Trang chủ Tin tức Tin sáng 29/9: Ngân hàng nhà nước nói gì về gói 30.000...

Tin sáng 29/9: Ngân hàng nhà nước nói gì về gói 30.000 tỷ đồng cứu ngành hàng không?; Đà Nẵng cho tắm biển trở lại

0
300
Ảnh tổng hợp.

Ngân hàng nhà nước nói gì về gói 30.000 tỷ đồng cứu ngành hàng không?

Thanhnien – Ngân hàng nhà nước sẽ “chốt” với các bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho ngành hàng không.

Thông tin trên được Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan; tổ chức tín dụng và các hãng hàng không diễn ra hôm nay, 28/9.

Nội dung buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan tín dụng cho doanh nghiệp hàng không. Tại buổi họp, Hiệp hội hàng không đề xuất gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng với lãi suất thấp để cứu các hãng bay đang thua lỗ nặng nề, đối mặt nguy cơ phá sản.

Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, chưa khi nào hàng không lại khó khăn trăm bề như hiện nay. Máy bay phủ bạt ở sân bay, bản thân ông khi đi công tác nhìn cũng vô cùng xót ruột. Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 4.000 tỉ đồng cho Vietnam Airlines.

Thống kê của Ngân hàng nhà nước thì dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỉ đồng. Số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỉ đồng của toàn nền kinh tế, và so với khoảng 3,5 – 4 triệu tỉ đồng dư nợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, ngành ngân hàng cũng là 1 ngành kinh tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và các ngân hàng cũng rất khó khăn.

Người dân Đà Nẵng được tắm biển trở lại

VnExpress – Tối 28/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ban hành Chỉ thị 08 về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, thay thế cho Chỉ thị 05 cách ly xã hội “cao hơn Chỉ thị 16” (áp dụng từ 18h ngày 31/7).

Theo đó, chính quyền Đà Nẵng cho phép người dân được tắm biển từ 4h30 đến 6h30 và phải rời đi ngay (chưa cho tắm nước ngọt); không tập trung đông người trên bãi biển; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong… tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất một mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển.

Chợ truyền thống cũng được phép mở lại với điều kiện bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng; có vách ngăn giữa người bán, người mua; tiểu thương và những người làm việc trực tiếp tại chợ phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19. Mỗi hộ gia đình được đi chợ 3 ngày/lần và phải có giấy đi mua hàng QRCode.

Các cuộc họp, tập huấn, hội thảo… trong nhà do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức (trừ hoạt động, sự kiện được cấp có thẩm quyền cho phép), không tập trung quá 20 người một phòng. Nếu người tham gia đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong 6 tháng thì được tăng số lượng không quá 100 người….

Đà Nẵng tiếp tục tạm dừng 7 loại hoạt động, gồm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ cắt tóc, gội đầu), karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử; lễ hội văn hóa, thể thao, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, giải đấu thể thao; khu phố đi bộ, chợ đêm; phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao có tiếp xúc trực tiếp…

Ngoài ra, thành phố tiếp tục tạm dừng hoạt động động dạy và học trực tiếp tại các đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục; phục vụ khách ăn, uống tại chỗ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; tổ chức ăn, uống tập thể tại đám hiếu, đám hỉ, tiệc liên hoan, tân gia; vận chuyển hành khách liên tỉnh.

Sở Y tế TP.HCM: Ca tử vong sau tiêm ‘không liên quan chất lượng vắc-xin Pfi21 er’

Tuổi Trẻ – Chiều 28/9, ngành y tế TP.HCM công bố kết luận ban đầu đối với một trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Pfizer tại TP là “không ghi nhận bằng chứng tử vong liên quan đến chất lượng vắc-xin”, do đó, tiếp tục sử dụng loại vắc-xin này.

Trong thông báo đăng tối 28/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trưa ngày 28/9, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo tạm thời ngưng tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer lô FK0112 trong khi chờ ý kiến đánh giá chuyên môn về một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin của Pfizer mới được ghi nhận.

Đầu giờ chiều ngày 28/9, Sở Y tế TP tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân đối với ca tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc-xin. Qua cuộc họp, kết luận ban đầu là không ghi nhận bằng chứng tử vong liên quan đến chất lượng vắc-xin; nguyên nhân tử vong cần chờ kết quả giám định pháp y.

Từ kết luận này, trong chiều cùng ngày, HCDC đã thông báo các đơn vị tiếp tục sử dụng vắc-xin của Pfizer để tiêm chủng cho người dân.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của TP vào chiều 28/9, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai phủ định thông tin báo chí đưa về việc một số quận, huyện đã ngưng tiêm vắc-xin Pfizer sau khi có chỉ đạo khẩn của Sở Y tế ngưng sử dụng vắc xin Pfizer lô FK0112 từ chiều ngày 28/9 cho đến khi có thông báo mới.

“Cho đến thời điểm này, Sở Y tế không có văn bản nào chỉ đạo ngưng tiêm vắc-xin Pfizer. Thành phố đã nhận được 640.000 liều vắc-xin của Bộ Y tế phân bổ và hiện đang phân bổ cho các địa phương để tiếp tục tiêm trong thời gian tới”, bà Mai nói.

Bà Mai cho biết trong quá trình quản lý điều hành, khi thấy có một số vấn đề cần chấn chỉnh lại thì Sở Y tế đã cho ngưng vào sáng nay.

Cộng gộp xét nghiệm PCR và test nhanh, tổng số ca dương tính của cả nước trong 24 giờ qua là 8.006 ca

Tuoitre – Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.589 ca nhiễm mới (xét nghiệm PCR), trong đó 6 ca nhập cảnh và 4.583 ca ghi nhận trong nước.

Ngoài ra, trong 24 giờ qua, TP.HCM thực hiện xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, kết quả ghi nhận 3.417 trường hợp dương tính.

Như vậy, cộng gộp số xét nghiệm PCR và test nhanh, tổng số ca dương tính của cả nước trong 24 giờ qua là 8.006 ca. Riêng tại TP.HCM, cộng gộp số xét nghiệm PCR và test nhanh dương tính là 3.794 ca.

Các tỉnh, thành phố khác ghi nhận số ca bệnh như sau: Bình Dương (2.575), Đồng Nai (787), An Giang (232), Long An (159), Kiên Giang (70), Tây Ninh (55), Cần Thơ (52), Bình Thuận (48), Tiền Giang (38), Khánh Hòa (35), Ninh Thuận (16), Bình Phước (15), Quảng Bình (15), Đắk Lắk (14), Hậu Giang (11), Hà Nam (11), Cà Mau (10), Vĩnh Long (8 ), Trà Vinh (7), Đồng Tháp (7), Hà Nội (6), Đắk Nông (5), Bình Định (5), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (4), Phú Yên (3), Bà Rịa – Vũng Tàu (3), Quảng Ninh (2), Bến Tre (2), Quảng Nam (2), Đà Nẵng (2), Bắc Giang (1), Bạc Liêu (1).

Trong 24 giờ qua, Việt Nam có thêm 21.487 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 178 ca tử vong.

Như vậy cả nước hiện có 770.640 ca nhiễm, trong đó có 559.941 ca khỏi bệnh, 191.766 ca đang điều trị, 18.936 ca tử vong.

Vì sao giá bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 “nhảy múa”?

Tuổi Trẻ – Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26 tháng 9 vừa qua, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cho biết, một bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 mua giá sỉ ở nước ngoài giá chỉ khoảng 1,5 USD (khoảng 35.000 đồng). Nếu Chính phủ cử bộ phận liên hệ trực tiếp với các đơn vị ở nước ngoài, với số lượng mua lên đến 100 triệu test, giá bán sẽ còn khoảng 1 USD, dưới 25.000 đồng/test.

Trong khi các địa phương đấu thầu các test này khoảng 70.000 – 80.000 đồng. Nếu giảm được 50.000 đồng/test, 100 triệu test giảm được 5.000 tỉ đồng…

Trao đổi với truyền thông Nhà nước về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế nói rằng: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do (rfa) sáng 28 tháng 9, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) giải thích vì sao có sự khác biệt cao về giá loại thiết bị y tế này trên thị trường:

Ông nói: “Cơ chế của Nhà nước bây giờ khác với trước. Cơ chế trước là Nhà nước định giá mọi cái từ A đến Z. Cơ chế bây giờ thì chỉ có những sản phẩm độc quyền hoặc những sản phẩm thuộc nhóm giữ vị trí thống lĩnh thị trường mà mức độ cạnh tranh yếu thì Nhà nước mới quy định giá. Ví dụ như điện, xăng dầu, hàng không…chứ không phải tất cả đều do Nhà nước định giá.

Tuy không định giá nhưng Nhà nước có quản lý. Nghĩa là khi giá cả biến động nhanh thì Nhà nước sẽ dùng biện pháp can thiệp để ổn định lại.

Những sản phẩm mà thị trường cạnh tranh tự do thì Nhà nước để cho thị trường quyết định. Còn những sản phẩm độc quyền hoặc độc quyền nhóm, nghĩa là chỉ một nhóm người mà chiếm thị phần rất lớn thì Nhà nước buộc phải có quy định giá.”

Ông Long nói thêm rằng, giá dịch vụ xét nghiệm hiện do Bộ Y tế quy định rõ, còn giá bộ xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.

Hiện nay, giá test nhanh mà Bộ Y tế công bố là khoảng 109.000 đồng đến 200.000 đồng một mẫu. Một số cơ sở tư nhân, phòng khám, giá xét nghiệm nhanh có thể cao hơn 300.000 đồng.

Nêu quan điểm trên facebook cá nhân, TS.BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON viết rằng:

“Tôi không biết họ lời bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc, họ muốn mang được hàng về Việt Nam phân phối, sẽ có nhiều thứ phải chi phí. Mỗi cửa đều có chi phí của nó.”

“Ngày thường, có nhiều “món” để “ăn”, nên chi phí có thể có giá cụ thể. Mùa dịch, nhiều người “khát”, mà “sở hụi” thì vẫn phải nộp. Chỉ có mỗi mặt hàng này, nên “vé qua cửa” cho hàng chục cái “cửa” có thể cao hơn so với ngày thường. Đó là chưa kể chạy giấy đi đường, QR code, luồng xanh…”

“Chắc chắn là mỗi phát minh chống dịch của chính phủ và các chính phủ địa phương, mỗi lần họ “đùng một cái”, là lại phát sinh thêm một mớ. Cho nên, đừng tưởng là các doanh nghiệp ăn khẳm khi thấy họ bán giá cao. Nhiều người “khẳm” cùng với doanh nghiệp lắm, thậm chí “khẳm” hơn doanh nghiệp nhiều.”

Tổng hợp