

Thông tin từ gia đình cho biết, nữ sinh Lê Khánh Vân cao khoảng 1,55 m, nặng khoảng 45 kg, khi đi mặc chiếc áo khoác chống nắng màu sọc. Trước khi rời khỏi nhà, Vân không có bất cứ biểu hiện gì khác thường, cũng không có mâu thuẫn gì trong gia đình. Vân cũng không mang theo tiền bạc hay điện thoại khi rời nhà.

Gia đình anh Huân mong ai có thông tin, liên hệ gia đình qua số điện thoại 033.5801.800 hoặc 0971.558.234.

Gò Vấp và nhiều quận huyện tại TP.HCM sắp có mưa to, dông lốc

Dantri – Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ vừa phát đi thông tin cảnh báo mưa dông, sét trên khu vực.

Theo đài khí tượng, qua theo dõi diễn biến thời tiết và ảnh radar cho thấy mây đối lưu đang phát triển, gây mưa trên khu vực huyện Cần Giờ, quận Gò Vấp (TP.HCM) và một số địa phương lân cận.

Trong vòng 3 ngày tới, mây đối lưu sẽ tiếp tục phát triển, gây mưa cho toàn khu vực. Mây đối lưu có xu hướng di chuyển theo hướng đông – đông bắc, có khả năng mở rộng sang các khu lân cận khác gây mưa dông, mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, TP.HCM bắt đầu có thời tiết dịu mát, nhiều mây. Mưa rào sẽ xuất hiện ở một số khu vực thuộc quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và TP. Thủ Đức.

Và trong hôm nay (6/6), TP.HCM sẽ có mưa trên toàn địa bàn. Một số nơi được dự báo có mưa lớn và dông là quận 12 và TP. Thủ Đức.

Chủ khu nhà trọ cách ly giảm tiền phòng, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khách trọ

Thanhnien – Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, từ 29/5 khu nhà trọ do chị Châu (32 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nằm trong con hẻm 352/17 Bình Quới, Q.Bình Thạnh đã bị phong tỏa do có ca nghi nhiễm Covid-19. Với giá thuê 1,8 – 2 triệu đồng, khu nhà trọ gồm 14 phòng của chị Châu hầu hết là bán vé số, phụ hồ… từ khi bị phong tỏa, mọi người trong khu trọ đều mất đi thu nhập.

Chị Châu chia sẻ: “Không giống như những đợt dịch trước, lần này không chỉ những người thuê trọ phải cách ly, mà cả gia đình tôi cũng phải cách ly. Ngoài nguồn thu từ dãy trọ, tôi còn buôn bán sỉ quần áo, tuy nhiên vào đợt dịch Covid-19 hàng hoá nhập về đều tồn lại vì đang cách ly nên không thể giao hàng ra bên ngoài cho khách”.

Dù gặp khó khăn trong việc buôn bán và thu nhập bị giảm đi, nhưng từ đầu tháng 6, chị Châu đã bàn bạc với gia đình và thống nhất dán thông báo “giảm 50% tiền thuê trọ cho mỗi phòng” nhằm giúp đỡ một phần chi phí sinh hoạt cho khách trọ.

Nhận được sự hỗ trợ từ gia đình chị Châu, khách trọ ở đây đều cảm kích. Anh Quân (50 tuổi) là một trong những người dân thuê trọ tại đây hơn 1 năm chia sẻ: “Những ngày cách ly tại khu trọ không thể đi làm được, thật sự khó khăn. Khi nhận được sự hỗ trợ từ gia đình chị Châu tôi rất biết ơn. Không những được giảm tiền trọ, mà còn được phát đồ ăn sáng, gạo, đồ dùng…”

Chị Châu tâm sự: “Vào đợt dịch này, khách trọ buộc phải cách ly nên dù tôi có giảm đến 50% tiền phòng thì miếng cơm manh áo của người thuê trọ vẫn chật vật hơn bao giờ hết”. Để hỗ trợ thêm cho mọi người, gia đình chị Châu cùng một số mạnh thường quân đã quyên góp, phân phát các thực phẩm cần thiết như mì gói, gạo, dầu ăn… gửi đến cho các khách trọ ở đây. Đối với những hộ có trẻ nhỏ, chị Châu vận động mạnh thường quân để gửi thêm sữa, quà bánh…

Tương tự, tại khu trọ hẻm 477 Nguyễn Văn Công, Q. Gò Vấp, anh Phan Tấn Trí (30 tuổi) quản lí khu trọ cũng đang thực hiện cách ly tại đây. Anh Trí cho biết khu trọ của anh bị phong tỏa từ ngày 29.5 với 62 phòng trọ, đa phần là sinh viên, công nhân và lao động tự do. Ngoài ra, tại khu trọ còn có trẻ nhỏ, cần được hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm.

Anh Trí cho biết: “Nhờ có công tác thiện nguyện của mạnh thường quân bên ngoài gửi quà, nên người dân trong khu trọ cũng được hỗ trợ phần nào. Những ngày cách ly, mọi người trong khu trọ vẫn động viên tinh thần và giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua cơn đại dịch. Tính đến ngày 5.6 khu trọ đã tổ chức được 4 buổi nấu ăn thiện nguyện để phân phát cho người ở trọ”.

Còn tại khu trọ ở khu phố 6, P.14, Q.Gò Vấp, chị Đào Thị Hoa một chủ nhà trọ tại đây cho biết, từ khi Q.Gò Vấp áp dụng chỉ thị 16, chị đã cùng các chủ trọ khác vận động mạnh thường quân hỗ trợ các nhu yếu phẩm như gạo, mì gói… để hỗ trợ cho khách thuê trọ ở đây.

“Sáng nay (5.6) tôi đã cùng các chủ trọ khác ở khu phố 6 đã trao 50 phần quà gồm gạo, mì tôm hỗ trợ cho khách trọ tại đây. Đa phần ở đây đều là công nhân và lao động tự do, vào thời điểm giãn cách xã hội, tại khu trọ có người còn việc, nhưng người thì bị mất việc, thu nhập bấp bênh. Nếu thời gian tới tình hình dịch vẫn kéo dài, khách trọ gặp khó khăn tôi sẽ giảm tiền phòng để hỗ trợ”.

Tổng hợp