Trang chủ Tin tức Tin tối 7/4: Doanh nghiệp chờ kế hoạch giải ngân gói hỗ...

Tin tối 7/4: Doanh nghiệp chờ kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ 6.600 tỷ đồng

0
422
Ảnh tổng hợp.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh có Giám đốc mới sau 3 lần y bác sĩ căng băng-rôn đòi lương

VOV – Sáng 7/4, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm TS Lê Mạnh Cường giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh có Giám đốc mới trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về hoạt động tự chủ và trả lương cho cán bộ, y bác sĩ. Để giải quyết các khó khăn trên, tập thể lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam thống nhất phương án tái cơ cấu các chức vụ quản lý của bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo thống kê, công suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong quý 1/2021 chỉ đạt 15%, quý 2/2021 đạt 51,19% và quý 3/2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên. Đây là nguyên nhân khiến tập thể nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện bị nợ lương hơn 10 tháng (từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022). Thời gian qua, các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh từng ba lần xuống đường căng băng-rôn đòi lương.

Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh vay tạm ứng với số tiền gần 13 tỷ đồng để chi trả lương, chế độ cho các nhân viên và y bác sĩ. Số tiền vay tạm ứng được Bệnh viện Tuệ Tĩnh cam kết hoàn trả lại sau khi nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên do ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Bộ Y tế.

Dự án mở rộng đường 800 tỷ bị “bỏ ngỏ” 3 năm chưa xong

Dự án mở rộng đường Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân khởi công từ tháng 12/2019 với tổng mức đầu tư 815 tỷ đồng, là công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận: Ba Đình và Tây Hồ.

Mục tiêu dự án là xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ, đoạn từ nút giao lối rẽ vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với chiều dài khoảng 3,7 km, mở rộng mặt đường đê chính thêm 1 làn xe ô tô, đảm bảo 4 làn xe chạy trên tuyến chính, đồng thời cải tạo, mở rộng mặt đường gom phía ngoài đê bề rộng 5m.

Sau hơn 3 năm triển khai, dự án hiện đang “dậm chân tại chỗ”, trên công trường thường xuyên vắng bóng công nhân. Vật liệu và máy móc xây dựng nằm ngổn ngang, một số đoạn cây cối mọc um tùm.

Thông tin trên báo Tiền Phong, lý giải nguyên nhân dự án cấp bách nâng cấp, mở rộng đường Âu Cơ 3 năm chưa xong, đại diện UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng, dự án bị chậm là do Bộ NN&PTNT đang “găm” hồ sơ. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ NN&PTNT lại đưa ra bằng chứng phủ nhận việc này.

Chiêu tạo sốt đất ở vùng ven Đà Nẵng

Báo NLĐ đưa tin, sáng 7/4, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo sốt đất ảo để trục lợi xảy ra ở vùng nông thôn.

Theo sở này, thời gian gần đây, tại huyện Hòa Vang xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo nhằm mục đích trục lợi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong đó, các nhóm người này đã tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu thì không quá nhiều. Trong khi đó, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần, điều đáng nói là trong số này chủ yếu là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.

Theo Sở TN-MT TP. Đà Nẵng, thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu. Mục đích của thủ đoạn này nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau, với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước, nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất ở hay đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện này không nhiều.

Doanh nghiệp chờ kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ 6.600 tỷ đồng cho lao động

VnExpress – Liên tục nhận câu hỏi “bao giờ nhận đơn hỗ trợ thuê trọ” của công nhân, nhưng bộ phận hành chính các công ty chỉ biết trả lời “đợi kế hoạch của thành phố”.

Cuối tháng 3, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho lao động thuê trọ đang làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm hoặc quay lại thị trường. Trong đó người đang làm việc trong doanh nghiệp nhận hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người một tháng, nhận hàng tháng, tối đa ba tháng. Người quay lại thị trường lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế trọng điểm nhận một triệu đồng mỗi tháng, tối đa ba tháng.

Anh Trần Mạnh Cường, Phó phòng Tổ chức hành chính Tổng công ty May 10 (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội), nơi có hơn 3.000 lao động làm việc, cho biết tuần qua, cán bộ công đoàn, nhân sự doanh nghiệp liên tục nhận được câu hỏi từ công nhân về tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ quan phụ trách về lao động, bảo hiểm xã hội của quận Long Biên, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cho biết phải “đợi thành phố ban hành kế hoạch triển khai”.

Nhà máy May 10 tại Hà Nội có khoảng 400 công nhân thuê trọ quanh Sài Đồng, Long Biên, nơi giá thuê trọ khoảng một triệu đồng mỗi người. Món tiền hỗ trợ 500.000 đồng đến một triệu mỗi tháng, tùy nhóm lao động đáp ứng một nửa đến toàn bộ chi phí thuê nhà trong tháng, là khoản động viên công nhân sau hơn hai năm trải qua trong dịch.

Chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) liên tiếp nhận được câu hỏi của công nhân “bao giờ có tiền hỗ trợ thuê trọ?”. Ông Tân sốt ruột, phản ánh lên công đoàn khu công nghiệp, nhưng cũng chỉ biết chờ địa phương ban hành kế hoạch triển khai.

Hosiden – doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử có khoảng 6.000 lao động, phần lớn đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc, gần 2.000 công nhân trong số này đang thuê trọ quanh khu công nghiệp Quang Châu. Công nhân Hosiden phần lớn trọ trong thôn Núi Hiểu – nơi cách công ty chỉ vài trăm mét.

Theo khảo sát của cán bộ công đoàn, những phòng nhỏ, giá rẻ nhất khoảng 800.000 đồng, phòng có vệ sinh khép kín dao động 1,2-1,5 triệu đồng, chưa tính điện nước. Mức hỗ trợ đáp ứng được 60-80% chi phí tiền trọ cho công nhân. Sau Tết Nguyên đán, hơn 1.000 lao động của Hosiden trở thành F0, phải nghỉ việc 7-10 ngày điều trị. Nhiều công nhân chưa nhận được khoản nghỉ ốm từ Bảo hiểm xã hội nên đang mong có tiền hỗ trợ nhà trọ để trả sinh hoạt phí.

Tổng hợp