Trang chủ Đời sống Bác sĩ Phan Xuân Trung: Dịch vụ chăm sóc F0 tại nhà...

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Dịch vụ chăm sóc F0 tại nhà giá hơn 35 triệu đồng/gói là ‘quá chát’

0
377
Ảnh minh hoạ: Lao Động.

Trao đổi với Lao Động sau khi đọc bài viết “Dịch vụ chăm sóc F0 tại nhà, giá lên đến hơn 35 triệu đồng/gói” của nhiều đơn vị tư nhân tại TP.HCM, bác sĩ Phan Xuân Trung – một trong những thành viên sáng lập nhóm “Giúp nhau mùa dịch” chỉ còn biết thở dài với hàng loạt từ: “quá đáng”, “quá chát”, quá “cắt cổ”, “với bệnh nhân COVID-19, không ai làm như vậy cả”…

Bác sĩ Trung cho biết: “Xét về mặt kinh doanh, tôi hiểu họ (phòng khám tư nhân đưa ra gói dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 “giá chát” – PV) phải tìm một lối thoát nào đó để “gỡ gạc” lại. Những cơ sở y tế tư nhân hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nên việc thu tiền là một điều thông thường. Trong mùa dịch, các cơ sở này hầu như dừng hoạt động, không kiếm ra tiền cho bệnh thông thường mà họ vẫn thường làm. Việc này kéo dài gần 2 năm nay, gánh nặng chi phí, doanh thu là một khó khăn đối với doanh nghiệp” – ông Trung phân tích.

Thế nhưng, không phải vì doanh thu mà bất chấp tất cả. Theo bác sĩ Trung, trong dịch bệnh COVID-19 sẽ phát sinh ra những nhu cầu sức khoẻ khác như chăm sóc, hỗ trợ điều trị F0 online. Đây cũng là một dạng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu về mặt sức khoẻ, nhất là những dạng bệnh như COVID-19 đang đe dạng tính mạng, tạo áp lực rất lớn nên đôi khi có những người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho dịch vụ này.

Bên cạnh chi phí trang thiết bị, thuốc men là điều bắt buộc phải có nhưng theo nhận định của bác sĩ Trung, qua bảng giá dịch vụ chăm sóc, tư vấn điều trị COVID-19 trực tuyến mà lên đến 14 triệu/gói, tức khoảng 1 triệu/ngày (bác sĩ gọi điện 2 ngày/lần, nhân viên y tế gọi hằng ngày) là quá đáng. Thậm chí, có gói, mức chi phí tư vấn này còn cao hơn gần gấp đôi khi bác sĩ sẽ gọi điện hàng ngày để thăm khám, điều trị.

“Ngày bình thường cũng không ai đi khám giá như vậy nữa là trong dịch bệnh, khám online”, bác sĩ Phan Xuân Trung bày tỏ.

Theo vị bác sĩ này, muốn biết mức giá có hợp lý hay không, khách hàng có thể căn cứ vào giá khám ngày thường. Ví dụ, một lần bệnh nhân đến khám bệnh trực tiếp, công bác sĩ khám, kê đơn chỉ khoảng 120.000 đồng/lần đến khoảng 500.000 đồng/lần. Như vậy, có thể tính số tiền và số thời gian tư vấn để ước lượng mức tính phí.

Riêng về hạng mục xe cấp cứu với giá 6.900.000/chuyến trong phạm vi nội thành, bác sĩ Phan Xuân Trung cho rằng giá này “quá chát”, quá “cắt cổ” bởi giá đi của hệ thống cấp cứu cũng chỉ khoảng 500-600.000 đồng/chuyến còn dịch vụ cấp cứu xe cao cấp hơn một chút cũng khoảng 900.000 đồng/chuyến.

“Tất nhiên sẽ có những tiềm ẩn về nguy cơ rủi ro, lây lan, nhưng giá 6.900.000/chuyến vẫn là quá chát. Thông thường chỉ trong trường hợp bất khả kháng, người bệnh mới đi. Rơi vào bệnh COVID-19, đây là mang tính chất tai hoạ chứ không phải dịch vụ mong muốn được hưởng. Ví dụ đi thẩm mĩ viện phải trả rất nhiều tiền bởi sử dụng một dịch vụ xa xỉ, còn tai hoạ giáng đến thì đòi hỏi sự nhân đạo, giúp đỡ nhiều hơn. Tôi nghĩ cái gì cũng có chừng mức của nó. Những giá cả, dịch vụ dành cho bệnh nhân COVID-19 không thể quá đáng như thế được”, ông Trung thẳng thắn.

“Mọi người đều đói như nhau” – Hãy cùng nhau qua mùa dịch

Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, trong mùa dịch, trừ người khá giả có tích luỹ ra thì nhiều người không có thu nhập, “Mọi người đều đói như nhau, đều khó khăn như nhau. Trong khi dịch bệnh COVID-19 bị một lần bị là bị cả nhà, thông thường xảy ra nhiều ở người nghèo ở xóm lao động nghèo, xóm trọ,…”.

Bác sĩ Trung tiếp lời: “Lợi dụng lúc dịch bệnh để khai thác, điều này không hay. Mất đi y đức của người bác sĩ. Hoạt động bình thường ở xã hội đã là sai rồi chứ đừng nói đến ngành Y trong mùa dịch”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Giúp đỡ nhau qua mùa dịch cũng chính là tâm huyết mà bác sĩ Phan Xuân Trung và các đồng nghiệp thành lập nhóm “Giúp nhau mùa dịch – tư vấn y tế” có hàng mấy trăm bác sĩ tự nguyện tham gia, mỗi ngày có đến 200-300 cuộc điện thoại tư vấn bệnh COVID-19 và nhiều loại bệnh khác mà không ai thu phí. Mỗi bác sĩ đều nghĩ bình thường bệnh nhân đến và trả phí dịch vụ nhưng trong cơn hoạn nạn, thiên tai không thể lấy tiền của những bệnh nhân COVID-19 được.

Theo Thanh Niên, tính đến ngày 15/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có 35.900 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà; trong đó có 24.456 F0 sau xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Theo đó, điều kiện F0 cách ly tại nhà là không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 (ô xy máu) hơn 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút), dưới 45 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Người F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh… Có máy đo SpO2 cá nhân để theo dõi SpO2 thường xuyên. Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.

Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc cá nhân được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà.

Tổng hợp