Trang chủ Tin tức Tin trưa 27/6: Thêm 76 ca COVID-19; Bệnh nhân COVID-19 thứ 75...

Tin trưa 27/6: Thêm 76 ca COVID-19; Bệnh nhân COVID-19 thứ 75 tử vong

0
450
Ảnh tổng hợp.

Thêm 76 ca COVID-19, phần lớn ở TP.HCM

Bộ Y tế trưa 27/6 ghi nhận 76 ca dương tính nCoV, gồm tại TP HCM 65, Hưng Yên 8, Bắc Giang 2, Bắc Kạn một.

76 ca mới từ số 15326-15401, trong đó 71 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Hưng Yên; Ca 15326-15333 gồm 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly từ trước, 3 ca liên quan đến một Công ty ở huyện Yên Mỹ. Kết quả xét nghiệm ngày 26/6 họ dương tính, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bắc Giang; Ca 15334-15335 là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa liên quan ổ dịch Lục Ngạn, kết quả xét nghiệm ngày 26-27/6 dương tính.

TP.HCM; Ca 15336-15400 gồm 43 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 19 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi; một ca liên quan đến cửa hàng quần áo Ngọc Hà, quận 1; 2 ca đang điều tra dịch tễ.

Bắc Kạn; Ca 15401 nữ, 40 tuổi, địa chỉ huyện Chợ Đồn, liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 26/6 dương tính, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 75 tử vong

VnExpress – Bộ Y tế sáng 27/6 công bố “bệnh nhân 9779” tử vong vì sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên nền tăng huyết áp.

Theo Tiểu ban điều trị, bệnh nhân nam, 80 tuổi, địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ông có tiền sử tăng huyết áp, gout, hội chứng cushing (rối loạn nội tiết và chuyển hóa) do thuốc, đi lại khó khăn từ lâu.

Bệnh nhân sống cùng nhà con (mắc Covid-19). Ngày 10/6 ông có kết quả xét nghiệm dương tính, điều trị tại Bệnh viện quận Tân Bình. Cùng ngày, bệnh nhân khó thở, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu trong tình trạng sốt, khó thở, thở oxy gọng kính.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, kháng đông, thuốc duy trì vận mạch. Tuy nhiên do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Bệnh nhân tử vong sáng 26/6, chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên bệnh nhân tăng huyết áp, gout, cushing do thuốc.

Như vậy, đây là ca tử vong thứ 40 của đợt dịch này và thứ 75 kể từ khi Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020.

TP.HCM triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng: Đối tượng, điều kiện, thủ tục hưởng ra sao?

Thanhnien – TP.HCM vừa thông qua một số chế độ chính sách đặc thù, phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 886 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của TP.HCM.

Theo kế hoạch đã được thông qua, đối với đối tượng NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (tức lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19, TP.HCM quy định mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, áp dụng trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. TP.HCM dự kiến có khoảng 230.000 NLĐ tự do được hỗ trợ. Để được nhận hỗ trợ, NLĐ tự do cần đảm bảo điều kiện như cư trú hợp pháp tại địa phương (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú, được cơ quan công an xác nhận), không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 (4 triệu đồng/tháng).

Trong khoảng thời gian 3 tuần thì NLĐ tự do sẽ được nhận hỗ trợ,

mức 1,5 triệu đồng/người. Nếu địa phương nơi NLĐ tự do cư trú hoạt động tích cực thì thời gian phê duyệt, chi trả sẽ nhanh hơn

Đồng thời, NLĐ tự do làm trong 6 nhóm công việc, gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của TP.HCM ngày 30.5 (như tại các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên…).

Cụ thể, NLĐ tự do sẽ điền vào các chỗ trống trong bản khai như xác định giảm thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng trong thời điểm TP.HCM giãn cách xã hội, làm nghề gì, địa chỉ làm thuê (nếu có)… Phía khu phố sẽ chuyển các bản khai lên chính quyền phường/xã để họp hội đồng xét. Sau đó chính quyền quận/huyện/TP. Thủ Đức sẽ thẩm định gửi chính quyền TP.HCM phê duyệt. Khi có quyết định phê duyệt, chính quyền phường/xã sẽ ra quyết định hỗ trợ.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: “Trong khoảng thời gian 3 tuần thì NLĐ tự do sẽ được nhận hỗ trợ, mức 1,5 triệu đồng/người. Nếu địa phương nơi NLĐ tự do cư trú hoạt động tích cực thì thời gian phê duyệt, chi trả sẽ nhanh hơn”.

Với đối tượng NLĐ tại các doanh nghiệp; các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT; cơ sở giáo dục dạy nghề dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM)… bị ảnh hưởng bởi dịch, TP.HCM quy định điều kiện, mức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 1 lần mức 1,8 triệu đồng/NLĐ cho khoảng 80.000 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động (vẫn còn hiệu lực) từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1.5 – 31/12/2021 và đang tham gia đóng BHXH bắt buộc trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương…

Hỗ trợ 1 lần mức 1,8 triệu đồng/NLĐ cho khoảng 20.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ 1/5 – 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người với đối tượng NLĐ đang mang thai; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng).

TP.HCM cũng sẽ thực hiện chi hỗ trợ 1 lần 2 triệu đồng/hộ cho khoảng 10.000 hộ kinh doanh thành lập theo pháp luật doanh nghiệp (trừ hộ cho thuê nhà và mặt bằng) phải dừng hoạt động theo yêu cầu của TP để kiểm soát dịch Covid-19. Áp dụng cho khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cụ thể trên địa bàn Q.Gò Vấp, P.Thạnh Lộc (Q.12) và các khu vực khác theo chỉ đạo cụ thể của TP.HCM.

Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận lên tiếng về thông tin cấp dưới mắc COVID-19 “không chịu khai báo y tế”

Ông Nguyễn Quốc Việt (Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận) khẳng định với báo Tuổi trẻ, không có chuyện bệnh nhân COVID-19 là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong không chịu khai báo lịch sử truy vết, gây khó khăn cho địa phương như một số thông tin đăng tải.

Theo ông Việt, nữ bệnh nhân này đã khai báo và thậm chí rất nghiêm túc trong quá trình điều tra dịch tễ. Không hề có chuyện người này không khai báo y tế.

Giám đốc Việt chia sẻ trên báo Bình Thuận online, sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến sáng 26/6, ông đã liên lạc qua điện thoại và được Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tuy Phong khẳng định đã khai báo đầy đủ. Cán bộ y tế điều tra dịch tễ hỏi đến đâu thì bệnh nhân khai đến đó.

“Khi thông tin trên xuất hiện trên báo chí, chị D. có gọi điện và cho biết bản thân rất bức xúc về thông tin trên”, dẫn lời ông Việt liên quan bệnh nhân Covid-19 là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong.

Cũng theo nguồn trên, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch sáng 26/6, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho hay, do tình hình bệnh của Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện này có chiều hướng nặng hơn nên đã chuyển vào điều trị tại TP. Phan Thiết. Tại đây, nữ bệnh nhân này được chẩn đoán là tình hình bệnh không nặng hơn, bệnh nhân này chỉ có biểu hiện của việc bị căng thẳng về tâm lý.

Báo Bình Thuận cũng đăng tải chi tiết toàn bộ lịch trình của bệnh nhân Covid-19 này, từ ngày 16/6 đến khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào khuya 23/6. Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân đã được đưa đi các ly tập trung, đồng thời nhà chức trách đã phun khử khuẩn và tiến hành phong tỏa theo quy định địa điểm liên quan ca bệnh.

Theo đó, nữ bệnh nhân 51 tuổi này gặp bệnh nhân COVID là nữ bác sĩ  Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận một lần vào chiều 19/6. Một ngày sau đó, bệnh nhân trực tại khoa ngoại sản (Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong). Ngày 21/6, bệnh nhân làm việc và tiếp xúc với một số người trong cơ quan.

Sau giờ làm, nữ bệnh nhân khám cho 2 người bệnh tại số 50 thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc (Tuy Phong, Bình Thuận). Khoảng 19 giờ 30 có qua quán Hùng Loan mua đồ. Ngày 22/6, bệnh nhân đến làm việc tại TTYT Tuy Phong. Đến ngày 23/6 thì xin nghỉ việc do mệt mỏi.

Đến sáng 25/6, nữ bệnh nhân này được Bộ Y tế thông báo là 1 trong 5 ca mắc COVID-19 của tỉnh Bình Thuận.

Theo Dân trí, tỉnh Bình Thuận ngày 26/6 ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch mới bùng phát (đã được Bộ Y tế công bố), tất cả đều liên quan bệnh nhân nữ bác sĩ Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong mắc COVID-19 được xác định nhiễm bệnh do tiếp xúc với cháu gái nữ bác sĩ khoa sản này.

5 người dùng ‘chiêu’ giả bệnh nhân, thuê xe cứu thương thông chốt kiểm dịch

Tuoitre – Tối 26/6, Cục Cảnh sát giao thông cho biết vừa phát hiện, ngăn chặn một nhóm người giả bệnh nhân, thuê xe cứu thương để qua mặt lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch.

Theo đó, vào 20h30 cùng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc đội 2 của cục làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trước trạm thu phí đầu cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã phát hiện 1 ô tô cứu thương, biển số 34A 389-86, đi từ hướng Hải Phòng sang Quảng Ninh qua chốt kiểm dịch không dừng khai báo y tế.

Tổ công tác phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra và phát hiện trên xe có 6 người, gồm 1 lái xe và 5 người ngồi trong khoang phía sau.

Ban đầu những người này khai là bệnh nhân đi cấp cứu, nhưng khi lực lượng chức năng khai thác lái xe Phạm Công Hải L. (27 tuổi, trú tại Nam Sách, Hải Dương) thì nam tài xế khai báo quanh co và không xuất trình được giấy phép lái xe cho lực lượng chức năng.

Sau thời gian làm việc với cảnh sát giao thông, cả 5 người trên xe cho biết đều có hộ khẩu thường trú tại Gia Lộc, Hải Dương. Bước đầu những người này khai nhận không phải là bệnh nhân, đã dùng “chiêu thức” thuê xe cứu thương chở từ Hải Dương về Quảng Ninh để đi làm. Họ hy vọng sẽ thông chốt mà không phải dừng để khai báo y tế.

Hiện vụ việc đã được tổ công tác bàn giao cho Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) xác minh, xử lý.

Bắc Ninh “gắn chíp” cho công nhân để quản lý lộ trình

Dantri – Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, tỉnh này đã tính đến việc quản lý công nhân qua việc đeo đồng hồ gắn chíp. Qua đồng hồ, nếu công nhân đi sai lộ trình sẽ phát hiện được ngay.

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, từ ngày 20/6, Bắc Ninh đã cho thêm công nhân trở lại nhà máy làm việc. Với 450.000 công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp, việc quản lý về lâu dài sẽ rất khó khăn.

Do vậy, tỉnh đã tính tới việc quản lý bằng công nghệ thông qua việc yêu cầu công nhân đeo đồng hồ gắn chip. Qua đồng hồ, nếu công nhân, người lao động đi sai lộ trình, doanh nghiệp sẽ phát hiện được ngay.

Trước đó, để đảm bảo chống dịch hai đầu (khu công nghiệp và khu dân cư) mà vẫn duy trì sản xuất, ngày 26/5, Bắc Ninh đưa ra phương án “lọc” công nhân, cho phép không quá 50% công nhân vào làm việc, ăn ở tại công ty, thậm chí cả công nhân ở vùng cách ly, giãn cách xã hội. Giải pháp này có ưu điểm vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, giảm số công nhân ở khu dân cư, tránh lây nhiễm trong cộng đồng…

Trong bối cảnh dịch bệnh, công nhân làm việc trong nhà máy được đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở, làm việc nên một số doanh nghiệp đã khuyến khích công nhân tiếp tục ở lại đến ngày 30/6 để duy trì sản xuất. Người lao động từ đó cũng có thêm thời gian tăng ca, tăng giờ làm, có thu nhập tốt hơn.

Bắc Ninh cũng cho phép đưa hơn 2.000 lao động từ Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc, với điều kiện, các công nhân này phải là những người ở vùng không có dịch và được xét nghiệm RT- PCR 2 lần cho kết quả âm tính.

Tổng hợp