Thêm 21.901 ca mắc COVID-19
Thanh Niên – Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 7.2 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong các ca mắc mới có 14.982 ca trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2,38 triệu ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ 24.111 ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021) đến nay có 2,37 triệu ca nhiễm ghi nhận trong nước, trong đó có 2,12 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm cao trong đợt dịch này là: TP.HCM 514.649 ca, Bình Dương 293.000 ca, Hà Nội 153.899 ca, Đồng Nai 99.965 ca, Tây Ninh 88.606 ca.
Trong 24 giờ qua ghi nhận 97 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 3 ca (1 ca từ An Giang chuyển đến); Hà Nội 19 ca, Bình Định và Đồng Nai mỗi nơi ghi nhận 8 ca, Thừa Thiên – Huế 7 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.521 ca.
1.800 xe hàng tiếp tục mắc kẹt ở cửa khẩu phía Bắc
VnExpress – Xe hàng tiếp tục lên biên giới những ngày đầu năm mới khiến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn) tồn khoảng 1.800 xe.
Tính từ 3/2 đến 6/2, tổng lượng xe thông quan qua hai cửa khẩu này là 313. Trong khi đó, lượng xe hàng lên cửa khẩu tăng cao, nên đến sáng 7/2 số lượng xe mắc kẹt tăng lên 1.221 (cửa khẩu Hữu Nghị 634; cửa khẩu Tân Thanh 587).
Tình trạng ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu phía Bắc bắt đầu từ đầu tháng 12/2021 do phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng chống dịch, chỉ nhập hàng nhỏ giọt khiến hàng nghìn xe container ùn ứ. Đến giữa tháng 1, lo ngại trái cây bị hỏng do phải nằm chờ nhiều ngày, nhiều chủ hàng đã cho xe quay đầu vào nội địa bán rẻ cho người dân.
Thêm doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc?
Thanh Niên – Ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết sáng 8/2, Phòng Quản lý đất (thuộc Cục Thuế) báo cáo chứng từ trên hệ thống thuế chưa ghi nhận 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất khu đô thị Thủ Thiêm nộp tiền sử dụng đất.
Theo quy định trước ngày 6/2, 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm phải nộp 50% tiền sử dụng đất và nộp đầy đủ 37.364 tỷ đồng trước ngày 6/4. Riêng ba doanh nghiệp có phần diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ cần đóng thêm 1,5 tỷ đồng lệ phí trước bạ.
Trước đó thông báo thuế phát hành từ tháng 1/2022, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446m2 sẽ phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ. Mức giá mà công ty này trúng thầu cao gấp 6,6 lần giá khởi điểm.
Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất 3-8 rộng hơn 8.500m2, sẽ phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Giá đấu thành công cao 4 lần so với mức khởi điểm. Doanh nghiệp thứ ba, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh, trúng đấu giá lô đất 3-9, cần đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Giá trúng thầu cao gấp 6,9 lần so với giá gốc.
Mức giá trúng thầu cao kỷ lục gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm thuộc về Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng lô đất 3-12 diện tích gần 10.060 m2. Công ty này phải đóng tiền sử dụng đất 24.500 tỷ đồng.
Phía cơ quan thuế cho biết thông tin, có thêm 2 doanh nghiệp bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nhận được công văn chính thức về việc công ty trúng đấu giá lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đơn phương chấm dứt hợp đồng trúng đấu giá. Chính vì vậy thông báo thuế mà cơ quan ban hành trước đó vẫn chưa xử lý thu hồi, khi nào UBND TP.HCM có quyết định chính thức về việc hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, cơ quan thuế sẽ thu hồi thông báo nộp tiền sử dụng đất của đơn vị trúng thầu đất.
Kê biên tài sản nhiều nghìn tỷ trong đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng
VnExpress – Ông Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, quê Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 71 đồng phạm vừa bị Công an Đồng Nai đề nghị truy tố về tội Buôn lậu; Nhận hối lộ theo Điều 188 và 354 Bộ luật Hình sự. Trong đó, Hữu và Tứ là các đại gia có tiếng trong ngành xăng dầu khu vực phía Nam nhiều năm nay.
Theo cáo buộc, từ năm 2019, hai đại gia đã móc nối với nhiều giám đốc công ty tư nhân, góp vốn thuê tàu biển trọng tải lớn của Viễn buôn lậu xăng từ Singapore về. Khi xăng về vùng biển Việt Nam, Hữu điều các tàu Nhật Minh 07-09 ra chở về khu vực sông Hậu, Vĩnh Long để đưa đi các tỉnh tiêu thụ.
Tính đến tháng 2/2021 (thời điểm vụ án bị triệt phá), đường dây của Hữu, Viễn và đồng phạm đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ. Riêng ông Hữu bị cho là thu lợi nhiều nhất – hơn 105 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án sau khi xét xử, Công an Đồng Nai đã thu giữ và phong tỏa khối tài sản “khủng” của các bị can, ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, ngoài tang vật là các tàu Nhật Minh 06-09, khi khám xét nhà riêng và công ty của Hữu, cảnh sát thu giữ hơn 100 tỷ đồng, 123.000 USD; 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất ở TP HCM và Sóc Trăng; phong tỏa rất nhiều tài khoản ngân hàng của cá nhân, công ty… nhưng chưa công bố số dư.
Liên quan đến vụ án, Phan Lê Hoàng Anh (con gái Hữu, được cha nhờ đứng ra giao dịch tiền mua bán xăng) cũng bị kê biên 2 bất động sản ở TP HCM, 4 thẻ ngân hàng cùng nhiều điện thoại, xe máy…
Là một trong những đầu mối chính tiêu thụ xăng của Hữu, Nguyễn Hữu Tứ bị cho là thu lợi khoảng 44 tỷ đồng. Thời điểm bị khám xét, doanh nhân có tiếng ở miền Tây bị thu giữ hơn một tỷ đồng tiền mặt; 5 sổ tiết kiệm trị giá 50 tỷ; phong toả 20 tài khoản ngân hàng; kê biên 3 tàu biển, 4 ôtô và kê biên nhiều bất động sản ở TP HCM, Đồng Tháp…
Bị can Đào Ngọc Viễn – chuyên cung cấp tàu biển trọng tải lớn vận chuyển xăng lậu, bị thu giữ 5 tỷ đồng tiền mặt; 2 tàu thủy Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn), phong tỏa một tài khoản ngân hàng…
Ngoài các bị can cầm đầu đường dây, cơ quan điều tra cũng thu giữ, kê biên hàng chục bất động sản, xe bồn, tàu thủy… của nhiều chủ cây xăng tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, TP.HCM.
Trong đó, vợ chồng Trần Thị Thu Vân và Lê Thanh Tú (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc) – nhánh thứ hai tiêu thụ xăng lậu của Hữu sau Tứ, bị kê biên 4 tàu chở xăng và 14 thửa đất ở Bình Dương và TP HCM. Kết quả điều tra xác định, vợ chồng Vân và Tú thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng.
Các chủ cây xăng lớn khác như: Nguyễn Thăng Long (ngụ ở Đồng Nai) bị thu giữ 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Lê Thị Anh Thư 6 sổ đỏ, Đỗ Văn Ba 2 thửa đất, Lê Thanh Trung 6 số đỏ và hai tàu thủy…
Bị cáo buộc nhận hối lộ từ Hữu và Tứ để bỏ qua việc bắt giữ dường dây xăng lậu này, Ngô Văn Thuỵ (nguyên đội Trưởng kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam – Đội 3, Cục điều tra phòng chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị thu giữ 101.000 USD và 150 triệu đồng tiền mặt khi khám xét nhà riêng.
Tổng hợp