Thi kết thúc học phần Tổ chức sự kiện: Sinh viên Quản lý văn hoá huy động trên 300 triệu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

0
110

Những ngày cuối tháng 5/2024 sinh viên các lớp thuộc Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật – Trường Đại học văn hoá TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện hướng đến cộng đồng, xây nhà tình thương, tặng qùa cho đồng bào, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Bình Phước và Bình Thuận. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, sinh viên đã tổ chức các sự kiện và huy động trên 300 triệu đồng (hiện vật, hiện kim) để hỗ trợ cho đồng bào và trẻ em dân tộc thiểu số.

Theo đó, vào ngày 22/5/2024 tại xã biên giới Phước Thiện, huyện Bù Đốp, Tỉnh, Bình Phước lớp Đại học quản lý văn hoá 16.1 (Chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hoá xã hội) đã tổ chức thành công sự kiện “Âm hưởng Vri Se Tek” bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật, gây quĩ thiện nguyện ủng hộ trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng. Đêm biểu diễn nghệ thuật đã thu hút hơn 500 khán giả đến đón xem và cỗ vũ với nhiều tiết mục hấp dẫn ca ngợi nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào thiểu số nói chung và đồng bào Stiêng nói riêng.

ThS Vũ Thị Bích Duyên – ThS Hồ Thị Như Vui trao biểu trưng trị giá 27 triệu đồng gồm thẻ bảo hiểm và quà cho học sinh (dân tộc Raglay) trường Tiểu học thôn Đồng Me tại sự kiện “Tánh Linh ngày về”.

Chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ các nhà hảo tâm từ rất nhiều nơi, nhiều phần quà có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng được trao đến tận tay những mảnh đời khó khăn tại nơi đây. Cụ thể, có 20 hộ dân được nhận 500.000 VNĐ/hộ cùng nhu yếu phẩm, 60 em học sinh được nhận các phần quà có giá trị khoảng 100.000 VNĐ/em phục vụ cho nhu cầu học tập của mình. Có 2 hộ nhận được nhiều sự quan tâm do hoàn cảnh của mình, mỗi hộ được nhận hiện kim là 5.000.000 VNĐ cùng nhu yếu phẩm và nhiều sự hỗ trợ về sau. Một hộ đồng bào khó khăn cũng được tài trợ 4.000.000 VNĐ để kéo điện vào nhà. Đặc biệt, gia đình cô Điểu Thị Xoài được nhận hỗ trợ mỗi tháng trong suốt 5 năm với tổng giá trị lên đến 42.000.000 VNĐ cùng các phần quà khác. Tổng giá trị tài trợ hiện vật và hiện kim cho chương trình trên 100 triệu đồng.

TS. Vũ Thị Phương – Trưởng Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật và sinh viên Thanh Xuân (Trưởng BTC sự kiện) trao 10 chiếc xe đạp cho học sinh thôn Đồng Me, Tánh Linh, Bình Thuận.

Ngày 25/5/2024 sinh viên lớp Đại học quản lý văn hoá 16.3 Chuyên ngành Tổ chức dàn dựng chương trình văn hoá nghệ thuật đã tổ chức thành công sự kiện “Tánh Linh ngày trở về”. Trong chuỗi sự kiện này sinh viên đã xây dựng một căn nhà tình thương dành cho hộ dân Trần Thị Tỵ (dân tộc Raglay) tại thôn Đồng Me, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận trị giá sáu mươi triệu đồng do tập thể lớp kêu gọi tài trợ từ các mạnh thường quân. Căn nhà được khởi công xây ngày 25/04/2024 và được khánh thành vào ngày diễn ra sự kiện 25/5/2024.

TS.Đạo diễn Hoàng Duẩn và Đại diện tập thể sinh viên Lớp ĐH. Quản lý văn hoá 16.3 trao biểu trưng trong buổi lễ trao nhà cho tình thương cho chị Trần Thị Tỵ (dân tộc Raglay).

Buổi tối là chương trình biểu diễn nghệ thuật và gây quĩ thiện nguyện diễn ra tại trường tiểu học Thôn Đồng Me  với sự tham gia biểu biễn của gần 100 sinh viên thuộc Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật và các nghệ sĩ của Đoàn ca múa Biển Xanh, tỉnh Bình Thuận. Chương trình gồm những tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm kịch với chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, lòng nhân ái, sự đùm bọc sẻ chia của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. “Tánh Linh ngày trở về” được dàn dựng công phu, đặc sắc, hấp dẫn đã để lại ấn tượng đẹp và mang nhiều xúc cảm trong lòng người xem.

 Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc do sinh viên Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật biểu diễn tại sự kiện “Tánh Linh ngày về” tại Tánh Linh, Bình Thuận.

Với thông điệp “Trao gửi yêu thương – Gieo mầm hy vọng” trong chương trình sinh viên cũng đã dành tặng cho các em học sinh là con em đồng bào dân tộc Raglay có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Đồng Me 50 phần quà, 25 thẻ bảo hiểm y tế, 10 chiếc xe đạp. Chương trình cũng đã dành tặng cho bà con đồng bào Raglay tại địa phương 59 phần quà.

Đại diện lãnh đạo địa phương trao 2 phần quà hiện kim cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 5.000.000 VND/hộ.

Giá trị hiện vật và hiện kim được trao cho trẻ em và các gia đình khó khăn lên đến hơn 200 triệu đồng. Nhiều quần áo, sách, tập, hoạt động cắt tóc miễn phí đã diễn ra suốt buổi sáng thu hút đông đảo trẻ em, học sinh, bà con địa phương.

 TS.Đạo diễn Hoàng Duẩn cùng giảng viên, đại diện sinh viên Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật, đại diện các đơn vị hỗ trợ cùng lãnh đạo địa phương tại lễ trao nhà tình thương cho chị Trần Thị Tỵ (dân tộc Raglay).

TS.Đạo diễn Hoàng Duẩn – Cố vấn sự kiện đại diện cho nhà tài trợ trao phần hiện kim trị giá 42.000.000 cho hộ dân Điểu Thị Xoài (dân tộc Stiêng) để hỗ trợ trong vòng 5 năm, mỗi tháng số tiền là 700.000 VND.

Đây cũng chính là những chương trình thi kết thúc học phần “Tổ chức sự kiện” do sinh viên thực hiện gắn kết việc học lý thuyết với thực tiễn theo định hướng đào tạo “ứng dụng” cũng là xu thế đào tạo của thời đại. Cả hai sự kiện trên do sinh viên các lớp năm thứ 3 của Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật tổ chức thực hiện, đây cũng là những chương trình thi kết thúc học phần “Tổ chức sự kiện” do TS – Đạo diễn Hoàng Duẩn, ThS. Vũ Thị Bích Duyên và ThS. Hồ Thị Như Vui hướng dẫn.

ThS Vũ Thị Bích Duyên giảng viên học phần tham gia biểu diễn giao lưu trong sự kiện “Âm hưởng Vri Se Tek”.

Một tiết mục do sinh viên lớp Đại học 16.3 (Chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hoá nghệ thuật) Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật biểu diễn tại  sự kiện “Tánh Linh ngày về”.

Sinh viên Lê Hồ Hoàng Yến, trưởng BTC sự kiện “Âm hưởng Vri Se Tek” cho biết: “Bài học đúc kết của học phần TCSK đó chính là kỹ năng kết nối, đối nội, đối ngoại; công tác chuẩn bị cần đảm bảo kỹ lưỡng và chặt chẽ; dự phòng các phương án để giải quyết các vấn đề rủi ro, phát sinh; đặc biệt hơn hết, đối với vị trí ban tổ chức hay các nhóm trưởng cần có kỹ năng điều phối, quản lý nhóm thật tốt..”.

Sinh viên Lê Hồ Hoàng Yến Trưởng BTC sự kiện “Âm hưởng Vri Se Tek” trao hoa và thư cám ơn cho TS.Đạo Diễn Hoàng Duẩn và ThS Vũ Thị Bích Duyên là các giảng viên của học phần.

Những năm qua, học phần Tổ chức sự kiện của Khoa Quản lý văn hoá, nghệ thuật được đào tạo theo định hướng ứng dụng của Lãnh đạo nhà trường nên các chương trình thi của sinh viên luôn được gắn kết lý thuyết với thực tiễn. Những sự kiện này do chính các sinh viên thực hiện lên ý tưởng, thực hiện viết kịch bản, dàn dựng, xin tài trợ, thực hiện công tác truyền thông, tổ chức sản xuất…Sinh viên học thật, thi thật, làm thật để có thêm những trải nghiệm thực tiễn quí báu giúp cho các em có thể dễ dàng tiếp cận công việc sau khi ra trường.

Tiết mục kịch tuyên truyền về an toàn giao thông tại sự kiện“Âm hưởng Vri Se Tek”.

Sinh viên lớp Đại học quản lý văn hoá 16.1 (Chuyên ngành Quản lý hoạt động văn hoá xã hội) biểu diễn tại sự kiện “Âm hưởng Vri Se Tek”.

Các tiết mục đậm đà bản sắc văn hoá do sinh viên lớp Đại học 16.3 (Chuyên ngành Tổ chức, dàn dựng chương trình văn hoá nghệ thuật) Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật biểu diễn tại  sự kiện “Tánh Linh ngày về”.

ThS Vũ Thị Bích Duyên – ThS Hồ Thị Như Vui trao hoa cám ơn các đơn vị tài trợ, hỗ trợ.

Ban tổ chức trao hoa cám ơn Lãnh đạo Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật và giảng viên cố vấn học phần “Tổ chức sự kiện”.

“Học phần Tổ chức sự kiện không chỉ cung cấp lý thuyết mà còn chú trọng đến ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn. Qua môn học này, chúng em không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản về quy trình tổ chức sự kiện mà còn có cơ hội tự tay thực hiện những dự án thực tế. Để tổ chức một sự kiện thành công, kỹ năng làm việc nhóm là vô cùng quan trọng, một sự kiện không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp ăn ý và sự thấu hiểu giữa các thành viên trong nhóm, đặc biệt là thành phần Ban tổ chức của sự kiện. Tiếp theo đó là cách xử lý các tình huống phát sinh bất ngờ, bất trắc không thể tránh khỏi trong công tác tổ chức sự kiện” Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Quanh cho biết.

Hoàng Hạc/Ảnh: Phiêu Linh – Bích Duyên – Ban truyền thông