Trang chủ Tin tức Tin trưa 14/4: Nợ công của Việt Nam hơn 3,5 triệu tỷ...

Tin trưa 14/4: Nợ công của Việt Nam hơn 3,5 triệu tỷ đồng; Nguy cơ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ùn tắc khi thí điểm thu phí

0
577
Ảnh tổng hợp.

Nợ công của Việt Nam hơn 3,5 triệu tỷ đồng

Vietnamnet – Ngày 14/4, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố Bản tin nợ công số 13, thống kê tình hình nợ công của Việt Nam đến tháng 6/2021.

Nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo đó, tính đến 30/6/2021, nợ công của Việt Nam là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Trong đó, nợ của Chính phủ là hơn 3,1 triệu tỷ đồng (vay nước ngoài là 1,1 triệu tỷ đồng, vay trong nước là 2 triệu tỷ đồng). So với năm 2017, nợ của Chính phủ tăng thêm hơn 533 nghìn tỷ đồng.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 338 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với thời điểm năm 2017 (năm 2017 là 455 nghìn tỷ đồng) do Chính phủ  những năm gần đây siết việc cấp bảo lãnh.

Nợ của Chính quyền địa phương là hơn 46 nghìn tỷ đồng.

Tính từ năm 2019 đến 30/6/2021, các chủ nợ đã cho Việt Nam vay hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Trong đó chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản (hơn 333 nghìn tỷ), Hàn Quốc (hơn 33 nghìn tỷ), Pháp (trên 32 nghìn tỷ), Đức (trên 14 nghìn tỷ).

Tính theo đối tác đa phương, Ngân hàng Thế giới đứng đầu danh sách các tổ chức cho Việt Nam vay nhiều nhất với hơn 382 nghìn tỷ, đứng thứ hai là Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với hơn 193 nghìn tỷ.

Các chủ nợ tư nhân cho Việt Nam vay là hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 1,8 nghìn tỷ đồng của năm 2019.

Nguy cơ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ùn tắc khi thí điểm thu phí tự động không dừng

Xe chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng đi vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn chiểm tỷ lệ lớn, điều này dấy lên lo ngại khi thí điểm chỉ thu phí tự động không dừng (dự kiến từ 1/6 tới) tuyến đường này khó tránh khỏi ùn tắc.
Xe dán thẻ thu phí tự động đi vào cao tốc chưa cao

Theo thống kế của Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng (VIDIFI), dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua (từ 8 đến ngày 11/4) có 248.478 ô tô lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong số này chỉ có 134.691 xe đi vào làn không dừng (ETC), còn lại vẫn có tới 113.787 phương tiện đi vào làn hỗn hợp và làn một dừng. Như vậy, tỷ lệ xe đi vào làm ETC mới chiếm khoảng 54,21%, số phương tiện còn lại chưa dán thẻ đi vào làn ETC vẫn còn khá lớn.

Bà Bùi Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng cho biết, lưu lượng xe trong dịp cao điểm nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua lớn, để tránh ùn tắc, đơn vị đã mở một làn hỗn hợp và 7 làn đường một dừng, nhưng đôi lúc vẫn diễn ra ùn ứ kéo dài vài trăm mét.

Do vậy, nếu tỷ lệ xe dán thẻ đi vào làn ETC không tăng nhanh, dự kiến đầu tháng 6 tới, khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chỉ thực hiện thu phí tự động không dừng, ùn tắc tại trạm thu phí trên tuyến này là khó tránh khỏi.

“Thí điểm chỉ thu phí tự động không dừng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phụ thuộc vào nhà nước. Tuy nhiên, nếu lượng phương tiện đi trên cao tốc dán thẻ ETC chỉ ở mức 60-70% thì cần thiết phải bố trí thêm làn hỗn hợp để không gây ùn tắc tại trạm thu phí”, bà Quỳnh nhìn nhận thực tế.

Để dân lựa chọn chứ không chỉ đưa ra một lựa chọn duy nhất

Khi Bộ GTVT có chủ trương thí điểm thu phí tự động không dừng chỉ có phương tiện đủ điều kiện thu phí tự động mới được đi vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Với các phương tiện chưa có thẻ thu phí không dừng sẽ bị xử phạt hoặc từ chối phục vụ. Quy định thí điểm này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện.

Ông Đặng Thái Phương, Giám đốc Công ty CP giao dịch vận tải Phương Lâm (Hải Phòng) cho biết, nếu đường cao tốc không có làm thu phí hỗn hợp khi xảy ra sự cố về công nghệ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của các phương tiện, nhất là khi trên đường có lưu lượng lưu thông cao.

 Anh Lê Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH thương mại vận tải Trung Thành (Hải Phòng) chia sẻ, chính sách của nhà nước đưa ra  doanh nghiệp phải thực hiện, do vậy đơn vị đã chủ động dán thẻ cho phương tiện từ năm 2020.

 Tuy nhiên, ở góc độ người sử dụng dịch vụ, ông Long cho rằng chính sách nhà nước đưa ra cần công bằng và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Nếu xe không dán thẻ đi vào cao tốc sẽ bị phạt hoặc từ chối phục vụ, vậy khi thiết bị trục trặc, xe phải dừng chờ thì sẽ xử lý nhà cung cấp dịch vụ như thế nào.

 Theo Hiệp hội vận tải Hải Phòng, đứng ở góc độ thị trường người bán hay cung cấp dịch vụ đưa ra dịch vụ để người dân lựa chọn chứ không nên chỉ đưa ra một lựa chọn duy nhất cho người dân. Do vậy nên có làn hỗn hợp để phù hợp với thực tế hiện nay.

Đồng Nai: Trường học bị ngập lụt, hơn 1.000 học sinh phải nghỉ học

Thanh Niên – Sáng 15/4, thầy Phan Anh Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sáng nay nhà trường buộc phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học vì trường ngập lụt, đầy nước.

Thầy Tuyến cho biết, vào thời điểm rạng sáng, khu vực nhà trường đã xảy ra trận mưa lớn và kéo dài khiến nước dâng cao, gây ngập lụt. Để đảm bảo an toàn, nhà trường đã quyết định cho học sinh nghỉ học.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh có hơn 1.000 học sinh, nằm giáp với QL51 (đoạn cầu Đen thuộc P.Long Bình Tân). Đây là điểm đen ngập lụt nhiều năm qua ở TP.Biên Hòa.

Để giải quyết điểm ngập lụt này, TP. Biên Hòa đã triển khai dự án chống ngập có vốn đầu tư hơn 62 tỉ đồng.

Tổng hợp