Trang chủ Tin tức Sáng 11/10: Phó Thủ tướng có ý kiến về phí xét nghiệm...

Sáng 11/10: Phó Thủ tướng có ý kiến về phí xét nghiệm COVID-19 đắt hơn tiền chạy thận; Kiến nghị không cách ly tập trung với hành khách đi máy bay

0
268
Ảnh tổng hợp.

Hà Nội công bố mức phí cách ly tập trung 7 ngày tại khách sạn: Thấp nhất giá 1,3 triệu đồng/đêm

Danviet – Hà Nộivừa công bố danh sách khách sạn và giá dịch vụ để hành khách đi máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội lựa chọn làm nơi cách ly tập trung.

Cụ thể, theo chính quyền Hà Nội công bố, đối với phòng đơn thấp nhất 1,3 triệu/đêm, còn mức giá của khách sạn cao nhất là 4,6 triệu/đêm.

Trong đó, được xếp hạng 3 sao, khách sạn New Era ở 17 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, có giá thấp nhất trong số 20 khách sạn được chọn làm nơi cách ly tập trung, giá chỉ 1,3 triệu đồng/ngày đêm (phòng đơn), gần 1,9 triệu đồng/ngày đêm cho phòng đôi. Mức này đã bao gồm xe đưa đón, ăn 3 bữa/ngày và test Covid 2 lần.

Khách sạn Hòa Bình (3 sao, địa chỉ 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) có giá cao nhất từ 1,8 đến 4,6 triệu/ngày đêm với phòng đơn và 2,7 đến 6,9 triệu/ngày đêm cho phòng đôi. Mức này bao gồm cả ăn ba bữa, đồ uống đơn giản và giặt ướt.

Các khách sạn 5 sao có mức giá: Khách sạn Hyatt Regency West Hanoi có mức giá: 2,7 triệu đồng/đêm với phòng đơn; 3,7 triệu với phòng đôi; khách được phục vụ ăn 3 bữa, 4 đồ giặt/ngày.

Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội: 3 triệu đồng/đêm với phòng đơn; 4 triệu đồng với phòng đôi; Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake: 2,5 triệu đồng/đêm với phòng đơn; 3,23 triệu đồng/đêm với phòng đôi…

Nếu không chọn cách ly tập trung ở các khách sạn trên, hành khách có thể chọn cách ly tại các cơ sở của thành phố.

Mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh từ 13/10

Tối 10/10, Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời về mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ, gồm cả xe khách từ địa phương nguy cơ dịch COVID-19 cao tới vùng thấp hơn. Quyết định định thí điểm áp dụng từ ngày 13 – 20/10/2021.

Quy định này chỉ áp dụng với hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định bằng xe ô tô có điểm đi hoặc đến nằm trong vùng nguy cơ dịch bệnh rất cao, hoặc nguy cơ cao đi/đến địa phương nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn và ngược lại.

Với các địa phương có nguy cơ, hoặc địa phương bình thường mới thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường như khi chưa bùng phát dịch, không yêu cầu về điều kiện xét nghiệm, tiêm vắc-xin với hành khách; không hạn chế tần suất khai thác, khách chỉ cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế.

Hành khách khi đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương.

Hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72h trước khi lên xe ô tô.

Khi kết thúc chuyến đi, hành khách phải tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương.

Trong thời gian thí điểm, doanh nghiệp vận tải thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Cục hàng không kiến nghị bỏ giãn cách ghế trên máy bay, không cách ly tập trung

Trên báo Thanh Niên tối 10/10 cho hay, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ GTVT về việc nhiều chuyến bay không thực hiện được do vướng quy định cách ly của các địa phương.

Theo Cục Hàng không, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng yêu cầu cách ly tập trung đã khiến một số chuyến bay chưa thể thực hiện được ngay trong ngày 10/10.

Vì vậy, Cục Hàng không đề nghị các địa phương không yêu cầu hành khách phải cách ly tập trung.

Cục Hàng không cũng đề xuất, hành khách đi từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trở về các thành phố lớn làm việc. Nếu quy định hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, mũi 2 tiêm trước ngày bay 14 ngày như hiện nay thì các đường bay ngách và các chuyến bay chiều đến Hà Nội/TP.HCM từ các tỉnh thành khác sẽ có rất ít hành khách.

Đồng thời, Cục Hàng không cũng đề nghị bỏ giãn cách ghế trên máy bay để giảm áp lực chi phí/ghế và giá vé đối với hành khách do hành khách đã được xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Phó Thủ tướng có ý kiến về phí xét nghiệm COVID-19 đắt hơn tiền chạy thận

Dantri – Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phí xét nghiệm COVID-19 đối với những người có bệnh mãn tính.

Theo đó, ngày 20/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo Bộ Y tế thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế. Đến nay Bộ Y tế chưa có báo cáo.

Văn bản nêu rõ: “Tuy nhiên, dư luận tiếp tục phản ánh hiện tượng bất cập trong việc xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm quá sức chịu đựng của những người mắc bệnh suy thận mãn, kể cả những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm. Chẳng hạn như bài viết “Những bi kịch nơi buồng bệnh: Khi phí xét nghiệm COVID-19 còn đắt hơn tiền chạy thận” trên Báo Dân trí ngày 6/10″.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản trước đó, kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch về chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật về việc này.

Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

Trước đó, Dân trí có 3 bài viết liên tục về việc bệnh nhân chạy thận mùa dịch lâm vào cảnh vay nợ trả lãi, cạn kiệt túi tiền, khổ chồng khổ vì phí xét nghiệm COVID-19. Trong đó, nhiều nhà chuyên môn đã lên tiếng, đề xuất những giải pháp hỗ trợ bệnh nhân.

Xét nghiệm COVID-19 là điều kiện bắt buộc để vào các bệnh viện tại TP.HCM chăm sóc sức khỏe khi tình hình dịch căng thẳng. Tuy nhiên, chi phí mỗi lần xét nghiệm nhanh lên đến hơn 270.000 đồng, trong khi một lần chạy thận chỉ tốn hơn 260.000 đồng (có bảo hiểm hỗ trợ chi trả). Với chu kỳ chạy thận 3 ngày một tuần, khiến nhiều bệnh nhân chạy thận gặp vô vàn khó khăn.

Tổng hợp