Trang chủ Tin tức Tin trưa 3/10: Nông dân “khóc ròng” vì cà phê được mùa,...

Tin trưa 3/10: Nông dân “khóc ròng” vì cà phê được mùa, được giá; Trong đêm, gần 10.000 người từ phía Nam đổ về Tây Nguyên tránh dịch

0
241
Ảnh tổng hợp.

Nông dân “khóc ròng” vì cà phê được mùa

Laodong – Huyện Mường Ảng – nơi được coi là thủ phủ cà phê của Điện Biên đang có khoảng trên 2.000ha cà phê. Cách đây 4 năm, diện tích cà phê của địa phương này lên đến gần 4.000ha.

Theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, nhiều năm qua cây cà phê không không phát huy được giá trị kinh tế. Người trồng cà phê sống chật vật vì đầu ra không ổn định, giá thấp, không bù được chi phí sản xuất. Chính vì vậy, nhiều nông dân chặt bỏ cây cà phê để trồng ngô, sắn.

Trồng cà phê Arabica đòi hỏi rất nhiều công đầu tư, chăm sóc mới có năng suất. Đó là chưa kể phải đầu tư 1 khoản tiền lớn cho việc thuê hái. Cà phê Arabica có đặc điểm quả chín không đều nên phải thu hái làm nhiều đợt và tuân thủ những nguyên tắc nhất định.

Tuy nhiên, để hái cà phê đúng kỹ thuật thì năng suất lao động thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Nếu tăng giá thu hái để đảm bảo thu nhập cho người lao động thì lại “đội” chi phí cho các chủ vườn.

Bên cạnh đó, điệp khúc “được mùa – mất giá, được giá – mất mùa” diễn ra trong nhiều năm. Mỗi năm, đến mùa thu hoạch, người trồng cà phê luôn lo lắng cho dù được mùa hay được giá. Và kết quả là nhiều nông dân không đủ kiên nhẫn đã quyết định chặt hoặc bỏ không chăm sóc.

Trong khi cây cà phê chưa phát huy hiệu quả kinh tế với người trồng, nhưng từ nhiều năm qua, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên vẫn luôn kiên định với mục tiêu phát triển cây cà phê. Thậm chí còn coi cà phê là “cây mũi nhọn” trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Thực tế, trong gần hơn 20 năm qua, không thể phủ nhận vai trò của cây cà phê ở Mường Ảng bởi giá trị mà nó đem lại có thể nhìn thấy rõ là đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn tuy nhiên việc thu mua, đầu tư vào loại nông sản này của nhiều doanh nghiệp đã giảm đáng kể khiến giá thành rớt sâu.

Ông Tạ Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cái khó nhất để người lao động và người trồng đều sống được từ cây cà phê, chính là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm tương xứng với giá trị vốn có của nó.

Nhiều người đã nôn nóng chặt bỏ hàng nghìn hecta cà phê đang xanh tốt. Do vậy, khi cà phê vừa được mùa, được giá lại hứa hẹn có đầu ra ổn định thì nhiều nông dân đã phải “khóc ròng” vì nuối tiếc.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhà máy có ca F0 sẽ không phải đóng cửa toàn bộ

Vneconomy – Liên quan đến dự thảo thích ứng an toàn dịch bệnh đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến, vẫn còn nhiều nội dung băn khoăn như trong trường hợp doanh nghiệp có F0, F1 thì có bị phong tỏa hoặc đóng cửa hay không, cấp nào ra quyết định và việc mở lại ra sao? Nếu hướng dẫn này được ban hành thì có bãi bỏ chỉ thị 15, 16 và 19 hay không?

Trả lời câu hỏi của báo chí vấn đề này hôm 2 tháng 10, ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế – nói rằng trong tình hình mới, thích ứng an toàn sẽ thực hiện theo nguyên tắc 5K, vắc xin, thuốc và ý thức của người dân, cách ly an toàn hiệu quả, điều trị từ sớm từ xa…

Ông cho biết, với trường hợp doanh nghiệp có ca F0 ở phân xưởng thì không phải đóng cửa cả nhà máy mà khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi cách ly điều trị y tế, sàng lọc và đưa F1 cách ly, thực hiện phun sát trùng khử khuẩn, sau 24 tiếng đưa lực lượng mới đã được kiểm soát quay trở lại hoạt động.

Về chỉ thị 15, 16, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đang tiến hành rà soát và đánh giá lại, với tình hình dịch bệnh hiện nay trong tình hình mới sẽ nghiên cứu, trình Thủ tướng xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có các chỉ thị mới thay thế. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang rà soát, nghiên cứu để có báo cáo đề xuất cụ thể.

Trong đêm, gần 10.000 người từ phía Nam đổ về Tây Nguyên tránh dịch

Dân Trí – Bất chấp trời mưa lớn, trong đêm hàng nghìn người từ các tỉnh phía Nam vẫn đổ về Tây Nguyên. Trong số này phần lớn là người lao động tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai muốn trở về quê tránh dịch.

Ngày 3/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), đơn vị quản lý Chốt Kiểm soát dịch Cai Chanh (xã Đắk Ru) cho biết, từ 18h ngày 2/10 đến 6h sáng 3/10, có gần 10.000 người từ các tỉnh phía Nam trở về các tỉnh Tây Nguyên, riêng tỉnh Đắk Nông có 1.000 người.

Sau khi kiểm tra thông tin, tất cả người và phương tiện được lực lượng CSGT chia thành từng đoàn, dẫn từ Chốt kiểm soát dịch Cai Chanh đến Cầu 14, đoạn giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk.

Khôi phục dần vận tải hành khách

NLĐ – Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định 1740, kèm theo hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không), có hiệu lực từ ngày 1-10.

Xe khách hoạt động ra sao?

Theo quyết định trên, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng được Bộ GTVT chia 4 cấp độ. Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh. Cấp 2: Nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng. Cấp 3: Nguy cơ cao, tương ứng với màu cam. Cấp 4: Nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ.

Theo đó, tại vùng có nguy cơ thấp và trung bình, phương tiện giao thông được hoạt động bình thường. Tại vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), tiếp tục dừng vận chuyển hành khách công cộng (trừ taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử); trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ. Đối với các cảng hàng không, ga đường sắt thì được hoạt động để tiếp nhận hành khách, nhưng phải bảo đảm phòng chống dịch.

Còn tại vùng có nguy cơ cao (cấp 3): Giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất.

Bộ lưu ý, tại vùng có nguy cơ rất cao, tài xế taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.

Tại vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao: tài xế, nhân viên phục vụ trên xe phải xét nghiệm COVID-19 hằng tuần (7 ngày/lần) theo phương pháp nhanh hoặc RT-PCR;

Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên, sở GTVT tham mưu UB cấp tỉnh quyết định bảo đảm theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch. Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, sở GTVT 2 đầu tuyến tham mưu UB cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh;

Trong quyết định này không hướng dẫn việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Mở lại đường bay nội địa

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cũng vừa ký công văn xin ý kiến các địa phương trước khi triển khai cấp phép hoạt động các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1, sau khi Bộ GTVT ban hành Quyết định 1740. Kế hoạch này dự kiến thực hiện từ ngày 5/10.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.

Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ ngày. Trong đó, TP.HCM khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày; từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay.

Tổng hợp