Trang chủ Tin tức Tin COVID-19 sáng 16/6: Vượt 11.000 ca COVID-19; Việt Nam triển khai...

Tin COVID-19 sáng 16/6: Vượt 11.000 ca COVID-19; Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

0
449
Ảnh tổng hợp.

Thêm 92 ca, Việt Nam vượt 11000 nghìn ca COVI-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 16/6 ghi nhận 92 ca dương tính nCoV, gồm 91 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.

92 ca mới được ghi nhận từ số 11213-11304. Trong đó, 91 ca ghi nhận tại Bắc Giang (61), TP HCM (19), Bắc Ninh (9), Hà Tĩnh (2). Trong số này, 90 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca tại Bắc Giang lên 4.462, Bắc Ninh 1.424, TP HCM 980, Hà Tĩnh 67. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay đã vượt 8.000, lên 8088, ghi nhận ở 40 tỉnh thành.

23 tỉnh gồm Bạc Liêu, Đăk Lăk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái, đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

10 tỉnh gồm Đồng Nai, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Yên Bái, đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

VnExpress – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều ngày 15/6 cho biết, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng 150 triệu liều vaccine Covid-19.

Ông nói: “Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở Việt Nam”.

Kế hoạch triển khai tiêm chủng lớn nhất này diễn ra khi Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Tính cả khoảng một triệu liều do Nhật Bản tặng vào ngày 16/6, Việt Nam nhận được gần 4 triệu liều vaccine. Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sáng 15/6 cũng cho biết, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, Việt Nam có thể nhận thêm hơn 1 triệu liều vaccine từ Covax Facility.

Dự kiến trong quý 3, khoảng 2 triệu liều vaccine Bộ Y tế mua từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC có thể về nước, ngoài ra còn có 3 triệu liều của Pfizer. Tuy nhiên, thời gian vaccine chuyển về Việt Nam có thể thay đổi. Các nguồn vaccine sắp tới cũng chưa rõ ràng về thời gian cung ứng và số lượng.

Tính đến 15/6, Việt Nam đã tiêm chủng cho trên 1,55 triệu người với gần 60.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Số người đã được tiêm chủng (một mũi) tương đương 2,1% số người có chỉ định tiêm chủng.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam phải tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, tương đương 150 triệu liều.

Bộ trưởng Long phân tích, khác với các lần trước, ở chiến dịch tiêm chủng này Việt Nam đã có kinh nghiệm. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vaccine sởi – rubella cho trẻ em. Tuy nhiên, do quy mô của chiến dịch này lớn hơn nhiều nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành.

“Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó một kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để khi vaccine về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc”, ông Long thông tin.

Ông Long đề nghị ngay từ bây giờ cần thiết lập rất nhanh các kho này, rà soát, kiểm tra lại các yếu tố liên quan đến hậu cần, vật chất, hệ thống dây chuyền lạnh, máy phát điện để bổ sung… nhằm đảm bảo các tiêu chí về bảo quản vaccine an toàn, tránh các tình huống không mong muốn xảy ra.

Theo Bộ trưởng, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng.

Để làm điều này, theo Bộ trưởng phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được tin nhắn mời tiêm, nếu đồng ý tiêm thì sẽ có tin nhắn phản hồi. Người dân sẽ biết thời gian tiêm và điểm tiêm… Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vaccine” được dễ dàng.

Bác sĩ BV Chợ Rẫy khóc nghẹn khi về từ tâm dịch Bắc Giang nhưng vắng bóng người thân

Dantri – Sau gần một tháng lao vào tâm dịch Bắc Giang, 13 bác sĩ của Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 15/6 đã trở về TP.HCM. Tuy nhiên, họ không thể gặp được người thân vì phải bảo đảm an toàn trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, trưởng đoàn, chia sẻ: “Sau 20 ngày vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, dưới cái nắng khốc liệt của mùa hè, có những lúc chúng tôi cảm thấy kiệt sức. Tuy nhiên, kết quả chúng tôi đã nhận được là những niềm vui vỡ òa khi cơ bản kiểm soát được dịch tại Bắc Giang. Chúng tôi cũng rất vui vì nhiều bệnh nhân nặng điều trị tại BV Phổi Bắc Giang được cứu sống, số lượng ca nhiễm cũng giảm đi rất nhiều”.

Sau khi về tới TP.HCM, các y bác sĩ sẽ được đưa về khu 6 – Bệnh viện Chợ Rẫy để tạm trú và theo dõi sức khỏe.

Trong số 13 bác sĩ của đội phản ứng nhanh, có 3 nữ và 10 nam, nhiều người đã có gia đình, không ít người có con nhỏ. Họ đều có chung một nỗi buồn là hơn một tháng nay chưa thể gặp người thân.

Bác sĩ Cao Thùy Trang – Khoa Xét nghiệm Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy khóc nghẹn, nước mắt lưng tròng khi nhắc về đứa con nhỏ mới 4 tuổi của mình đang phải gửi về Tây Ninh nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

“Đã gần một tháng nay tôi chưa được gặp con, nhớ lắm. Trong thời gian đi chống dịch thì hàng ngày vẫn tranh thủ giờ ăn cơm để gọi video cho con qua Zalo. Mỗi lần nghe con hỏi khi nào mẹ về, con nhớ mẹ lắm, là tôi lại nghẹn lòng, không biết phải trả lời sao, chỉ có thể nói là khi nào hết dịch mẹ sẽ về với con. Chỉ biết động viên con qua điện thoại thôi chứ không thể làm gì khác. Vì nhiệm vụ cao cả, người dân cần mình mà, nên phải cố gắng thôi”, bác sĩ Trang nghẹn ngào nói.

CÒn bác sĩ Nguyễn Thị Chi thì cho biết: “Đi công tác gần một tháng rồi, tuy chưa được về nhà với gia đình, nhưng về tới bệnh viện như được về nhà vậy. Giờ tranh thủ sắp xếp đồ đạc lại rồi gọi về báo cho gia đình biết để mọi người yên tâm”.

Khu vực tạm trú của các y bác sĩ sẽ được cách ly và tách biệt với các khu khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi phòng sẽ có 2 người ở. Hàng ngày họ sẽ được theo dõi y tế, thường xuyên được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Được biết, trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy, có nhiều bác sĩ đã từng tham gia chi viện cho đợt dịch thứ 2 tại Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tăng cường đi Gia Lai trong đợt dịch thứ 3. Đợt công tác ở Bắc Giang là chuyến đi thứ 4 của nhiều bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Phát hiện bà cháu dương tính COVID-19 sau tai nạn giao thông

Sau khi phát hiện 2 bà cháu này dương tính COVID-19, quận Bình Tân, TP.HCM đã truy vết 5 F1 đưa đi cách ly tập trung, phong tỏa khu vực với 85 người.

Ngày 15/6, đại diện UBND quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, ngày 13/6, hai bà cháu ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân) bị tai nạn giao thông. Sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hai người này dương tính với COVID-19. Quận Bình Tân đã truy vết 5 F1 đưa đi cách ly tập trung, phong tỏa khu vực với 85 người.

Phong tỏa một nhà máy trong khu công nghiệp Tân Tạo ở TP.HCM

Thanhnien – Theo đó, từ khoảng 17 giờ ngày 15/6, lực lượng chức năng đã giăng dây, kéo barie tiến hành phong tỏa nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn trong khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) do phát hiện một công nhân nghi mắc Covid-19.

Theo ghi nhận của chúng tôi lúc 22 giờ cùng ngày (15.6), lực lượng chức năng vẫn chốt chặn, rào chắn trước cổng. Rất đông công nhân phải ở lại bên trong không được ra về.

Nhiều người nhà của một số công nhân làm việc tại đây cũng hối hả tới tiếp tế đồ ăn, quần áo… Đồ đạc sẽ được đặt trên bàn, thực hiện khử khuẩn để người bên trong ra lấy.

Đến nay khu vực này trong khu công nghiệp Tân Tạo vẫn “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và vẫn đang chờ hướng dẫn, lấy mẫu dịch tễ từ lực lượng y tế của quận.

TP.HCM phát hiện thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 tại các khu công nghiệp

Zing – Báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 15/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết qua điều tra dịch tễ ổ dịch xưởng cơ khí Hóc Môn, ngành y tế phát hiện một bệnh nhân là công nhân xưởng may của Công ty Jordan tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Người này được cách ly tập trung từ ngày 9/6 và hôm nay có kết quả dương tính COVID-19. Công ty này hiện đã được phong tỏa và lấy mẫu toàn bộ 350 nhân viên tại xưởng may.

Cũng nằm trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, ngày 12/6, qua khám sàng lọc, Bệnh viện Đa khoa Quốc Ánh phát hiện một ca dương tính với nCoV. Người này là công nhân làm việc tại Công ty thực phẩm Vạn Đức. Ngành y tế đã truy vết, lấy mẫu hơn 100 F1. 500 công nhân tại ký túc xá của cơ sở đã được xét nghiệm. Qua tầm soát hai công ty trên, ngành y tế phát hiện 11 mẫu gộp dương tính.

Bên cạnh đó, ngày 13/6, qua tầm soát, Bệnh viện Xuyên Á phát hiện một trường hợp dương tính là công nhân trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Ngành y tế phát hiện thêm 4 ca dương tính và 6 mẫu gộp dương tính.

Ông Bỉnh cho biết một chuỗi lây nhiễm khác được phát hiện qua tầm soát cộng đồng tại khu dân cư phường An Lạc, quận Bình Tân. Qua xét nghiệm hơn 1.500 công nhân lưu trú tại quận Bình Tân, làm ở Công ty PouYuen thì phát hiện 2 trường hợp dương tính.

Chiều nay, ngành y tế đã xét nghiệm cho khoảng 1.000 công nhân và Sở Y tế đang mở rộng xét nghiệm kháng nguyên nhanh khu vực này.

Ông Bỉnh thông tin chiều 15/6, Sở Y tế đã phối hợp với quận Bình Tân và huyện Bình Chánh để xét nghiệm cho hơn 25.000 cán bộ, công nhân tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc.

Theo công bố của Bộ Y tế, từ 27/4 đến nay, TP.HCM có 894 bệnh nhân Covid-19. Dịch có diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 12/6 thuộc phòng công nghệ thông tin. Chỉ sau 4 ngày được phát hiện, ổ dịch này có 69 người gồm nhân viên y tế và người liên quan.

Tổng hợp