Trang chủ Tin tức Được chào test kit xét nghiệm COVID-19 giá chỉ 56.000 đồng, nhưng...

Được chào test kit xét nghiệm COVID-19 giá chỉ 56.000 đồng, nhưng cấp có thẩm quyền không mua?

0
539
Ảnh minh hoạ.

Doanh nghiệp đã gửi thư mời mua kit xét nghiệm nhanh giá 2,4USD (khoảng 56.000 đồng) ngay tại Việt Nam, vì sao giá test kit vẫn “nhảy múa”? Và những điều khó hiểu, theo Tuổi Trẻ.

Giá kit xét nghiệm COVID-19 đang là vấn đề rất nóng, khi giá công bố trên trang chính thức của Bộ Y tế từ gần 80.000 – 200.000 đồng/kit xét nghiệm nhanh, Bộ Y tế mới đây đã đề nghị sử dụng ngân sách mua kit xét nghiệm nhanh số lượng lớn với giá trên 60.000 đồng/bộ chưa tính thuế phí. Nhưng có doanh nghiệp (DN) đã chào giá thấp hơn.

Có test kit giá rẻ tại Việt Nam

Có lãnh đạo DN nói họ có thể mua giá 50.000 đồng/test kit (giá nhập khẩu đến Việt Nam đã bao gồm các loại thuế phí).

Và theo tìm hiểu, điều rất bất ngờ là ngay tại Việt Nam đã có DN gửi thư đến cấp có thẩm quyền, cho biết sẵn sàng bán với số lượng không giới hạn kit xét nghiệm nhanh giá 2,4 USD/bộ (khoảng 56.000 đồng, đã bao gồm thuế phí), rẻ hơn so với giá Bộ Y tế đề nghị mua.

Cụ thể, trong bức thư gửi tới cấp có thẩm quyền Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, giám đốc điều hành một DN sản xuất kit xét nghiệm nhanh có trụ sở tại Hàn Quốc cho biết, sản phẩm của DN này đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành ngày 14-7, được Bộ Y tế Hàn Quốc và EU chứng nhận, đã có gần 50 quốc gia sử dụng, sản phẩm cũng đang được phân phối ở 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã tìm hiểu và biết hiện có 20 loại kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên nhập khẩu vào Việt Nam, với giá công bố từ 79.800 – 200.000 đồng/bộ. Chúng tôi đề nghị cung cấp kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giấy phép lưu hành tại Việt Nam với giá 2 USD/test kit với số lượng không hạn chế, thông qua đơn vị nhập khẩu độc quyền tại Việt Nam” – thư viết.

Theo giải thích của nhà sản xuất, hãng này đã bán test kit trên thị trường với giá 3 – 3,4 USD, nhưng có thể cung cấp giá “đặc biệt cho Việt Nam” 2 USD/test kit.

Đây là giá FOB tại Hàn Quốc chưa bao gồm thuế phí, nếu tính phí nhập khẩu ủy thác, thuế VAT và phí chuyển hàng khoảng 20%/tổng đơn hàng, tức là 2,4 USD/test kit (khoảng 56.000 đồng/test kit mua tại Việt Nam).

Những điều khó hiểu

Theo thông tin từ một báo cáo đầu tháng 9 của Bộ Y tế, phương án bảo đảm công tác y tế với tình huống Việt Nam có 300.000 bệnh nhân dương tính, nhu cầu mua sinh phẩm xét nghiệm đã ở mức 9,5 triệu test kit PCR và 76,8 triệu kit xét nghiệm nhanh. Trong đó, ngoài số lượng của các địa phương, Bộ Y tế đề xuất mua 2,9 triệu test kit PCR và 16 triệu kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Tuy nhiên do tình hình dịch phức tạp, nhu cầu toàn quốc theo Bộ Y tế, cần tới trên 25 triệu test kit PCR và trên 100 triệu kit xét nghiệm nhanh. Bộ Y tế cũng đề xuất trích ngân sách mua với giá 60.000 đồng/kit xét nghiệm nhanh (chưa bao gồm thuế phí khoảng 20% như kể trên) và 100.000 đồng/test kit PCR, chưa bao gồm thuế phí.

Nếu so với giá công bố từ các DN trên cổng thông tin của Bộ Y tế, mức giá trong đề xuất này có vẻ hợp lý, nhưng nếu so với đề xuất của DN Hàn Quốc kể trên, mức giá này vẫn cao hơn trên 20%. Và phải xem xét 20% này ở số lượng cả trăm triệu test kit mới thấy khoản hơn 20% này là khổng lồ.

Theo một quan chức có trách nhiệm của Bộ Y tế, thời điểm tháng 6 vừa qua có thảo luận về việc chuẩn bị đấu thầu tập trung mua kit xét nghiệm nhanh và test kit PCR. “Mục tiêu là mua nhiều sẽ có mức giá tốt nhưng sau này không thấy bàn về việc này nữa”.

Khác với vắc xin ngừa COVID-19 có thể phải cho phép mua sắm đặc biệt do thị trường khan hiếm, nhưng kit xét nghiệm nhanh và test kit PCR thì khả năng cung cấp ngay tại Việt Nam có thể vượt nhu cầu sử dụng.

Đơn cử trong danh sách các nhà cung cấp mà Bộ Y tế công khai, có đơn vị có thể cung cấp tới 60 triệu test kit/ tháng, nhiều đơn vị cung cấp 5 triệu test kit/ tháng. Hoặc DN Hàn Quốc kể trên có thể cung cấp số lượng không hạn chế do năng lực công ty này là 100 triệu test kit/ tháng.

Với số lượng đơn vị cung cấp này và với tình hình giá kit xét nghiệm nhanh, test kit PCR trên thị trường, đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp có giá hợp lý nhất, chất lượng tốt nhất là hoàn toàn có thể, và sẽ tiết kiệm được nhiều cho ngân sách trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì lại không tổ chức đấu thầu tập trung hoặc hình thức đấu thầu nào có lợi nhất, mà tận tháng 9 này vẫn đề nghị “mua sắm đặc biệt” như với mua vắc-xin?.

Ảnh minh hoạ.

Liên quan đến diễn biến COVID-19 trong nước, VnExpress đưa tin, theo Bộ y tế, về xét nghiệm, trong 24 giờ qua đã thực hiện 15.043 xét nghiệm cho 130.796 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 18.152.139 mẫu cho 52.035.272 lượt người.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 770.640 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về điều trị, số người khỏi bệnh trong ngày: 21.487, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 559.941. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.358 ca.

Về tiêm chủng, trong ngày 27/9 có 879.618 liều vaccine được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 40.095.031 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 31.497.967 liều, tiêm mũi 2 là 8.597.064 liều.

Tổng hợp