Trang chủ Tin tức Tin trưa 19/10: Chủ tịch Đồng Nai nói ‘Kit test tỉnh khác...

Tin trưa 19/10: Chủ tịch Đồng Nai nói ‘Kit test tỉnh khác 70 ngàn, Đồng Nai hơn 200 ngàn’; Cảnh báo đợt mưa lớn tiếp tục kéo dài gần 1 tuần

0
221
Ảnh tổng hợp.

Chủ tịch Đồng Nai: Kit test tỉnh khác 70 ngàn, Đồng Nai hơn 200 ngàn

PLO – Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh vào ngày 18-10, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, trong ngày gần 400 ca nhiễm, tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh lên hơn 59.000 ca. Trong số đó có hơn 45.900 ca đã được xuất viện, 518 ca tử vong.

Về số ca nhiễm Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, thời gian trước tỉnh có số ca nhiễm ở mức gần 1000 ca mỗi ngày nên thời gian gần đây giảm sâu là thấy mừng. Tuy nhiên các tỉnh khác nhìn vào số ca nhiễm của tỉnh Đồng Nai vài trăm ca một ngày thì vẫn rất lo lắng.

Về giá kit test COVID-19, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện test nhanh cho công nhân theo định kỳ hướng dẫn của Bộ y tế và yêu cầu đi lại của người dân vẫn cần giấy xét nghiệm. Nhưng giá mỗi bộ kit test trên địa bàn tỉnh còn rất cao. Đề nghị Sở Y tế tham khảo một số địa phương khác có giá test nhanh thấp hơn.

“Tôi thấy có địa phương họ mua chỉ 60-70 ngàn đồng một chiếc, nếu test gộp chia ra chi phí chỉ khoảng 7 ngàn đồng/một người, ở Đồng Nai vẫn 200-300 ngàn đồng. Vì vậy cần kiểm soát giá lại các cơ sở Y tế, phòng khám tư nhân đảm bảo đúng giá thực tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu cần nghiên cứu để điều chỉnh có cần thiết phải làm xét nghiệm PCR khi đã có kết quả test nhanh dương tính hay không nhằm giảm chi phí, tránh lãng phí.

“Nếu cứ xét nghiệm PCR như vậy mỗi lần mấy trăm ngàn, một địa phương nhiều ca nhiễm thì một ngày tốn 3 đến 4 tỷ đồng tiền xét nghiệm PCR. Các địa phương khác một ngày vài trăm triệu PCR mà Đồng Nai hết cả chục tỉ thì choáng váng”.

Vì vậy ông Dũng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế đánh giá lại cách làm để giảm chi phí trong quá trình xét nghiệm PCR.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá xác định ca nhiễm COVID-19 phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Còn về giá test nhanh sẽ kiểm tra lại để có văn bản cụ thể thông tin với các cơ sở Y tế trên địa bàn.

Mưa lũ chưa rút, miền Trung lại có cảnh báo đợt mưa lớn kéo dài gần 1 tuần

Tuoitre – Từ hôm nay (19/10), đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Trung kết thúc. Dự báo từ ngày 22 đến 27-10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 15 đến ngày 18/10 ở miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 700mm. Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và Kon Tum có tổng lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300mm, khu vực Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai có tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm; Nghệ An có lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Dự báo trong sáng 19/10, ở khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Ông Nguyễn Hữu Thành, phó trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mưa lớn dồn dập ở các tỉnh miền Trung vừa qua là do chịu ảnh hưởng cộng hưởng nhiều yếu tố gồm dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp trên khu vực phía bắc ở Nam Trung Bộ, kết hợp với không khí lạnh tăng cường và nhiễu động gió đông trên cao nên ở miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to và xuất hiện một đợt lũ trên diện rộng.

Từ hôm nay, đợt mưa lớn ở miền Trung sẽ kết thúc. Trong những ngày tới, lũ trên các sông giảm dần. Trong hôm nay, không khí lạnh sẽ suy yếu dần, thời tiết ở miền Bắc không còn rét, chỉ còn lạnh vào đêm và sáng sớm.

Dự báo khả năng từ đêm 20-10, lại có một đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa nên từ ngày 21 đến 23-10, ở Bắc Bộ trời chuyển rét. Từ ngày 22 đến 27-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo – ông Thành nói.

Ông Thành cũng nhấn mạnh các tỉnh miền Trung đã liên tục có nhiều ngày mưa lớn và lượng mưa rất lớn nên đất đá ở vùng đồi núi đã bão hòa nước, nguy cơ sạt lở đất đá còn rất cao. Người dân cần đề phòng các hiện tượng sạt lở đất đá gây thiệt hại về người, tài sản.

Mẫu đồng ý tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em khiến nhiều người lo ngại

Hcdc – Hiện đang được dư luận quan tâm là việc tiêm vắc xin cho trẻ, trong đó có mẫu “đồng ý tham gia tiêm chủng vắc-xin COVID-19”, được ban hành theo Công văn số /BYT-DP, ban hành ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Y tế đang khiến nhiều người lo ngại.

Cụ thể mục 2 nêu rõ: Tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại

chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau

cơ…hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

Mục 3. Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng cần

liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Sau khi đọc xong 3 mục trong phiếu, phụ huynh, người giám hộ sẽ đưa quyết định có cho trẻ tiêm chủng hay không, bằng cách ký tên.

Hiện đa số lo ngại về mục 2, chỗ “… tai biến nặng sau khi tiêm chủng”. Một số người lo ngại, nếu họ quyết định không tiêm cho trẻ, thì con của họ có được đến trường hay không.

Bộ Y tế cho biết việc tiêm vắc-xin COVID-19 là tự nguyện. Tuy nhiên, chính quyền nhiều địa phương đã áp dụng thẻ xanh COVID-19, khiến nhiều người lao động muốn đi làm không còn cách nào khác bắt buộc phải tiêm chủng.

Với trẻ em, hiện chưa thấy trường nào ra quy định – trẻ phải chích vắc-xin COVID-19 mới cho đến trường, nhưng dư luận đang lo ngại sự việc có thể sẽ đi đến bước này.

Tổng hợp