Trang chủ Tin tức Tin trong nước trưa 11/6: Thêm 82 ca COVID-19; Xuất hiện 3...

Tin trong nước trưa 11/6: Thêm 82 ca COVID-19; Xuất hiện 3 ca F0 ở công ty có hơn 10.000 lao động

0
383

Tin trong nước trưa 11/6: Thêm 82 ca COVID-19; Xuất hiện 3 ca F0 ở công ty có hơn 10.000 lao động

 

Ảnh tổng hợp.

Thêm 82 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế trưa 11/6 ghi nhận 82 ca dương tính nCoV, gồm 81 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.

82 ca mắc mới được ghi nhận từ số 9836-9917. 81 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 45, TP HCM 18, Bắc Ninh 9, Hà Nội 5, Hà Tĩnh 4. Trong đó 77 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Có 17 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

TP.HCM: Xuất hiện 3 ca F0 ở công ty có hơn 10.000 lao động

NLD – Cả 3 công nhân này đang làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ngày 11/6, cơ quan chức năng tiến hành điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hơn 3.500 công nhân.

Đây là 3 ca bệnh liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở Xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, hiện đã được đưa đi cách ly. 84 lao động làm chung với 3 công nhân này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng để xử lý theo quy định.

Trước đó, khi nhận được thông tin, Công ty TNHH Việt Nam Samho (Huyện Củ Chi, TP.HCM) đã cho công nhân ở 3 xưởng nêu trên tạm nghỉ từ ngày 10-6 để khoanh vùng và xác định các trường hợp liên quan. Đồng thời, lập tực triển khai các giải pháp ứng phó nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm.

Cụ thể, công ty bố trí riêng điểm giữ xe, lối ra vô riêng, giờ ăn riêng cho công nhân thuộc khu nhà A; giờ ăn của các khu khác được bố trí lệch giờ với khu A; thực hiện khử khuẩn toàn bộ nhà máy hàng ngày; yêu cầu người lao động phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế hàng ngày.

Để đảm bảo người lao động thực hiện nghiêm, nhân viên an toàn sẽ giám sát việc thực hiện tuần tra và giám sát công tác phòng dịch tại các xưởng, bộ phận bảo vệ và an ninh kiểm soát tại các cổng ra vào; thông tin rộng rãi đường dây nóng của công ty để người lao động báo cáo các vấn đề liên quan dịch bệnh nhằm kịp thời xử lý.

Công ty TNHH Việt Nam Samho đang sử dụng khoảng 10.000 lao động. Ngoài các bộ phận tạm thời ngừng việc, sáng nay công ty vẫn hoạt động bình thường.

Bắc Giang sẽ đưa 30.000 công nhân về các tỉnh

VnExpress – 30.000 công nhân ngoại tỉnh đang tập trung ở huyện Việt Yên, Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, sẽ được đưa về các tỉnh thành trong bốn ngày, từ 12 đến 15/6.

Lao động về quê đợt này là công nhân nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; người cao tuổi có bệnh lý nền; các F0 đã khỏi bệnh; F1 hoàn thành cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính và đủ điều kiện theo dõi sức khỏe tại nhà; lao động trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội đã được sàng lọc, xét nghiệm Realtime – PCR âm tính nhiều lần và muốn về quê.

Theo lãnh đạo Bắc Giang, khi dịch bùng phát mạnh, tỉnh đã kêu gọi công nhân ở lại và giữ chân hơn 60.000 người từ 61 tỉnh, thành phố; nếu không sẽ thêm nhiều nơi ghi nhận dịch. Công nhân ở lại được hỗ trợ đời sống và chăm sóc y tế.

Song Bắc Giang đang gặp áp lực lớn về khu cách ly tập trung khi có hơn 22.000 F1, đặc biệt là tâm dịch Việt Yên. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, Bắc Giang lên kế hoạch tạm thời đưa công nhân tỉnh nào về tỉnh đó.

Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bắc Giang, cho biết các khu công nghiệp khôi phục hoạt động song nhu cầu sử dụng lao động còn thấp. Khoảng 10.000 người đủ điều kiện đi làm trở lại nhưng thực tế chỉ một nửa số đó có việc. Công nhân sau này có thể quay lại Bắc Giang làm việc bình thường khi nhà máy khôi phục hoạt động 100%.

“Chúng tôi trao đổi thì Bắc Ninh, Hà Tĩnh đang bùng phát dịch nên không đưa lao động về, các tỉnh còn lại lên kế hoạch đón người về”, ông Cơi nói.

Nếu chưa giảm tải được một nửa lao động như kế hoạch, Bắc Giang sẽ ưu tiên các tỉnh đông công nhân như Cao Bằng, Thái Nguyên trên 3.000 người; Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang mỗi tỉnh từ 2.000 đến 3.000 người. Xe đưa đón công nhân trở về do các địa phương sắp xếp. Nếu không bố trí được xe, Bắc Giang sẽ hỗ trợ thuê. Địa điểm đón công nhân tại nơi đang tạm trú ở Bắc Giang, hạn chế di chuyển nhiều làm lây lan dịch bệnh.

Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện trong hôm nay rà soát xong, lên danh sách lao động từng địa phương theo thứ tự ưu tiên, trước hết trong khu cách ly tập trung, khu dân cư đang cách ly, giãn cách xã hội và ngoài cộng đồng. Chính quyền thông báo cho lao động các tỉnh thời gian, địa điểm đón, đưa công nhân về đúng kế hoạch. Các chốt kiểm dịch tạo điều kiện cho xe đi qua.

Trong ngày 10-11/6, Lạng Sơn sẽ đưa hơn 1.000 trong số 4.000 lao động đang ở Bắc Giang về quê. Ngành giao thông tỉnh Lạng Sơn điều xe khách xuống đón lao động về, dọc đường không dừng nghỉ. Mỗi xe có một cán bộ công an, y tế đi cùng. Ngành y tế sẽ phân loại công nhân nguy cơ cao – thấp để quyết định cách ly tiếp hay theo dõi sức khỏe tại nhà.

Lời khai của gã cướp váy để tặng bạn gái

VnExpress – Phạm Ngọc Tú, 33 tuổi, vờ là khách vào tiệm thời trang mua đồ, rồi rút dao bầu đe doạ nhân viên, cướp váy mang về tặng bạn gái.

Ngày 10/6, Tú đang bị Công an quận Đống Đa tạm giữ hình sự để làm rõ hành vi cướp tài sản trong vụ án khởi tố cùng ngày. Tú có hai tiền án liên quan tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Tú khai không có tiền tiêu xài và tiền mua quà tặng bạn gái nên nảy sinh ý định đi cướp tài sản. Khoảng 12h30 ngày 4/5, Tú mặc quần bò đen, áo trắng, đi giày trắng và đeo khẩu trang đi lang thang quanh phố Nguyễn Ngọc Doãn, phường Quang Trung, quận Đống Đa tìm cửa hàng sơ hở.

Khi phát hiện một cửa hàng quần áo nữ chỉ có một nhân viên đang đứng bán hàng, Tú giấu dao bầu nhọn trong người rồi bước vào vờ hỏi mua quần áo tặng bạn gái. Chọn được một chân váy, 2 áo sơ mi có giá tổng cộng 900.000 đồng, Tú yêu cầu thanh toán tiền bằng cách chuyển khoản và được chấp nhận. Anh ta sau đó nói sẽ chuyển khoản cho nữ nhân viên 1,5 triệu đồng và lấy lại 600.000 đồng.

Nữ nhân viên đồng ý và vừa đưa cho Tú 600.000 đồng thì bị anh ta cướp luôn cùng chiếc điện thoại di động. Thấy nạn nhân có ý định la hét kêu cứu, Tú rút dao dí vào cổ doạ giết và lấy nốt số tiền trong tủ quần áo. Khi định lấy nốt chiếc máy tính xách tay thì nạn nhân van xin: “Anh ơi máy tính cho em để em học ạ”. Thấy vậy Tú đáp: “Thế thôi không lấy máy tính nhưng thêm một cái quần chíp nhé”.

Cướp xong, Tú cầm túi quần áo bước chậm ra khỏi cửa hàng. Dọc dường bỏ trốn, Tú vứt sim điện thoại rồi mang máy đi chạy lại phần mềm. Anh ta sau đó đến nhà bạn gái ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa đưa hết túi quần áo tặng bạn gái và nhờ cầm hộ chiếc điện thoại.

17h cùng ngày, Tú bị bắt trên phố Khâm Thiên.

Nguyên phó chánh văn phòng huyện ủy bị truy tìm

Công an truy tìm Mã Thị Ngọc Nga, nguyên phó chánh văn phòng Huyện ủy Đức Trọng, do đã đi khỏi nơi cư trú trước khi bị khởi tố với cáo buộc lừa 7,3 tỷ đồng.

Ngày 11/6, trong thông báo truy tìm bà Nga, 43 tuổi, Công an huyện Đức Trọng cho biết đã khởi tố bị can về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5 đến tháng 8/2020, bà Nga đã lợi dụng chức Phó chánh văn phòng Huyện ủy Đức Trọng để đưa ra nhiều thông tin không có thật, vay tổng cộng 7,3 tỷ đồng của nhiều người. Số tiền này, bà Nga dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Bà Nga không trả được nợ như đã hẹn, các bị hại làm đơn tố cáo. Ngày 8/1, sau khi có kết quả xác minh, Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng quyết định khai trừ đảng, buộc thôi việc bà này.

Bị nợ lương, công nhân môi trường cay đắng vay nợ, lượm ve chai sống qua ngày

Tuoitre – Từ đầu năm 2021, Công ty Minh Quân không còn trúng thầu ở quận Nam Từ Liêm nên những công nhân môi trường bị nợ lương thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn.

Ông Nguyễn Văn Đoàn (60 tuổi, quê Nam Định) lên Hà Nội làm nhân viên công ty môi trường từ năm 2010. Ông cho biết từ tháng 7-2020 đến nay công ty cứ hứa rồi khất lần không thanh toán tiền lương của ông và vợ.

Ông Đoàn nói: “Như vậy là họ nợ vợ chồng tôi 10 tháng lương, từ tháng 7 đến hết tháng 12-2020. Công nhân bức xúc lắm nhưng cũng không biết làm thế nào mặc dù đã gửi đơn lên chính quyền địa phương, công ty nhiều lần.

Chúng tôi làm không có ngày nghỉ, tết cũng phải trực nhưng đến nay lại bị nợ lương. Không chỉ tôi mà nhiều công nhân khác phải vay lãi, nhặt giấy vụn ở các khu chung cư để bán kiếm sống. Có ngày kiếm được vài chục, ngày nào may mắn thì gần 100.000 đồng…”.

Cũng như ông Đoàn, chị Nguyễn Thị Đào thu gom rác ở khu vực đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) thông tin công ty nợ lương khiến gia đình phải vay mượn trang trải qua những ngày dịch bệnh COVID-19.

Chị Đào chia sẻ: “Chồng đau ốm nên tôi là lao động chính trong gia đình. Làm mà không được trả lương trong khi công việc thì vô cùng độc hại. Từ đầu năm 2021 chúng tôi chuyển về công ty mới do công ty cũ không trúng thầu nữa, lương công ty mới trả phải đập vào tiền đã vay mượn trước đây nhưng vẫn chưa đủ”.

Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ, cho biết chỉ riêng địa bàn bà quản lý đã có khoảng 80 công nhân chưa được trả lương. Ngoài ra, theo bà Phương, nếu tính cả địa bàn quận Nam Từ Liêm thì có đến hàng trăm công nhân môi trường cũng đang “chung một cảnh ngộ”.

Bà Phương tâm sự: “Lương công nhân làm 30 ngày khoảng 5 triệu đồng trong khi lao động rất cực nhọc. Đến nay bình quân mỗi một công nhân ở tổ chưa được trả 5 tháng lương. Công nhân bức xúc lắm muốn nghỉ việc nhưng được động viên và phần cũng yêu công việc vệ sinh môi trường nên tiếp tục làm”.

Việt Nam ‘hoan nghênh’ Hoa Kỳ chia sẻ vaccine ngừa COVID-19

Gov – Ngày 10/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam “hoan nghênh” Hoa Kỳ chia sẻ hàng triệu liều vaccine cho toàn thế giới

Bà Hằng nói: “Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ công bố chiến lược chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 nhằm phân phối 25 triệu liều đầu tiên trên toàn thế giới, trong đó [có] các nước Đông Nam Á và Việt Nam”.

Trước đó, hôm 3/6, Hoa Kỳ cho biết sẽ viện trợ khoảng 7 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Ngoài việc “hoan nghênh” Mỹ, bà Hằng cũng nói thêm rằng “trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Việt Nam mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine, để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”.

VN lên tiếng về việc TQ hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream

Gov – Cũng tại cuộc họp báo, trước đề nghị của phóng viên đưa ra bình luận về việc thông tin Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Là quốc gia láng giềng đối với cả Trung Quốc và Campuchia, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống với cả Trung Quốc và Campuchia, cũng như mong muốn quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới.

Trước đó, hôm 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh xác nhận với Fresh News rằng Campuchia đã nhờ Trung Quốc giúp nâng cấp căn cứ hải quân Ream.

Theo ông Tea Banh, công tác nâng cấp cảng Ream đã bắt đầu và Trung Quốc đang gửi vật liệu xây dựng tới. Ông nhấn mạnh cảng Ream hoàn toàn thuộc về Campuchia và Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất được quyền tiếp cận cơ sở này.

Liên quan đến kế hoạch của chính phủ Campuchia sẽ di dời người gốc Việt sống trên Biển Hồ – Tonle Sap.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam hy vọng việc di dời được triển khai với lộ trình hợp lý, giúp người dân thuộc diện di dời sớm trở lại ổn định, bảo đảm an ninh xã hội.

Bà Hằng cũng cho biết Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã đề nghị Campuchia hỗ trợ người gốc Việt tái định cư, có chính sách giải quyết nhân đạo. Đồng thời lưu ý Việt Nam sẽ theo sát kế hoạch này.

Tổng hợp