Trang chủ Tin tức Tin tối 22/1: Dân bức xúc khi làm hồ sơ nhận hỗ...

Tin tối 22/1: Dân bức xúc khi làm hồ sơ nhận hỗ trợ; 22 hãng xe khách TP.HCM tăng giá

0
271
Ảnh tổng hợp.

Giá lợn hơi tăng đồng loạt, tiến sát mốc 60.000 đồng/kg

Tienphong – Sau đà tăng liên tiếp trong mấy ngày gần đây, giá lợn hơi hôm 21/1 tiếp tục tăng thêm 2.000-4.000 đồng/kg, có nơi đạt 58.000 đồng/kg và dự báo tăng tiếp trong những ngày sát Tết.

Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc đang dao động trong khoảng 54.000-58.000 đồng/kg. Trong đó, ở Thái Nguyên và Hà Nội, giá lợn hơi tăng nhiều nhất, với khoảng 4.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng theo xu hướng thị trường. Theo đó, giá thu mua ở khu vực này dao động trong khoảng 53.000 đến cao nhất là  56.000 đồng/kg, ở Nghệ An.

Tại miền Nam, giá lợn hơi ở một số địa phương cũng tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 53.000 – 56.000 đồng/kg.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, giá lợn hơi tăng trong mấy ngày gần đây do nhu cầu tiêu thụ của các cửa hàng, cơ sở chế biến giò, chả…, và sức mua của người dân bắt đầu cao trở lại.

22 hãng xe khách ở TP.HCM tăng giá vé Tết Nhâm Dần

Theo báo Zing, TP.HCM hiện có 51 đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh. Trong số đó có 22 hãng xe tăng giá vé phục vụ dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), cho biết Sở GTVT đã gửi Sở Y tế báo cáo về việc điều chỉnh y tế đối với vận tải hành khách liên tỉnh. Trong thời gian chờ, sở cũng có văn bản gửi các bến xe ở TP.HCM về việc ngừng quy định giãn cách trên ôtô. Các tỉnh, thành phố khác sẽ tùy theo quy định địa phương.

Theo ông Hải, hiện còn 10 tỉnh, thành phố chưa liên kết với TP.HCM.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố vẫn còn áp dụng quy định cách ly đối với người về quê. Do đó, ông Hải cho biết theo dự báo, sản lượng hành khách liên tỉnh năm nay của TP.HCM có thể chỉ đạt 50%, lĩnh vực đường sắt khoảng 30% và hàng không có sản lượng cao nhất khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng bến xe liên tỉnh ngày cao điểm ghi nhận khoảng 60.000 khách, so với cùng kỳ năm ngoái là khoảng 130.000 khách.

Dân bức xúc khi làm hồ sơ nhận hỗ trợ

Thanh Niên – Người dân là F0, F1 được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày tại UBND P.12 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) những ngày qua vừa vui mừng, vừa bức xúc vì phải đi tới lui điều chỉnh giấy tờ, người thì đông mà hạn chót nộp hồ sơ đã cận kề.

Ngày 19/1, Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của người dân ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM) về việc UBND P.12, Q.Bình Thạnh cấp Quyết định áp dụng biện pháp cách ly, điều trị tại nhà của cơ quan có thẩm quyền đối với F0, F1 cách ly tại nhà và Giấy xác nhận hoàn thành cách ly, điều trị cách ly tại nhà của cơ quan có thẩm quyền đối với F0, F1 cách ly tại nhà bất nhất, gây khó khăn khi làm hồ sơ nhận hỗ trợ 80.000 đồng/ngày.

Khoảng 14 giờ 20 ngày 21/1 tại Trạm Y tế P.12. Người dân tập trung trước Trung tâm Y tế P.12 rất đông để xin giấy Quyết định áp dụng biện pháp cách ly, điều trị tại nhà của cơ quan có thẩm quyền đối với F0, F1 hoặc xác nhận hoàn thành cách ly, điều trị cách ly tại nhà của F0, F1.

Mặc dù Trạm Y tế P.12 có thông báo khung giờ và phát phiếu để tiếp dân, nhưng do gần đến hạn chót nộp hồ sơ nên ai cũng sốt ruột chờ gọi tên.

Bước ra từ Trạm y tế P.12 với giấy hẹn trả hồ sơ trên tay, bà H. thở phào nhẹ nhõm nói rằng một buổi phát chừng 50 – 60 phiếu/buổi, đúng giờ người ta mới phát, nhưng đến muộn giờ là hết sạch.

Khoảng 14 giờ 43 phút, ông M. cầm bộ hồ sơ đến đã phải thở dài vì người quá đông. Theo ông M., trước mắt thấy yêu cầu mỗi người 2 bộ hồ sơ, nhà ông có 4 người thì tiền công chứng đã 400.000 đồng và thắc mắc không hiểu sao đã có giấy xác nhận hoàn thành điều trị, cách ly rồi còn cần thêm quyết định làm gì.

Chị T.T.T.L. (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho Thanh Niên, biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua chị có mẹ là F0, cha là F1 cùng được điều trị Covid-19 và cách ly y tế tại nhà (P.12, Q.Bình Thạnh). Sau đó, UBND P.12 cấp cho mẹ chị L. Giấy xác nhận hoàn thành điều trị, cách ly y tế phòng ngừa Covid-19, cấp cho cha chị L. Giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế phòng ngừa Covid-19.

Chị thắc mắc hỏi xin Quyết định áp dụng biện pháp cách ly, điều trị tại nhà của cơ quan có thẩm quyền đối với F0, F1 cách ly tại nhà, nhưng cán bộ nói chỉ cần giấy xác nhận như trên là đủ rồi.

Cho tới bây giờ khi phường thông báo việc nhận hỗ trợ mới phát sinh thêm giấy tờ, lên phường thì phường kêu qua Trạm Y tế xin, mà qua Trạm Y tế thì ngày nào cũng đông biết bao giờ mới tới lượt.

“Tôi cũng không biết vì sao ngày 27/1 là hạn chót nộp hồ sơ mà ngày 18/1 phường mới gửi thông báo cho dân. 4 ngày trôi qua rồi mà vẫn còn quá nhiều người chưa được cấp, tôi đến hai lần mà chưa lấy được số. Chưa kể có giấy tờ còn phải quay về phường chầu chực chứng thực, ở đâu cũng kẹt cứng. Tôi mong chính quyền địa phương sớm có cách giải quyết ổn thỏa cho dân”, chị L. bày tỏ.

Giá nhà tăng cao, thanh khoản xuống thấp

VnExpress – 12 tháng qua, giá căn hộ TP.HCM vẫn tiếp đà tăng song lượng tiêu thụ giảm mạnh nhất 6 năm, thấp kỷ lục kể từ năm 2015.

Báo cáo toàn cảnh thị trường nhà ở năm 2021 của DKRA Vietnam cho biết, năm qua, bình quân giá căn hộ chào bán tại TP.HCM tăng 10-15%. Đà tăng giá nhà trên 10% một năm cũng kéo dài liên tục trong hơn nửa thập kỷ trở lại đây song thanh khoản thị trường đang ở chiều ngược lại.

Năm 2021, TP.HCM tiêu thụ được 10.749 căn hộ, thấp hơn năm ngoái (bán được 15.200 căn) và kém hơn năm 2019 (tiêu thụ gần 23.000 căn) đồng thời thua xa giai đoạn 2015-2018 (sức mua đạt ngưỡng 25.000-36.000 căn mỗi năm).

Nghịch lý giá nhà tăng, thanh khoản giảm là do nguồn cung khan hiếm, đẩy giá liên tục tăng cao. Các chủ đầu tư dần dịch chuyển về phân khúc nhà cao cấp, hạng sang và bỏ qua phân khúc nhà bình dân (giá rẻ). Mặt bằng giá nhà chào bán trên thị trường sơ cấp tăng còn đến từ nguyên nhân chi phí đầu vào leo thang.

Trong năm 2021, TPHCM ghi nhận khoảng 22 dự án mở bán (9 dự án mới và 13 giai đoạn tiếp theo). Cung cấp cho thị trường khoảng 13.583 căn, bằng 77% so với năm 2020 rổ hàng 17.579 căn. Lượng tiêu thụ nhà trong năm qua ghi nhận đạt mức 79% nguồn cung mới với khoảng 10.749 căn đã giao dịch thành công. Nguồn cung và sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh so với năm 2020 trở về trước và thấp nhất kể từ năm 2015.

Tình hình dịch bệnh phức tạp trong năm 2021 cộng thêm khan hiếm nguồn cung càng khiến mức giá nhà tăng cao. Đại dịch Covid-19 cũng đẩy thị trường vào thế khó khi lực cầu (nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư) bị điều chỉnh xuống thấp.

Đơn vị này dự báo, trong năm 2022, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt như giai đoạn quý IV/2021, kinh tế trên đà phục hồi tích cực và các vướng mắc pháp lý liên quan đến việc cấp phép dự án được tháo gỡ, nguồn cung lẫn sức cầu của thị trường nhà ở hứa hẹn được cải thiện.

Tổng hợp