Trang chủ Tin tức Trưa 29/8: F0 tăng, TP.HCM khuyên người dân bình tĩnh; Gia Lai...

Trưa 29/8: F0 tăng, TP.HCM khuyên người dân bình tĩnh; Gia Lai chống dịch quá “gắt”, Tổng cục Đường bộ cấp tốc ‘gỡ’ chốt

0
326
Ảnh tổng hợp.

F0 tăng trong thời gian này, TP.HCM khuyên người dân bình tĩnh

NLĐ – Tối 28/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay tính từ 18 giờ ngày 27/8 đến 18 giờ ngày 28/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.481 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 đến nay TP đã có tổng cộng 204.964 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố.

Theo HCDC, thành phố đang nỗ lực thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm F0 và đưa vào quản lý, chăm sóc, điều trị phù hợp, nên số lượng F0 sẽ tăng trong khoảng thời gian này. Người dân cần bình tĩnh khi có kết quả xét nghiệm dương tính và thực hiện cách ly, dùng thuốc đúng cách theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Cảnh báo lừa đảo ‘đi chợ hộ’ rồi ôm tiền đi luôn

Thanh Niên – Chị N.N.Hằng (P.11, Q.3, TP.HCM) mới đây có cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của người tên Nguyễn Văn Công tham gia vào nhóm “Đi chợ giúp dân” do Mặt trận Tổ quốc và Hội Phụ nữ phường 11 lập ra qua Zalo cho người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Công cũng trà trộn vào đây với hình đại diện mặc đồ công an, hay trả lời những người trong nhóm và chốt đơn, nhắn mọi người chuyển đơn hàng riêng cho mình để chống trôi đơn ngay trong nhóm, trước sự chứng kiến của những người tạo lập nhóm. Chính vì vậy mà chị Hằng cũng như một số người cho rằng anh Nguyễn Văn Công là người hỗ trợ đi chợ hộ.

Sáng 24/8, chị Hằng trao đổi riêng qua Zalo với anh Công và đặt 4 combo thực phẩm. Người đàn ông này còn tư vấn không nên tích trữ hàng, mua đủ vừa ăn. Sau khi chuyển khoản gần 2 triệu đồng đến tài khoản Nguyễn Văn Công, chị Hằng không nhận được hàng sau đó thì người đàn ông này cho hay hiện siêu thị quá tải nên nếu không cần mua có thể trả tiền. Thế nhưng anh Công đã “lặn” mất tăm sau khi lừa 11 người chuyển 7 triệu đồng tiền mua thực phẩm trên nhóm. Chị Hằng cho biết: “Vụ việc đã được trình báo lên công an. Qua đây mình chỉ muốn cảnh báo thủ đoạn mà kẻ gian lừa đảo tiền của người dân tham gia các nhóm đi chợ hộ. Đồng thời cũng mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp để ngăn chặn những kẻ lừa đảo, chứ người dân nghèo mà bị lừa trong thời buổi dịch Covid-19 như hiện nay thì tội họ”.

Đánh vào việc người dân không ra khỏi nhà mua hàng được, kẻ gian còn giả làm người bán hàng trong các nhóm trên trang mạng Facebook, Zalo để lừa đảo người đang có nhu cầu mua thực phẩm qua mạng. Chị C.T.M.L (Q.3) mới đây cũng thông tin về việc bị mất 400.000 đồng sau khi chuyển tiền mua hàng. Chị C.T.M.L yêu cầu xem hình chụp của hàng hóa thì người bán bảo hàng chưa về nhưng vẫn yêu cầu thanh toán trước. Đến khi không thấy giao hàng, liên lạc lại người bán thì bị chặn số.

Gia Lai chống dịch quá ‘gắt’, Tổng cục Đường bộ cấp tốc ‘gỡ’ chốt trong đêm

Dantri – Tối muộn 28/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát văn bản gửi tỉnh Gia Lai đề nghị vào cuộc gỡ điểm nghẽn luồng xanh bị địa phương chốt chặn quá “gắt” tại cầu 110 km 1667+630 đường Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đường bộ III – Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại chốt cầu 110 km 1667+630 đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai, lực lượng chức năng yêu cầu các tài xế xe vận tải thực hiện các quy định rất khắt khe, gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện chở hàng hóa.

Cụ thể, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu: “Những nơi không có Chỉ thị 16 xe luồng xanh và lái xe có đủ điều kiện theo quy định vẫn lưu thông bình thường, xe và lái xe từ những nơi thuộc Chỉ thị 16 thì phải đổi lái xe, sử dụng lái xe của Gia Lai hoặc sang hàng thì mới cho chạy vào và phải có giấy phép”.

Ngày 27/8, xe tải BKS 51D – 627.06 và trường hợp xe BKS 51C – 279.62 đã có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ và giấy bảo lãnh của doanh nghiệp tại Gia Lai để giao hàng… nhưng lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát vẫn kiên quyết không cho phương tiện đi vào địa bàn.

Trước những quy định thiếu nhất quán nói trên, tối muộn 28/8, ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt – có văn bản gửi tỉnh Gia Lai, đề nghị tỉnh này có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông thuận lợi khi qua địa bàn tỉnh.

Hiệp hội bất động sản kêu cứu vì kiệt sức

Zingnews – Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá sau hơn một năm rưỡi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khối doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số đơn vị kiệt sức, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm.

Theo truyền thông trong nước, Hiệp hội bất động sản đưa ra đánh giá này trong văn bản góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 của Ngân Hàng Nhà Nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiệp hội bất động sản theo đó kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch lần này.

Hiệp hội này nhấn mạnh “thiếu dòng tiền” là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và giữ chân người lao động.

“Doanh nghiệp không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị đứng hình, giao dịch sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây” Hiệp hội bất động sản liệt kê.

Việc thiếu dòng tiền cũng liên quan trực tiếp đến khó khăn về tín dụng, do lãi suất vay ngân hàng hiện nay chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết thêm doanh nghiệp đang phải đôn đáo đi vay mượn, thậm chí “vay nóng” để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu và trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn.

Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, các khoản vay đáo hạn nếu không trả đúng thời gian thì sẽ được ngân hàng tự động chuyển thành khoản nợ xấu. Việc phân loại thành nợ xấu sẽ càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn do không thể tiếp cận được các khoản vay mới.

Hiệp hội này đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ “xấu” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.

Ngoài ra Hiệp hội cũng kiến nghị hệ thống ngân hàng chủ động xem xét cơ cấu nợ của khách hàng và mở rộng thời gian áp dụng đến ngày 30/6/2022 (Thông tư 03/2021 trước đó chỉ áp dụng với dư nợ phát sinh đến 31/12/2021).

Tổng hợp