Trang chủ Tin tức Tin trong nước sáng 12/6: Thêm 68 ca COVID-19, Việt Nam vượt...

Tin trong nước sáng 12/6: Thêm 68 ca COVID-19, Việt Nam vượt 10.000

0
449
Ảnh tổng hợp.

Thêm 68 ca COVID-19, Việt Nam vượt 10.000

VnExpress – Bộ Y tế sáng 12/6 ghi nhận 86 ca dương tính, gồm tại Bắc Giang 29, TP HCM 20, Tiền Giang 10, Bắc Ninh 8, Lạng Sơn một, nâng tổng số ca Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay lên 10.048.

Bộ Y tế sáng 12/6 ghi nhận 86 ca dương tính, gồm tại Bắc Giang 29, TP HCM 20, Tiền Giang 10, Bắc Ninh 8, Lạng Sơn một, nâng tổng số ca Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay lên 10.048.

68 ca mới được ghi nhận từ số 9981-10048, trong đó 64 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc phong tỏa.

Số nhiễm mới nâng tổng số ca tại Bắc Giang lên 3.820, Bắc Ninh 1.263, TP HCM 630, Lạng Sơn 96, Tiền Giang 13.

Như vậy, tổng số ca Covid-19 tính từ đầu năm 2020 đến nay tại Việt Nam đã vượt 10.000, bao gồm cả ca nhiễm cộng đồng và ca nhập cảnh cách ly ngay. Tổng số người được điều trị khỏi Covid-19 từ đầu dịch đến nay là 3.804, số ca tử vong 57.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 6.849, ghi nhận ở 39 tỉnh thành.

21 tỉnh gồm Bạc Liêu, Điện Biên, Đồng Nai, Gia Lai, Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

8 tỉnh gồm Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Vụ văn bản ‘phải trả phí tiêm vắc xin’, Hà Nội ra văn bản chấn chỉnh

Tuoitre – Tối 11/6, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng có văn bản hỏa tốc trong đó yêu cầu cầu rà soát, kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh việc ban hành văn bản với nội dung “đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhưng chi phí người dân, doanh nghiệp tự chi trả…”.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 11-6, chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Anh Dũng khẳng định việc UBND huyện Thường Tín và thị trấn Đông Anh vừa qua ban hành văn bản có nội dung người dân, doanh nghiệp, công nhân tự chi trả phí tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là chưa phù hợp với chủ trương của TP Hà Nội.

Ông Dũng nói: “Địa phương nào thực hiện chưa đúng, chúng tôi sẽ có văn bản chấn chỉnh”.

Đối với nội dung “khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn chủ động nguồn kinh phí để đảm bảo việc tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp, đơn vị” nêu trong văn bản 1712/UBND-KT của TP Hà Nội gửi Sở Tài chính và các địa phương, ông Dũng cho rằng điều này phù hợp với nghị quyết 21 của Chính phủ.

Hôm 11/6, UBND huyện Thường Tín đã thu hồi văn bản về việc yêu cầu đăng ký tiêm vắc xin và ủng hộ quỹ vắc xin ngừa COVID-19, trong văn bản này có nội dung “kinh phí tiêm vắc xin do tổ chức, doanh nghiệp người lao động tự chi trả, dự kiến 350.000 đồng/người”.

Trước đó, ngày 10-6, UBND thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cũng đã thu hồi văn bản khảo sát nhu cầu sử dụng vắc xin COVID-19, trong văn bản này có nội dung “kinh phí tiêm vắc xin sẽ do người sử dụng tự chi trả”.

Đà Nẵng bắt nữ giám đốc đưa người TQ  nhập cảnh dưới danh nghĩa “chuyên gia”

Cand – Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Thành phố Đà Nẵng hôm 11/6 đã khởi tố và bắt giam một nữ giám đốc và một người Trung Quốc vì tội “tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép” dưới danh nghĩa chuyên gia.

Truyền thông trong nước cho biết, hai người bị bắt giữ là bà Nguyễn Thị Kim Anh (42 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng, giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Việt Nam Boviet) và ông Jiang Fei (quốc tịch Trung Quốc).

Cơ quan điều tra cho biết, bà Kim Anh đã từng lao động tại Đài Loan và quen biết với ông Jiang Fei. Sau khi về Việt Nam, bà Kim Anh được đề nghị thành lập Công ty TNHH Quản lý đầu tư Việt Nam Boviet và làm giám đốc với mức lương 12 triệu đồng mỗi tháng.

Công ty Boviet bị xác định thành lập từ tháng 9/2019 nhưng không có trụ sở và không kinh doanh.

Tháng 3/2021, ông Jiang Fei nhờ bà Kim Anh sử dụng tư cách pháp nhân của công ty Boviet để bảo lãnh một người Trung Quốc là ông Wang Xu vào Đà Nẵng dưới danh nghĩa chuyên gia.

Công an Đà Nẵng cho biết ông Wang Xu là bạn của ông Jiang Fei và dự định sau khi vào Việt Nam sẽ làm việc cho ông Jiang Fei.

Bà Kim Anh nói nhận 60 triệu đồng để làm hồ sơ và giao cho công ty dịch vụ để đưa chuyên gia giả mạo Trung Quốc vào Việt Nam.

Báo trong nước không cho biết ông Wang Xu đã được nhập cảnh vào Việt Nam hay chưa.

Hơn 800 F1 xét nghiệm âm tính, Hà Tĩnh tiếp tục thông báo tìm người

VnExpress – 839 người liên quan 26 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Hà Tĩnh, tối 11/6 kết quả xét nghiệm âm tính nCoV. CDC thông báo khẩn tìm người đến 18 điểm liên quan ca nhiễm.

Đến nay, ngành y tế đã truy vết được 931 F1, gần 9.000 F2. Tại các vùng phong tỏa, nhà chức trách đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng hơn 55.000 mẫu F2, tất cả kết quả đều âm tính.

Những ngày tới, ngoài truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các địa phương xuất hiện dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh thông báo khẩn tìm người từng đến địa điểm mà các ca Covid-19 từng đến, trong đó một số điểm liên quan các ca mới.

CDC yêu cầu tất cả người có mặt trong các địa điểm và thời gian dưới đây, liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ, gọi điện đến các đường dây nóng 0961 202 026 để khai báo và tư vấn.

– Quán nước chè trên đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh (gần trụ sở Bảo hiểm Xã hội Hà Tĩnh) từ 20h đến 21h, ngày 1/6.

– Quán 5G, thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, từ 18h40 đến 20h ngày 2/6.

– Quán Ngọc Phát, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, từ 19h đến 21h, ngày 3/6.

– Quán Tít, 160, đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh từ 16h đến 16h30, ngày 4/6.

– Siêu thị Mini Vinmart, 191 đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh từ 10h đến 10h20, ngày 6/6.

– Đại lý Thủy Thùy, 190 Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh khoảng 10h30, ngày 6/6.

– Nhà thuốc Sỹ Ngọ, đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh khoảng 21h, ngày 7/6 và khoảng 8h ngày 10/6.

– Đại lý chị Xuân Liên, 353 đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh khoảng 9h30 phút, ngày 8/6.

– Quầy hoa quả số 126 đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh (phía sau chợ Vườn ươm), phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, khoảng 10h, ngày 8/6.

– Quầy thuốc tây số 29 đường Hàm Nghi, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh, từ 19h đến 19h10, ngày 9/6.

– Khu vực lấy mẫu xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa TTH Hà Tĩnh, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, khoảng 10h30 phút, sáng 10/6.

– Quầy hoa quả 2 Tuyết Hùng, số 26 ngõ 15, đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, khoảng 9h45, ngày 10/6.

– Cửa hàng Điện máy Thành Nguyên số 555 Trần Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, 8h đến 9h, ngày 1/6.

– Cửa hàng xe đạp Hiếu Viện, 27 đường Nguyễn Chí Thanh, TP Hà Tĩnh, khoảng 10h, ngày 1/6.

– Quán bia hơi Trường Tín đối diện cây xăng cuối đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh khoảng 16h, ngày 2/6.

– Quán bia Hiền Phượng 476 quốc lộ 1A, thôn Tân Phú, Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, từ 17h30 đến 18h, ngày 3/6.

– Đám tang ở ngõ 3, đường Mai Thúc Loan, TP Hà Tĩnh khoảng 10h, ngày 4/6.

– Nhà hàng Bến Xưa, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, từ 19h15 đến 20h00, ngày 3/6.

Từ ngày 5/5 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 26 ca Covid-19 cộng đồng, trong đó nhiều ca liên quan đến hai vợ chồng về từ Bình Dương. 14 xã, phường (trừ xã Thạch Bình) ở TP Hà Tĩnh và 8 thôn ở xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà), đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, từ 12h ngày 8/6.

TP.HCM cân nhắc phương án cách ly F1 tại nhà

Vietnamnet – Chiều 11/6, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ, trả lời các vấn đề mà báo chí quan tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố đang cân nhắc phương án cách ly F1 tại nhà.

“Uu điểm của phương án này là người cách ly cảm thấy thoải mái về tâm lý. Tuy nhiên, liệu chúng ta có giám sát được sự tuân thủ của họ hay không và ý thức người cách ly như thế nào”, ông Hưng đặt câu hỏi.

Theo ông Hưng, nếu thực hiện phương án cách ly tại nhà, cần phải có sự phối hợp tốt với các lực lượng chức năng như y tế cơ sở, công an khu vực, tổ Covid-19 cộng đồng… để giám sát người cách ly. Nhưng ông Hưng cũng thừa nhận là việc này rất khó, phải có phương án đảm bảo an toàn nhất mới có thể thực hiện.

Về thời gian cách ly của các khu vực bị phong tỏa, ông Hưng cho biết điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cụ thể, tùy vào thời điểm phát hiện ca nhiễm, mức độ tiếp xúc, lây lan ra khu vực. Do đó, không thể đưa ra thời hạn nhất định mà phải đánh giá nguy cơ, để khi giải tỏa phải thực sự đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nếu đánh giá chưa an toàn, khu vực hay địa điểm đó có thể bị phong tỏa, cách ly nhiều hơn 14 ngày.

Tuy nhiên, gần đây, một số tòa nhà văn phòng khi phong tỏa thì những người trong tòa nhà được đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Sau khi ngành y tế khử khuẩn, đánh giá không còn yếu tố nguy cơ thì có thể giải tỏa càng sớm càng tốt. Nếu các tòa nhà hoạt động trở lại, ngành y tế yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho người làm việc và những người đến liên hệ công tác.

Ngành y tế lưu ý các nhân viên chỉ đi làm khi hết thời gian cách ly. Nếu không, công ty, doanh nghiệp phải đưa nhân viên mới vào làm việc.

Lợi dụng dịch bệnh COVID-19, lừa đảo hết người này đến người khác

Plo – Nói dối có người thân là công an có nguồn khẩu trang sỉ, Hà Thị Như Quỳnh đã lừa từ người quen của bạn đến cả hàng xóm.

Ngày 9/6, TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) xử sơ thẩm đã tuyên phạt Hà Ngọc Huỳnh Giao (tên khác Hà Thị Như Quỳnh, sinh năm 1992) ba năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo cần xử thật nghiêm.

Tháng 10/2019, Giao dùng tên khác kết bạn qua mạng xã hội với một người bạn. Tháng 2/2020, Giao thường đến nhà của người bạn này trên đường Nguyễn Thị Định (phường Cát Lái, quận 2 cũ) chơi.  Tại đây, Giao gặp chị Nguyễn Thị Hòa, người quen của bạn, đang làm nghề mua bán khẩu trang y tế. Giao tự giới thiệu mua được khẩu trang y tế quy mô lớn từ Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng vì có người thân làm trong ngành công an.

Từ đó, Giao rủ chị Hoà cùng làm ăn theo cách: “Để được mua khẩu trang với giá rẻ theo đơn giá 3,1 triệu đồng/thùng thì phải thanh toán tiền hàng trước, 7 đến 10 ngày sau sẽ nhận được hàng”.  Tin tưởng, sáng ngày 13/3/2020 trong đợt phòng chống dịch COVID-19, chị Hòa đã đưa cho Giao số tiền 46,5 triệu mua 15 thùng khẩu trang y tế. Nhưng đến ngày 25/3/2020, Giao chỉ giao cho chị Hòa hai thùng khẩu trang trị giá 6,2 triệu và hẹn tuần sau giao tiếp số còn lại.

Tuy nhiên, sau đó, chị Hòa không liên lạc được với Giao. Được một thời gian, Giao đã trả lại 40,3 triệu nên chị Hòa không làm đơn tố cáo. Cũng thời gian đó, chị Nguyễn Thị Chung, hàng xóm của chị Hòa, biết được việc mua bán khẩu trang y tế giữa Giao và chị Hòa nên chủ động nói chuyện riêng với Giao. Sau khi tìm hiểu nguồn gốc, tiêu chuẩn, chất lượng và giá cả nguồn hàng của Giao, chị đặt vấn đề mua sỉ rồi bán lẻ lại cho người khác sinh lời.

Lúc này, do cần tiền tiêu xài nên Giao nảy sinh ý định lừa chị Chung. Giao tiếp tục đưa thông tin giả là có ông anh làm bên ngành Công an có nguồn khẩu trang y tế giá rẻ cần bán ra bên ngoài để chị Chung tin tưởng . Sau đó Giao lên mạng tìm mua 20 hộp khẩu trang y tế và bán cho chị Chung với giá là 4,6 triệu và cho số điện thoại để liên lạc tạo lòng tin cho chị Chung.

Từ ngày 18/3/2020 đến 26/3/2020, chị Chung đã đưa tiền cho Giao nhiều lần để đặt các đơn hàng khác nhau. Để chị Chung tin tưởng thì Giao lấy tiền chị đưa mua lẻ một vài thùng khẩu trang được rao bán trên mạng về giao.

Để không nghi ngờ về việc không giao số lượng hàng hóa theo đúng thỏa thuận, Giao nói do bên công ty cung cấp khẩu trang đang nhận rất nhiều đơn hàng nên công nhân làm không kịp. Tổng cộng, chị Chung đã đưa cho Giao 112,1 triệu đồng cọc mua 50 thùng khẩu trang tại nhà và trước nhà phường Cát Lái.

Giao hứa hẹn sẽ giao đủ hàng cho chị Chung là ngày 28/3/2020, có ký nhận tiền đặt cọc vào sổ tay. Tuy nhiên, đến ngày 31/3/2020, Giao không có 50 thùng hàng khẩu trang giao như hẹn và tiêu xài hết tiền đã lấy của chị Chung nên bỏ trốn. Không thể tìm gặp Giao, chị Chung làm đơn tố cáo ra công an.

Tại CQĐT, Giao thừa nhận không quen biết ai và không mua được khẩu trang y tế giá rẻ và cần tiền xài nên đã lừa như trên.

TP.HCM: Phát hiện 5 con cá sấu ở Bình Chánh, mới bắt được 4

Tuoitre – Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM, từ ngày 13/4 đến 11/5, người dân đã phát hiện 5 con cá sấu, đã bắt được 4 con và 1 con thấy xuất hiện trên kênh thuộc địa bàn ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Sở NN&PTNT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM phản hồi thông tin người dân phát hiện cá sấu ngoài tự nhiên tại huyện Bình Chánh. Sau khi tiếp nhận phản ánh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức đoàn kiểm tra 4 trại nuôi cá sấu nước ngọt với số lượng gần 4.000 con tại huyện Bình Chánh. Qua kiểm tra, không phát hiện dấu hiệu chuồng nuôi xuống cấp, hư hỏng để cá sấu có thể sổng chuồng thoát ra ngoài tự nhiên.

Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đã làm việc với ông D.V.T. (ngụ xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh). Ông T. cho biết khoảng 15h ngày 13-4, khi đi thăm vườn thì phát hiện 1 con cá sấu nặng khoảng 70kg trong mương nuôi cá. Ông cùng một số người dùng điện chích cá bắt làm thịt tại chỗ.

Tại ấp 7, xã Phạm Văn Hai, người dân tên H. xác nhận có thấy người khác chích điện bắt 1 con cá sấu tại mương nội đồng gần nghĩa trang An Hạ.

Sở này cho biết thêm ngày 6-5, bà M.T.H. (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) đã giao nộp cho Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi 2 con cá sấu nước ngọt có trọng lượng 70kg/con bắt gần xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Đến ngày 11-5, ông N.V.N. (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) cũng phát hiện 1 con cá sấu có chiều dài khoảng 1m ở bờ kênh An Hạ.

Như vậy, từ ngày 13-4 đến 11-5, người dân đã phát hiện 5 con cá sấu, đã bắt được 4 con và 1 con thấy xuất hiện trên kênh thuộc địa bàn ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Trước tình hình đó, ngày 20-5, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm có công văn thông tin cá sấu xuất hiện ngoài tự nhiên trên địa bàn ấp 4 và ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Theo Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ cá sấu bị ngưng trệ, người nuôi càng nuôi càng lỗ, nên có khả năng người có ý thức kém cố tình thả cá sấu ra ngoài tự nhiên.

Sở cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cảnh báo người dân được biết và phối hợp truy tìm nguồn gốc cá sấu xuất hiện. Đồng thời, tuyên truyền người dân khi phát hiện cá sấu ngoài tự nhiên thì kịp thời báo cho chính quyền địa phương, không tự ý bắt giữ.

HLV Park Hang-seo bị cấm chỉ đạo ở trận Việt Nam gặp UAE

Tiền Phong – Ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Park Hang-seo từng phải nhận thẻ vàng ở trận hòa 0-0 với Thái Lan. Ở trận đấu đó, HLV tuyển Việt Nam bị cảnh cáo sau khi tranh cãi với trợ lý của HLV Nishino.

Đến đêm qua, HLV Park Hang-seo một lần nữa nhận thẻ từ trọng tài. Lần này, ông bị nhắc nhở, cảnh cáo vì phản ứng gay gắt với cầu thủ Malaysia, Liridon Krasniqi. Trong pha bóng ở phút 88, cầu thủ nhập tịch của Malaysia đã cố ý húc văng Hồng Duy ra bên ngoài sân khiến chiến lược gia người Hàn Quốc nổi nóng.

Từ ghế kỹ thuật, HLV Park Hang-seo đã lao ra sát đường biên dọc để mắng Liridon Krasniqi. Phản ứng mạnh của ông khiến cầu thủ Malaysia phải quay lại cúi người xin lỗi. Tuy nhiên, cả hai bên đều phải nhận thẻ vàng từ trọng tài Ryuji Sato.

Với thẻ vàng đáng tiếc này, HLV Park Hang-seo sẽ bị cấm chỉ đạo ở trận đấu tiếp theo. Đây là tổn thất cực lớn với tuyển Việt Nam, bởi lẽ chúng ta sẽ có trận “chung kết” bảng G với chủ nhà UAE. Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu bảng G với 17 điểm, nhưng chỉ hơn UAE 2 điểm.

Theo luật của AFC, HLV Park Hang-seo thậm chí không được tham dự họp báo trước trận đấu. Ông không được phép đến gần phòng thay đồ hay đến gần khu vực kỹ thuật của ĐT Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra trận đấu. HLV người Hàn Quốc sẽ phải theo dõi các cầu thủ từ xa và điều chỉnh thông qua bộ đàm với trợ lý.

Đây là lần thứ hai HLV Park Hang-seo bị treo quyền chỉ đạo trong màu áo ĐT Việt Nam. Năm 2019, ông cũng không được tham dự trận chung kết SEA Games vì nhận đủ hai thẻ vàng.

Tổng hợp