Trang chủ Tin tức Tin trong nước sáng 21/6: Thanh tra Bộ Y tế phê bình...

Tin trong nước sáng 21/6: Thanh tra Bộ Y tế phê bình bác sĩ BV Phụ sản TW viết chữ xấu ‘như gà bới’; Biển Sầm Sơn đông nghịt người

0
339
Ảnh tổng hợp.

Thanh tra Bộ Y tế phê bình bác sĩ BV Phụ sản TW viết chữ xấu “như gà bới”

Laodong – Thanh tra Bộ Y tế chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy chế Bệnh viện Phụ – Sản Trung ương như:

Chữ viết trong bệnh án còn viết ngoáy, viết tắt. Việc ghi chép các thủ tục hành chính chưa đầy đủ như: ngày, giờ vào viện và vào khoa, các chỉ số: mạch, nhiệt độ, huyết áp, giờ mổ, diễn biến bệnh.

Các y, bác sĩ, điều dưỡng còn dùng bút xoá để tẩy, xoá nhiều chỗ trong bệnh án, một số bác sĩ chỉ ký mà không ghi rõ họ tên. Một số bệnh án không có tờ trích biên bản hội chẩn dán trong bệnh án, không có đủ chữ ký các thành phần tham gia hội chẩn. Nhiều điều dưỡng, nữ hộ sinh chỉ ghi tên vào hồ sơ bệnh án, rất khó xem xét trách nhiệm nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là khi có nhiều điều dưỡng, nữ hộ sinh trùng tên trong cùng một khoa, phòng.

Nhiều kết quả xét nghiệm sinh hóa, huyết học do kỹ thuật viên ký mà không có chữ ký của Trưởng khoa xét nghiệm.

Sổ ghi Biên bản Hội chẩn của một số khoa không thực hiện theo mẫu của Bộ Y tế mà theo mẫu riêng của Bệnh viện, việc ghi chép trong Biên bản còn sơ sài, không ghi ngày, tháng, năm hội chẩn; không có tên các bác sĩ tham gia hội chẩn; chưa đầy đủ chữ ký của người chủ trì và các thành viên tham gia hội chẩn.

Biển Sầm Sơn đông nghịt người trong cái nắng như thiêu như đốt

Dantri – Thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiều du khách và người dân địa phương đã đổ về thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) để tắm giải nhiệt hai ngày cuối tuần.

Chiều 20/6, tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), dọc các bãi tắm, người đứng ngồi đông nghịt (ảnh: Dân Trí).

Vào những ngày cuối tuần, thời tiết tại các tỉnh miền Trung nói chung và Thanh Hóa nói riêng nắng nóng gay gắt. Tại Thanh Hóa, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên đến trên 40 độ C. Để giải nhiệt trước nắng nóng, vào mỗi buổi chiều, nhiều người dân và du khách đã đổ về biển Sầm Sơn để tắm mát.

Ghi nhận vào chiều 20/6, tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), từ khoảng 16h30-17h dọc các bãi tắm, người đứng ngồi đông nghịt. Trong đó, hầu hết là khách nội tỉnh.

Hàng chục công nhân nhập viện sau bữa tối

NLD – Theo thông tin ban đầu, sau bữa ăn tối nay 20/6 đến 21 giờ cùng ngày, 29 công nhân thuộc Công ty TNHH Điện tử Chilisin trong Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt. Ngay sau đó, các công nhân này được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu.

Đến 21 giờ cùng ngày, một số công nhân khác Công ty TNHH Điện tử Chilisin cũng có dấu hiệu tương tự và đã được đưa đến các cơ sở y tế cấp cứu.

Công ty TNHH Điện tử Chilisin có địa chỉ ở số 143, 145, đường số 10, Khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) với 100% vốn đầu tư từ Đài Loan. Công ty này chuyên sản xuất linh kiện điện tử và hoạt động tại Khu công nghiệp VSIP từ năm 2015. Đáng chú ý, Công ty TNHH Điện tử Chilisin là đơn vị tạo điều kiện, cung cấp việc làm cho khá nhiều lao động khuyết tật.

Lực lượng chức năng TP. Hải Phòng đang kết hợp cùng Công ty TNHH Điện tử Chilisin và Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Ba người lạ chuyển tiền vào tài khoản công ty xổ số Cà Mau

Tienphong – Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo, công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) tỉnh Cà Mau báo cáo với các cơ quan chức năng để hỗ trợ làm rõ sự việc 3 người lạ chuyển tiền vào tài khoản của công ty.

Ngày 20/6, Công ty XSKT Cà Mau cho biết chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan chức năng về sự việc 3 người lạ chuyển 11.000 đồng vào tài khoản của công ty.

Trước đó vào ngày 18/6, ông Võ Quốc Tiến, Giám đốc Cty XSKT Cà Mau có văn bản gửi UBND tỉnh Cà Mau, Sở Tài chính, Công an tỉnh Cà Mau và chi nhánh ngân hàng Liên Việt Bưu Điện để làm rõ số tiền không rõ nguồn gốc chuyển vào tài khoản Công ty XSKT Cà Mau.

Ông Võ Quốc Tiến xác định, trong quá trình triển khai thực hiện về phòng chống tham nhũng, chống rửa tiền và minh bạch nguồn thu tài chính tại công ty, phát hiện số tiền 11.000 đồng chuyển vào tài khoản của công ty không rõ nguồn gốc.

Theo đó, tài khoản của Cty XSKT Cà Mau giao dịch với đại lý tại chi nhánh Ngân hàng Liên Việt Bưu Điện Cà Mau, phát sinh khoản tiền trên nhưng không phải từ khách hàng quen biết.

Cụ thể, ngày 25/4/2021, tài khoản Bui Van Le nạp tiền xổ số kiến thiết miền Nam với tổng tiền giao dịch là 5.000 đồng. Ngày 4/5/2021, tài khoản Pham Tu Uyen nạp tiền xổ số kiến thiết miền Nam với tổng tiền giao dịch là 1.000 đồng. Ngày 14/6/2021, tài khoản Lam Chanh Da nạp tiền xổ số kiến thiết miền Nam với tổng tiền giao dịch là 5.000 đồng. Tất cả các giao dịch đều thực hiện trên mobile.

Công ty XSKT Cà Mau cảnh giác dấu hiệu không bình thường giao dịch nhưng nhận định do những người này chuyển nhầm nên đề nghị ngân hàng tiến hành kiểm tra, phối hợp để chuyển trả tiền cho những người lạ, và có biện pháp ngăn chặn, không để tái diễn.

Chính quyền thua kiện vì lấy đất đã giao cho dân lại giao cho địa phương

tuoitre – Lấy một phần đất lâm nghiệp đã giao cho dân để giao địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn không đúng thủ tục, chính quyền 2 cấp ở tỉnh Phú Yên bị tòa xử thua kiện.

Báo chí trong nước ngày 20/6 cho biết viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Yên vừa có kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên về công tác quản lý đất đai sau khi kiểm sát việc giải quyết một vụ án hành chính mà tòa án tuyên xử UBND thị xã Đông Hòa và UBND tỉnh Phú Yên thua kiện.

Theo đó, TAND tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính yêu cầu bồi thường về đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa người khởi kiện là vợ chồng ông Đ.V.T. và bà L.T.V. (ở khu phố Phú Thọ 2, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa), người bị kiện là UBND thị xã Đông Hòa và UBND tỉnh Phú Yên.

Theo hồ sơ, ngày 4/12/1995, UBND huyện Tuy Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) có quyết định giao vợ chồng ông T. diện tích 4.300m2 đất lâm nghiệp tại thôn Phú Thọ 2 (nay là khu phố).

Quyết định giao đất yêu cầu vợ chồng ông T. quản lý, kinh doanh, sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và pháp luật Nhà nước, thời hạn sử dụng đất 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất.

Tuy nhiên, năm 2005, UBND xã Hòa Hiệp Trung (trở thành thị trấn năm 2013, thành phường năm 2020) lấy một phần đất trong diện tích 4.300m2 đất đã giao cho vợ chồng ông T. để xây dựng Nhà văn hóa thôn Phú Thọ 2.

Ngày 16-12-2013, UBND tỉnh Phú Yên công nhận quyền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất cho UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 2.835,3m2, mục đích sử dụng làm trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp của Nhà nước.

Ông T. làm đơn khiếu nại, sau đó khởi kiện ra tòa án. TAND tỉnh Phú Yên nhận xét phần đất 2.835,3m2 trong diện tích 4.300m2 đất đã giao cho ông T. ngày 4-12-1995 chưa hết thời hạn sử dụng 50 năm theo quy định, nhưng lại bị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục giao cho UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung khi chưa có quyết định thu hồi đất của ông T. là không đúng.

Do vậy, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, buộc UBND thị xã Đông Hòa thực hiện thủ tục thu hồi diện tích 568,5m2 đất xây dựng trụ sở thôn và 81,3m2 đất làm đường bê tông, bồi thường cho vợ chồng ông T. theo quy định của pháp luật.

Tôm rừng bò chi chít trên cây, giá nửa triệu đồng/kg

VTV – Hàng năm, cứ từ tháng 6 là người dân Lạng Sơn lại bắt đầu đi săn tôm rừng, đây là loại tôm chuyên sống trong hang đá hoặc trên cây. Tôm rừng có kích thước khá nhỏ, chân như con cào cào, con nào to nhất cũng chỉ bằng ngón tay út. Chúng thường sống ở những nơi rừng sâu, cây cối rậm rạp, ẩm ướt.

Chị Lý Hoa (Lạng Sơn) cho biết, theo tiếng của người dân tộc Nùng, tôm rừng còn được gọi là con cùng đống, chữ “cùng” nghĩa là tôm và chữ “đống” là rừng. Loài này có thân màu xám trong, đầu nhỏ, ít râu hơn tôm thường.

Theo chị Hoa, muốn bắt được tôm rừng, người thợ phải đi khá xa, vào tận trong rừng sâu heo hút, rậm rạp. Bởi chúng rất thích sống ở các hốc cây to, hang đá rộng, nếu nhìn xa trông đám tôm như một tổ ong khổng lồ.

“Do việc săn, bắt vất vả, kỳ công nên giá tôm rừng hiện khá cao, dao động 300.000 – 400.000 đồng/kg, loại ngon còn đạt 500.000 đồng/kg. Ngày trước, chúng tôi thường bán cho thợ chuyên để phục vụ cho các quán ăn, nhà hàng về đồ rừng” – chị Hoa tiết lộ.

Còn theo anh Nông Dũng (Lạng Sơn) tâm sự, ngày trước, quê anh còn nghèo, người dân hay vào rừng đào củ sắn, củ mài, bắt tôm rừng về ăn cho qua ngày. Còn bây giờ, những món ăn dân dã ấy lại trở thành đặc sản nơi phố thị. Cho nên, cứ đến mùa mưa là người trong bản anh lại lập thành từng nhóm, từng tốp đi săn tôm rừng.

“Tôm rừng giờ cũng không nhiều như ngày xưa bởi mọi người đi đánh, khai thác đông. Nếu ngày chăm chỉ, mỗi ngày, thợ cũng chỉ bắt được khoảng 2 kg tôm” – anh nói.

Theo anh Dũng, tôm rừng có ưu điểm là chạy rất nhanh, một khi chạy vào hang thì sẽ trốn tịt ở trong đó, nhất định không chịu ra ngoài. Cho nên, nếu ai không đi rừng quen, không bắt bài được chúng là có khi cả ngày cũng không bắt được con nào.

“Đầu mùa, giá tôm rừng khá đắt, có thể lên tới 500.000 đồng/kg, giữa mùa thì rẻ hơn chỉ còn 250.000 – 300.000 đồng/kg. Món này ngon nhất là được rang với lá gừng, lá chanh, lá mắc mật. Tuy nhiên nếu ai bị dị ứng, đặc biệt là với côn trùng thì không nên ăn vì dễ gây mẩn ngứa, khó chịu” – anh nói.

Tổng hợp